Diễn đá Dendrocalamus longivaginatus có chiều cao từ 15 đến 18 m, đường kính thân 10-12 cm, thân ngầm, mọc thành từng bụi. Ra hoa kéo dài 1 đến 2 năm sau đó thì chết.
Nơi thu được mẫu chuẩn thuộc làng Vĩnh Thịnh, xã Mỹ Lương, Yên Lập, Phú Thọ. Chúng phân bố tại dọc các đường đỉnh của rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở Phú Thọ, Yên Bái (Lương Thịnh - Trấn Yên) và Hà Giang (Quản Bạ và Hoàng Su Phì). Tuy nhiên chúng cũng được trồng trong các vườn tư nhân nơi có độ cao 50-100 m so với mực nước biển.
Tên khoa học: Dendrocalamus longivaginatus N. H. Xia, V. T. Nguyen & V. L. Le, được đặt do đặc điểm chúng có mo khá dài.
Tên Việt Nam: Diễn đá (do người địa phương gọi).
Diễn đá Dendrocalamus longivaginatus được đề nghị tình trạng bảo tồn ở mức Vulnerable (VU - Sẽ nguy cấp) theo tiêu chuẩn của IUCN 2012 do các cá thể ngoài tự nhiên ước tính không quá 10.000 cây. Hơn nữa diện tích vùng phân bố (extent of occurrence - EOO) ước tính nhỏ hơn 20.000 km2 và diện tích khu phân bố (area of occurrence - AOO) ước tính nhỏ hơn 2000 km2, đây là các điều kiện để đưa ra tình trạng bảo tồn cho loài này.
Diễn đá Dendrocalamus longivaginatus trong tự nhiên. Ảnh Nguyễn Văn Thọ
Loài mới được mô tả bởi các nhà khoa học Nguyên Văn Thọ (Viện Khoa học Lâm Nghiệp), Lê Viết Lam (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Xia NianHe (Vườn thực vật Nam Trung Quốc) công bố trên tạp chí Novon, tập 23, số 3, trang 302-306, cuối năm 2014.