Tên thường gọi: Bình bát
Tên khác: Na xiêm, Na nước
Tên tiếng Anh: Alligator apple, Corkwood, Mangrove anona, Monkey apple, Pond apple.
Tên khoa học: Annona glabra L.
Thuộc họ Na - Annonaceae
Hệ sinh thái vùng ngập lũ có hai cực đoan rất bất lợi mà nhiều loài cây trồng ít chịu nổi, khiến cho sinh cảnh thường trống trải. Đó là tình trạng khô hạn cực kỳ gay gắt vào mùa nắng và có thể bị ngập sâu liên tục nhiều ngày trong mùa lũ. Bình bát là cây hoang dại có những đặc điểm hoàn toàn có thể chịu được cả hai cực đoan trên (chịu được khô hạn gay gắt mùa nắng hay ngập nước nhiều ngày trong mùa lũ, miễn không ngập lút đọt và rất dễ trồng) là loại cây tạp thân gỗ nhỏ, sống thọ, khả năng tái sinh chồi cực kỳ mạnh và chồi cũng lớn rất nhanh, lại còn có những đặc tính quí khác như chịu được đất nước nhiễm phèn nặng, kể cả đất nhiễm mặn theo mùa.
Đáng lưu ý là hệ thống rễ bình bát phát triển nhanh, vươn xa, bám đất tốt, đặc biệt phần gốc lớn rất nhanh và có xu thế phát triển xuống sâu khỏi mặt nước ngập, nên tác dụng ngăn sóng càng tốt hơn. Từ mùa thứ 2-3 trở đi, nếu trồng ở mật độ dày và tác động hợp lý bằng cách chặt thân chính vào mùa thích hợp, chồi phụ sẽ phát triển cực mạnh, giúp gốc thân và nhất là rễ ngoài đất càng phát triển phình to nhanh hơn. Bình bát còn ưu điểm khác là thân cây khá dẻo dai, khó gãy đổ, lại vươn cao có khi đến 5-7m với tàng lá xum xuê giúp cản gió tốt cho nhà ở nông thôn tại các cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ vốn rất trống trải. Đặc biệt sau mỗi lần cắt ngọn, gốc thân và cả bộ rễ càng thêm phát triển. Vì thế, ngoài việc trồng để làm gốc ghép cho mãng cầu dai, làm cây lấy củi đun nấu, còn có thể trồng làm hàng rào ranh đất và chắn sóng, chống sạt lở bờ cho kinh rạch, ao đìa khá tốt. Ngoài khả năng giữ bờ tốt, do cây bình bát lớn nhanh, say trái, nên cũng có khá nhiều công dụng khác, như thân dùng làm cừ tạm thời, làm củi đun nấu, làm mộc nhĩ, trái chín làm thức ăn cho cá tra, cá tai tượng (trên 1kg/con), hạt có thể dùng kết hợp dầu, xà phòng để diệt sâu rầy...
Cây bình bát mọc hoang nhiều ở vùng bán đảo Cà Mau, có thể trồng bình bát bằng cây con mới lên mùa trước hoặc thu trái chín từ tháng 6- 9 lấy hạt để gieo. Hạt nên phơi khô và gieo vào nơi đã chuẩn bị đất có rơm, rạ, rác mục... và tưới ẩm, hoặc nhờ nước mưa hạt sẽ nẩy mầm lên thành cây con. Khi được hơn 2-3 tháng tuổi (cao khoảng 3-5 cơi lá) thì nhổ đem trồng là tốt nhất, hoặc cũng có thể thu nhổ những cây con mọc hoang từ mùa trái rụng năm trước dọc theo các bờ ao, kinh rạch về làm giống trồng vẫn tốt.
Để chống sạt lở bờ tốt, cây bình bát cần phải có đủ tuổi lớn nhất định từ 3- 5 năm trở lên và phải được trồng theo hàng đôi, hàng ba đúng kỹ thuật để gốc thân và các bộ rễ của các hàng cây có đủ điều kiện phát triển lớn và câu, giữ, bảo vệ cho nhau trước khi đối mặt cùng sóng dữ. Nên trồng hai hay ba hàng cây so le nhau theo kiểu “nanh sấu”, cây cách cây 2-3 tấc, hàng cách hàng 3- 4 tấc. Khi cây đạt hơn một năm tuổi thì bắt đầu cắt ngọn mỗi năm một lần vào thời gian khoảng tháng 2-3 (lúc lá già rụng nhiều, cây chớm trổ hoa), cứ lần sau cắt cao hơn về phía ngọn 5-10cm; khi cây có gốc lớn vững chắc có thể cắt sâu xuống gốc thân miễn sao cây không chết là được. Để tạo điều kiện cho gốc thân và bộ rễ bình bát phát triển xuống chiều sâu, sẵn sàng đối mặt với sóng to khi bờ vách bị lở đến hàng cây đã chuẩn bị, thì khi gốc bình bát đạt đường kính lớn hơn 3cm, chúng ta có thể tiến hành đào một rãnh sâu cách gốc hàng cây phía ngoài mí nước khoảng chừng 5-7 tấc. Sau mỗi năm, khi cây lớn hơn càng được đào sâu càng tốt, bởi càng đào sâu thì rễ bình bát ăn xuống càng sâu, sau này càng vững chắc hơn.
Sau khi bờ cây bình bát được hai ba năm tuổi nên trồng kết hợp thêm lau, sậy cỏ vertive, gừa, tre trúc... thì bờ sẽ càng vững chắc thêm nhiều, và khi bờ đất lở đến đây sẽ khó gây sạt lở được nữa. Khi xây dựng mỗi cụm tuyến dân cư, nên hình thành một tuyến đê chắn sóng, chống xói lở ngay phía trước vùng bị sạt lở và trồng trước các loại cây nói trên thành một quần thể vững chắc.