Thông tin cơ bản
Tên thường gọi: Cà ổi lá đỏ
Tên khác: Kha thụ nhiếm
Tên tiếng Anh:
Tên khoa học: Castanopsis hystrix A. DC.
Tên đồng nghĩa: Castanea hystrix Hook.f. & Thoms. ex Miq.
Hoặc Cyclobalanus hystrix (A. DC.) Oerst.
Thuộc họ Dẻ - Fagaceae
Đặc tính sinh học và sinh thái
Phân bố
Cà ổi lá đỏ phân bố rộng ở Đông Nam á và Nam Trung Quốc từ 18021’ đến 250 vĩ độ Bắc, 95-1180 kinh Đông, có thể gặp ở Việt Nam, Lào, Miến Điện, ấn Độ, Bu-tan, Nê-Pan... Trên đất Trung Quốc cây Cà ổi lá đỏ có mặt ở đảo Hải Nam, các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quý Châu, Giang Đông, Giang Tây. Tại các vùng nói trên, Cà ổi lá đỏ có mặt trên các cao trình tuyệt đối từ 100 - 1900m tùy theo địa hình và vĩ độ.
Tại phía đông nam Trung Quốc, phần lớn chỉ gặp Cà ổi lá đỏ phía dưới cao trình 500m, vùng bờ vịnh Bắc bộ tại Quảng Tây thường phân bố ở cao trình 100m. Tại đảo Hải Nam thường gặp Cà ổi lá đỏ trên cao trình 350 - 600m, phía nam Vân Nam thường gặp trên cao trình 760 - 1900m.
Cà ổi lá đỏ gần như phân bố khắp vùng núi Việt nam từ biên giới Trung Quốc qua toàn bộ Trường Sơn tới Đông Nam bộ (theo sách Tên cây rừng Việt Nam, Nhà xuất bản nông nghiệp, năm 2000). Loài cây này hoàn toàn có thể gây trồng rừng lấy gỗ lớn với chu kỳ không quá dài, đặc biệt là làm cây hỗn giao tạo tầng 2 dưới tán rừng Thông, Keo, Lát mexico...
Sinh trưởng
Cà ổi lá đỏ được coi là 1 trong những loài cây cho gỗ lớn mọc tương đối nhanh. Lượng tăng trưởng bình quân năm phần lớn đạt 0,8 - 1,5m về chiều cao và 0,5 - 1,0 cm về đường kính.
Khả năng thích ứng
Cà ổi lá đỏ có thể chịu được các cực trị từ - 50C đến 400C mà không rụng lá, không bị tổn thương; nhiệt độ bình quân năm 18 - 240C, nhưng nhiệt độ bình quân tháng thích hợp nhất là 20 - 220C, trong đó mùa đông khoảng 7 - 180C. Tổng tích ô n x 100C khoảng 6500 - 80000C.
Mặc dù vùng phân bố có lượng mưa giao động từ 1000 - 2000mm, nhưng trên 1300mm Cà ổi lá đỏ mới phát triển tốt, lượng mưa càng cao, phân bố càng đều càng sinh trưởng tốt.
Cà ổi lá đỏ thường gặp trên các loại đất Feralit đỏ, vàng đỏ phát triển trên granit, diệp thạch, các loại đá biến chất... Nói chung đất đều chua hoặc hơi chua. Loại này rất ưa đất sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng và ẩm ướt nhưng thoát nước. Trên đất nghèo kiệt, sỏi đá, đất mỏng Cà ổi lá đỏ mọc kém, đất úng ngập Cà ổi lá đỏ rất dễ chết.
Khả năng tái sinh
Cây Cà ổi lá đỏ vừa có khả năng tái sinh hạt vừa có khả năng tái sinh chồi. Do nhiều tác động trong đấu tranh sinh tồn, tỷ lệ nẩy mầm trong tái sinh hạt rất thấp, tỷ lệ đào thải mầm non rất cao, cây non mọc cũng rất chậm. Nhưng với tái sinh chồi thì tình hình khác hẳn. Tỷ lệ nẩy chồi gốc thường xuyên là 100%. Mỗi gốc thường mọc 3 - 5 chồi, đôi khi tới 15 chồi. Cây chồi cũng mọc rất nhanh, thường năm đầu tiên đã cao tới 2,3m, đường kính ngang ngực tới 1,2cm. Nói chung là mọc nhanh gấp đôi cây hạt. Vì vậy trong thực tế sản xuất người ta thường rất thích sử dụng tái sinh chồi. Kinh nghiệm nông dân Trung Quốc cho biết, tái sinh chồi tới 10 thế hệ rừng vẫn mọc tốt.
Việc gây trồng Cà ổi lá đỏ hiện nay chủ yếu là trồng rừng bằng cây con, phương pháp gieo thẳng còn chưa được áp dụng nhiều vì chuột hại nhiều và tỷ lệ nẩy mầm thấp, cây con do gieo thẳng mọc không nhanh.
Trồng rừng bằng cây con 1 tuổi hoặc 2 tuổi, với cây con 2 tuổi thường dùng Stum để lợi dụng sức vươn rất mạnh của cây chồi.
Giá trị kinh tế
Tiếng Trung Quốc gọi Cà ổi lá đỏ là cây Sồi đỏ vì lá mầu đỏ nâu, còn gọi là cây Sồi gai do lá nhỏ nhưng rất rậm, đuôi lá xẻ răng cưa mạnh và nhọn sắc, có thể có lá không xẻ răng cưa nhưng đuôi lá nhọn sắc. Đây là loài cây được nghiên cứu thuần hoá thành cây trồng rừng chủ yếu ở nam Trung Quốc.
Cà ổi lá đỏ là cây thường xanh rất cao to, trong rừng tự nhiên không thiếu những cây cao tới 30m, đường kính ngang ngực tới 1m, thường thấy hỗn giao trong rừng thường xanh nhiệt đới và Nam á nhiệt đới và là một trong những loài quan trọng tạo nên những quần thụ đơn ưu trên diện tích nhỏ.
Những đặc điểm như sức sống rất mạnh, có khả năng thích nghi nhất định với đất khô hạn, nghèo kiệt và mọc nhanh đã làm cho Cà ổi lá đỏ trở thành loài cây rất quý để trồng trên đất trống, đồi núi trọc.
Gỗ cứng, gỗ tốt nên được dùng rộng rãi cho đóng tàu thuyền, xe cộ, làm báng súng, dụng cụ thể dục, làm cửa, làm ván sàn trong xây dựng, còn làm đồ mộc, đồ thủ công mỹ nghệ. Gỗ non, gỗ nhỏ của cây cà ổi lá đỏ vừa bền vừa dai, được coi là một trong những loại gỗ tốt nhất hiện nay để làm cán dao, cán cuốc xẻng và các công cụ khác.
Rừng trồng cà ổi lá đỏ theo định hướng gỗ lớn ở Nam Trung Quốc, nếu mật độ đủ và lập địa tương đối phù hợp, lượng tăng trưởng trữ lượng bình quân năm phần lớn vượt qua 15m3/ha/năm. Rừng trồng thử nghiệm nhiều loài cây tại Bằng Tường - Quảng Tây ở cao trình 350 m, 220 30' vĩ độ bắc trên cùng mái dốc theo kiểu hỗn giao theo đám chothấy cây Cà ổi lá đỏ đã đạt nhịp điệu tăng trưởng và hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loài khác tham gia thử nghiệm. Với mật độ trồng 1650 cây/ha đến tuổi 17, Cà ổi lá đỏ đạt nhịp điệu tăng trưởng hàng năm về đường kính là 1,25cm, về chiều cao là 1,03m, đạt trữ lượng cây đứng 480,28m3/ha, nhịp độ tăng trưởng bình quân năm là 28,25m3/ha. Tính theo thời giá tại nam Trung Quốc năm 2001, đơn giá gỗ tròn Cà ổi lá đỏ D= 30cm là 1500NDT/m3 thì hiệu quả kinh tế trồng Cà ổi lá đỏ là 29662 NDT/ha/năm, tương đương 57 triệu VNĐ (ước tính sản lượng bằng 70% trữ lượng).
Do cây Cà ổi lá đỏ không có vấn đề gỗ giác gỗ lõi, tuổi khai thác chính tại phần lớn nam Trung Quốc được xác định là 25 năm - tương đối ngắn đối với kinh doanh gỗ lớn.
Sau khi gây trồng 5 năm, phần lớn Cà ổi lá đỏ đã thành rừng và đã có thể phát huy vai trò nuôi dưỡng nguồn nước, chống xói mòn và cải thiện môi trường sinh thái.