Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Giới thiệu tài nguyên thực vật khu vực cửa khẩu phụ Cheng - Tà Rùng trên biên giới Việt Lào

Cập nhật ngày 21/10/2008 lúc 9:38:00 AM. Số lượt đọc: 1060.

Cheng - Tà Rùng là khu vực nằm trên biên giới Việt Nam - Lào, trước năm 1975 khu vực này hoàn toàn thuộc lãnh thổ Việt Nam (tỉnh Quảng Trị) nhưng hiện nay một phần nhỏ của khu vực thuộc lãnh thổ tỉnh Sannavakhet, Lào. Là vùng núi có độ cao phổ biến 500-600 m và một số mỏm núi cao 800-1200m, thuộc sườn Tây của dải Trường Sơn. Khi chưa có con người tác động, vùng thấp có rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm có cấu trúc nhiều tầng trên các nền đất phát triển từ đá mẹ bazan, đá biến chất (phiến sét, cát bột kết) và đá vôi.

Mở đầu

Cheng - Tà Rùng là khu vực nằm trên biên giới Việt Nam - Lào, trước năm 1975 khu vực này hoàn toàn thuộc lãnh thổ Việt Nam (tỉnh Quảng Trị) nhưng hiện nay một phần nhỏ của khu vực thuộc lãnh thổ tỉnh Sannavakhet, Lào. Là vùng núi có độ cao phổ biến 500-600 m và một số mỏm núi cao 800-1200m, thuộc sườn Tây của dải Trường Sơn. Khi chưa có con người tác động, vùng thấp có rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm có cấu trúc nhiều tầng trên các nền đất phát triển từ đá mẹ bazan, đá biến chất (phiến sét, cát bột kết) và đá vôi. Trên vùng cao là rừng kín thường xanh cây lá rộng á nhiệt đới với kích thước kém hơn. Cư dân đã cư trú ở khu vực tương đối lâu đời. Với hình thức canh tác nương rẫy, khai thác chọn các các cây gỗ quý, lớn, con người đã làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp diện tích của rừng khu vực. Trong vài chục năm trước đây, chiến tranh ác liệt đã phá hủy một diện tích lớn rừng. Ngoài tác động của bom, đạn, cũng có một một lượng chất diệt cỏ tác động đến thảm thực vật rừng. Đặc biệt, sự khai thác chọn với cường độ mạnh trong thời gian gần đây đã làm cạn kiệt thực sự nguồn tài rừng ở khu vực. Các khu rừng có cấu trúc tương đối nguyên sinh, trữ lượng gỗ cao hay các cây gỗ tốt, mọc độc lập có kích thước lớn chỉ còn sót ở một vài điểm khó khai thác.
Với nhiệm vụ nghiên cứu bước đầu phục vụ cho công tác phục hồi tài nguyên và mở ra khả năng phát triển vùng thương mại tự do (các cửa khẩu phụ Cheng - Mày và Tà Rùng - A Via) giữa hai tỉnh Quảng Trị của Việt Nam và Sannavakhet của Lào, những nghiên cứu bước đầu sẽ giới thiệu sơ bộ về tài nguyên rừng trên một phần diện tích đất đai như là tài sản chung của hai nước Việt Nam và Lào.
 
Giới thiệu tài nguyên rừng ở khu vực Cheng - Tà Rùng

Rừng ở khu vực Cheng - Tà Rùng được chúng tôi khái quát các đặc điểm và tài nguyên ở dưới đây, bắt đầu từ rừng lá rộng thường xanh đến các dạng thảm thực vật khác và cuôi cùng là thảm thực vật trên đất khôgn có rừng.

A. Rừng lá rộng thường xanh

1. Rừng giàu

Hiện có 403,2 ha, chỉ chiếm 4,4% diện tích rừng lá rộng hay 2% diện tích toàn khu vực. Trong khu vực chỉ có một số diện tích rừng này ở nơi khó khai thác. Nơi phân bố điển hình của kiểu rừng này gồm: khu vực thác nước ở phía Bắc bản Tạ Lia, khoảng 500 m, ở độ cao địa hình 400 m; khu vực sườn núi cao 500 - 600 m ở phía Nam bản Sạ Len Tạy, khoảng 2 km; khu vực núi Phu Ka Lọc, cao 600-700m, cách bản Bụt 3 km về phía Đông; khu vực sườn núi Sá Mùi thuộc Việt Nam và một số mảng nhỏ rải rác ở một số điểm khác. Cấu trúc rừng gồm:

- Tầng cây gỗ trên cùng (hay tầng nhô) cao tới  trên 35 m, với các cây gỗ có đường kính > 80 cm;

- Tầng tán rừng (hay tầng ưu thế sinh thái) và tầng dưới tán cao 20 - 30 m, đường kính 40 -  60cm, tạo độ che phủ tương đối kín > 60% (hay độ tàn che > 0,6).

- Tầng cây gỗ nhỏ (hay tầng dưới tán) cao 8-15 m, đường kính các cây gỗ 10 - 20 cm, độ che phủ thưa; 

- Tầng cây bụi và các cây gỗ nhỏ cao 2-8 m, có độ che phủ thưa.

- Tầng cỏ cao dưới 2m, che phủ thưa. 

Ngoài các tầng trên còn có các quần phiến phụ sinh, ký sinh, dây leo với kích thước to và dài. Rừng còn có các cây gỗ thuộc nhóm I có kích thước lớn như Gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), Huỳnh đường (Dyxoxylon loureirii), Gụ (Sindora sp.), các loài Cẩm lai (Dalbergia spp.); các cây gỗ lớn thuộc các nhóm khác có Trâm mốc (Syzygium cumini), Vên vên (Anisoptera costata), Chò nhai (Anogeisus acuminata), Gõ nước (Intsia bijuga), Kơ nia (Irvingia malayana), Gạo (Bombax sp.), Săng lẻ (Lagerstroemia sp.), Lim vàng (Peltophorum dassyrachis)…; các cây gỗ nhỏ chủ yếu thuộc họ Dẻ như Kha thụ sừng nai (Castanopsis ceratacantha), Dẻ Trường Sơn (Lithocarpus annamitorum), Sồi đỏ (Lithocarpus corneus), Dẻ cờ đen (Lithocarpus paviei), Dẻ tụ (Lithocarpus pseudo-magneinii), Dẻ gié đòn (Lithocarpus rhabdostachya)…và các cây khác như Sưng (Semecarpus sp.), Sữa lá hẹp (Alstonia angustifolia), Sữa (Alstonia scholaris), Rà đẹt Bon (Radermachia boniana), Muồng (Cassia sp.),  Cồng nhám (Calophyllum rugosum), Sổ nhám (Dillenia turbinate).

Trên địa hình đồi với nền đất bazan cao 332 m ở phía Tây bản Tạ Lia còn có một khu rừng với ưu thế của Vên vên (Anisoptera robusta) cao 25-30m, đường kính từ 80-100 cm. Có thể xem như đây là một ưu hợp tương đối nguyên sinh ở khu vực.

Mặc dù với diện tích không lớn, rừng giàu ở khu vực vẫn còn có thể cung cấp một lượng gỗ quý và gỗ thường. Có thể khai thác chọn một số cây gỗ lớn đã đến tuổi khai thác. Cùng với quá trình khai thác cần gây dặm các cây gỗ quý trong kiểu rừng này. Nhất là các cây bản địa có khả năng thành công chắc chắn như Táu (Vatica tonkinensis, Vatica astrotricha), Chò chỉ (Parashorea stellata), Vên vên (Anisoptera robusta), Sao (Hopea pierrei), Gụ (Sindora sp.)... Nguồn giống được lấy từ các cây có ở địa phương. Việc gây trồng Mây, Song dưới rừng cũng có thể tạo ra nguồn thu nhập khá lớn trong thời gian ngắn.  Theo phòng NN&PTNT Hướng Hóa, cây Trầm hương đã gây trồng thành công trong khu vực Hướng Việt. Cây này sau 10 năm có thể tạo trầm nhân tạo hay khai thác gỗ làm hương liệu hay nguyên liệu giấy. Nếu cây sinh trầm thì lãi lớn.

2. Rừng trung bình

Rừng trung bình có 8.099,5ha chiếm phần lớn diện tích lá rộng, chiếm 40% diện tích khu vực. Rừng tương đối phổ biến trong khu vực trên các sườn núi, trong các thung lũng. Do quá trình khai thác trước đây đã chọn hết các cây gỗ lớn thường xanh, các cây gỗ rụng lá có chất lượng gỗ xấu được bớt lại nên rừng giống như rừng rụng lá. Dọc tuyến khảo sát trên đường đi vào bản Kang, trên đất bazan, rừng phân bố thành các mảng lớn. Cấu trúc rừng có thể phân biệt như sau:

- Tầng trên cùng còn có một số cây gỗ rụng lá mùa khô, cao trên 25 m, đường kính > 40 cm mọc rải rác như Lim vàng  (Peltophorum dassyrachis), Bằng lăng cườm (Lagerstroemia calyculata)... tạo độ che phủ thưa.

- Tầng tán rừng cao 15-20 m, đường kính thân cây 20-30 cm, che phủ tương đối kín (50-60%).

Các loài cây thường gặp có: các loài Dẻ chiếm ưu thế như Kha thụ sừng nai (Castanopsis ceratacantha), Dẻ Trường Sơn (Lithocarpus annamitorum), Sồi đỏ (Lithocarpus corneus), Dẻ cờ đen (Lithocarpus paviei), Dẻ tụ (Lithocarpus pseudo-magneinii), Dẻ gié giòn (Lithocarpus rhabdostachya); các loài cây gỗ khác có Hoa sữa (Alstonia scholaris), Gạo (Bombax sp.), Muồng (Cassia sp.), Sơn vé (Garcinia merguensis), Bứa (Garcinia schefferi), Côm trâu (Elaeocarpus floribundus), Côm láng (Elaeocarpus nitidus), Sòi tía (Triadica cochinchinensis), Mán đỉa (Archidendron clyperia), Giác (Archidendron lucidum), Trâm hoa tròn (Syzygium sphaeranthum), Lòng mán lá đa dạng (Pterospermum diversifolium), Dung chùm (Symplocos racemosa), Cò ke lá sếu (Grewia eriocarpa)...

- Dưới rừng còn có tầng cây bụi, gỗ nhỏ, tầng cỏ và các quần phiến phụ sinh, ký sinh, dây leo.

Các khu vực khác, trên đá biến chất, rừng có cấu trúc kém hơn.

Rừng đã bị khai thác quá mức nhưng đã có thời gian phục hồi. Tầng giữa của rừng trước đây đã vươn lên chiếm ưu thế. Căn cứ vào cấu trúc có thể xếp nó vào kiểu trạng thái  IIIA2 với các đặc trưng: độ tàn che 0,5 - 0,6, chiều cao 14-16m, đường kính trung bình từ 20 – 24 cm, tổng tiết diện ngang khoảng 16 – 18 m2/ha, trữ lượng bình quân 90 – 125 m3/ha, tổ thành cây còn tương đối đa dạng. Về định hướng sử dụng: rừng này cần ngừng khai thác, bảo vệ để tái sinh và có thể gây dặm các các cây gỗ quý vào trong rừng.

3. Rừng nghèo

Rừng nghèo có 647,3 ha, chiếm 3,2% diện tích khu vực.  Khá phổ biến trong khu vực, thường phân bố phía bên ngoài các khu rừng trên, gần các khu dân cư. Đại đa số diện tích rừng trên đá vôi ở Hướng Việt thuộc kiểu rừng này.  Qua các điểm khảo sát ở Tạ Lia, Bản Phương, Sạ Tinh, có thể thấy rừng đã bị khai thác liên tục, cấu trúc bị vỡ, tầng không rõ ràng. Ngoài các gỗ tốt, quý bị khai thác trước đây, các cây gỗ nhỡ, có phẩm chất trung bình cũng bị khai thác. Tầng cây gỗ còn có một số cây có đường kính 30 – 35 cm nhưng chất lượng gỗ xấu hay rỗng ruột như Săng lẻ (Lagerstroemia calyculata), Bồ hòn (Sapindus mukorosii), Trám hồng (Canarium bengalense), Đa (Ficus sp.), Nhội (Bischoffia javanica)... Tầng tán rừng chỉ cao 10-15m, che phủ 40-50%, gồm các cây nhỏ mới vươn lên, có đường kính 15-20 cm. Thành phần loài phức tạp. Các loài Dẻ như Kha thụ sừng nai (Castanopsis ceratacantha), Dẻ Trường Sơn (Lithocarpus annamitorum), Sồi đỏ (Lithocarpus corneus), Dẻ cờ đen (Lithocarpus paviei), Dẻ tụ (Lithocarpus pseudo-magneinii), Dẻ gié giòn (Lithocarpus rhabdostachya) chiếm một tỷ lệ cao trong thành phần loài. Các loài khác có Lồng mức hoa đỏ (Wighita dubia), Thành ngạnh đẹp (Cratoxylon formosum), Sơn vé (Garcinia merguensis), Bứa (Garcinia schefferi), Chò nhai (Anogeisus acuminata), Sổ bà (Dillenia indica), Sổ bông vụ (Dillenia turbinata), Vạng trứng (Endospermum chinense), Sau sau (Liquidambar formosana), Mán đỉa (Archidendron clyperia), Trâm xanh (Syzygium chloranthum), Chét (Sapindus chrysotrichus), Vối thuốc (Schima wallichii), vùng cao> 600m, Cò ke lá sếu (Grewia eriocarpa), Bù lốt (Grewia laurifolia), Bình linh cọng mảnh (Vitex tripinnata)...Các loài Tre nứa khá nhiều dưới tán rừng.

Trên đất tầng mỏng, sỏi sạn gần khu vực thác nước phía Bắc bản Tạ Lia có rừng chỉ có các loài rụng lá như Gạo (Bombax sp), Trôm hôi (Sterculia foetida), Lồng mức hoa đỏ (Wighita dubia)...

Trên núi đá vôi ở phía Bắc Hướng Việt, rừng nghèo chỉ còn các cây gỗ cao 15-25 m, đường kính 10-20 cm, độ che phủ 30-40% với các loài như Dâu gia xoan (Allospondias lakhoensis), Trường mật (Ameisiodendron chinense), Mạy tèo (Streblus macrophylla), Chò nhai (Anogeisus acuminata), Lai (Aleurites moluccana), Cò ke lá dung (Grewia laurifolia), Sếu (Celtis sp.), Cóc rừng (Spondias pinnata)... Nơi đất dày có các các cây Búng báng (Arenga pinnata) với kích thước lớn cao > 10m. Dưới tán rừng, nơi đất ẩm có loại rau đặc sản Rau bù khai (Erythropalum scandens).


Ven các suối cạn nước vào mùa khô, trước đây thường gặp cây Huê mộc (Dalbergia tonkinenssis). Gỗ của loài này bèn và cho vân rất đẹp, có giá cao trong thương mại (khoảng trên 100 triệu đồng/m3).  Theo phòng NN&PTNT, năm 2006, Hướng Việt là địa điểm buôn bán gỗ Huê mộc từ Lào sang. Việc gây trồng cây này không khó. Đã có nhiều nơi trồng thành công.

Nói chung, rừng nghèo với các đặc trưng chính sau: đường kính trung bình 17 – 20cm, cao trung bình 12 – 14m, trữ lượng bình quân 50 – 70m3/ha, thuộc kiểu trạng thái IIIA1. Rừng đã bị khai thác kiệt quệ, tầng cây bị vỡ, có Tre nứa xâm lấn. Rừng này cần ngừng tác động, bảo vệ để tái sinh rừng.

B. Rừng trồng

4. Rừng trồng Keo lá tràm

Rừng trồng chỉ có diện tích nhỏ 43 ha, tập trung ở Hướng Việt và rải rác ở Hướng Đại, Hướng Độ, một số điểm dọc đường Hồ Chí Minh. Rừng mới trồng khoảng 4 -5 năm, cao 5-7m, che phủ kín. Cây trồng chính Keo lá tràm (Acacia confusa), Keo tai tượng (Acacia acuriliformis). Các cây này sinh trưởng tốt, phù hợp với khu vực. Có thể mở rộng diện tích rừng trồng trên diện tích đất trảng cây bụi, trảng cỏ. Sau 7-8 năm đã có thể khai thác, tạo nguồn thu nhập cho dân. Sau 2-3 chu kỳ trồng rừng, đất được cải tạo về tính chất vật lý, có thể trồng dặm các cây gỗ quý như đã đề cập ở trên. Riêng cây Trầm hương có thể trồng trực tiếp trên đất có cỏ hay cây bụi. Cây này đã được trồng ở Hướng Việt. Trong các khu vực khác như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, chúng được trồng trực tiếp trên đất có trảng cây bụi, cỏ và đều thành công.

C. Rừng tre nứa

5. Rừng Tre nứa

Rừng Tre nứa có 1.279,7 ha, chiếm 6,40% diện tích khu vực và 12,24% diện tích rừng hiện có.  Rừng Tre nứa khá phổ biến trong khu vực tạo thành các mảng lớn trên đồi, núi và các dải rộng ven sông, suối. Rừng được hình thành sau khi rừng lá rộng bị khai thác trắng hay trên các đất nương rẫy bỏ hoang. Ven sông, suối, trên đất dày ẩm, ngập khi lũ lớn có rừng Tre gai rừng (Bambusa bambos), Tre trổ (Bambusa arundiracera var. aureo-variegata) cao 8-12m, đường kính 5-10cm, mọc thành khóm. Trên sườn đồi, núi, phổ biến rừng Le Poilan (Oxytenanthera poilanei) cao 5-8 m, đường kính 2-3cm. Gần đỉnh Sá Mùi, cao trên 800m, có rừng Sặt (Sinarundinaria sp.) cao 2-3m, đường kính 1,5-2cm. Mật độ cây trung bình 6.000 – 7.000 cây/ha. Mật độ Sặt có thể tới 10.000 cây/ha. Rừng Tre nứa ổn định khá lâu dài. Hiện tại, có thể Tre, Le phát triển nghề đan lát hay tổ chức khai thác măng. Sặt có thể khai thác làm cần câu hay mành trúc.  

C. Đất không có rừng, trảng cây bụi, trảng cỏ

6. Trảng cây bụi

Trảng cây bụi có 1.497,3ha chiếm 7,49% diện tích khu vực nghiên cứu. Trảng cây bụi phân bố phổ biến thành các mảng lớn ở vùng trung tâm. Chúng còn phân bố rải rác trong khu vực núi, đan xen với rừng và đất nương rẫy. Trảng cây bụi được hình thành từ trảng cỏ đã phát triển lâu năm trên đất nương rẫy bỏ hoang. Trảng cây bụi cao >2m đến 6-7 m, có độ che phủ kín. Các cây bụi chính có Cánh giơi (Bauhinia bracteata), Loã châu (Gymnosporia tonkinensis), Mắc mèo lá hoa (Mucuna bracteata), Ké hoa đào (Urena lobata), Mua đông (Melastoma orientale), Mua Sài gòn (Melastoma saigonense), Chạy da (Rhamnella tonkinensis), Ngấy (Rubus alcaefolius), Ngấy hương (Rubus cochinchinensis), Găng cơm (Canthium parvifolium), Trang đỏ (Ixora duffii), Trang trở đen (Ixora nigricans), Lẩu Bon (Psychotria bonii), Lẩu đỏ (Psychotria rubra), Vuốt (Uncaria sp.), Huân lang Thorel (Wendlandia thorelii), Dấu dầu lá hẹp (Euodia calophylla), Dấu dầu lá đơn (Euodia simplicifolia), Mắt trâu cong (Micromelum minutum), Hoàng mộc cánh bầu (Zanthoxylum cucllipetalum), Bá bệnh (Eurycoma longifolia), Dó trĩn (Helicteres viscida), Tu hú bầu dục (Gmelina elliptica)...Trên tầng cây bụi thường có các cây gỗ ưa sáng mọc nhanh. Trong trảng cây bụi có nhiều dây leo và cỏ cao. Theo trạng thái, trảng cây bụi này được xếp vào kiểu phụ I C (cây bụi lúp xúp, thường lẫn cỏ). Đất dưới trảng cây bụi tương đối dày, có thể trồng rừng với loài Keo lá tràm có biên độ sinh thái rộng. Riêng đối với trảng cây bụi trên đất bazan cần giành cho trồng cây công nghiệp như Cà phê, Hạt tiêu.

7. Trảng cỏ

Trảng cỏ có  6.627,6ha, chiếm 33,14% diện tích khu vực nghiên cứu. Trảng cỏ phân bố phổ biến ở vùng trung tâm và rải rác ở vùng núi xen lẫn rừng, nương rẫy và trảng cây bụi. Trảng cỏ hình thành trên đất nương rẫy bỏ hoang. Theo cấu trúc, trảng cỏ chia ra trảng cỏ thưa và trảng cỏ dày cao.

7.a. Trảng cỏ thưa

Trảng cỏ thưa có 394,6ha. Trảng cỏ thưa chỉ có diện tích nhỏ, phân bố rải rác trong khu vực. Chúng hình thành trên đất nương rẫy vừa mới bỏ hoang. Trảng cỏ thường cao < 1m, che phủ thưa với ưu thế của loài Cỏ tranh (Imperata cylindrica) mọc lẫn Trinh nữ (Mimosa pudica). Nếu không bị đốt, chỉ sau 1-2 năm, trảng cỏ này mọc dày đặc và cao tới 1,5m. Theo trạng thái trảng cỏ được xếp trạng thái I A (cỏ thưa).

7.b. Trảng cỏ dày, cao

Trảng cỏ dày có 6.233ha. Trảng cỏ dày, cao chiếm một diện tích lớn ở khu vực nhất là vùng trung tâm. Trảng cỏ cao trên 2 m, che phủ kín với các loài như Lô Nêpal (Miscanthus nepalensis), Lau (Saccharum spontaneum), Chít (Thysanolaena maxima). Trảng cỏ này hình thành từ trảng cỏ thấp sau 1-2 năm không bị đốt. Hàng năm, trảng cỏ này bị đốt để lấy cỏ non cho gia súc ăn. Do cháy, trảng cỏ tồn tại khá bền vững và có khả năng tăng diện tích. Theo trạng thái, chúng được xếp vào kiểu phụ I B (cỏ dày, thường cao). Việc hạn chế đốt đồng cỏ sẽ tăng dần độ che phủ và ổn định nguồn nước.
 
D. Đất nông nghiệp và khu dân cư

8. Đất trồng cây lâu năm

Đất trồng cây lâu năm có 344,2ha, chủ yếu là đất trồng Cà phê và một diện tích nhỏ trồng Bời lời. Cà phê tập trung trên đất bazan ở Hướng Đại, Hướng Độ, bản Bụt. Cà phê còn trồng rải rác trong các vườn ở các bản khác. Cà phê sinh trưởng tốt nhưng do chăm sóc kém năng suất thấp. Khi cây lâu năm trưởng thành sẽ có cấu trúc ổn định ổn định, có giá trị trong ổn định môi trường nước, đất. Việc tăng diện tích cây lâu năm là khả thi đối với khu vực nhưng cần hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và tăng cường trữ nước bằng các hệ thống hồ.
 
9. Đất trồng lúa, màu, nương rẫy

Đất trồng lúa, màu có 670,6ha, chủ yếu là đất trồng màu ở dạng nương rẫy. Cấu trúc của thảm thực vật trên đất nương rẫy kém, các cây có chiều cao thấp, độ che phủ thường thưa, không ổn định.

Canh tác nương rẫy đem lại hiệu quả không tốt cho môi trường. Tuy nhiên, các cây màu lại là cây kinh tế của khu vực. Việc tăng diện tích Lúa nước nhờ công tác thuỷ lợi hay chuyển đổi diện tích nương rẫy thành các mô hình vườn-rừng là cần thiết.

10. Khu dân cư, công sở, đồn biên phòng

Khu dân cư, công sở, đồn biên phòng có diện tích nhỏ 189,8ha, tập trung ở khu vực Việt Nam và rải rác trên địa phận Lào. Kinh tế- xã hội của khu vực mới phát triển, mật độ dân thấp, quỹ đất còn lớn cần quy hoạch lại khu dân cư với diện tích vườn rộng để có thể xây dựng các mô hình vườn - nhà. Có thể, trong một thời gian dài nữa, thu nhập từ vườn vẫn sẽ là nguồn thu nhập chính và ổn định của người dân.

Kết luận

Rừng ở khu vực nghiên cứu chủ yếu là rừng gỗ tự nhiên hiện có 9.146,5ha chiếm 87,37% diện tích rừng toàn khu vực với diện tích nhỏ rừng rừng giàu, 403,2 ha; đại đa số là diện tích rừng trung bình, 8.099,5ha và một diện tích đáng kể rừng nghèo, 647,3 ha. Rừng giàu có thể khai thác được một lượng nhỏ gỗ. Đại đa số diện tích rừng cần được quản lý tốt nhằm đảm bảo tái sinh rừng cùng với gây dặm các loài gỗ quý, khai thác lâm sản ngoài gỗ hợp lý. Rừng trồng chỉ có diện tích nhỏ 43 ha. Có thể mở rộng diện tích rừng trồng trên diện tích đất trảng cây bụi, trảng cỏ, tạo nguồn thu nhập cho dân sau một thời gian ngắn. Rừng Tre nứa có 1.279,7 ha, chiếm 12,24% diện tích rừng hiện có. Có thể phát triển nghề đan lát kết hợp tổ chức khai thác măng hợp lý. Đất không rừng có diện tích tương đối lớn, sử dụng chưa hợp lý hay chưa hiệu quả. Tài nguyên rừng ở khu vực đã bị khai thác mạnh nhưng vẫn còn có một tiềm năng tương đối lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên cơ sở quản lý tốt và hạn chế được quá trình du canh; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật tái sinh, tu bổ, gây dặm; khai thác hợp lý và phát triển rừng trồng.

Nguyễn Hữu Tứ - Vũ Anh Tài (Viện Địa lý - VAST)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025