Mở đầu
Với sự đa dạng về địa hình, thấp nhất là 300m và cao nhất là 3143m so với mặt nước biển, Hoàng Liên Sơn là nơi hội tụ của hầu hết các bậc phân chia độ cao địa hình và sau đó là các đai và á đai khí hậu của Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà thực vật nói riêng và sinh vật nói chung ở Hoàng Liên rất đặc biệt, nhiều loài trong đó là đặc hữu, không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Với đặc điểm của nền địa chất cổ, được bắt đầu hình thành từ Paleogen mà di tích của bán bình nguyên mới Paleogen đó có thể thấy được ở VQG Hoàng Liên ở động cao 1500-1700m xung quanh thị trấn Sa Pa và dưới bán bình nguyên cổ ở độ cao 2100-2200m trên dãy Phan Si Păng (Vũ Tự Lập, 1999). Như những gì mà các nhà khoa học đi trước đã khẳng định rằng đây là một hệ thực vật cổ, được phát triển từ thời kỳ tân kiến tạo Kanosoi, các chi thực vật cổ được xác định là Thích (Acer), Pơ mu (Fokienia), Roi-tê (Rhoiptelea)... (Trần Đình Lý và tập thể, 1996), rõ ràng hệ thực vật ở Hoàng Liên Sơn nói chung và của VQG Hoàng Liên nói riêng có rất nhiều đặc sắc. Thêm vào đó, địa hình và sự biến đổi theo độ cao của nó có vai trò quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến các yếu tố phát sinh khác của hệ thực vật cho nên vấn đề tìm hiểu các loài thực vật đặc hữu Hoàng Liên cùng với sự phân bố của chúng theo độ cao ở VQG Hoàng Liên sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn về hệ thực vật đặc biệt này, đồng thời góp phần quan trọng cho công tác quy hoạch bảo tồn của VQG Hoàng Liên.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp kế thừa
Kế thừa các kết quả của các tác giả trước đây khi nghiên cứu về hệ thực vật Sa Pa - Phan Si Păng (Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời), hệ thực vật vùng núi cao Hoàng Liên Sơn (Trần Đình Lý và tập thể), các thông tin từ Danh lục các loài thực vật Việt Nam, từ bộ mẫu lưu trữ tại phòng bảo tàng thực vật của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Bảo tàng sinh vật của VQG Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai.
Phương pháp tiếp cận thông tin: Từ bản danh lục các loài thực vật của VQG Hoàng Liên, tiến hành kiểm tra thông tin về phân bố của các loài (căn cứ theo Danh lục các loài thực vật Việt Nam (tập 2, tập 3), Thực vật chí Đông Dương (của Lecomte), Thực vật chí Căm-pu-chia, Lào và Việt Nam (Aubreville chủ biên) và các chuyên khảo thực vật khác để xác định tập hợp các loài đặc hữu (chỉ phân bố ở khu vực Sa Pa, Hoàng Liên Sơn).
Phương pháp điều tra thực địa
Ghi nhận sự có mặt của các loài thực vật đặc hữu trên các tuyến thực địa.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận tổng số có 122 loài, thuộc 52 họ thực vật bậc cao có mạch, chiếm 5% tổng số loài, 24,9% tổng số họ trong hệ thực vật VQG (hệ thực vật của VQG Hoàng Liên có 2432 loài, 898 chi, 209 họ). Trong số này có 4 họ thuộc về Dương xỉ, tất cả còn lại đều là Thực vật có hoa (ngành này ở Hoàng Liên có 2114 loài, 782 chi và 174 họ). Các họ có nhiều loài nhất là Acanthaceae (9), Araliaceae (8), Orchidaceae (8), Rosaceae (8), Lauraceae (7), Ericaceae (6), Cyperaceae (4), Melastomataceae (4).
Như nhận định của nhiều nhà khoa học, trong số 122 loài trên có các họ và chi thực vật cổ như Orchidaceae (có 8 loài), Acer (có 2 loài), Clethra (có 3 loài), đặc trưng cho hệ thực vật núi cao như Ericaceae (6 loài), Carex (có 4 loài)
Có 15 loài mà tên khoa học được đặt theo địa danh Sa Pa, 2 loài đặt tên theo địa danh Phan Si Păng cùng với rất nhiều loài khác được đặt tên để kỷ niệm các nhà thực vật học người Pháp, những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về thực vật ở Hoàng Liên Sơn, qua đó cho thấy hệ thực vật ở Hoàng Liên rất đặc biệt, nó có sức hấp dẫn với rất nhiều nhà khoa học.
Sự phân bố các loài đặc hữu theo đai ở Hoàng Liên
Trong số tất cả các loài đặc hữu thì chỉ có một loài duy nhất là cây một năm (Th), đó là Cúc lưỡi - Ligularia petelotii, có 2 loài có dạng sống là nửa ẩn (Hm), đó là các loài Anh thảo - Primuala cardioides, P. petelotii, có 3 loài có thân gỗ lớn (cao trên 25m) là Kha thụ lá dày - Castanopsis crassifolia, Sồi - Quercus chevalieri và Sụ lông mượt - Alseodaphne lanuginosa. Dạng sống phổ biến nhất của các loài đặc hữu là các cây gỗ nhỏ (Mi có 20 loài), cây bụi (Na:19 loài), dây leo (Lp:19 loài), các dạng sống khác gồm: cây gỗ vừa (Me: 16 loài), cây thân thảo (Hp: 15 loài), cây bì sinh (Ep: 11 loài), chúng đều là các cây chồi trên đất và cũng có khá nhiều loài là cây chồi sát đất (Ch: 9 loài) hoặc cây chồi ẩn (Cr: 5 loài).
Sự phân bố của các loài theo các đai khác nhau được thể hiện như trong hình bên, theo đó đai có nhiều loài đặc hữu nhất là đai thấp nhiệt đới và đai nhiệt đới núi thấp (dưới 1700m), tiếp theo là đai á nhiệt đới núi vừa tầng dưới (dưới 1600m). Chỉ có một loài phân bố ở đai á nhiệt đới núi vừa tầng trên, đó là Chân chim núi cao - Schefflera alpina.
Từ biểu đồ phân bố của các loài đặc hữu Sa Pa - Phan Si Păng như trên, ta thấy rằng, ở độ cao 1000-1700m có đến 93 loài, chiếm 76% số loài đặc hữu của VQG. Rất nhiều trong số đó được các tác giả người Pháp định danh lần đầu tiên. Đó là cơ sở quan trọng cho công tác quy hoạch bảo tồn ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Danh sách các loài đặc hữu theo độ cao ở Hoàng Liên
Kết luận
Hệ thực vật ở VQG Hoàng Liên có 122 loài đặc hữu, thuộc về 52 họ thực vật bậc cao có mạch, đa số chúng là các đại diện của hệ thực vật cổ (Paleogen) và đặc trưng cho đai cao; phần lớn là các loài cây chồi trên, cần ưu tiên bảo tồn nguồn thực vật này tại độ cao từ 1000 đến 1700m với số loài đặc hữu phân bố ở đây là 93 loài (76% số loài đặc hữu của VQG).
Tham khảo
1. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên, 2003), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập II, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên, 2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập III, Nxb . Nông nghiệp, Hà Nội.
3. Vũ Tự Lập (1976), Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
4. Vũ Tự Lập, (1999) Địa lý tự nhiên Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Trần Đình Lý, Đỗ Hữu Thư, Hà Văn Tuế, Lê Đồng Tấn, Trịnh Minh Quang (1996), Thảm thực vật và hệ thực vật vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, Tạp chí Lâm nghiệp số 4+5, tr 7-9.
6. Takhtajan, A. L. (1964), Những nguyên lý tiến hóa của thực vật Hạt kín, Nxb Nauka, Leningrat. (Bản dịch: Nguyễn Bá - Hoàng Kim Nhuệ, 1967. Nxb Khoa học - Kĩ thuật, Hà Nội: 124 trang).
7. Takhtajan, A. L. (1970), Nguồn gốc và sự phát tán của thực vật có Hoa, Nxb Nauka, Leningrat. (Bản dịch: Nguyễn Bá - Hoàng Kim Nhuệ, 1977. Nxb Khoa học - Kĩ thuật, Hà Nội: 167).
8. Tạp chí Sinh học (1994 - 1995), Chuyên đề thực vật, số 16 (4) và 17(4), Hà Nội.
9. Lê Bá Thảo (2004), Thiên nhiên Việt Nam (tái bản lần thứ 3), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời (1997). Đa dạng thực vật vùng núi cao Sa Pa - Phan Si Pan, Nxb ĐHQG HN.