Nông dân trên khắp đất Mỹ đang phải đối mặt với sự phát triển của cỏ dại là những loài chống lại hóa chất
Đối với Jeremy Leech - một nông dân trồng ngô và đậu tương gần thành phố Humboldt, bang Nebraska - cỏ phấn hương khổng lồ là một mối họa thường trực đối với nông trại, BBC đưa tin. Chúng chẳng những chống được hóa chất, mà còn có kích thước khá lớn.
Năm ngoái Leech chi khoảng 7.500 USD để mua hóa chất diệt cỏ. Tuy nhiên, chúng không diệt được loại cỏ khổng lồ trên đồng ruộng. Cỏ “bóp nghẹt” đậu tương và làm giảm thu nhập của Leech. Tệ hơn, phấn hoa của cỏ còn khiến bệnh hen suyễn của cô con gái 8 tuổi trở nên nghiêm trọng hơn.
Jeremy Leech đấu tranh với cỏ dại ở trang trại của mình tại Nebraska
“Khi phấn hoa của cỏ phát tán, con gái tôi không thể thở bình thường ở ngoài trời”, ông kể.
Phấn của cỏ dại phấn hương là tác nhân gây dị ứng theo mùa hàng đầu ở khu vực Bắc Mỹ.
Hàng nghìn nông dân trên khắp nước Mỹ đang đối mặt với tình cảnh giống Leech. Những cây cỏ dại có khả năng kháng các loại thuốc diệt cỏ mạnh nhất đang tung hoành trên đồng ruộng của họ. Giới khoa học nhận định cỏ kháng thuốc diệt cỏ sinh sôi mạnh mẽ do sự xuất hiện của những cây trồng biến đổi gene trên đồng ruộng từ thập niên 90.
Monsanto trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gene sau khi tung ra loại ngô và đậu tương được biến đổi gene để có khả năng chống glyphosate, một hóa chất diệt cỏ. Khi trồng những giống ngô và đậu tương đó, nông dân chỉ phải phun glyphosate một lần trên đồng ruộng. Glyphosate sẽ diệt hết cỏ, song không gây tác động đối với cây trồng. Nông dân nhanh chóng trồng đại trà các giống mới vì chúng giúp họ giảm đáng kể chi phí sản xuất.
“Hồi ấy chúng tôi nghĩ rằng glyphosate sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Suy nghĩ ấy đúng trong vài năm đầu, bởi mọi người có thể khiến cỏ biến mất hoàn toàn trên những cánh đồng đậu tương”, Van Leech, bố của Jeremy Leech, hồi tưởng.
Thu hoạch noog tại trang tại Leech ở Nebraska
Nhưng vài năm sau, những cây cỏ dại không chết sau khi nông dân phun glyphosate. Chúng “khỏe” đến nỗi nhiều nông dân phun thuốc diệt cỏ tới 24 lần mà chúng vẫn sinh trưởng. Với kích thước khổng lồ, cỏ khổng lồ lấy hết ánh sáng và dưỡng chất của cây ngô và đậu tương. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, nếu một cây cỏ khổng lồ mọc trong thửa ruộng có diện tích 10m2, năng suất cây trồng sẽ giảm tới 50%.
“Suốt 15 năm qua, tôi liên tục cảnh báo rằng nếu nông dân cứ lạm dụng thuốc diệt cỏ thì họ sẽ đối mặt với thảm họa trong tương lai. Giờ đây thảm họa đã tới”, giáo sư Stevan Knezevic, một chuyên gia nông nghiệp của Đại học Nebraska, phát biểu.
Nhận thức được tình hình, các tập đoàn công nghệ sinh học cho rằng những giống cây trồng biến đổi gene mới sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất.
Dow Agrosciences - một công ty sản xuất giống cây trồng biến đổi biến đổi gene, thuốc trừ sâu và chất diệt cỏ tại Mỹ - thông báo họ sẽ tung ra những giống cây trồng có khả năng chống hai loại hóa chất. Một trong hai loại hóa chất ấy là dioxin - thành phần tạo nên chất độc da cam có khả năng diệt cỏ và lá cây. Quân đội Mỹ từng sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Dioxin, bao gồm khoảng 80 loại chất, có thể gây dị dạng, ung thư và rối loạn chức năng ở người lẫn động vật. Dioxin tồn tại bền vững trong môi trường và cơ thể sống.
“Sử dụng chất độc màu da cam là việc cần thiết vì siêu cỏ đã xuất hiện trên những cánh đồng có tổng diện tích lên tới 6 triệu hecta. Đây là một giải pháp an toàn và bền vững”, Dow Agrosciences tuyên bố.