Ở nhiều quốc gia cũng đã xuất bản Sách đỏ của riêng lãnh thổ. Việt Nam lần đầu tiên công bố Sách đỏ Thực vật vào năm 1996 và hơn 10 năm sau đó (2007) đã xuất bản lần thứ hai với sự bổ sung nhiều tư liệu mới và dựa trên tiêu chuẩn của IUCN. Sách đỏ Việt Nam phần Thực vật đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội và toàn cộng đồng về tính cấp thiết của việc bảo tồn đa dạng và tài nguyên sinh học nói chung, đồng thời góp phần cho cơ sở khoa học bảo tồn Thực vật ở nước ta. Bài báo tổng hợp, phân tích các tư liệu về tình hình các loài thực vật Việt Nam đứng trước nguy cơ bi đe doạ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên và biện pháp bảo tồn.
I. Phương pháp nghiên cứu
- Những thông tin được thu thập từ các nhà khoa học trong nhiều năm nghiên cứu và cơ sở hiện trạng ngày nay.
- Thu thập, phân tích và tổng hợp các tư liệu trong các công trình liên quan đã công bố như Sách đỏ Việt Nam (1996, 2007), Danh lục Đỏ Việt Nam (2007) của nhiều tác giả.
- Bổ sung các thông tin từ môt số công trình khoa học có liên quan, các phiếu điều tra hiện trạng các loài Thực vật nguy cơ bị đe doa tuyệt chủng ở Việt Nam (gần 700 phiếu), phiếu cơ sở dữ liệu về Thực vật Việt Nam (gần 10 nghìn phiếu),…
II. Kết quả nghiên cứu
1. Sự đa dạng các loài Thực vật có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam
Trong tổng số khoảng 25 ngành, 560 họ, 3700 chi với 18.000 loài Thực vật có ở hệ thực vật Việt Nam, đã có 7 ngành (28%), 111 họ (19,65%), 175 chi (4,80%) với 448 loài (2,50%) được đánh giá có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên ở Việt Nam. Cụ thể như sau (Bảng 1, 2):
- Ngành Mộc lan (Magnoliophyta) có 2 lớp, 91 họ (82%), 143 chi (82%) với 399 loài (89%). Trong đó lớp Mộc lan (Magnoliopsida) 73 họ, 95 chi với 282 loài; lớp Loa kèn (Liliopsida) 18 họ, 48 chi với 117 loài.
- Ngành Thông (Pinophyta) 6 họ (5,4%), 15 chi (8,6%) với 27 loài (6,0%).
- Ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) 1 họ (0,9%), 1 chi (0,6%) với 2 loài (0,5%).
- Ngành Thông đất (Lycopodiophyta) 1 họ (0,9%), 1 chi (0,6%) với 1 loài (0,2%).
- Ngành Rong đỏ (Rhodophyta) 5 họ (4,5%), 7 chi (4,0%) với 8 loài (1,8%).
- Ngành Rong nâu (Phaeophyta) 1 họ (0,9%), 2 chi (1,15%) với 5 loài (1,11%).
- Ngành Nấm (Mycophyta) 6 họ (5,4%), 6 chi (3,42%) với 6 loài (1,34%).
Như vậy nhóm Thực vật bậc cao có mạch gồm 4 ngành (57,15%), 99 họ (82,20%), 160 chi (91,43%) với 429 loài (95,75%); nhóm Thực vật bậc thấp có 3 ngành (42,85%), 12 họ (10,80%), 15 chi (8,57%) với 19 loài (4,25%). Các họ nhiều loài nhất (3 họ trên 20 loài) là họ Lan (69 loài), Dẻ (31 loài), Trúc đào (21 loài); các họ trên 10 loài (có 7 họ): họ Na (14 loài), Thiên lý (12 loài), Cúc (12 loài), Dầu (12 loài), Cà phê (11 loài), Tuế (11 loài); các họ 2-10 loài có 53 họ; các họ chỉ có 1 loài là 48 họ.
Bảng 1. Số lượng taxon thực vật có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên ở Việt Nam
Chú giải:Tỷ lệ số lượng taxon mỗi ngành/ tổng số taxon có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam.
Bảng 2. Các taxon chứa loài có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên ở Việt Nam
2. Tình hình đánh giá phân hạng các loài có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam
Uỷ ban cứu trợ các loài Động vật, Thực vật của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (SSC, IUCN) đã đề xuất 8 thứ hạng (Categories) và tiêu chuẩn (Criteria) để phân hạng tình trạng các loài bị đe doạ tuyệt chủng trên thế giới. Trên cơ sở đó, hội đồng biên tập Sách đỏ Việt Nam, phần Thực vật (2007) đã phân hạng 448 loài Thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam trong 5 phân hạng như sau (Bảng 3).
Bảng 3. Tình hình phân hạng các loài bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam
Chú giải: (1): % so với tổng số loài; (2): % so với số loài trong ngành; (3): % so với số loài trong cùng phân hạng; giá trị trong ngoặc là số loài tương ứng với lớp Magnoliopsida và Liliopsida.
2.1. Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (Extinct in the Wild- EW): 1 loài (0,22%), nằm trong ngành Mộc lan, lớp Loa kèn thuộc họ Lan (Orchidaceae) là Paphiopedilum vietnamense Cruiss & Perne (100%).
2.2. Rất nguy cấp (Critically Endangered –CR): 45 loài (10,04%). Trong đó ngành Mộc lan 40 loài (88,89%), lớp Mộc lan 29 loài và Loa kèn 11 loài; ngành Thông 4 loài (8,89%) và ngành Rong đỏ 1 loài (2,22%).
2.3. Nguy cấp (Endangered – EN): 189 loài (42,19%). Trong đó ngành Mộc lan 175 loài (92,60%), lớp Mộc lan 106 loài và Loa kèn 69 loài; ngành Thông 4 loài (2,12%); ngành Dương xỉ 1 loài (0,53%); ngành Rong đỏ 5 loài (2,65%); ngành Rong nâu 1 loài (0,53%) và ngành Nấm 3 loài (1,59%).
2.4. Sẽ nguy cấp (Vulnerable – VU): 209 loài (46,66%). Trong đó ngành Mộc lan 180 loài (86,12%), lớp Mộc lan 147 loài và Loa kèn 33 loài; ngành Thông 18 loài (8,61%), ngành Dương xỉ 1 loài (0,48%); ngành Thông đất 1 loài (0,48%); ngành Rong đỏ 2 loài (0,96%); ngành Rong nâu 4 loài (1,91%) và ngành Nấm 3 loài (1,44%).
2.5. Ít nguy cấp (Lower risk – LR): 4 loài (0,90%). Trong đó ngành Mộc lan 3 loài (75%) chỉ có lớp Loa kèn và ngành Thông 1 loài (25%).
Việt Nam không có phân hạng tuyệt chủng (Extinct – EX), Thiếu dẫn liệu (Data deficient – DD) và không đánh giá (Not evaluated – NE). Nhiều loài nhất nằm trong phân hạng sẽ nguy cấp (VU) (46,66%) và nguy cấp (EN) (42,19%), ít loài hơn nhiều là rất nguy cấp (CR) (10,04%), rất hiếm trường hợp ít nguy cấp (LR) (0,90%) và tuyệt chủng (EW) (0,22%).
Taxon có nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng nhất là ngành Mộc lan (89,06%), các ngành khác tỷ lệ rất ít là Thông (6,03%), Rong đỏ (1,79%), Nấm (1,34%), Rong nâu (1,12%), Dương xỉ (0,47%) và Thông đất (0,22%). Sở dĩ Mộc lan là ngành chiếm hầu hết số loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng vì đây cũng là taxon ưu thế về đa dạng loài và số lượng cá thể lớn, lại có giá trị tài nguyên cao hơn các ngành khác.
3. Những đặc điểm khác của các loài có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam
3.1. Dạng sống: Chủ yếu các loài là cây gỗ (126 loài, 28,13%) với ngành Mộc lan 110 loài, Thông 16 loài; tiếp theo là cây thảo (156 loài, 34,80%) với ngành Mộc lan 155 loài và Thông đất 1 loài; ít hơn là cây bụi (93 loài, 20,76%) với ngành Mộc lan 82 loài và Thông 11 loài; cây phụ sinh (45 loài, 10,44%) với Mộc lan 43 loài và Dương xỉ 2 loài. Các dạng sống khác có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều, như ký sinh 3 loài (0,67%) ở Mộc lan, bì sinh 1 loài (0,22%) ở Mộc lan, hoại sinh 1 loài (0,22%) ở Mộc lan, dạng củ 2 loài (0,47%) ở Mộc lan, dạng thân Tre 2 loài (0,47%) ở Mộc lan, dạng tản của Thực vật bậc thấp 19 loài (4,24%).
3.2. Sinh học, sinh thái: Hầu hết các loài tái sinh bằng hạt (228 loài), hiếm khi bằng chồi cành (94 loài) và rất ít là các hình thức khác. Nơi sống chủ yếu trong rừng nguyên sinh (340 loài), hiếm khi ở trảng cỏ, rừng ngập mặn, khu dân cư, hải đảo, ven bờ biển và dưới biển. Theo độ cao so với mực nước biển chủ yếu các loài phân bố ở khoảng trên dưới 700 m, rất ít ở độ cao trên 1.500 m hay dưới mực nước biển.
3.3. Phân bố: Các loài chủ yếu phân bố vùng rừng núi như Tây Bắc (165 loài), Đông Bắc (162 loài), duyên hải Trung Bộ (156 loài ) và Tây Nguyên (146 loài); ít hơn là các vùng đồng bằng ven biển như đồng bằng sông Hồng (61 loài), Bắc Trung bộ (77 loài), đồng bằng sông Cửu Long (37 loài) và vùng núi Đông Nam Bộ (54 loài). Số loài ghi mới thấy ở Việt Nam khoảng hơn 100 loài, được coi là gần đặc hữu (có thể chưa đủ tài liệu). Loài phân bố 1-2 điểm có khoảng 172 loài, 3-5 điểm có 122 loài, 5-10 điểm có 60 loài, Còn lại là trên 10 điểm hay phổ biến nhiều nơi. Các loài chỉ mới tìm thấy ở phía Bắc Việt Nam 177 loài và phía Nam 136 loài, chung cả 2 miền có 80 loài, chỉ thấy ở đảo 5 loài.
3.4. Giá trị khoa học: Thể hiện ở các loài là nguồn gen quí hiếm, độc đáo, loài duy nhất của chi hay đặc hữu Việt Nam (khoảng 256 loài), chủ yếu nằm trong ngành Mộc lan (235 loài), còn lại là Thông (14 loài) và ngành khác rất ít.
3.5. Giá trị sử dụng: Hầu hết các loài có giá trị sử dụng như cho gỗ (120 loài), làm thuốc (142 loài), cho quả ăn (5 loài), làm cảnh (68 loài) và các giá trị khác.
3.6. Tình trạng hiện nay: Các loài bị đe doạ tuyệt chủng chủ yếu do nguyên nhân khách quan (70%) như bị phá hại hệ sinh thái, môi trường sống (rừng), do khai thác quá mức,... Bên cạnh đó là chủ quan (30%) từ bản thân các loài như nơi cư trú bị chia cắt, phân bố hẹp hay số lượng cá thể ít.
3.7. Đề nghị biện pháp bảo vệ: Những ý kiến đóng góp về biện pháp bảo vệ các loài tập trung vào các nội dung như bảo vệ tại chỗ, khoanh nuôi, gây trồng mới, khai thác hợp lý, không phá hại nơi sống, đồng thời nghiên cứu mở rộng nơi phân bố, khả năng tái sinh.
III. Kết luận và đề nghị
1. Kết luận
- Kết quả phân tích, tổng hợp từ các tư liệu cho thấy những loài Thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam theo tiêu chuẩn phân hạng của IUCN có 7 ngành, 111 họ, 175 chi với 448 loài.
- Các loài Thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam nằm trong 5 phân hạng là: Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (EW) 1 loài, Rất nguy cấp (CR) 45 loài, nguy cấp (EN) 189 loài, Sẽ nguy cấp (VU) 209 loài và ít nguy cấp (LR) 4 loài.
- Các loài Thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam chủ yếu là cây gỗ, cây thảo và cây bụi; tái sinh bằng hạt hay chồi cành; nơi sống trong rừng ở độ cao trên dưới 700 m so với mặt nước biển; phân bố trong các vùng nhiều rừng núi như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên.
- Các loài ở mức độ khác nhau đều có giá trị khoa học hay sử dụng.
- Tình trạng các loài Thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam chủ yếu do khách quan (con người gây nên) và phần nào do cá thể ít.
- Các biện pháp bảo vệ được đề nghị là bảo vệ tại chỗ, gây trồng, khai thác hợp lý...
2. Đề nghị
Kết quả nghiên cứu các loài Thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam thời gian qua chỉ là bước đầu, hoàn toàn dựa trên các tư liện thu thập được từ điều tra phân loại Thực vật. Vì vậy nhiều nội dung và số liệu theo yêu cầu phân hạng của IUCN đều thiếu hay khập khiễng hay thậm chí không có (như khu phân bố, diện tích nơi cư trú, số lượng cá thể, ...). Do đó không đáp ứng được công việc nghiên cứu các loài một cách đầy đủ, có hệ thống. Cần thiết trong những năm tới nên xây dựng kế hoạch toàn diện và đáp ứng đầy đủ việc thu thập số liệu thực tế cho những loài sẽ được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ KHCN&MT, 1996: Sách đỏ Việt Nam, phần Thực vật. NXB. KH&KT, Hà Nội, 484 tr.
2. Bộ KH&CN, Viện KHCNVN, 2007: Danh lục đỏ Việt Nam. NXB. KHTN&CN, 414 tr.
3. Bộ KH&CN, Viện KHCNVN, 2007: Sách đỏ Việt Nam, phần 2 - Thực vật. NXB. KHTN&CN, 612 tr.
4. Nguyễn Tiến Bân và cs., 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 2. NXB. Nông nghiệp, 1204 tr.
5. Nguyễn Tiến Bân và cs., 2005: Danh lục các loài Thực vật Việt Nam, tập 3. NXB. Nông nghiệp, 1250 tr.
6. ĐHQG Hà Nội, Viện STTNSV, 2001: Danh lục các loài Thực vật Việt Nam, tập 1. NXB. Nông nghiệp, 1178 tr.
Nguyễn Khắc Khôi, Vũ Xuân Phương, Dương Đức Huyến,
Trần Thế Bách, Đỗ Thị Xuyến, Trần Thị Phương Anh
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật