1. Đặt vấn đề
Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai đã từ lâu nổi tiếng với thị trấn Sa Pa trong sương, đỉnh cao Phan Si Păng…, là nơi lưu trữ nhiều điều kỳ lạ đối với khoa học sinh vật và địa chất. Những nghiên cứu về sinh vật đã khám phá ra nhiều taxon mới cho thấy Hoàng Liên không chỉ là cái nôi phát sinh mà còn là trung tâm đa dạng của thực vật hạt kín như lời viện sỹ hàn lâm khoa học Nga, Takhtajan (1970) đã khẳng định. Với những đặc thù về địa lý và khí hậu, thảm thực vật VQG Hoàng Liên, đặc biệt là ở đai cao (chúng tôi chọn độ cao trên 1600m so với mặt nước biển, theo Vũ Tự Lập, 1976) có những biểu hiện mà chỉ thấy ở vùng núi Hoàng Liên mà thôi. Đó là các đặc trưng của thảm thực vật ở đai cao, nó mang tính chất ôn đới và á nhiệt đới. Các điều kiện tự nhiên thuộc đai cao được cụ thể như sau:
Địa hình: gồm nhiều cấp địa hình, thay đổi từ 1700m đến 3143m, nhiều khối núi rất dốc(trung bình 20-30o), cao trên 200m và bị chia cắt mạnh, biên độ độ cao đến 2000m hoặc hơn. Có sạt đất.
Khí hâu: Các chế độ khí hậu đặc biệt trong khu vực: giông, mưa đá, mưa phùn, sương mù và sương muối. Theo quan điểm của Vũ Tự Lập, số liệu báo cáo của Trung tâm khí tượng tỉnh Lào Cai (2005), khí hậu của khu vực đai cao trên 1700m của VQG Hoàng Liên gồm:
Đai khí hậu á chí tuyến gió mùa trên núi (600-2600m), gồm 2 á đai: Á đai 600-1600 m và Á đai 1600 - 2600m. Á đai 1600-2066 ở độ cao 1600 - 2600 m, độ ẩm trung bình năm cao đạt 86%. Tổng số giờ nắng trung bình năm giảm xuống còn 1471,8 giờ, nhiệt độ trung bình năm đạt khoảng 4500-6200 oC. Lượng mưa trung bình năm đạt 3550 mm. Nhiệt độ trung bình năm đạt 12,7 oC, nhiệt độ trung bình mùa đông đạt 9,4 oC, nhiệt độ tối cao trong năm đạt 29,2 oC, nhiệt độ tối thấp trong năm đạt -3,5 oC, biên độ nhiệt giữa tháng nóng nhất (tháng 7) và tháng lạnh nhất (tháng 1) là 13,1oC.
Đai khí hậu ôn đới gió mùa trên núi : độ cao trên 2600 m, tổng số giờ nắng trung bình đạt 1525 giờ/năm, tổng nhiệt hằng năm dưới 4500oC. Lượng mưa trung bình đạt >2500 mm/năm. Nhiệt độ trung bình năm đạt 7,8 oC, nhiệt độ tối cao trong năm đạt 24,4 oC, nhiệt độ tối thấp trong năm đạt -5,7 oC, biên độ nhiệt giữa tháng nóng nhất (tháng 7) và tháng lạnh nhất (tháng 1) là 7,7 oC.

2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở bản đồ địa hình tiến hành xác định ranh giới đai cao theo đường bình độ (đường đồng mức, 1600m, sử dụng máy xác định độ cao và GPS), khảo sát và lập ô tiêu chuẩn (kích thước đồng đều là 40 x 50m) trên các quần xã thực vật đặc trưng, phân tích mẫu theo phương pháp thông thường (Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997), đánh giá sự đa dạng của thảm thực vật theo tiêu chuẩn và thang phân loại của IUCN (1973) được Phan Kế Lộc áp dụng vào Việt Nam (1985) để khái quát nên các kiểu thảm đặc trưng cho đai cao của VQG, thang phân chia gồm thứ bậc như sau:
1.Lớp quần hệ (class)
1.A. Dưới lớp quần hệ (supclaass)
1.A1. Nhóm quần hệ (group)
1.A1c. Quần hệ (formation)
Dưới quần hệ (supformation).