Cây trôm có tên khoa học là Sterculia foetida L. Đặc tính của chúng là ưa sáng và thích nơi cao ráo, phù hợp với vùng đất đồi núi, khô hạn nên được trồng phổ biến ở Bình Thuận, Ninh Thuận và những vùng đất cát khô cằn, không thích hợp với các loài cây ăn trái.
Ông Trần Văn Dũng ở ấp Chợ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, gia đình ông đã tận dụng vùng đất khô cằn, gần bãi biển Tân Thành để trồng 120 cây trôm, nay đã được 10 năm, mỗi năm thu hoạch trên vài trăm kg mủ, hiện mỗi kg mủ trắng (loại 1) bán được 300.000 đ. Theo ông, cây trôm rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh. Sau khi ươm hột, cây con cao trên 30 cm là có thể đem trồng. Tùy theo vùng đất, có thể trồng cách khoảng 4 x 4 m hoặc 3 x 3 m. Để cây mau phát triển cần bón thêm lân, NPK hoặc phân chuồng và thường xuyên tưới nước cho đến khi cây phát tán. Bình quân sau 3 - 4 năm cây sẽ bắt đầu cho mủ (nhựa).
Khi thu hoạch, người trồng chỉ cần đục vào vỏ cây một vài lỗ vuông hoặc tròn, sâu đụng tới phần gỗ. Chỉ vài hôm sau là nhựa cây sẽ từ từ tiết ra, đọng vào thân cây. Cứ 2, 3 ngày lấy nhựa một lần rồi đem phơi khô độ hai ba nắng là mủ sẽ cứng và dùng được. Thông thường, mỗi lỗ lấy khoảng 15 lần là hết mủ. Sau đó tiếp tục đục thêm những lỗ khác để khai thác tiếp. Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng trôm, mỗi năm chỉ khai thác mủ khoảng 6 tháng, thời gian còn lại để cho cây dưỡng sức. Hiệu quả thu được 2 kg mủ/cây/năm, nếu tính thành tiền, mỗi cây thu được 600.000 đ.
Được biết, cây trôm hiện nay có nhiều công dụng. Người ta có thể dùng gỗ để xẻ ván làm bao bì hoặc làm ván sợi, nhưng giá trị cao nhất vẫn là mủ trôm, tức nhựa cây. Mủ trôm có công dụng thanh nhiệt, làm mát gan, giải độc, lợi tiểu bằng cách ngâm với nước cho nở ra rồi cho thêm đường, dùng lạnh là ngon nhất. Đặc biệt mủ trôm còn được dùng trong công nghiệp chế biến nước giải khát nên dễ tìm được đầu ra, giúp cho bà con nông dân có cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp đối với những vùng đất kém màu mỡ.