Chuyện cây vông đỏ
Nhiều loại cây có công dụng chữa bệnh, từ lâu là bí quyết của đồng bào thiểu số đã được ông phổ biến đại trà đến tất cả người dân. Đồng bào dân tộc có bí mật riêng trong từng loại thuốc, họ tự chữa trị cho nhau và phải tuân thủ luật lệ là không có sự đồng ý của trưởng bản thì không ai được phép tiết lộ. Trong khi đó, mỗi toa thuốc Tây y dù ít tiền cũng là một khó khăn lớn với người nghèo. Nếu biết tận dụng cây cỏ xung quanh thì gánh nặng chi phí này sẽ giảm thiểu.
Từ đầu những năm 1960, ông đã len lỏi khắp các thôn bản vùng cao phía Bắc tìm cây thuốc. Có lần một thanh niên đi xe đạp ở tỉnh Hòa Bình bị ngã vào sớ đá tét chân, máu chảy đầm đìa. Một già làng người Mán đã chạy đi hái lá cây, giã nát rồi đắp vào. Ngay lập tức, vết thương cầm máu và người thanh niên đã có thể ngồi dậy uống rượu cùng với ông già nọ hai ngày sau vết thương đã kéo da non. Biết chuyện, Võ Văn Chi tìm tới xin được biết bài thuốc nhưng ông già làng nhất quyết không tiết lộ. Không nản chí, ông tiếp tục tìm tới nhà vị già làng nhiều lần thăm hỏi, rồi đưa ra lý lẽ: một bài thuốc hay là phải phục vụ vì số đông vô vụ lợi. Cuối cùng vị già làng cũng hiểu ra và chỉ cho ông đó là cây vông đỏ, một loại cây mọc khắp nơi ở Việt Nam.
TS. Võ Văn Chi thử nghiệm trên thỏ và thấy con thỏ bị cắt đứt động mạch nếu không dùng thuốc vông đỏ sẽ mất chín phút mới cầm máu, trong khi đó nếu có thuốc thì thời gian cầm máu chỉ là một phút. Từ kết quả đáng kinh ngạc trên, ông chế cây vông đỏ thành thuốc bột rồi cho lại những người thường xuyên đi rừng, cũng như giữ bên mình phòng khi bất trắc. Tác dụng của cây vông đỏ còn hiệu nghiệm ngay trên những người mắc chứng máu khó đông.
“Tôi viết sách cho dân nước tôi”
Phụ nữ vùng rẻo cao khi sinh nở thường được các bà mế cho tắm bằng những loại lá đặc biệt. Quan sát thau nước tắm, dần dần ông đã biết họ, tên của các loại cây này. Cứ thế, mỗi lần biết được tên hay công dụng của một loài cây ông đều tỉ mỉ ghi chép lại.
Bước chân ông rong ruổi từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Nghệ An, Bình Định, rồi cả vùng núi Tịnh Biên (An Giang), Sóc Trăng... Nghe kinh nghiệm dân gian rồi, ông còn khảo cứu tài liệu tiếng Trung và những ngôn ngữ khác về chủng cây. Để có kiến thức chuyên sâu về thuốc, ông còn mời những danh y như giáo sư-tiến sĩ Đỗ Tất Lợi cùng đi.
Thời gian nối tiếp đi qua, 40 năm sau, tập tài liệu ấy cứ dày dần lên đủ để ông làm một cuốn sách 1.500 trang có tựa Từ điển cây thuốc Việt Nam. Cuốn sách tổng hợp 3.165 loài cây có tác dụng chữa bệnh nhanh chóng được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Nhiều nhà khoa học nước ngoài tìm đến ông và ngạc nhiên lẫn khâm phục khi biết đó là công trình ông tự làm và không được hỗ trợ kinh phí từ bất cứ nguồn nào. Ông giải thích: “Tôi viết sách cho dân nước tôi đọc”. Đến nay, bất kỳ ai có cuốn sách trong tay đều tìm được cho mình những bài thuốc từ cỏ cây xung quanh để chữa bệnh cho mình và người thân.
Hiện nay tiến sĩ Võ Văn Chi đã có trên 70 công trình nghiên cứu khoa học và hơn 30 đầu sách có giá trị khoa học cao. Ông cũng từng là giảng viên của nhiều trường đại học lớn của cả nước. Tuy vậy, dù đã qua tuổi bát tuần ông vẫn học ngày học đêm. “Với tôi, học bao nhiêu thời gian cũng không đủ” - ông nói. Đam mê học tập cháy bỏng từ thuở thiếu thời đến khi đã là một cụ già. Năm tuổi, ông được các cụ dạy chữ Hán. Thời gian học đại học, trong khi bạn bè còn chưa thức dậy thì ông đã ôm sách vở lên thư viện hay hội trường để học đến khi tối mịt mới về lại phòng.
Tiến sĩ Võ Văn Chi chỉnh sửa bản thảo. Ảnh: THANH NHÃ
Còn sống là còn học, còn viết sách
Phần lớn sách vở, tài liệu thời những năm 1950 của thế kỷ trước là tiếng Latinh, Pháp, Anh hoặc Hán ngữ nên mỗi khi cần dịch ông lại chạy vạy khắp nơi để nhờ vả. Trong cái khó khăn ấy, ông phải tự mày mò học, học không ngừng nghỉ. Cuối cùng, Võ Văn Chi đã thành thạo nhiều ngôn ngữ như Latinh, Pháp, Anh, Hán...
Mấy năm trước, một đoàn người Ba Lan sang nghiên cứu. Khi đến thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ thấy có trồng cây chò nâu, loài cây này Vân Nam cũng có. Ông cho rằng tính chất phân bố đất, liền giải, chung khí hậu của hệ thực vật là không gián đoạn. Minh chứng cho điều này, ông dẫn họ đến một khu rừng toàn cây chò nâu cách Lào Cai 20 km. “Đối với nhà khoa học, khi chưa biết, chưa nghe, chưa thấy thì chưa nói” - ông quả quyết.
Năm 2007, trong một lần đi thực địa tại huyện Bù Đăng, Bình Phước, ông phát hiện ra một loài cây trà. Nghi ngờ đây là một loài cây mới, ông cẩn thận chụp ảnh rồi đem mẫu về. Vài tháng sau, một người học trò của ông giờ cũng đã là giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu về trà tìm tới ông chơi. Ông lấy mẫu vật ra cho xem. Người học trò này báo với hội nghiên cứu trà ở Nhật Bản. Bên Nhật cử ngay chuyên gia qua tìm hiểu và khẳng định đây là giống cây mới đặc hữu của Việt Nam. Nhận định được tầm quan trọng của nó, ông đã tìm tới chủ tịch huyện Bù Đăng đề nghị không cho người dân phá rừng để bảo tồn cho tốt giống cây này.
Nhiều lần được mời đi tham quan vườn thuốc Đông y, ông phát hiện nhiều loài cây bị ghi sai tên. Ông đính chính cái sai nhưng không phải ai cũng biết để sửa chữa, thay đổi. Có thể đó cũng là một lý do thôi thúc ông viết sách để ít ra hoặc may ra có người đọc sách, xem ảnh minh họa mà còn biết chính xác cây thuốc mà dùng. Bởi lẽ dùng sai thuốc thì tác hại với người bệnh là vô cùng ghê gớm.
Trong căn gác nhỏ, thấp nhất mỗi ngày 10 giờ đồng hồ tiến sĩ Võ Văn Chi vẫn miệt mài hoàn chỉnh cho bộ sách nối bản Từ điển cây thuốc Việt Nam. Lần này cuốn sách sẽ có số trang dày gấp đôi, gồm 4.800 loài cây thuốc. Một nửa cuộc đời ông đã dồn vào nó.
Ông rất thích xem đá bóng và chưa hề bỏ trận nào của đội tuyển bóng đá Việt Nam lẫn CLB Arsenal. “Bóng đá như cuộc đời vậy, nhiều khi bị dẫn bàn nhưng nếu có điều chỉnh đấu pháp hợp lý, nỗ lực tối đa thì vẫn lội ngược dòng giành chiến thắng. Thất bại thì không nản mới thành công được”. Mong sao ông luôn khỏe để cống hiến cho đời những trang sách giá trị.
Những tác phẩm nổi tiếng của tiến sĩ Võ Văn Chi:
Từ điển cây thuốc Việt Nam (1991), Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc Việt Nam (1998), Từ điển thực vật thông dụng (hai tập - 2003, 2004), Cây cỏ có ích ở Việt Nam, Từ điển sinh học Nga - Việt, Từ điển sinh học Anh–Việt, Cây thuốc An Giang, Hệ cây thuốc Tây Nguyên...