Ở Việt Nam các loài thực vật “thèm thịt” tuy chưa được thống kê đấy đủ, nhưng có 2 họ mà nhiều người biết đến nhất là họ Bắt ruồi Droseraceae (3 loài) và họ Nắp ấm Nepenthaceae (3 loài). Hầu hết các loài này đều nằm trong số những loài thực vật kỳ diệu nhất trong thế giới của các loài cây ăn thịt.
Mới đây các nhà nghiên cứu Việt Nam (thuộc Viện Sinh học nhiệt đới) và các nhà khoa học Pháp đã thông báo họ đã tìm thấy cây ăn thịt Nepenthes thorelii (cây nắp ấm Thorel) ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thấy loài cây này sau hơn một thế kỷ đã gây xôn xao trong cộng đồng mạng, vì rất nhiều người sau khi đọc bài này cho rẳng họ đã “mắt thấy tay sờ” vào loài cây này mọc nhiều nơi ở Việt Nam. Một số bài viết trên mạng không phải là những nhà nghiên cứu đã tổng hợp các thông tin này làm dấy lên một phong trào “ném đá” các nhà nghiên cứu bằng những câu từ hoàn toàn không có căn cứ khoa học và những nghiên cứu chuyên sâu.
Để giúp bạn đọc có góc nhìn chiều sâu về các loài cây ăn thịt ở Việt Nam nói chung và những loài cây nắp ấm nói riêng. website SVRVN xin gửi đến những hình ảnh về một số loài ở Việt Nam.
CHIẾN THUẬT CỦA NHỮNG KẺ BẮT RUỒI
Khi mặt trời còn đang ngái ngủ, đâu đó trong vùng đầm lầy hay vùng ven biển khô cằn dòng họ nhà bắt ruồi Droseraceae đã thức dậy từ rất sớm, chuẩn bị bắt đầu cho một ngày săn mồi mưu sinh. Đầu tiên là những bông hoa rực rỡ sắc màu đua nở, những nụ hoa đầy ắp mùi hương quyến rũ nhờ gió ban mai chuyển đi khắp vùng. Mùi hương hoa sẽ làm cho lũ côn trùng háu đói sau một đêm ngon giấc thức tỉnh và tìm đến thưởng ngoạn bữa sáng. Cùng lúc đó ở đầu những chiếc lông dài mảnh mai mọc xung quanh thân cây và bông hoa rực rỡ ngát hương cũng tiết ra một loại dịch dính có tính kết dính rất mạnh và có vị ngọt và mùi thơm nhằm lừa bắt những kẻ phàm ăn. Sau khi hoàn tất quá trình sắp đặt những chiếc bẫy bắt mồi, nhà bắt ruồi đong đưa theo gió, chờ đợi và chờ đợi con mồi sập bẫy. Để kết liễu cuộc đời những con bướm đa tình, nàng ong hảo ngọt hay cả lũ ruồi khôn ngoan lanh lợi bậc nhất trong thế giới côn trùng có cánh.
Do trải qua quá trình tiến hóa và đấu tranh sinh tồn hàng triệu năm nên các loài Bắt ruồi ấn Drosera indica và Bắt ruồi bán nguyệt Drocera peltata nhận ra rằng chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi khi mặt trời thiêu đốt nơi mảnh đất chúng đang sinh tồn, thì chiến thuật săn mồi của chúng sẽ bị phá sản bởi các lớp nhựa dính của chúng bị sức nóng mặt trời làm cho khô cứng. Chiếc bẫy trở nên vô hiệu, do vậy việc nở hoa và tiết các chất dịch dính trước khi bình minh thức giấc là điều cần thiết và hiệu quả. Tuy nhiên đối với loài Bắt ruồi muỗng Drosera burmannii các chất dịch dính này lại được phát triển tiến hóa hơn một bước. Cho dù bị ánh nắng mặt trời chiếu vào cũng không bị khô cứng hoàn toàn mà vẫn có thể bắt dính con mồi dù không nhạy bằng buổi sáng sớm. Hầu hết các chất dịch dính tiết ra ở các loài bắt ruồi Drosera sp. đều có chức năng bắt giữ các loại côn trùng và chức năng tiêu hoá mạnh. Hơn nữa lá của nó lại có khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ con mồi, do đó có thể tiêu hoá và hấp thụ hết côn trùng bị dính bẫy. Các dưỡng chất này sẽ là nguồn bổ sung cần thiết cho cây phát triển và tồn tại vì chúng không thể tồng hợp được một số khoáng chất có từ đất như một số loài thực vật khác trong tự nhiên.
Bắt ruồi muỗng Drosera burmannii – ảnh: Lê Hoàng Hải
Bắt ruồi ấn Drosera indica – ảnh: Phùng Mỹ Trung
Bắt ruồi bán nguyệt Drocera peltata – ảnh: Lê Hoàng Hải
NHỮNG CHIẾC BÌNH ĐẦY CHẾT CHÓC
Khác với chiến thuật dùng nhựa dính để kết liễu con mồi. Những loài cây thuộc họ Nắp ấm Nepenthaceae dùng phương pháp tinh vi và hoàn hảo hơn. Những chiếc lá của nó có cuống rất dài, gốc của cuống là biến thành lá giả rộng, phần giữa biến thành dạng cuộn tròn nhỏ mà dài, phần trên đỉnh của lá biến thành hình cái ống hình trụ, bản thân phiến lá lại trở thành nắp bình. Ở mỗi chiếc bình hình trụ có phần đáy thắt lại và phần đáy đó tiết ra chất nhựa có mùi hương nhằm dẫn dụ con mồi – hầu hết là côn trùng. Trên miệng của vật hình cái bình cũng tiết ra một dịch mật, vách trong thành bình thì nhẵn bóng, mà ở phần dưới và phần đáy hộp đầy các tuyến có thể tiết ra dịch tiêu hoá. Các loài côn trùng bị hấp dẫn bởi các chất dẫn dụ sẽ kéo đến thưởng ngoạn bữa ăn ngon lành, nhưng chúng không hề cảm giác bị đe dọa và nhận ra đây có thể là bữa ăn cuối đời. Khi bị hút vào trong dịch mật ấy, rơi vào bên cạnh bình, nếu không cẩn thận, sẽ bị rơi thẳng vào bên trong bình. Một khi côn trùng rơi vào trong bình thì nắp bình lập tức đóng lại, do đó những loài côn trùng bay cũng không có cách nào thoát ra, hơn nữa thành bình cũng hẹp khiến việc bay ngược thẳng đứng không dễ dàng. Những côn trùng rơi vào đáy bình có chứa đầy dịch chứa các enzym tiêu hóa hay vi khuẩn này sẽ chỉ còn chờ chết và chờ bị tiêu hoá để cung cấp dưỡng chất cho cây hấp thụ.
Khi nhà khoa học Lecomte đặt tên cho nắp ấm Thorel, giới khoa học trên khắp hành tinh chỉ biết khoảng 40 loài nắp ấm và loài nắp ấm Thorel được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên ở xã Thị Tĩnh, huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương khoảng 1861-1869. Lúc này, các mẫu nắp ấm được gọi với tên Thorel 1032. Năm 1909, nhà thực vật học Paul Henri Lecomte mô tả chính thức về loài này, và ông đã lấy tên Thorel để đặt tên cho chúng Nepenthes thoreli để ghi nhớ công ơn người phát hiện. Kể từ khi Bois thu được mẫu vật của loài này ở Bình Dương năm 1903, cho đến khi nhóm của tiến sĩ Lưu Hồng Trường (thuộc Viện Sinh học nhiệt đới) tìm thấy ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thì chưa một ai ghi nhận sự tồn tại trong môi trường tự nhiên của cây nắp ấm Thorel.
Nắp ấm throreli Nepenthes throreli – ảnh: Lưu Hồng Trường
Nắp ấm throreli Nepenthes throreli – ảnh: Lê Hoàng Hải
Nắp ấm Nepenthes annamensis – ảnh: Lê Hoàng Hải
Nắp ấm đẹp Nepenthes mirabilis – ảnh: Huỳnh Mai Sơn