Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CẢNH

Mang cổ thụ rừng về làm cây cảnh

Cập nhật ngày 13/8/2008 lúc 9:42:00 AM. Số lượt đọc: 1399.

Dường như với dân chơi cây cảnh bây giờ, các loại cây cảnh cỡ nhỏ, các loại bonsai... đã lỗi thời. Trào lưu thời thượng phải là chơi cây đại cảnh! Thế là người ta đổ xô vào cuộc đào bới, săn tìm những cây đại thụ ở khắp các ngóc ngách rừng sâu...

Giữa trưa một ngày đầu tháng 5, nắng đổ lửa trên các “rừng” đại cảnh của chủ Xuân, chủ Trường, chủ Đông, chủ Thắng, chủ Vinh ở ngay ven Quốc lộ 1A, thuộc xã Bình Nguyên, Thăng Bình (Quảng Nam). Gọi là “rừng” vì đến hàng trăm cây đủ loại cổ thụ lộc vừng, sung, tràm, thiên tuế, đa, đề, sanh, si, dương liễu... cây nào cây nấy cao to, có cây đường kính gốc lên đến hàng mét, chiều cao đến 5 m là thường. Chủ Trường bảo: "Sướng là ở cái chồi non nhú lên trên cái cây già ấy. Đặt trước cửa nhà mình, dòm đã con mắt lắm. Thú chơi là ở đó đó!”.

Theo Trường kể thì cây đại cảnh chủ yếu bán cho các “sếp” từ TP HCM ra mua và “sộp” nhất là từ Hà Nội vào. Trường nói nửa đùa nửa thật: “Nếu anh cũng dân đen như bọn này, mua về... nhà mình thì chỉ nên chơi những cây lộc vừng nhỏ nhỏ, chừng... vài triệu đồng như cây này, cây này... thôi. Còn nếu mua biếu “sếp” hoặc mua cho cơ quan, cho khu du lịch... thì mới chơi thứ dữ nhưng mua số nhiều thì bọn này sẵn sàng hạ giá cho. Bọn này từng bán hàng trăm cây cho khu du lịch sinh thái biển dưới Bình Minh (cùng huyện Thăng Bình). Họ trồng thành rừng dưới ấy".

“Rừng” đại cảnh của chủ Đông gần đấy cũng bề thế không kém cạnh gì. Chủ Đông thấy PV Người Lao Động (trong vai khách mua cây) gùn ghè gạ gẫm cái gốc lộc vừng tuổi chỉ chừng gần... 100 năm, thế trực, năm ngọn nảy lộc như ngũ hành chỉ thiên gì gì đấy được hét giá 700.000 đồng bèn bảo ngay: "Anh mua về nhà nên tui kêu giá đó là vừa bán vừa cho. Người ta đi đào, bê nguyên gốc rễ tận trên rừng Bình Lãnh (xã miền núi cùng huyện Thăng Bình) về tui mua vào đã 400.000 đồng rồi, còn công chăm sóc, tưới tắm nữa, thứ này đâu dễ sống. Chứ dân chơi thứ thiệt trong Nam ngoài Bắc đến mua thì chỉ chơi những cây tiền triệu thôi. Mà thế đã nhằm nhò chi. Trong Bình Thuận có cây lên đến ba, bốn chục triệu bạc. Họ mua chở về ngang đây, bà con tui lác mắt hết”.

Cứ như thể là phải chơi thứ cây cảnh lớn hơn, tầm vóc hơn mới thể hiện được cái tư tưởng chủ đạo của thú chơi cây cảnh là muốn “dồn cả thiên địa vào một thế cây, đem cả thiên nhiên về làm cảnh nhà mình” không bằng! Nhưng theo như lời các chủ “rừng” cây đại cảnh ở ven Quốc lộ 1A tại Bình Nguyên thì chính cái ý nghĩa mang tính “thời thượng” này đã “đẻ” ra khái niệm “đại cảnh”, cũng “đẻ” ra luôn cơn sốt khai thác cây cổ thụ làm cây đại cảnh. Vô hình trung miền Trung khô khiến cây càng lâu năm càng săn chắc đã trở thành nguồn cung ứng cây đại cảnh chính cho thị trường còn khá mới mẻ này. Suốt dọc dặm dài con đường thiên lý Bắc Nam đã hình thành những "rừng" cây đại cảnh xếp dọc ven đường từ Quảng Bình vào cho đến Ninh Thuận, Bình Thuận.

Việc đào bới cây đại cảnh cũng lắm công phu và không nhẹ nhàng. Cây to thì phải có xe ủi, xe múc, ròng rọc cùng dăm, bảy người xúm xít lấy tiền công. Còn những chuyến “phá rừng” khai thác cây đại cảnh thì lại càng công phu hơn. Những tay săn cây kéo quân, mang theo cả xe chuyên dụng vào các cánh rừng, ven bờ sông... tìm cây “được thế” rồi bứng cả gốc. Để lấy được một cây đại cảnh dây rễ chằng chịt ăn sâu, tỏa ra trong chu vi có khi lên đến hàng chục mét thì không biết bao nhiêu cây khác đã phải hy sinh. Đem về đến vườn, dựng đứng lên, còn phải tưới tắm, phun thuốc... biết mấy công trình. Ấy vậy mà cũng không ít cây cổ thụ sau khi xa rừng về phố sau mấy tháng trời chăm chút vẫn chết khô.

Cùng với địa bàn “giàu tiềm năng” là rừng, khe suối, bờ sông, cây đại cảnh còn được khai thác từ... vùng biển. Trên vùng cát toàn cát và nắng gió khắc nghiệt mà Cao Bá Quát từng than thở là "mỗi bước một thụt lùi", cây dương liễu một khi đã qua thời "thanh thanh" rồi thì càng trở nên queo quắt, xù xì, vẹo vọ theo tuổi tác càng cao. Cuộc săn lùng dương liễu cổ thụ có thế có thần đẹp đẽ, hào hoa, đào bứng nguyên cội về làm đại cảnh mới đầu là đào công khai, sau bị người dân cấm tiệt không cho bèn chuyển sang đào trộm ban đêm đã làm tan hoang không ít vườn nhà dân ở vùng Đông Thăng Bình. Nhưng rồi dần dà thấy cảnh mua bán cây đại cảnh nóng sốt lên, hiểu ra "giá trị mới" của những cái cây u cục vô dụng vốn chỉ choán chỗ trong vườn nhà, chính họ đã bắt đầu tham gia cuộc mua bán. Cứ thấy cây sân, si, đa, đề, lộc vừng, mù u, khế, tra... nào trong vườn nhà ra dáng đại cảnh thì ngã giá với các chủ “rừng” đại cảnh để kiếm vài trăm nghìn đồng.

Tháng 3, Hạt Kiểm lâm huyện miền núi cao Bắc Trà Mỹ (Quảng Nam) đã phát hiện một nhóm người từ huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đánh ôtô chở cây cổ thụ làm đại cảnh khai thác trái phép từ rừng. 10 cây lộc vừng cổ thụ loại có đường kính gốc lớn hơn 20 cm bị tịch thu, số còn lại được xuê xoa cho qua.

Theo ông Diệp Thanh Phong, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, thì do chủ trương xử lý tình trạng này còn quá mới mẻ, chưa cụ thể nên khó xử lý cho kiên quyết được. Ấy thế nhưng Quảng Nam cũng đã trở thành địa phương “tiên phong" trên cả nước xử lý tình trạng khai thác cổ thụ làm cây đại cảnh. Ông Phong cho biết chuyện này hiện đã trở thành cơn sốt, không chỉ riêng ở Quảng Nam mà nhiều tỉnh lân cận.

Theo Pháp Luật TP HCM, đào cây cổ thụ rừng về làm cây đại cảnh chắc chắn sẽ góp phần triệt hạ rừng, hủy hoại môi trường và có nguy cơ diệt chủng các loài cây. Tuy nhiên, tương tự như đối với cơn sốt nấm linh chi trước đây, chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này. Trên thực tế, việc chơi cây cảnh bình thường và cây cảnh thân gỗ có thể có nguồn gốc từ rừng mà càng có thể có nguồn gốc từ vườn nhà. Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xin ý kiến Cục Kiểm lâm và tạm thời xử lý việc khai thác cây rừng làm cây đại cảnh như đối với sản phẩm từ rừng. Nghĩa là khai thác, vận chuyển trái phép thì sẽ kiên quyết xứ lý nghiêm. Cây khai thác từ vườn nhà làm cây đại cảnh đưa vào buôn bán, lưu thông cũng phải có xác nhận của chính quyền và của kiểm lâm sở tại. Nhưng làm thế nào để kiểm soát, xác định gốc gác “đại cảnh nhà” hay “đại cảnh hoang dã” đối với các rừng đại cảnh của các tụ điểm mua bán, thu gom, bày bán đại cảnh khắp nơi? Câu trả lời của ông Phong là... chào thua.

Cục Kiểm lâm vừa có văn bản gửi các Chi cục Kiểm lâm các tỉnh yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn tình trạng đào bới cây rừng làm cây cảnh diễn ra gay gắt và phức tạp tại nhiều địa phương. Theo đó, các chi cục Kiểm lâm phải xây dựng phương án riêng về công tác quản lý, bảo vệ trên lĩnh vực này. Kiểm tra các tụ điểm mua bán, thu gom trái phép cây cảnh có nguồn gốc tự nhiên để xử lý.

 

(theo Vietbao.vn)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023