Thông tin chung:
Tên Việt Nam: Xa kê, cây bánh mỳ
Tên tiếng Anh: Breadfruit tree
Tên khoa học: Artocarpus altilis (Park.) Fosberg
Tên đồng nghĩa: Artocarpus communis Forst
Thuộc họ Dâu tằm – Moraceae
Mô tả:
Xa kê là cây gỗ to, có thể cao tới 10 - 12 m hoặc hơn, có nhựa mủ trắng. Lá to, mọc so le, chia 3 - 9 thùy, dài 30 - 50 cm, có khi đến gần 1 m, gốc tròn, đầu nhọn; lá kèm sớm rụng. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Quả phức, hình cầu, có gai, to bằng quả dưa bở, màu lục hay vàng nhạt, thịt màu trắng, chứa nhiều bột, hạt màu vàng nhạt.
(Xa kê, ảnh theo wikipedia)
Phân bố, sinh thái:
Trung tâm đa dạng nhất của cây là ở khu vực từ một số đảo thuộc Indonesia đến Papua New Guinea. Hiện nay, xa kê đã được trồng phổ biến ở khắp nơi trong vùng nhiệt đới Đông Nam Á, Nam Á và nhiều đảo ở Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam, xa kê mới được trồng rải rác trong các vườn cây ăn quả của gia đình từ Thừa Thiên Huế trở vào đến các tỉnh phía Nam.
Tác dụng dược lý:
Ở Ấn Độ, trong một nghiên cứu sàng lọc về tác dụng dược lý của cao khô từ vỏ và lá xa kê có tác dụng lợi tiểu và độc tính cấp.
Tính vị công năng:
Thịt quả xa kê có tác dụng bổ tỳ, ích khí. Hạt có tác dụng bổ trung, ích khí, lợi trung tiện. Vỏ cây có tác dụng sát trùng. Lá có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, lợi tiểu.
Công dụng:
- Thịt quả xa kê thường được dùng để ăn. Quả còn xanh có bột được dùng làm thực phẩm.
- Hạt xa kê luộc hoặc rang ăn, có tác dụng lợi trung tiện, kích dục.
- Lá xa kê có tác dụng lợi tiểu, có thể chữa phù thũng, thường dùng ngoài chữa mụn rộp (herpes), đinh nhọt, áp xe.
- Vỏ thân, vỏ rễ và rễ con được dùng ở Indonessia để chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, kiết lỵ, đau răng và ghẻ. Nhựa cây pha loãng uống cũng chữa lỵ và tiêu chảy (New Guinea).
Trong nước, dân gian dùng lá xa kê chữa phù thủng, viêm gan vàng da bằng cách nấu lá tươi để uống. Theo lương y Nguyễn Công Đức (giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược, Tp. Hồ Chí Minh) lá xa kê phối hợp với một số vị thuốc khác sẽ trị được một số bệnh sau: 1- gút (thống phong) và sỏi thận; 2- tiểu đường typ 2; 3- viêm gan vàng da; 4- huyết áp dao động.
Ngoài ra, ở Miền Tây Nigeria, người ta cũng dùng vỏ rễ trong các bài thuốc chữa tiểu đường typ 2 ở người (Cardiovasc J Afr. 2007 Jul-Aug;18(4):221-227).