Dư luận nhân dân: Cây lược vàng xuất hiện lần đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa vào cuối những năm 90. Và từ năm 2005, cây được giới thiệu phổ biến tại địa phương với nhiều công dụng chữa bệnh, trong đó có một số bệnh khó. Đó là các chứng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thoái hóa đốt sống cổ, viêm đại tràng mạn tính, viêm gan, táo bón, chảy máu dạ dày, tiểu đường, mỡ máu, thấp khớp, chấn thương trầy xước, bầm tím, viêm họng, viêm mũi, viêm thận, đau răng, loét lợi, eczema, sỏi thận, tai biến mạch máu não, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư, đau lưng, bỏng, say rượu...
Dạng dùng thông thường là lấy cây tươi rửa sạch, nhai với ít muối, nuốt nước (mỗi lần 2-3 lá) hoặc cắt nhỏ, ngâm rượu, uống (mỗi lần 1/3 chén con). Ngày dùng 3 lần. Dùng ngoài, giã đắp hoặc xoa bóp bằng rượu ngâm lá.
Không chỉ bàn tán trong nhân dân, mà trên mạng internet người ta cũng thảo luận sôi nổi về chủ đề này.
Thực chất của vấn đề: Thực ra lược vàng là một loại cây cỏ bình thường, có nguồn gốc ở Mexico, được di thực sang nước Nga, rồi đến Việt Nam (đầu tiên là tỉnh Thanh Hóa). Nay đã phát triển rộng ra nhiều tỉnh khác, đặc biệt là Hà Nội. Ở chợ cây Hoàng Hoa Thám, người ta háo hức đổ xô đi mua lược vàng với giá cao, có khi đến 40-50.000 đồng một cây. Đã có thời điểm, cây được liệt vào loại hàng bán chạy, cung không đủ cầu.
Cây có tên khác là lan vòi, địa lan vòi, lan rũ, tên khoa học là Callificia fragrans, thuộc họ thài lài (Commelinaceae) do Viện Dược liệu xác định. Thoạt đầu, lược vàng được coi là một loại cây cảnh như cây thiết mộc lan, vạn niên thanh. Sau đó, cây được giới thiệu làm thuốc qua tài liệu dịch từ bài báo đăng trên Tạp chí 30 K “Sức khỏe và Đời sống” của Cộng hòa liên bang Nga mà tác giả là Vladimir Ogarkov.
Cần làm gì để định hướng dư luận? Những năm gần đây, đã có một số cây thuốc từ kinh nghiệm nhân dân được khoa học chứng minh đầy đủ về mặt hóa học, dược lý; được áp dụng thực nghiệm có kết quả tốt và được sản xuất thành những chế phẩm bán ra thị trường với độ tin cậy cao trong việc chữa bệnh. Đó là cây chè dây (Ampelopsis canto-niensis) với chế phẩm Ampelop chữa đau dạ dày; trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium) với chế phẩm Crila chữa viêm tuyến tiền liệt; dây thìa canh (Gymnema sylvestre) với chế phẩm Diabetna chữa tiểu đường...
Còn những thông tin về công dụng, cách dùng và liều lượng nêu trên của cây được coi là “thần dược” chỉ để tham khảo, cần được các nhà khoa học nghiên cứu, chứng minh cụ thể.