Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Thông tin đa dạng thực vật khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa

Cập nhật ngày 22/10/2008 lúc 2:41:00 PM. Số lượt đọc: 4898.

Sự đa dạng của hệ thực vật Bà Nà cũng được thể hiện bằng sự chênh lệch về tỷ lệ của hai lớp trong ngành Mộc lan, cho phép chúng ta kết luận rằng hệ thực vật Bà Nà mang các đặc điểm đặc trưng của một hệ thực vật nhiệt đới, một nơi có tiềm năng đa dạng sinh học, đa dạng thực vật cao.

Mở đầu

Bà Nà - Núi Chúa là một dãy núi thuộc huyện Hòa Vang cách Đà Nẵng 40 km về phía Tây Nam, cao 1.487 m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 17oC dến 20oC. Ở Bà Nà, du khách sẽ cảm nhận được bốn mùa riêng biệt trong một ngày: sáng - xuân, trưa - hạ, chiều - thu, tối - đông và khác với Đà Lạt là không bị ẩm ướt vì các cơn mưa nhỏ. Đặc biệt khi cơn mưa xuất hiện, chúng ta được xem mưa rơi xung quanh sườn núi mà phần đỉnh vẫn luôn khô ráo, vẫn trời mây quang tạnh, không khí thoáng đãng mát mẽ. So với Tam Đảo, Đà Lạt, Bà Nà có ưu thế hơn về tầm nhìn toàn cảnh. Từ trên những mỏm núi, du khách có thể bao quát cả một không gian mênh mông: biển cả, thành phố Đà Nẵng, những cánh đồng lúa xanh tận chân trời... Trong khi nhiệt độ từ tháng 5 đến tháng 8 là những tháng nóng nhất ở ven biển miền Trung thường lên tới 32oC thì ở đây chỉ có 17oC đến 20oC, cao nhất từ 22oC - 25oC. Còn ban đêm xuống tới 15oC, tương đương với nhiệt độ trung bình về mùa đông ở miền Bắc. Khí hậu ôn hòa suối chảy róc rách, rừng cây xào xạc làm cho nơi đây có thể sánh với những vùng nghỉ mát như Tam Đảo, Đà Lạt... Bà Nà còn có giá trị là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều loài động, thực vật quí hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Sau khi khôi phục lại khu nghỉ mát Bà Nà - Núi Chúa (Trước kia thường gọi là núi Bà Nà) UBND Thành phố Đà Nẵng đã lập dự án thành lập tại đây một khu bảo tồn thiên nhiên. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư xây dựng 10,828 tỷ đồng từ năm 2000 đến năm 2005. Bà Nà - Núi Chúa cao 1.482 mét, cách trung tâm Thành phố Đà Nẵng 40 km, có đường ô tô đi lại dễ dàng. Sau một thời gian dài nằm im qua hai cuộc kháng chiến, Bà Nà - Núi Chúa nay đã thức dậy, tỏ rõ khả năng của một khu nghỉ mát, khu du lịch và khu bảo tồn thiên nhiên có các loài động vật thực vật quý hiếm (trong đó có cây con làm thuốc). Vì nằm ở vùng chuyển tiếp khí hậu của nước ta, giữa miền Bắc với khí hậu một năm bốn mùa rõ rệt và miền Nam với khí hậu một năm hai mùa mưa khô phân lập cho nên Bà Nà - Núi Chúa có hai kiểu rừng: một là kiểu rừng á nhiệt đới với các loài cây á kim, hai là kiểu rừng nhiệt đới với các loài cây lá rộng.

Đa dạng về thành phần loài

Chúng tôi đã thống kê được số lượng các taxon và qua đó có những nhận định về đa dạng hệ thực vật của KBTTN Bà Nà. Chỉ với diện tích khá nhỏ (17.641 ha) nhưng Bà Nà lại có tới 795 loài thuộc 487 chi và 134 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Thông đất - Lycopodiophyta, ngành Dương xỉ - Polypodiophyta ngành Thông - Pinophyta và ngành Mộc lan - Magnloliopphyta.

Sự phân bố của các taxon trong các ngành

Hệ thực vật

Bà Nà

 

SL

%

Psilotophyta

0

0

Lycopodiophyta

3

0,38

Equisetophyta

0

0

Polypodiophyta

46

5,79

Pinophyta

7

0,88

Magnoliophyta

739

92,96

Tổng

795

100

Như vậy, sự đa dạng của các taxon trong các ngành là khác nhau. Trong đó ngành Mộc lan - Magnoliophyta chiếm ưu thế với 739 loài, chiếm 92,96% thuộc 443 chi, chiếm 90,97% và 115 họ, chiếm 85,82% tổng số loài, chi, họ của cả hệ. Tiếp đến là ngành Dương xỉ - Polypodiophyta với 46 loài, chiếm 5,95% thuộc 37 chi, chiếm 5,98% và 13 họ, chiếm 6% số họ trong toàn hệ, ngành Thông - Pinophyta góp mặt với 7 đại diện, thuộc về 5 chi và 4 họ khác nhau, chiếm gần 1% tổng số loài của hệ thực vật Bà Nà. Đóng góp vai trò thấp nhất về thành phần loài là ngành Thông đất - Lycopodiophyta chỉ có 3 loài, thuộc 2 chi trong 2 họ, có tỷ lệ rất thấp trong hệ thực vật Bà Nà với các tỷ lệ tương ứng là 0,38; 0,41; 1,49%.

Như vậy hệ thực vật Bà Nà cũng khá đa dạng với 4 trên tổng số 6 ngành thực vật bậc cao của hệ thực vật Việt Nam có mặt ở đây. Hệ thực vật này còn khuyết một số ngành với sự có mặt không thường xuyên trên toàn hệ thực vật Việt Nam là Quyết lá thông - Psilotophyta và Cỏ tháp bút - Equisetophyta.

Sự đa dạng của hệ thực vật Bà Nà cũng được thể hiện bằng sự chênh lệch về tỷ lệ của hai lớp trong ngành Mộc lan, cũng giống như các hệ thực vật khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói riêng và trên các khu vực nhiệt đới toàn cầu nói chung, Magnoliopsida luôn có tỷ lệ áp đảo so với Liliopsida trong cấu trúc tổ thành của ngành, tỷ lệ này đạt giá trị 3/1 là một thông số đặc trưng cho các hệ thực vật thuộc vành đai nhiệt đới trên toàn cầu. Thật vậy, vai trò của hai lớp ở Bà Nà được thể hiện như ở bảng trên, qua đó chúng ta thấy tỷ lệ tương đối của Magnoliopsida so với Liliopsida ở các bậc taxon họ, chi và loài tương ứng là: 5,05; 4,47 và 5,54. Điều đó cho phép chúng ta kết luận rằng hệ thực vật Bà Nà mang các đặc điểm đặc trưng của một hệ thực vật nhiệt đới, một nơi có tiềm năng đa dạng sinh học, đa dạng thực vật cao.

Khi so sánh về cấu trúc thành phần loài trong các ngành của hệ thực vật Bà Nà với hệ thực vật đại diện các khu vực - vành đai khí hậu - khác nhau trên toàn Quốc như: Sa Pa, Phan Si Pan đại diện cho phía Bắc, núi cao; với Cúc Phương, khu hệ nguyên sinh số một của Việt Nam, với Bạch Mã, một khu hệ thực vật lân cận nhưng được ngăn cách bởi yếu tố địa lý lớn là đèo Hải Vân; với Cát Tiên ở miền Nam, đặc trưng cho hệ thực vật nhiệt đới ẩm vùng thấp thấy rằng hệ thực vật ở Bà Nà tuy với số lượng các loài là thấp hơn nhiều so với các khu hệ thực vật khác đại diện cho ba miền của hệ thực vật cả nước nhưng rõ ràng về cấu trúc tương đối tức là tỷ lệ của từng ngành thì tất cả các hệ thực vật này cũng rất giống nhau, ở đó luôn là sự ưu thế của 2 ngành Magnoliophyta và Polypodiophyta. Sự thiếu vắng các đại diện của 2 ngành Quyết lá thông và Cỏ tháp bút ở Bà Nà so với các hệ thực vật này có thể được giải thích bởi quy mô của mỗi hệ thực vật. Thật vậy, Sa Pa PSP và Cát Tiên có diện tích lớn hơn nhiều và cùng với đó là sự đa dạng khá lớn về thành phần loài được tạo nên bởi nhiều yếu tố khác nhau, Cúc Phương với rất nhiều các điều kiện thuận lợi để phát triển và gìn giữ một hệ thực vật nhiệt đới đa dạng và phong phú hơn rất nhiều các hệ thực vật khác ở Việt Nam nói chung và Bà Nà nói riêng, nhưng so với Bạch Mã, một hệ thực vật khá gần gũi với Bà Nà, diện tích cũng không lớn (Bạch Mã có diện tích khoảng 22.000 ha) thì rõ ràng Bà Nà không có được mức độ đa dạng thực vật cao được như Bạch Mã. Điều khác biệt này ở hai hệ thực vật gần nhau về mặt không gian nhưng yếu tố quyết định nên sự khác nhau đó lại là cách ly địa lý và khí hậu, Bạch Mã là điểm cuối cùng của phân vùng khí hậu Bắc Việt Nam trong khi đó Bà Nà lại thuộc phần mở đầu của phân vùng khí hậu thuộc miền Nam Việt Nam, hai khu hệ được cách ly với nhau bằng khối núi Đèo Hải Vân, đây cũng là một chướng ngại chính gây ra sự khác biệt về khí hậu và qua đó là những đặc tính của các hệ thực vật ở hai miền của nước ta.

Khi đánh giá tính đa dạng của các họ và các chi một cách tổng quát chúng tôi tính các chỉ số họ, chỉ số chi và tính trung bình các chi có trong một họ. Kết quả cho thấy hệ thực vật Bà Nà có chỉ số họ là 5,93 (795/134), chỉ số chi là 1,63 (795/487) và qua đó thì số chi trung bình của một họ là 3,63.

Các họ đa dạng nhất

TT

Họ

Số loài

Tỷ lệ %

 

Tên latin

Tên Việt Nam

  

1

Euphorbiaceae

Thầu dầu

54

6,79

2

Rutaceae

Cam chanh

54

6,79

3

Orchidaceae

Phong lan

23

2,89

4

Verbenaceae

Cỏ roi ngựa

23

2,89

5

Poaceae

Hoà thảo

20

2,52

6

Asteraceae

Cúc

19

2,39

7

Myrsinaceae

Ðõn nem

19

2,39

8

Acanthaceae

Ô rô

18

2,26

9

Caesalpiniaceae

Vang

18

2,26

10

Fagaceae

Dẻ

18

2,26

10 họ đa dạng nhất (7,46% tổng số họ)

266

33,44

Là những họ có số lượng loài nhiều nhất của một hệ thực vật (các họ giàu loài). Ở Bà Nà, chúng tôi đã thống kê với tổng số 134 họ thì có tới 24 họ có trên 10 loài (chiếm ít nhất 1,38% tổng số loài), ở đó họ kém đa dạng nhất có thể kể đến như : Xoài - Anacardiaceae, Trúc đào - Apocynaceae, Cói - Cyperaceae, Trinh nữ - Mimosaceae, Hoa hồng - Rosaceae và Dung - Symplocaceae. Tổng số loài của 24 họ đa dạng này chiếm là 448 (đạt 56,35% tổng số loài trong khi mới chỉ chiếm 17,91% tổng số họ của hệ thực vật này). Nếu chỉ xét trong khoảng 10 họ đa dạng nhất của một hệ thực vật thì Bà Nà được đặc trưng bởi các họ giàu loài nhất là: Thầu dầu - Euphorbiaceae, Cam chanh - Rutaceae (54 loài), Phong lan - Orchidaceae, Cỏ roi ngựa - Verbenaceae (23 loài),  Hoà thảo - Poaceae (20), Cúc - Asteraceae, Đơn nem - Myrsinaceae (19), Ô rô - Acanthaceae, Vang - Caesalpiniaceae, Long não - Lauraceae, Dẻ - Fagaceae (18 loài).

Các họ đa dạng nhất của hệ thực vật Bà Nà

Ta thấy rằng hầu hết các họ này cũng là những họ giàu loài phổ biến trên toàn hệ thực vật Việt Nam, trong đó phải kể đến các họ là Thầu dầu -Euphorbiaceae và Phong lan - Orchidaceae cũng như Hoà thảo - Poaceae và Cúc - Asteraceae. Điều đó cho thấy Bà Nà cũng là một hệ thực vật đặc trưng cho hệ thực vật của Việt Nam.

Các chi đa dạng

Chúng tôi đã thống kê được toàn hệ có 17 chi đa dạng nhất (với mỗi chi có từ 5 loài trở lên) chỉ chiếm 3,84% tổng số chi của hệ nhưng có tới 129 loài, chiếm 16,23% tổng số loài của cả hệ. Các chi đa dạng nhất có thể kể đến như: Ardisia (14 loài), Elaeocarpus (13 loài), Ficus (12 loài), Symplocos (11 loài), Clerodendrum (9 loài)…

Đa dạng nguồn tài nguyên cây quí hiếm

Để có chính sách hợp lý đối với công tác bảo tồn, chúng tôi tiến hành thống kê các cây có nguy cơ bị tiêu diệt theo các tiêu chí, danh sách các loài đề ra trong Sách đỏ Việt Nam (1992), kết quả cho thấy hệ thực vật Bà Nà có 19 loài cây có nguy cơ bị tiêu diệt ở các mức độ nguy cấp khác nhau.
Trong số các loài nguy cấp được bảo vệ thì loài có nguy cơ bị đe doạ cao nhất là Trầm - Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte (mức độ nguy hiểm - E). Có 5 loài trong tình trạng sẽ bị nguy hiểm, chiếm 0,63% số loài của cả hệ nhưng chiếm 1,48% số loài trong sách Đỏ toàn quốc, đó là các  loài Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill. (R. cambodiana Pierre ex Pit.), Markhamia stipulata var. pierrei (Dop) Santisuk, Dalbergia cochinchinensis Pierre, Calamus platyacanthus Warb. ex Becc., Ardisia silvestris Pit.

Có 5 loài được đưa vào danh sách các loài hiếm, chiếm 0,63% số loài trong hệ thực vật của Bà Nà và 1,48% số loài trong sách đỏ toàn Quốc, đó là các loài: Sargentodoxa cunea (Oliv.) Rehd. et Wils., Nepenthes anamensis Marfarl, Illicum parviflorum Merr., Enkianthus quinqueflorus Lour., Adenia banaensis G.Cusset

Bốn loài đang bị đe doạ chiếm 1,19% số loài trong sách đỏ Việt Nam hiện có mặt ở Bà Nà là: Vietsenia scaposa C. Hans, Smilax petelotii Koy, Adinandra megaphylla Hu, Amesiodendron chinense Hu.

Các loài còn lại thuộc hàng chưa có thông tin đầy đủ gồm: Scaphium macropodium (Miq.) Beumée, Madhuca pasquieri (Dub.) H.J.Lam, Hopea pierrei Hance, Darydium elatum Wall. ex Hook., chiếm 0,5% số loài của hệ thực vật Bà Nà và 1,19% số loài trong sách đỏ của cả nước.

Kết luận

Hệ thực vật Bà Nà có số loài là 795, thuộc về 487 chi và 134 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch, thiếu vắng hai ngành Psilotophyta và Equisetophyta. Ngành Magnoliophyta chiếm ưu thế tuyệt đối với 92,96% về số loài, 90,97% về số chi và 85,82% về số họ.
Lớp Magnoliopsida chiếm ưu thế hơn Liliopsida, tỷ trọng này đủ cơ sở để khẳng định hệ thực vật Bà Nà là một hệ thực vật nhiệt đới với tỷ trọng tương ứng ở các bậc taxon họ, chi và loài là 5,05; 4,47 và 5,54.
Tuy số loài ít hơn nhiều so với các hệ thực vật khác trong toàn Quốc như Cát Tiên, Bạch Mã, Cúc Phương, Sa Pa Phan Si Pan nhưng về cấu trúc và tỷ lệ từng ngành thì hệ thực vật Bà Nà cũng đạt được cấu trúc tương tự như các hệ thực vật này.
Hệ thực vật Bà Nà kém đa dạng hơn so với hệ thực vật rất gần gũi là Bạch Mã với nhiều đặc điểm giống nhau về khí hậu, và diện tích.
Hệ thực vật Bà Nà có 19 loài được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam, chiếm  2,39% tổng số loài của hệ và đóng góp cho hệ thực vật Việt Nam 5,64% tổng số loài, trong đó có 1 loài nguy cấp (E), 5 loài sẽ nguy cấp (V), 5 loài hiếm (R), 4 loài bị đe doạ (T) và 4 loài thông tin chưa biết chính xác (K).

Vũ Anh Tài

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024