Thông tin cơ bản
Tên thường gọi: Rau má
Tên khác: Tích tuyết thảo, Lôi công thảo
Tên tiếng Anh: pennywork
Tên la tinh: Centella asiatica (L.) Urban
Tên đồng nghĩa: Hydrocotyle asiatica L., Trisanthus cochinchinensis Lour.
Thuộc họ Hoa tán - Apiaceae
Mô tả
Rau má là một loài cây một năm thân thảo trong họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc Australia, các đảo Thái Bình Dương, New Guinea, Melanesia, Malesia và châu Á. Nó được sử dụng như một loại rau cũng như trong y học Ayurveda và y học cổ truyền Trung Hoa.
Thân
Thân cây rau má gầy và nhẵn, là loại thân bò lan, màu xanh lục hay llục ánh đỏ, có rễ ở các mấu. Nó có các lá hình thận, màu xanh với cuống dài và phần đỉnh lá tròn, kết cấu trơn nhẵn với các gân lá dạng lưới hình chân vịt. Các lá mọc ra từ cuống dài khoảng 5-20 cm. Bộ rễ bao gồm các thân rễ, mọc thẳng đứng. Chúng có màu trắng kem và được che phủ bằng các lông tơ ở rễ.
Hoa
Hoa rau má có màu từ ánh hồng tới đỏ, mọc thành các tán nhỏ, tròn gần mặt đất. Mỗi hoa được bao phủ một phần trong 2 lá bắc màu xanh. Các hoa lưỡng tính này khá nhỏ (nhỏ hơn 3 mm), với 5-6 thùy tràng hoa. Hoa có 5 nhị và 2 vòi nhụy. Quả có hình mắt lưới dày dặc, đây là điểm phân biệt nó với các loài trong chi Hydrocotyle có quả với bề mặt trơn, sọc hay giống như mụn cơm. Quả của nó chín sau 3 tháng và toàn bộ cây, bao gồm cả rễ, được thu hái thủ công.
Công dụng và liều dùng
Rau má dùng làm rau ăn: luộc, nấu canh. Ngày hè xay rau má tươi lấy nước uống giải khát, hoặc nấu nước uống. Qua kinh nghiệm, nhân dân coi rau má là vị thuốc có tính mát, vị đắng hơi the mùi thơm. Làm mát huyết, giải nhiệt, nhuận gan, tiêu độc, cầm máu sát trùng, lợi tiểu. Trị bệnh gan, bệnh huyết nhiệt, các chứng chảy máu cam, thổ huyết, kiết lỵ, táo bón, mụn nhọt, rôm sảy. Ngày dùng 20-30g hoặc nhiều hơn.
Rau má dùng làm thuốc: Theo Trung y, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng). Khi ăn ở dạng tươi như một loại rau, người ta cho rằng nó giúp cho việc duy trì sự trẻ trung. Nước sắc từ lá rau má được coi là có tác dụng hạ huyết áp. Loại nước sắc này cũng được coi là một loại thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt (tăng trí nhớ, thị lực). Loại thuốc đắp từ lá cũng được dùng để điều trị những chỗ đau, hạ sốt. Nó còn được dùng trong điều trị các chứng phù; viêm thanh quản, tĩnh mạch, phế quản; các bệnh trĩ, phong, eczema hay vẩy nến; giải ngộ độc sắn và lợi tiểu.
Một vài báo cáo khoa học cho thấy khả năng của rau má trong việc hỗ trợ làm lành vết thương. Khi điều trị bằng rau má, sự liền sẹo được kích thích bằng việc sản xuất ra các chất keo loại I. Việc điều trị này cũng cho thấy sự giảm sút đáng kể của các tác động viêm nhiễm và việc tạo ra các nguyên bào sợi.
Các nhà thảo mộc học còn cho rằng nó có chứa nhân tố trường thọ gọi là 'Vitamin X trẻ trung' có tác dụng bổ dưỡng cho não và các tuyến nội tiết và xác nhận rằng nước chiết từ rau má giúp cải thiện các vấn đề về hệ tuần hoàn và da[3].
Rau má được cho là đã làm nên sự trường thọ của một võ sư môn Thái Cực Quyền là Lý Thanh Vân. Người ta nói rằng ông đã sống thọ tới 256 tuổi, một phần là do sử dụng các loại thảo dược Trung Hoa truyền thống, trong đó có rau má.
Một câu chuyện dân gian tại Sri Lanka kể lại rằng một vị vua nổi tiếng trong thế kỷ 10 với tên gọi Aruna đã cho rằng rau má cung cấp cho ông sức khỏe và sức chịu đựng đủ để thỏa mãn 50 phi tần của mình.
Bài thuốc có rau má
- Cảm nắng, say nắng: Rau má tươi 60g, hương nhu 16g, lá tre 16g, lá sắn dây 16g. Nước 600ml. Sắc còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống nóng.
- Trẻ con sốt cao co giật: Rau má 60g, cỏ nhọ nồi 60g. Giã vắt nước cốt uống. Bã đắp lên trán và phía trong cổ tay.
- Đau dạ dày ợ chua: Rau má 500g, nghệ vàng 160g, cam thảo 16g, mai mực 320g. Tất cả sao vàng, tán mịn, luyện mật viên bằng hạt ngô. Ngày uống 40-50 viên.
- Trị đại tiện ra máu: Rau má và thịt lợn nạc sắc nước uống ngày 2 lần; mỗi lần 50ml.
- Trị thủy thũng: Toàn cây rau má 80g, cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) 80g. Nước vừa đủ sắc còn 1/3 uống trước bữa ăn ngày 2 lần.
- Trị viêm thận, bể thận: Rau má 600g, xa tiền thảo 300g, nước 700ml. Sắc còn 300ml. Ngày uống 3 lần mỗi lần 2 thìa canh (30ml).
- Trị táo bón, kiết lỵ: Rau má tươi 30-40g. Sắc uống, hoặc giã vắt nước cốt, thêm một ít nước chanh, uống.
- Ho, đái buốt: Rau má 30g ép lấy nước uống hoặc sắc uống.
- Đái rắt, tiểu khó, tiểu ít, nóng đỏ đau: Rau má tươi 120g, búp tre tươi 50g, rửa sạch giã nát, thêm 1 chén nước vắt nước uống, ngày 2 lần.
- Viêm tấy, mẩn ngứa, rôm sảy, nhọt, chốc lở: Ép nước cốt rau má pha chút đường uống.
- Đau lưng, đau bụng, kém ăn, uể oải: Rau má 30g, ích mẫu 8g, hương phụ 12g, hậu phác 12g. Nước 600ml, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng: Rau má 30g, cỏ nhọ nồi 15g, trắc bá diệp 15g. Sắc nước uống ngày 2 lần.
- Mụn nhọt, ngã, chấn thương, bong gân: Rau má vừa đủ giã nát đắp.
- Mắt đỏ có dử ghèn, do gan nóng: Rau má 1 nắm tay, rau diếp cá 1 nắm tay. Rửa sạch thêm tý muối giã nát dùng giấy bản hoặc gạc bọc thuốc đắp vào mắt. Đồng thời uống nước cốt rau má.
- Sưng đau vú: Rau má 1 nắm, thêm 1 tý đường đỏ, giã nhỏ sao nóng đắp.
- Đau bụng khi có kinh (thống kinh): Rau má hái lúc ra hoa phơi khô, tán mịn, để lọ kín, dùng dần. Ngày uống 2 thìa cà phê (10g) vào buổi sáng.
- Kinh nguyệt không đều: Rau má 300g, ép lấy nước, phèn chua 3g giã nhỏ. Tất cả hòa với nước dừa (vừa đủ) mà uống trong ngày.
- Khí hư, bạch đới: Rau má khô tán bột, mỗi sáng uống 2 thìa cà phê.
- Bỏng lửa, bỏng nước sôi: Rau má nấu cô thành cao bôi vết bỏng. Rất hiệu nghiệm, không để vết sẹo khi lành.
- Trị tay chân nóng đỏ đau, mọc bọng nước, ngứa lở khắp người: Giã rau má xoa đắp chỗ đau, một ngày đêm thay đắp 1 lần, chóng khỏi.