Thông tin cơ bản
Tên thường gọi: Lát mê-hi-cô
Tên khác: Sồi đỏ
Tên tiếng Anh: Cedro Roji
Tên khoa học: Cedrela odorata L.
Thuộc họ Xoan Meliaceae
Đặc điểm sinh thái
Thân thẳng nhưng tán rộng nếu không được khống chế tạo tán, rất dễ bị sâu đục ngọn làm hỏng hình thái thân.
Rất ưa nóng, ẩm, nhịp độ tăng trưởng mạnh nhất vào các tháng 7 8 9 là thời kỳ nóng ẩm nhất và tổng diện tích quang hợp lớn nhất.
Rụng lá ít nhiều vào mùa lạnh phía Bắc, nhưng cây non rất ít rụng lá và vẫn tăng trưởng với nhịp độ yếu hơn.
Rụng lá hoàn toàn nếu đất và khí hậu khô hạn dài ngày. Gặp hoàn cảnh khắc nghiệt có thể rụng lá hoàn toàn mà không chết, có thể qua đông trong băng giá.
Có thể gây trồng thương mại trên mọi vĩ độ ở Việt Nam từ cao trình 0 m đến các thung lũng phía Bắc có ngày nóng đêm lạnh trên cao trình 700 800m.
Ưa sáng hoàn toàn từ giai đoạn vườn ươm, ánh sáng càng đủ tăng trưởng càng mạnh.Tính xu quang rất mạnh, rất dễ lệch ngọn lệch tán nếu chiếu sáng không đều (cho nên phải hết sức chú ý đặc điểm này trong trường hợp trồng xen với cây gỗ khác).
Rễ cọc kém phát triển nhưng rễ bàng phát triển rất rộng, khả năng luồn lách khe đá rất mạnh giống như mọi thực vật trên núi đá vôi, chịu bão khá.
Đòi hỏi đất tơi xốp và rất thông thoáng, nhậy cảm với úng ngập và đất bí chặt. Cây con tạo trong bầu phát triển rất kém. Hoàn toàn có thể dùng cây rễ trần để trồng rừng.
Ưa đất giàu can xi, ưa đất ít chua đến phản ứng trung tính và hơi kiềm, phù hợp với trồng rừng trên vùng đá vôi, có thể thực nghiệm chinh phục bãi thải hầm lò nhưng cần đào hố rất sâu và lót hố bằng vụn sét vôi phế thải sau nghiền sàng đá vôi.
Ưa đất ẩm nhưng thoát nước tốt, tầng đất và mẫu chất cần dày hơn 0,5 m đất càng giàu dinh dưỡng càng tốt. Rất phù hợp với đất phát triển trên Bazan, phù sa, bồi tụ, chân sườn núi đá vôi, đất thịt nhẹ phát triển trên đá Mi-ca-sít và đá gneis. Với đất phát triển trên các đá mẹ khác cần tăng cường phân bón và can xi.
Giai đoạn nẩy mầm và mầm non rất dễ bị sên, ốc sên, sâu xám, dế mèn, chuột, chim phá hại, có thể huỷ hoại cả 100% mầm non.
Giai đoạn trưởng thành cây rất dễ bị sâu đục ngọn làm hỏng đoạn thân, giảm giá trị thương phẩm của gỗ.
Các vùng có mùa khô kéo dài thì lửa rừng là vấn đề nghiêm trọng trong giai đoạn rừng non.
Có thể gây trồng thuần loại hoặc tạo rừng hỗn giao. Có thể chung sống hài hoà với cây bản địa và cây trồng nông nghiệp; rất phù hợp với phát động phong trào trồng cây nhân dân, trồng cây phân tán trên vườn, trại, nương, bãi, cây xanh đồ thị.
Nguồn gốc và xuất xứ của Lát mê-hi-cô
Đầu thế kỷ thứ XVI, khi môn phân loại còn chưa ra đời, người Tây Ban Nha chiếm đất Trung Mỹ và đã đặt tên cho mấy loại cây cho gỗ tốt nhất ở đó là Cedro có nghĩa là cây sồi theo tiếng Tây Ban Nha.
Trong đó nổi tiếng nhất là Cedro blanco cây Sồi trắng, sau này được đặt tên là Cupressus lindleii tạm dịch là Hoàng đàn mê-hi-cô và Cedro rojo cây Sồi đỏ, sau này khoa phân loại đã xác định là một chi trong họ Xoan Meliacea nhưng vẫn tôn trọng thói quen ban đầu (mặc dù nhầm lẫn) và đặt tên cho chi này là Cedrela, trong đó Cedrela odorata là loài quan trọng nhất. Tuy nhiên, đến nay tên thông dụng ở Mỹ La tinh vẫn là Cedro rojo và tên thương mại quốc tế thường gọi là Sồi mê-hi-cô.
Về hình thái, loài này rất giống cây Lát của Việt Nam và do gỗ tốt nên đã tạm đặt tên là Lát mê-hi-cô.
Cedrela odorata phân bố trên nhiều vùng sinh thái của lục địa Trung Mỹ, Nam Mỹ và các đảo trên vịnh Caribea, nhưng các khảo nghiệm đã cho thấy các xuất xứ thuộc Mexico thường tỏ ra trội nhất.
Các xuất xứ đã dẫn nhập về Việt Nam:
Xuất xứ Villa Hermosa: Vùng vịnh Caribea, 19 0 vĩ Bắc, Cao trình 500 800m, đất Feralit trên granite và Bazan. Khí hậu khô, nóng. Do Nguyễn Hữu Lộc dẫn nhập năm 1986.
Tại Lạng Sơn và Hà Nội sinh trưởng nhanh, rụng lá mạnh trong mùa lạnh Miền Bắc.
Xuất xứ Gusman: bờ biển Thái Bình Dương 21 0 vĩ Bắc, cao trình 1500m, đất feralit trên nền dốc tụ, khí hậu ngày nóng đêm lạnh.
Sinh trưởng rất nhanh, mùa đông ít rụng lá hơn. Nguyễn Hữu Lộc dẫn nhập năm 1986.
Xuất xứ Campeche: Bán đảo Yucatan, vịnh Caribea 18 0 vĩ Bắc, cao trình 0 50m, đất Feralit phát triển trên đá vôi san hô, dẫn nhập quy mô lớn năm 2002 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xuất xứ này gỗ rất tốt, có triển vọng với Nam Việt Nam , phù hợp với phủ xanh núi đá vôi và bãi thải hầm mỏ.
Giá trị gỗ và tăng trưởng
Tỷ trọng gỗ 0,6; gỗ có thớ mịn, mầu hồng nhạt, khi cây già có vân như gỗ lát hoa, nhưng vân to và thưa hơn. Gỗ chứa dầu nên không mối mọt và độ bền nấm mục cao, ít cong vênh nứt nổ.
Cây 7 8 tuổi đã có thể xẻ ván, làm ván ghép thanh, làm nguyên liệu gỗ bóc, cây cao tuổi hơn thường làm ván lạng trang trí bề mặt. Tại Trung Nam Mỹ, gỗ Lát mê-hi-cô được dùng phổ biến trong nghề mộc và xây dựng cơ bản (làm cửa ra vào, cửa sổ, trang trí nội thất).
Lát mê-hi-cô là cây mọc nhanh, năng suất cao. Rừng trồng ở Mexico khai thác chính ở tuổi 20, năng suất phổ biến đạt 10 15m 3 /ha/năm.
Chế độ nhiệt ẩm ở nước ta thuận lợi hơn nhiều so với Mexico , có thể sơ bộ nhận thấy nhịp độ tăng trưởng chiều cao nhanh hơn gấp rưỡi đến gấp đôi. Một số cây trồng ở phía Bắc với đất trung bình hoặc kém phù hợp, chỉ cần không bị che bóng, sau 14 mùa sinh trưởng đã đạt đường kính từ 48 64cm, chiều dài hữu ích khúc thân đạt 11 12m, thể tích gỗ hữu ích mỗi cây đạt 1,8 2,5m 3.
Nếu trồng rừng Lát mê-hi-cô trên đất tương đối tốt, kỹ thuật lâm sinh hợp lý và tăng cường bón phân, có thể hy vọng sẽ đạt năng suất 20m 3 /ha/năm.