Lượt truy cập thứ 52,738,019 Có 328 người đang truy cập
|
|
Thảm thực vật tự nhiên ở vườn quốc gia Hoàng LiênCập nhật ngày 7/6/2008 lúc 2:41:00 PM. Số lượt đọc: 4032.Đánh giá thảm thực vật dựa trên quan điểm ngoại mạo cấu trúc theo khung phân loại thảm thực vật của UNESCO là hữu hiệu và dễ áp dụng trong việc quản lý ở các khu bảo tồn như Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên. Đánh giá thảm thực vật dựa trên quan điểm ngoại mạo cấu trúc theo khung phân loại thảm thực vật của UNESCO là hữu hiệu và dễ áp dụng trong việc quản lý ở các khu bảo tồn như Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên. Trong bài báo này, căn cứ theo khung phân loại thảm thực vật của UNESCO (1973) và được áp dụng vào Việt Nam bởi Phan Kế Lộc (1985), 13 quần hệ rừng tự nhiên của VQG Hoàng Liên đã được mô tả khái quát. 4 quần hệ đầu tiên thuộc về lớp rừng kín, quần hệ tiếp theo thuộc lớp rừng thưa, có 2 quần hệ thuộc lớp trảng cây bụi và 6 quần hệ cuối cùng thuộc về lớp trảng cỏ. Kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng cho công tác bảo tồn và giám sát tài nguyên thiên nhiên ở Hoàng Liên. Đặt vấn đê Thảm thực vật ở VQG Hoàng Liên, cùng với thời gian, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, đã dần biến đổi. Từ khi được nâng hạng thành VQG, chưa có một đánh giá cụ thể nào về thảm thực vật trên quy mô toàn VQG. Do đó, việc xây dựng và đánh giá lại tính đa dạng của thảm thực vật sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý, bảo tồn và đó còn là kết quả của công tác quản lý của VQG Hoàng Liên từ khi được thành lập đến nay. Phương pháp nghiên cứu Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, có nhiều trường phái, quan điểm khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu về thảm thực vật. Một trong số đó, khung phân loại thảm thực vật của UNESCO (1973), xây dựng trên quan điểm ngoại mạo cấu trúc được coi là dễ áp dụng và phù hợp trong công tác quản lý. Khung phân loại này đã được Phan Kế Lộc áp dụng vào Việt Nam (1985). Chúng tôi coi đó là cơ sở để xây dựng nên khung phân loại thảm thực vật ở khu vực nghiên cứu. Kế thừa những nghiên cứu có trước ở khu vực: các công trình của Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời (1999), Trần Đình Lý và tập thể (1996, 1997), Nguyễn Nghĩa Thìn và tập thể (2006, 2007), kết hợp với khảo sát thực địa làm cơ sở cho việc mô tả chi tiết các đơn vị trong hệ thống phân loại thảm thực vật VQG Hoàng Liên. Kết quả nghiên cứu Lớp quần hệ rừng kín: Phân quần hệ RNĐTX mưa mùa trên núi thấp cây lá rộng: chiếm hầu hết diện tích trong vành đai này, nhưng do sự khai thác gỗ, củi, do hiện tượng phá rừng, đốt nương làm rẫy và du canh du cư của đồng bào các dân tộc cho nên hiện nay kiểu rừng này chỉ gặp trong thung lũng sâu, tách biệt, có sườn dốc, nơi mà con người khó khai thác và đốt rẫy làm nương. Cây gỗ thường đạt chiều cao 10-15m, đườn kính khoảng 20cm, đôi khi còn xót lại những cây gỗ to đến 40cm. Các họ có nhiều loài cây gỗ đặc trưng cho kiểu rừng này là: Dẻ - Fagaceae, Sau sau - Hamamelidaceae, Long não - Lauraceae, Mộc lan - Magnoliaceae, Hồng xiêm - Sapotaceae Hoa hồng - Rosaceaevà Chè - Theacaeae.
Phân quần hệ RNĐTX mưa mùa trên núi thấp hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim: phân bố khá phổ biến trong khu vực Séo Mý Tỷ (xã Tả Van) nhưng do tác động của con người nên hiện tại kiểu rừng này, mặc dù vẫn giữ được những nét đặc trưng của kiểu hình rừng thường xanh mưa mùa trên núi thấp hỗn giao nhưng đa số các loài cây lá kim hiện chỉ còn lại những cá thể nhỏ mặc dù số lượng còn nhiều. Cây gỗ thường đạt chiều cao 10-15m, đườn kính khoảng 20cm, đôi khi còn xót lại những cây gỗ to đến 40cm. Các loài cây gỗ lá rộng phổ biến ở đây thuộc các họ Dẻ - Fagaceae, Côm - Elaeocarpaceae, Mộc lan - Magnoliaceae, Thích - Aceraceae, Long não - Lauraceae, Hoa hồng - Rosaceae. Các loài Hạt trần phổ biến ở đây là Thông tre - Podocarpus neriifolius, Thông tre lá ngắn - Podocarpus pilgeri, Pơ mu - Forkienia hodginsii, Thông lông gà - Dacrydium elatum, Dẻ tùng sọc trắng - Amentotaxus argotaenia và Thông đỏ nam - Taxus wallichianus.
Phân quần hệ RNĐTX mưa mùa trên núi thấp cây lá kim: trước đây phân bố khá phổ biến trong khu vực Séo Mý Tỷ (xã Tả Van), ở đó là các vạt rừng Pơ mu - Forkienia hodginsii thuần loại nhưng do hoạt động chặt phá khai thác cạn kiệt (vì gỗ Pơ mu có giá trị rất cao) nên hiện tại nó chỉ còn lại là những vệt rừng rất hẹp, hiện đang được trồng bổ sung cây non và một số loài hạt trần khác (Sa mộc - Cunninghmia lanceolata, Thông lông gà - Dacrydium elatum).
Phân quần hệ RNĐTX mưa mùa trên núi trung bình cây lá rộng. hiện tại đây là kiểu rừng có thể nói là còn nguyên sinh nhất trong số các loại hình thảm thực vật ở VQG Hoàng Liên, phân bố khá dày trên các thung lũng, ở các sườn dốc trong nê từ các đỉnh núi thì nhìn xuống giống nhu một bức khảm. Đa số cây gỗ có rêu phủ, cao trung bình 18-25m, tán khép kín nên tầng dưới tán thưa. Các loài cây gỗ đặc trưng của kiểu thảm này thuộc các họ: Mộc lan - Magnoliaceae, Côm - Elaeocarpaceae, Sau sau - Hamamelidaceae, Dẻ - Fagaceae, Hồi - Illiciaceae, Chè - Theaceae, Đỗ quyên - Ericaceae (chi Rhododendron), Thích - Aceraceae, Hoa hồng - Rosaceae. Một loài cây gỗ rất đặc trưng cho kiểu rừng này gặp ở Hoàng Liên là Hồ mộc tây tạng - Huodendron tibeticum chiếm ưu thế cả về số lượng cá thể và vai trò trong cấu trúc tán. Rừng thường có cấu trúc 2 tầng cây gỗ (không có tầng nhô). Các loài thường là cây gỗ thấp từ 5 - 7 m, vỏ dày, có nhiều rêu phủ kín, phân cành sớm, cong queo, khúc khuỷu, tán lá thưa và lá dày. Tầng cây bụi thảm cỏ thưa thớt gồm các loài thuộc họ Mua - Melastomataceae, Kim cang - Smilacaceae, Thường sơn - Hydrangeaceae và Dương xỉ - Polypodiophyta, Quyển bá - Sellaginelaceae…
Phân quần hệ RNĐTX mưa mùa mưa mùa trên núi trung bình hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim: ở kiểu rừng này xuất hiện các loài cây lá kim mọc xen với các cây lá rộng. Chúng ít có vai trò trong cấu trúc tổ thành, đặc biệt là về số lượng cá thể. Các đại diện của cây lá kim ở đây chỉ có một vài loài như Thông lùn - Abies delavayi, Thiết sam - Tsuga dumosa , Pơ mu - Fokienia hodginsii. Trong khi đó thành phần cây lá rộng gồm các loài thuộc các họ: Đỗ quyên - Ericaceae, Mộc lan - Magnoliaceae, Sau sau - Hamamelidaceae, Hoa hồng - Rosaceae, Long não - Lauraceae, Dẻ - Fagaceae, Chè - Theaceae… Tầng cây bụi và thảm cỏ cũng gồm gồm các loài thuộc họ Mua - Melastomataceae, Kim cang - Smilacaceae, Thường sơn - Hydrangeaceae và Dương xỉ - Polypodiophyta, Quyển bá - Sellaginelaceae…
Quần hệ RNĐTX tương đối ẩm ở núi cao (cận alpin): thuộc nhóm quần hệ RNĐTX mưa mùa, ở độ cao trên 2600m, gồm chủ yếu các cây gỗ thường xanh lá cứng, luôn có vẩy chồi, có thân cong queo, lùn (đôi khi gọi là rừng lùn trên núi cao). Các phân quần hệ gồm: Phân quần hệ RNĐTX tương đối ẩm ở núi cao cây lá rộng: Rừng thường có cấu trúc 2 tầng cây gỗ (không có tầng nhô). Các loài thường là cây gỗ thấp từ 5 - 7m, vỏ dày, có nhiều rêu phủ kín, phân cành sớm, cong queo, khúc khuỷu, tán thưa và lá dày. Các loài ưu thế nhất ở đây là Đỗ quyên - Rhododendron spp., Vót lá tim - Viburnum cordifolium, Hồng quang - Rhodoleia championii, Tỳ bà - Eryobotrya sp., các loài thuộc họ Dẻ (Fagaceae) và các cây gỗ nhỏ thuộc các họ Long não - Lauraceae, họ Nhân sâm - Araliaceae, Chè - Theaceae, Trân châu - Pittosporaceae, Dung - Symplocaceae, Bùi - Aquifoliaceae,…
Phân quần hệ RNĐTX mưa mùa trên núi trung bình hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim: mọc đan xen với các cây lá rộng giống như ở kiểu hình trên, còn các cây lá kim: Thông lùn - Abies delavayi, Thiết sam - Tsuga dumosa, Thiết sam thì mọc vượt lên khỏi đỗ quyên (tầng A0), nhìn từ xa như những chiếc nón màu xanh thẫm đặt trên thảm cỏ vậy.
Quần hệ rừng tre (Bambusoideae) nhiệt đới ở địa hình thấp và núi thấp: có nguồn gốc thứ sinh, phân bố ở hầu hết các độ cao khác nhau của VQG, ở mỗi một đai độ cao thường có một loài ưu thế khác nhau, đa số chúng mọc thuần loại, đôi khi xen kẽ với các loài cây lá rộng khác thuộc họ Long não - Lauraceae, họ Đỗ quyên - Ericaceae, họ Dung - Symplocaceae (khu vực đỉnh các giông và cận đỉnh Phan Si Păng). Trong nhiều loài tre mọc thành rừng như Tre lịm - Melocalamus compactiflorus, Hóp cần câu - Bambusa multiplex… thì thì Sặt gai vòng - Sinarundinaria griffithiana là loài đặc trưng nhất ở Hoàng Liên.
Lớp quần hệ rừng thưa: Điều tra thực địa chúng tôi thấy kiểu hình này có ở khu vực bị tác động của VQG, vùng hạ huyện (gồm các xã Bản Hồ, Tả Van), độ cao dưới 1800m, tầng cây gỗ chỉ đạt độ khép tán khoảng 40%, cấu trúc không có tầng lập quần. Các cây gỗ phổ biến thuộc về các họ Long não - Lauraceae, họ Sau sau - Hamamelidaceae, họ Thích - Aceraceae, họ Mộc lan - Magnoliaceae, họ Hoa hồng - Rosaceae, họ Dẻ - Fagaceae, họ Bồ đề - Styracaceae, họ Thôi chanh - Alangiaceae, họ Chè - Theaceae. , họ Thầu dầu - Euphorbiaceae (các chi Macaranga, Triadica, Balakata). Hiện tại đây là kiểu hình rừng khá phổ biển ở khu vực hạ huyện, nó bị tác động và có lẽ đang trong giai đoạn thoái trào chứ không phải phục hồi vì hầu hết các tầng cây non, cây gỗ nhỏ đã bị chặt hạ, thay vào đó là lớp thảm nhân tác dày đặc - Thảo quả - Amomum aromaticum. Người dân tác động mạnh vào rừng vì lợi nhuận từ việc trồng thảo quả là rất cao. Lớp quần hệ trảng cây bụi: Quần hệ trảng cây bụi chủ yếu thường xanh cây lá rộng trên đất địa đới: Hầu hết có nguồn gốc từ thứ sinh, được phục hồi trên nương rẫy bỏ hoang, ở vùng bìa rừng, vùng bị tác động của con người hoặc trên các đỉnh giông, nơi có gió mạnh và khô, lạnh. Gồm chủ yếu các cây gỗ dạng bụi cao từ 0,5 đến 7-8m, rất ít khi là cây bụi điển hình, thường mọc xen lẫn với cỏ ở các mức độ khác nhau. Phân quần hệ trảng cây bụi nhiệt đới chủ yếu thường xanh cây lá rộng trên đất địa đới có cây gỗ Hai lá mầm mọc rải rác: Đây là trạng thái phổ biến vùng hạ huyện, đó là hậu quả của quá trình phá rừng bởi sự khai thác quá mức, khai thác không kế hoạch, bởi hiện tượng phát nương làm rẫy và du canh du cư. Thực vật đặc trưng cho phân quần hệ này là những cây ưa sáng ở các mức độ khác nhau tuỳ theo vị trí, độ dốc, đất đai, độ ẩm mà thành phần của chúng sẽ khác nhau. Các loài thường gặp là Búp lệ - Buddleja spp., Râu ông lão - Clematis lechenaultiana, Bời lời - Litsea cubeba, Lu cu li - Luculia pinceana, các loài Mua - Osbeckia crinita, Oxyspora paniculata, Sơn trâm - Vaccinium sp., Gan tiền - Gaultheria sp., Ngải cứu - Artemisia vulgaris, Ngải tiên hoa trắng - Hedychium coronarium, Cỏ lào tím - Eupatorium adenophorum, Tràng quả - Desmodium sequax, Nghể chân vịt - Cephalophilum palmatum, Bìm chùm - Porana racemosa... Ngoài ra còn thấy có một số các cây gỗ mọc rải rác như Tống quán sủ - Betula alnoides, Cáng lò - Alnus nepalensis, I tọa đông - Itoa orientalis, Chẹo - Platycarya kwangtungensis, Các loài nóng - Sauraia nepalensis, Sauraia griffithii, Sauraia petelotii, Lòng mức - Wightia speciosissima, Bùng bục - Mallotus nepalensis, Mã rạng ấn - Macaranga indica, Chân chim - Schefflera petelotii cùng với các loài cỏ cao dạng lúa là Cỏ lông nê-pan - Arundinella nepalensis, Lô sáng - Miscanthus floridulus.
Phân quần hệ trảng cây bụi nhiệt đới chủ yếu thường xanh cây lá rộng trên đất địa đới không có cây gỗ: Kiểu này cũng tương tự như trường hợp trên nhưng do mức độ tác động nặng nề hơn và đa phần là ở gần khu dân cư nên hiện tượng cây gỗ mọc trở lại chưa gặp, thành phần loài chủ yếu là các cây bụi như Sắc tử chùm tụ tán - Oxyspora paniculata, các loài Thường sơn - Hydrangea spp., Vót - Viburnum sp., các Ngấy - Rubus spp., Búp lệ á - Buddleia asiatica, Cỏ lào - Chomolaena odorata, Ngải cứu rừng lá bé - Conyza canadense, Ngải cứu - Artemisia vulgaris, Râu ông lão - Clematis lechenaultiana, Bời lời - Litsea cubeba, Lu cu li - Luculia intermedia, An bích tro - Osbeckia cinerea, Gan tiền - Gaultheria sp., Hedychium coronarium, Cỏ lào tím - Eupatorium adenophorum, Tràng quả - Desmodium sequax cùng với các loài thân thảo dạng lúa phổ biến là Cỏ lông nê-pan - Arundinella nepalensis, Lô sáng - Miscanthus floridulus.
Phân quần hệ trảng trúc: Cũng giống như rừng tre, trảng trúc mọc khá phổ biến ở Hoàng Liên, chúng phân bố ở độ cao trên 1500, Hóp cần câu - Bambusa multiplex phân bố ở vùng thấp, gần suối cùng với Sặt gai vòng - Sinarundinaria griffithiana. Ở vùng đỉnh giông, nơi có gió to khô và lạnh thì có hai kiểu trảng thuần loại phân bố là Sặt - Sinobambusa sat và Trúc bụi - Sinarundinaria petelotii.
Quần hệ trảng cây bụi chủ yếu thường xanh cây lá rộng cứng trên đường đỉnh: phân bố trên đường đỉnh, gặp đa số là các cây bụi thường xanh, có mọc xen kẽ là các cây bụi rụng lá nhưng tỷ lệ thấp. Chúng là những cây chịu hạn, chịu gió và chịu lạnh tốt như Rhododendron spp., Symplocos spp., Eurya spp., Litsea sp., cùng với nhiều đại diện thuộc các họ Thượng tiễn - Gesneriaceae, Hoa hồng - Rosaceae, Đỗ quyên - Ericaceae, Mua - Melastomataceae, Bứa - Clusiaceae (phân họ Ban - Hypericoideae), Kim cang - Smilacaceae, Cúc - Asteraceae và nhiều loài thân thảo thuộc về họ Lúa - Poaceae, họ Cói - Cyperaceae, họ Long đởm - Gentianaceae, họ Cà phê - Rubiaceae (chi Rubia và Galium)….
Lớp quần hệ trảng cỏ: Quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao, chịu hạn và có cây gỗ: Hầu hết có nguồn gốc thứ sinh, được phục hồi trên nương rẫy bỏ hoang, một số hình thành do điều kiện khắc nghiệt của địa hình cao trên 2600m. Các cây dạng lúa cao phổ biến ở đây là: Sặt - Arundinella nepalensis, Đót - Thysanoleana maxima, Lô - Microstegium sp., Chè vè - Miscanthus floridulus cùng với các cây bụi khác như Mua núi - Oxyspora pnaniculata, Thường sơn - Hydrangea spp., Vót - Viburnum sp., Ngấy - Rubus sp., Búp lệ - Buddleia spp., Cỏ lào - Chomolaena ordorta, Cứt lợn - Conyza canadense và Dương xỉ. Các gỗ nhỏ mọc xen kẽ là Cáng lò - Alnus nepalensis, I toạ - Itoa orientalis, Platycarya kwangtungensis, các loài nóng - Sauraia nepalensis, Sauraia griffithii, Sauraia petelotii, Lòng mức - Wightia speciosissima, Bùm bụp - Mallotus nepalensis, Mã rạng - Macaranga indica, Chân chim - Schefflera petelotii, Bời lời - Litsea cubeba, Thôi chanh - Alangium chinensis, Ba chạc - Euodia lepta… tỷ lệ che phủ của nhóm cây gỗ này không quá 10%. Quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao chịu hạn, có cây bụi, không có cây gỗ: chủ yếu phân bố trên đất sau nương rẫy bạc màu, bị bỏ hoang, các loài cây dạng lúa cao phổ biến ở đây là Đót - Thysanoleana maxima, Lô - Microstegium sp., Miscanthus floridulus cùng với các cây bụi khác như Mua núi - Oxyspora pnaniculata, Thường sơn - Hydrangea spp., Vót - Viburnum sp., Ngấy - Rubus sp., Búp lệ - Buddleia spp., Cỏ lào - Chomolaena ordorta, Cứt lợn - Conyza canadense, Ngải cứu - Artemisia vulgaris.... không có cây gỗ phân bố ở loại hình này Quần hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình: phân bố ở trên các giông núi vùng cận đỉnh, các loài cỏ dạng lúa trung bình đa phần là Trúc bụi - Sinarundinaria petelotii và Cói (Cyperaceae, chi Carex), hai loài này đạt độ che phủ gần đến 100%. Các loài cây gỗ mọc xen kẽ nhưng độ che phủ dưới 10%, đó là các loài thuộc họ Đỗ quyên - Ericaceae, họ Hồi - Illiciaceae, họ Dung - Symplocaceae, một số loài cây bụi có mặt thuộc về họ Đỗ quyên - Ericaceae, họ Long não - Lauraceae, họ Hoa hồng - Rosaceae, họ Hoàng liên gai - Berberidaceae. Quần hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình không có cây gỗ, có cây bụi: đặc trưng cho vùng đỉnh ở độ cao trên 2900 m (xung quanh khu vực đỉnh Phan Si Păng), ở đó hai loài Trúc bụi - Sinarundinaria petelotii và Kiết - Carex đạt độ che phủ đến 100%. Các loài cây bụi mọc xen kẽ, nhô lên khỏi thảm cỏ là hầu hết thuộc họ Đỗ quyên - Ericaceae như: Rhododendron spp., Gaultheria spp., Vaccinium spp., Pieris formosana, ngoài ra còn có một số đại diện khác thuộc họ Long đởm - Gentianaceae, họ Thượng tiễn - Gesneriaceae,… Quần hệ trảng cỏ dạng lúa thấp nhiệt đới chịu hạn, không có cây hoá gỗ, trên đất địa đới bị thoái hoá hay bị dẫm đạp: gặp trên đất xương xẩu, bị thoái hoá mạnh. Ở khu vực bị tác động của cộng đồng địa phương một cách nặng nề, đa số là ở vành đai thấp, dưới 700m, thuộc vùng hạ huyện (các xã Bản Hồ, Tả Van). Tác động nặng nề nhất là chăn thả và nương rẫy bạc màu bị bỏ hoang. Cỏ dạng lúa ở đây là các loài Cỏ lông lợn - Pogonatherium crinitum, Cỏ cháo - Pseudechinolaena polystachya, Tình thảo - Eragrostis spp. và các loài thuộc họ Cói - Cyperaceae (chi Cyperus) cùng với một số cây thảo không dạng lúa khác như Cúc chân voi - Elephantopus scaber, Elephantopus mollis, Rau khúc - Gnaphalium spp., Mao cấn - Ranuculus spp., Cải trời - Blumea spp… Quần hệ trảng cỏ không dạng lúa thuộc ngành Hạt kín và Dương xỉ sống lâu năm: phân bố ở nhiều đai cao khác nhau trong phạm vi của Vườn, gồm các phân quần hệ Trảng chuối ở vùng thấp (dưới 700m), dọc theo các khe ẩm nhưng diện tích không nhiều, phân bố thưa thớt và thường bị mọc xen bởi các loài Tre và cây gỗ nhỏ; phân quần hệ trảng cây thuộc họ Gừng - Zingiberaceae, là kết quả của việc vận động cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế nông lâm dẫn đến hầu hết các tầng dưới tán của tất cả các loại hình rừng ở độ cao dưới 2000 m đều bị tác động nặng nề, có nhiều nơi nó bị chặt hoàn toàn và thay thế vào đó là Thảo quả - Amomum aromaticum; phân quần hệ trảng dương xỉ, cũng là kết quả của việc chặt chọn rừng Pơ mu - Forkienia hodginsii trước đây, phân bố hiện tại chủ yếu ở độ cao dưới 2000m, thuộc các xã Tả Van và Bản Hồ, ở đó, các loài Guột mọc phổ biến và đôi khi đạt độ che phủ đến 70% là Guột xanh - Pteridium aquilinum, Vọt - Dicranopteris linearis, Guột - Diplopterygium spp…. mọc xen với chúng là các loại cỏ thuộc họ Cói - Cyperaceae và họ Lúa - Poaceae nhưng độ che phủ không đến 50%.
Kết luận Theo khung phân loại của UNESCO (1973) được Phan Kế Lộc áp dụng vào Việt Nam (1985), thảm thực vật tự nhiên ở VQG Hoàng Liên gồm 13 quần hệ và 13 phân quần hệ của 4 lớp. Lớp rừng kín có 4 quần hệ, lớp rừng thưa có 1 quần hệ, lớp trảng cây bụi có 2 quần hệ và lớp trảng có có 6 quần hệ. Các quần hệ rừng kín và quần hệ trảng bụi, trảng cỏ ở đất địa đới là những quần hệ mang tính chất nguyên sinh, đại diện cho khu vực. Các quần hệ còn lại là hậu quả của sự tác động, đang trong giai đoạn phục hồi. Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần hữu ích cho công tác quản lý, theo dõi tài nguyên thiên nhiên của VQG Hoàng Liên. Tài liệu tham khảo Phan Kế Lộc (1985), “Thử vận dụng bản phân loại của UNESCO để xây dựng khung phân loại thảm thực vật Việt Nam”, Tạp chí Sinh học, tập 7, số 4, tr. 1-5. Trần Đình Lý, Đỗ Hữu Thư, Hà Văn Tuế, Lê Đồng Tấn, Trịnh Minh Quang (1996), Thảm thực vật và hệ thực vật vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, Tạp chí Lâm nghiệp số 4+5, tr 7-9. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời (1997), Đa dạng thực vật vùng núi cao Sa Pa - Phan Si Pan, Nhà xuất bản ĐHQG HN. UNESCO (1973), International Classification and Mapping of Vegetation, Paris, France.
anhtai.bvn
CÁC BÀI MỚI HƠN:CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
|