Kể từ 1996, nông dân ở Canada, Mỹ và Argentina đã bắt đầu trồng đại trà các loại bắp, đậu nành, canola GM trên diện tích 1,7 triệu hecta. Sau đó, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil, Nam Phi, Úc, Tây Ban Nha, Romania, Uruguay, Colombia, Honduras, tham gia vào lĩnh vực này làm diện tích trồng hoa màu BÐG tăng lên rất nhanh: 28,6 triệu ha trong 1998, 44,2 triệu ha trong 2000 và 81 triệu ha trong 2004 hay tăng 20% mỗi năm. Bình quân diện tích trồng màu GM tăng gia 9 triệu ha mỗi năm trên thế giới (James, 2004).
Trong 2004, có 14 quốc gia trồng trên 50.000 ha nông sản BÐG: Mỹ (47,6 triệu ha hay 59% diện tích thế giới), tiếp theo Argentina (16, 2 triệu ha hay 20%), Canada (5,4 triệu ha hay 6%), Brazil (5 triệu ha hay 6%), Trung quốc (3,7 triệu ha hay 5%), Paraguay (1,2 triệu ha hay 2%), ấn Ðộ (0,5 triệu ha hay 1%), Nam Phi (0,5 triệu ha hay 1%), Uruguay (0,3 triệu ha), úc (0,2 triệu ha), Romania (0,1 triệu ha), Mexico (0,1 triệu ha), Tây Ban Nha (0,1 triệu ha) và Philippines (0,1 triệu ha). Bốn nông sản BÐG chính: đậu nành (48,4 triệu ha hay 60%), bắp Bt (19,3 triệu ha hay 23%), bông vải (9 triệu ha hay 11%) và canola (4,3 triệu ha hay 6%). Cũng nên chú ý rằng nông sản BÐG kháng thuốc diệt cỏ chiếm ưu thế đến 72% hay 58,6 triệu ha, trong khi đó nông sản BÐG kháng sâu (Bt) chỉ chiếm 19% và có khuynh hướng thuyên giảm dần. Hiện tượng này là do các công ty tư nhân đầu tư lớn chỉ nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng thuốc diệt cỏ do các công ty khác sản xuất, trong khi nghiên cứu kháng sâu để ít dùng thuốc sát trùng thì kém hấp dẫn hơn. Cho đến nay còn rất ít công trình nghiên cứu công nghệ sinh học nhằm tăng mức chịu đựng của hoa màu đối với các tình trạng thiên nhiên bất lợi như hạn hán, lũ lụt, đất mặn và phèn. Trong 2004, thị trường nông sản BÐG đạt đến 4,7 tỉ đô la, hoặc 15% của tổng số bảo vệ mùa màng trong 2003 (32,5 tỉ đô la).
(ảnh minh họa, theo farm3.static.flickr.com)
Cũng năm 2004, trên thế giới ngoài 14 nước trồng nông sản BÐG trên 50.000 ha nêu trên, còn có 45 nước khác đang tham gia vào công cuộc nghiên cứu và thực nghiệm sản xuất hoa màu này ở ngoài đồng. ở châu á, 12 nước tham gia vào lĩnh vực này, mà 5 nước úc, Trung Quốc, ấn Ðộ, Indonesia và Philippines đang dẫn đầu. ở châu Phi, có Nam Phi, Kenya, Zimbabwe, Morocco, Tunisia và Egypt. ở châu Mỹ La tinh, Argentina đã trồng 14 triệu ha đậu nành, bắp và bông vải BÐG và Brazil trồng 3 triệu ha đậu nành BÐG (James, 2003).
Trong khi đó, ở châu Âu (ngoại trừ Tây Ban Nha), các nhóm "xanh" quá mạnh và giới tiêu thụ khó tánh hơn (hoặc có đầu óc ganh tị vì kỹ thuật đi sau Mỹ) chưa có loại nông sản GM nào được chấp nhận đưa vào thị trường trước tháng 11-2004, vì luật lệ ràng buộc liên hệ đến các rủi ro tiềm tàng của loại thực phẩm này. Liên Âu đòi hỏi các nhản hiệu của thực phẩm loại này phải nêu rõ GMO; điều này gây nhiều ảnh hưởng khó khăn trong thị trường của Liên Âu, cũng như các cuộc khảo cứu về GMO phải giới hạn ở mức độ thí nghiệm mà thôi. Sau nhiều năm bàn cãi và phản đối của Mỹ, vào giữa tháng 11 vừa qua, Châu Âu mới chấp thuận lần đầu tiên cho bắp GM có tên NK 603 được hội nhập vào thị trường của mình.
Ở châu Á, hai nước Trung Quốc và Ấn Ðộ đang cạnh tranh nhau ráo riết để dẫn đầu lĩnh vực này. Trung Quốc đã bắt đầu phát triển mạnh công nghệ sinh học từ giữa thập niên 1980s. Họ đã tăng ngân khoản đầu tư cho ngành này từ 8 triệu vào 1986 lên 112 triệu đô la vào 1999. Số chuyên gia của ngành tăng từ 740 lên 1988 người trong cùng thời gian. Vào đầu năm 2001, nhà nước đã tuyên bố kế hoạch để tăng ngân khoản dành cho công nghệ sinh học lên 400% trước 2005. Vào 1997, giống bông vải Bt chống sâu đụt quả lần đầu tiên được chấp thuận cho phổ biến, sau 10 năm hợp tác nghiên cứu giữa các Viện Trung Quốc và công ty hạt giống lớn nhất thế giới Monsanto của Mỹ. Từ 1997 đến 2000, diện tích trồng loại bông vải BÐG đã gia tăng từ 2.000 lên 700.000 ha, hay chiếm khoảng 20% diện tích trồng bông vải toàn quốc. Theo báo cáo, nhờ sử dụng giống bông vải Bt số lần phun thuốc sát trùng giảm đi 13 lần trong một vụ mùa, nghĩa là giảm tổn phí sản xuất được 762 đô la/ha (Huang et al., 2002).
Ðến nay, ngoài bông vải Bt, Trung Quốc còn đang nghiên cứu các nông sản BÐG khác như cây lúa (kháng sâu, bệnh và cỏ), lúa mì (kháng vi khuẩn và cải thiện chất lượng), bắp (kháng sâu và cải tiến chất lượng), đậu nành, khoai tây, đu đủ, v.v..., nhưng chưa dám thương mãi hóa như trường hợp đậu nành BÐG đã hoàn tất nghiên cứu từ lâu. Ngành công nghệ sinh học Trung quốc phát triển rất mau lẹ là do ba yếu tố: chính sách quyết tâm của nhà nước, nhiều chuyên gia được huấn luyện tốt ở nước ngoài và hoạt động khảo cứu ít tốn kém so với các nước đã phát triển. Vào 5-2002, họ đã hoàn tất bản đồ genome của cây lúa Indica đầu tiên của thế giới; thành quả này sẽ giúp cho các công tác lai tạo giống lúa, các ngũ cốc và hoa màu khác được hữu hiệu, chính xác và mau chóng hơn sau này. Người ta tiên đoán rằng độ 50% hoa màu ở Trung Quốc sẽ được sản xuất dưới dạng BÐG trong 2014 (James, 2003).
Riêng Ấn Ðộ đã tuyên bố đặt ưu tiên cao nhất cho ngành tin học cách nay độ 15 năm. Gần đây lại đặc biệt quan tâm đến ngành công nghệ sinh học vì họ có đội ngũ cán bộ, chuyên gia lớn và tay nghề cao trong lĩnh vực di truyền. Chương trình công nghệ quốc gia được Chính phủ cấp 15 triệu và giới tư nhân đầu tư khoảng 10 triệu mỗi năm, nhưng sự tiến bộ còn chậm hơn Trung Quốc vì giới môi sinh và nhóm xanh chống đối mãnh liệt, cũng như lập trường của chính phủ ấn Ðộ còn bảo thủ hơn Trung Quốc. ấn Ðộ cũng mới chấp nhận thương mãi hóa bông vải Bt vào tháng 3-2002 mà thôi, sau nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng từ 1996-2001. Diện tích trồng bông vải Bt đã tăng từ 29.000 ha trong 2001 lên 86.000 ha trong 2003 và 531.000 ha trong 2004, năng suất tăng 29% do kiểm soát hữu hiệu sâu đục thân, và giảm phun thuốc 60% làm lợi tức tăng 78% so với bông vải truyền thống (AgroView, 2004).
Mặc dù thị trường của các hoa màu BÐG bùng phát mạnh trong 9 năm qua, các loại sản phẩm xuất phát từ động vật BÐG chưa được chính thức đưa ra thị trường. Hiện nay, có hơn 50 loại gen được gắn nạp vào loài thú. Nông sản BÐG của động vật đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với loài thảo mộc, vì kỹ thuật BÐG làm xáo trộn tình trạng sinh lý ảnh hưởng đến sự sinh sản của các loài động vật. Viễn ảnh của các thức ăn động vật GM đem ra bán ở thị trường không được công luận hoan nghênh lắm. Những cuộc khảo sát gần đây cho biết rằng giới tiêu thụ thích dùng hoa màu GM hơn là thịt cá GM, nhưng vài loại thuốc trị bệnh cho con người biến chế từ loại động vật này dường như có thể chấp nhận được (ISB News Report, 2002).
Có nhiều cuộc nghiên cứu thành công về cá BÐG , nhưng chưa thấy loại thức ăn này xuất hiện chính thức trên thị trường. Phần lớn cá BÐG là do cấy các kích thích tố sản xuất gen vào cá, làm tăng mức sinh trưởng và năng suất thu hoạch. Các vấn đề đạo đức, văn hóa và môi trường cũng được công luận nêu lên, nhưng giới ủng hộ cho rằng tuyển lựa các loài cá lạ sẽ đóng góp vào đa dạng sinh thái, giúp cho tăng gia sản xuất cá trên thế giới.