Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY TRỒNG

Xử lý Xoài ra hoa, kết trái nghịch mùa

Cập nhật ngày 13/11/2008 lúc 11:32:00 AM. Số lượt đọc: 8977.

Để có thể thu được huê lợi nhiều hơn, ở ĐBSCL có những nhà vườn đã nghiên cứu tìm cách xử lý điều khiển cho cây ra hoa kết trái sớm để có trái bán vào dịp trước sau Tết nguyên đán (thay vì là lúc tháng 2, tháng 3 là lúc xoài rộ). Bằng cách sau khi thu hoạch trái ta cắt cành, tạo tán … lần 1, rồi xới nhẹ xung quanh gốc (đến hết tán lá)

Để thu được kết quả cao người ta cũng tìm cách xử lý cho cây xoài ra hoa kết trái đồng loạt và ra hoa kết trái nghịch mùa. Xin được trao đổi hai vấn đề này để các bạn tham khảo và áp dụng thử trên diện hẹp sau đó rút dần kinh nghiệm để đạt kết quả cao rồi mới áp dụng trên diện rộng của cả vườn.

http://tuyen77kcn.googlepages.com/IMG_1954.JPG/IMG_1954-full.jpg

Cách làm cụ thể như sau:

1. Xử lý ra hoa kết trái đồng loạt:

Trong điều kiện tự nhiên có 2 mùa (mùa mưa và mùa khô) phân biệt rõ rệt như ở các tỉnh Nam Bộ, xoài rất dễ ra hoa. Tuy nhiên để xoài ra hoa kết trái đồng loạt vào thời điểm thích hợp thì người ta phải áp dụng các biện pháp xử lý. Hiện nay có một vài cách để xử lý như xông khói, phun Ethephon… nhưng biện pháp xử lý bằng KNO3 thường được nhà vườn ưa thích và sử dụng nhiều, bằng cách pha 100-120 gram KNO3 cho một bình xịt 8-10 lít, phun lên lá lúc lá đã già (có màu xanh đậm, lá cứng giòn, bẻ gãy), với lượng dùng 3-6 bình cho một cây (tuỳ theo cây lớn hay nhỏ). Biện pháp này thường chỉ cho hiệu quả trên giống xoài "Bưởi", xoài Cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu… Tại Thái Lan, người ta đã thí nghiệm dùng 4 gram Cultal hòa với nước tưới cho mỗi gốc (4 năm tuổi ) cho kết quả tốt.

2. Xử lý cho ra hoa kết trái nghịch mùa:

Để có thể thu được huê lợi nhiều hơn, ở ĐBSCL có những nhà vườn đã nghiên cứu tìm cách xử lý điều khiển cho cây ra hoa kết trái sớm để có trái bán vào dịp trước sau Tết nguyên đán (thay vì là lúc tháng 2, tháng 3 là lúc xoài rộ). Bằng cách sau khi thu hoạch trái ta cắt cành, tạo tán … lần 1, rồi xới nhẹ xung quanh gốc (đến hết tán lá). Bón khoảng 5-7 kg phân NPK (loại 20:20:15) và 20 kg phân hữu cơ hoai mục cho một gốc (10-12 năm tuổi), tưới nước giữ ẩm thường xuyên để phân tan cung cấp dần dinh dưỡng cho cây. Chờ đến đầu tháng 6 âm lịch tiếp tục cắt tỉa cành lần thứ 2 rồi hòa khoảng 2 kg phân NPK (loại 20:20:15) tưới cho một gốc, đồng thời xịt phân bón lá (loại có tể lệ NPK là 15:30:15) mỗi tuần một lần (xịt 3 lần trong 3 tuần liên tiếp). Sau khi cắt tỉa cành lần 2 xoài sẽ ra tược non, lá non, chờ khoảng 3-4 tháng (tuỳ giống xoài - xoài cát Hoà Lộc thường là 4 tháng) để lá xoài già chuyển sang màu xanh đậm, lá già và giòn thì "căn" thời tiết khi thấy có gió chướng nhẹ, triều cường (con nước ròng) thì tiến hành xử lý bằng cách dùng 150 gram KNO3 cộng với 8 gram Thiên nông và 10 cc Agriplex hoà chung trong một bình xịt loại 8-10 lít xịt cho ướt đều tán la (nhớ xịt cả mặt trên và mặt dưới của phiến lá). Sau khi xịt khoảng 10-15 ngày thì xoài lú lá cựa gà (lú bông). Từ khi cây lú bông trở đi phải thường xuyên giữ độ ẩm cho cây, đồng thời tăng cường bồi dưỡng cho cây, bông, trái bằng phân bón lá Bayfolan (loại 11:8:6) với lượng 10 cc cho một bình 8 lít, hoặc Micracle gro, Thiên nông… khoảng 15 ngày cho một lần, và phun phòng trừ sâu rầy, bệnh hại bông, trái… khoảng 7-10 ngày một lần bằng Confidor, Admine… và Bavistin, với lượng 5 cc Confidor (hoặc Admine) hòa với 10 cc Bavistin trong một bình xịt loại 8 lít. Có thể thay hỗn hợp KNO3 , Thiên nông, Agriplex bằng DOLA 02X với lượng 50 gram cho một bình xịt loại 8 lít.

Khi trái lớn cỡ đầu ngón tay cái người lớn thì hoà 2-3 kg phân NPK (loại 15:15:15) tưới cho một gốc để bồi dưỡng trái. Sau mỗi trận mưa nên xịt thuốc Bavistin, hoặc một số loại thuốc trừ nấm bệnh thông thường như: Derosal, Daconil… để phòng trừ bệnh gây hại cho cây.

3. Làm cách nào để hạn chế xoài rụng trái non:

Cây ăn trái nào cũng có hiện tượng rụng trái non, nhưng ở xoài thường bị rụng nhiều. Trái lớn cỡ trứng gà cũng bị rụng. Cá biệt có giống rụng đến 90%. Có thể do một số nguyên nhân sau đây:

Hoa đực nhiều, hoa cái và hoa lưỡng tính đậu trái lại ít.

Thụ phấn không tốt do hạt phấn tự bất dục, tự thụ phấn trong cùng giống….

Thới tiết xấu làm cản trở sự hoạt động của côn trùng thụ phấn cho cây,rửa trôi hạ phấn, làm vỡ hạt phấn tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại hoa trái non. Do di truyền, có giống rụng ít có giống rụng nhiều (thường trái có cuống to rụng ít).

Thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, nhất là thiếu phân Kali cũng làm cho hoa trái bị rụng.

Phương pháp hạn chế các hiện tượng trên:

Bón phân đầy đủ cho cây sau khi thu hoạch trái, nhất là những năm được mùa. Đảm bảo đủ nước trong giai đoạn ra hoa, kết trái, trái còn non. Chú ý tăng cường phân Kali.
Phun NAA (Acetic Acide) nồng độ 50ppm vào lúc trổ bông, 3 tuần và 6 tuận sau khi hoa nở.
Tăng cường chất dinh dưỡng cho cây bằng phân bón lá như HVP, HVK, FOFER để dưỡng lá, nuôi trái.
Vào thời kỳ cây ra bông kết trái và trái non cần thường xuyên kiểm tra vườm xoài để phát hiện sớm và phun xịt thuốc kịp thời cho một số loại său bệnh thường gây hại làm cho bông trái non dễ rụng như: sâu ăn bông, rệp bông, sâu dục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng…

4. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu đục trái (Deanolis Albizonalis) thuộc họ ngài sáng (Pyralidae), Bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Giống như Rầy bông xoài, Rệp sáp, Sâu đục chồi non, đục cành… Sâu đục trái cũng là một đối tượng quan trọng. Ở nhiều vùng trồng xoài thuộc ĐBSCL như Tiền Giang, Đồng Tháp… có những nơi sâu xuất hiện và gây hại khắp các vườn, có những vườn sâu gây hại đến 100% số cây, cá biệt có những vườn thất thu hoàn toàn.

Con trưởng thành là một loại bướm tương đối lớn, sải cánh rộng đến gần 3cm thân mình màu nâu đỏ, có khoang trắng, đỏ xen kẽ. Cánh trước màu nâu, cánh sau màu xám trắng, hoạt động vào ban đêm. Đẻ trứng trên vỏ trái xoài còn non (cỡ trứng gà, trứng vịt), nhất là trái nằm khuất ánh sáng. Trứng hình bầu dục rất nhỏ (khoảng gần 1 ly) nên mắt thường khó phát hiện.

Sau khi nở sâu non chuyển dần về phía chóp trái, đục vào bên trong trái để gây hại. Khi còn nhỏ sâu non ăn phần thịt trái (là chủ yếu), khi lớn ăn phần hột là chính, khi dã ăn hết hột chúng chui ra ngoài đục phá trái khác. Nếu trái còn nhỏ đã bị sâu ăn hại thì trái sẽ bị rụng. Nếu trái lớn mới bị ăn hại thì mặc dù ít bị rụng nhưng thường bị thối ở phía đầu trái.

Sau khi đục vào bên trong, sâu ăn rỗng trái tạo thành một "căn hầm trú ẩn" vừa cắn phá vừa thải phân ra ngay "căn hầm" này. Sâu càng lớn "căn hầm" càng rộng. Các đường đục sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm bệnh xâm nhập phát triển, làm cho đầu trái bị hư thối.

Sâu có thể tấn công trong suốt quá trình phát triển của trái, nhưng thường gây hại nặng khi trái còn non. Khi bổ trái ra thường thấy bên trong "căn hầm trú ẩn" có một hoặc vài con sâu. Đẫy sức sâu chui ra ngoài rơi xuống đất để hoá nhộng. Nhộng dài khoảng 1-1.2cm, màu vàng lợt hoặc vàng nâu (khi sắp vũ hoá).

Muốn phòng trị sâu có kết qua có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Kiểm tra vườn xoài thường xuyên, thu gom và đem tiêu hủy (tốt nhất là đem chôn làm phân) toàn bộ số trái đã bị sâu gây hại còn nằm trên cây hay đã rụng xuống đất dể diệt những con sâu còn nằm bên trong, hạn chế bớt một số sâu tại chỗ và mật độ sâu ở những vụ kế tiếp.
Nếu cây xoài còn thấp hoặc những trái ở dưới thấp, sau khi đậu trái khoảng 1-1.5 tháng nên bao trái bằng giấy xi măng, giấy dầu bao vải hoặc bao chuyên dùng để ngăn chặn không cho sâu tiếp xúc với trái để gây hại. Trước khi bao trái vài ngày nên phun xịt một đợt thuốc trừ sâu, bệnh cho trái.

Nếu điều kiện cho phép, sau mỗi vụ thu hoạch trái nên cho nước vào ngâm vườn một vài ngày để tiêu diệt nhộng đang nằm trong đất, hạn chế sâu cho vụ sau.

Những vườn thường xuyên bị sâu gây hại hàng năm, sau khi tượng trái khoảng 7-10 ngày nên kiểm tra vườn xoài thường xuyên, nếu thấy có trên 2% số trái bị sâu gây hại thì có thể dùng một trong vài loại thuốc như: Sumicidin 10EC hoặc 25EC; First 20EC; Sumitigi 30EC; Sevin 43FW …. để phun xịt (về liều lượng và cách sử dụng có thể đọc hướng dẫn có in sẵn trên nhãn thuốc). Sau đó cứ khoảng 10-15 ngày lại xịt tiếp một đợt. Từ khi trái già trở đi phải chú ý bảo đảm đủ thời gian cách ly của thuốc để tránh gây độc hại cho người ăn.

5. Phòng Trị Bù Lạch Hại Xoài

Hiện tượng: trên chóp lá và bìa của lá non bị héo, màu đỏ nâu sau đó khô đi và phát triển không bình thường. Những cây bị hiện tượng này khi ra bông thì bông dễ bị khô và rụng.

Bù lạch hại xoài (Scirtothrip dorsalis) là một loại côn trùng đa thực, ngoài cây xoài còn thấy chúng gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như những cây thuộc nhóm có múi như cam, quýt, chanh, bưởi, trên một số cây rau đậu, cây công nghiệp như cao su, bông vải, điều, thầu dầu … và cả một số loại cỏ nữa.

Loài côn trùng này đã có trên cây xoài từ lâu, nhưng tác hại của chúng không nhiều lắm khiến nhà vườn không mấy chú ý. Nhưng vài năm gần đây, có lẽ một mặt do diện tích trồng xoài gia tăng, đã thế nhà vườn lại bằng mọi cách xử lý cho xoài ra trái nghịch mùa theo ý muốn để bán được giá cao khiến cho cây xoài ra bông ra trái quanh năm làm cho nguồn thức ăn của con bù lạch liên tục có mặt trên vườn cây, mặt khác để thu đựơc nhiều huê lợi trên một đơn vị diện tích, nhà vườn đã không ngừng đầu tư cao, trong đó có việc sử dụng rất nhiều loại và dùng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần diệt tập đoàn thiên địch của con bù lạch có trong xoài… nên vài năm gần đây bù lạch hại xoài có cơ hội phát triển rất nhanh và gây hại rất nhiều cho nhiều vùng xoài ở Nam bộ. Đã có những vườn xoài chủ vườn đã chịu thất trắng do cái con vật nhỏ xíu này.

Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Thu Cúc và cộng sự (Trường Đại Học Cần Thơ) thì con bù lạch có kích thước rất nhỏ (chiều dài khoảng 0.6-0.8 ly), màu vàng đến vàng cam. Trứng được đẻ trong mô của lá non. Con ấu trùng rất nhỏ cơ thể hình ống tròn.

Cả con trưởng thành và ấu trùng đều tập trung ở những bộ phận non của cây như đọt non, lá non, nụ hoa, hoa và trái để chích hút nhựa, sau khi chích chúng để lại những chấm nhỏ lấm tấm như mũi kim chích màu nâu đen nằm rải rác trên những bộ phận bị hại. Nếu nặng sẽ làm cho chóp và mép bìa lá non bị héo và khô đi, hoa sẽ bị khô, rụng, nếu trái còn non sẽ làm cho trái bị khô rụng, nếu trái đã lớn mới bị hại thì chúng sẽ để lại những vết chấm màu nâu đen, tạo thành những vùng "da cám" xung quanh cuống trái.

Để hạn chế tác hại của bù lạch, cần áp dụng một số biện pháp sau:

Cố gắng xử lý cho xoài ra trái tập trung thành những thời vụ dứt điểm, không nên cho ra trái lai rai quanh năm. Biện pháp này nếu vận động được nhiều chủ vườn cùng tiến hành trên diện rộng thì mới cho kết quả cao.

Sau mỗi vụ thu hoạch nên cắt tỉa bỏ những cành nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thoáng, cắt đứt nguồn lây lan của bù lạch.

Vào những thời điểm xoài ra đọt non trái non, ra hoa kết trái nên kiểm tra bù lạch thường xuyên (bằng kính lúp học sinh hoặc bằng kính lão có độ phóng đại lớn), để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ kịp thời.

Khi phát hiện có bù lạch có thể dùng máy bơm nước tưới vườn có áp suất cao phun xịt lên những bộ phận thường có bù lạch bu bám, sẽ có tác dụng rữa trôi bớt bù lạch, trong thực tế sản xuất biện pháp này thường mang lại hiệu quả rất cao.

Nếu phát hiện có nhiều bù lạch có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun xịt: Marshal 200SC; Oncol 20EC hoặc 25WP; Trebon 10 Ec hoặc 20WP; Bascide 50EC; Regent 5SC; Admire 50EC; Confidor 100SL;… Do bù lạch có tính kháng thuốc rất mạnh và rất bền vững nên cần phải thường xuyên luân phiên sử dụng thuốc, không nên chỉ phun xịt một loại thuốc (dù thuốc đó có hiệu quả). Về liều lượng và cách sử dụng bạn có đọc hướng dẩn có in sẵn trên nhãn thuốc.

6. Rệp bông hại xoài và cách phòng trừ:

Bên cạnh một số đối tượng thường gặp trên cây xoài như: sâu đục cành, đục ngọn, rầy bông xoài, sâu đục trái, bệnh thán thư, bệnh khô đọt, bệnh đốm lá, bệnh phấn trắng… thì rệp bông (còn gọi là rầy bông, rệp sáp phấn, rệp sáp giả…) cũng là một đối tượng đầu tiên gây hại cho cây xoài, đôi khi rất trầm trọng, nếu không được phát hiện và áp dụng kịp thời những biện pháp diệt trừ hữu hiệu sẽ gây thất thu rất lớn cho nhà vườn.

Rệp gây hại bằng cách chích hút nhựa của các bộ phận còn non của cây xoài như đọt non, lá non, cuống bông, cuống trái non, trái non và trên cả những trái đã già, lớn. Làm cho cây bị suy yếu, đọt non bị thui chột, bông và trái non có thể bị rụng hoặc không phát triển được, phẩm chất của trái bị giảm nhiều ăn không ngon. Ngoài gây hại trực tiếp trong chất bài tiết của rệp còn chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cho nấm bồ hóng phát triển bao phủ kín những bộ phận có chất bài tiết của rệp, làm cản trở quá trình quan tổng hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây vì thế khi cây xoài bị rệp hại nặng thường kéo theo nấm bồ hóng phát triển cả hai đối tượng này đồng thời tác động lên cây xoài làm cho cây xoài còi cọc chậm lớn ảnh hưởng nhiều đến năng suất và phẩm chất của trái.

Để hạn chế tác động của rầy bông cần phải áp dụng nhiều biện pháp và phải được đồng thời thực hiện trên nhiều loại cây trong vườn, chứ không thể chỉ áp dụng riêng cho cây xoài, vì rệp sẽ từ những cây khác trong vườn lây lan trở lại cho cây xoài một cách nhanh chóng. Sau đây là một số biện pháp chính:

Không nên trồng với mật độ quá dày tạo cho vườn luôn bịt bùng. Đồng thời sau mỗi vụ thu hoạch kết hợp với việc làm gốc, bón phân cho cây để đón vụ kế tiếp thì tiến hành cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá không có khả năng cho trái… để cho vườn cây luôn được thông thoáng.

Dọn sạch cỏ rác lá cây mục ở xung quanh gốc để phá hoại nơi ở của kiến lửa, kiến hôi (là những con vật sống cộng sinh với rệp bông, tha chuyển rệp từ nơi này sang nơi khác, từ cây này sang cây khác), nếu trên thân cành có nhiều kiến thì mỗi lần xịt thuốc sâu trừ rệp nên xịt cả vào thân cành để diệt kiến, nếu dưới gốc có kiến nên xịt thuốc hoặc rải thuốc Basudin hột, hoặc Regent hột xung quanh gốc để diệt kiến.

Phải thường xuyên kiểm tra xoài (và cả những cây trồng xen với xoài) để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời (nhất là vào những đợt cây ra đọt non, lá non, ra bông, ra trái non), không nên để rệp phát triển lây lan ra khắp cây mới phun xịt thì không những cây đã bị ảnh hưởng nặng tốn kém tiền của, công sức mà hiệu quả diệt rệp cũng sẽ không cao. Về thuốc có thể sử dụng bằng một trong số các loài thuốc như: Applaud10 WP; Butyl 10WP; Supracid 40EC/ND; Suprathion 40EC; Bitox 40EC/ND; Dâu 2khoáng Dc-Tron Plus 98,8 EC… (về cách sử dụng có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên vỏ bao bì). Để tiết kiệm thuốc, công phun xịt và giảm bớt ô nhiễm môi trường chỉ nên phun xịt trực tiếp thuốc vào những chỗ có rệp bám (các bộ phận non, bông trái). Khi xoài đã có trái già trở đi nếu có xịt thuốc thì phải chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly của thuốc.

Nếu có điều kiện có thể dùng vòi máy bươm nước có áp suất mạnh tia xịt nước trực tiếp vào chỗ có rệp bu bám sẽ làm cho rệp bị rữa trôi bớt.

7. Bọ vòi voi đục cành xoài

Hiện tượng: cành non, lá non bị chết khô trên cây, khi tách những cành non mới bị héo ra thường bắt gặp những con sâu có màu trắng ngà, mập mạp, đầu màu nâu vàng không có chân, dài khoảng 1cm.

Bọ vòi voi đục cành (loài có thân hình bầu dục hơi tròn) là loài gây hại rất phổ biến, có những vườn số cây bị chúng hại lên đến 100%, và có đến 80% số chồi bị hại. Vào những tháng đầu năm 2001 loài sâu này đã gây hại cho hàng chục hecta vườn xoài ở xã Tăng Nhơn Phú (Q.9,TP.HCM), có vườn tỷ lệ bị hại lên đến 100%.

Loài bọ vòi voi này thuộc họ vòi voi (Curculionidae), Bộ cánh cứng(Coleoptera), có thân hình bầu dục, nhỏ và hơi tròn. Chiều dài thân khoảng 4-5 mm chiều ngang khoảng 2-2,5 mm, mình màu nâu, do thân nhỏ lại có màu gần giống màu của thân cây nên hơi khó phát hiện. Trên cánh có một đốm đen to hình bán cầu thuộc hai cánh kết hợp lại thành một đốm tròn to có đường kính khoảng gần 1 mm. Lưng cong vồng, vòi dài và rất cong.

Trứng của chúng được đẻ trên chãng ba, chãng tư của cành non hoặc trong các vết nứt trên thân cây. Sau khi nở sâu non (ấu trùng) đục ngay xuống phía dưới chỗ trứng được đẻ chui vào bên trong để gây hại. Sâu non có màu trắng mập mạp, đầu màu nâu vàng, không có chân. Cũng giống như nhữngloài sâu đục cành khác, sau non của bọ vòi voi cũng sinh sống và gây hại ở bên trong thân cành nên việc phun xịt thuốc hoá học thường gây hại, hiệu quả không cao. Vì thế nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp hợp lý, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện sẵn có của mình. Sau đây là một số biện pháp chính:

Nếu cây mới bị hại nhẹ và cây còn thấp nên tìm chỗ bị đục tách vỏ để giết sâu nhộng.
Nếu cây đã bị hại nặng nên cắt bỏ những đoạn cành đã bị sâu gây hại, kể cả những cành đã bị khô, thu gom lại đem tiêu huỷ để diệt sâu nhộng bên trong, hạn chế mật số sâu cho các đợt kế tiếp.

Với những cành lớn không thể cắt bỏ có thể dùng ống chích bơm thuốc trừ sâu vào bên trong lỗ đục, hoặc dùng bông gòn tẩm thuốc sâu, nhét vào bên trong rồi dùng đất nhão trét kín lỗ đục để thuốc xông hơi diệt sâu nhộng bên trong.

Thường xuyên kiểm tra vườn cây, nếu thấy trên các chãng ba, chãng tư cành cây có nhiều con bọ trưởng thành có thể dùng thuốc trừ sâu để diệt trừ. Sau đó cứ khoảng 7-10 ngày lại xịt một đợt thuốc để diệt sâu non vừa nở khi chúng chưa kịp đục vào bên trong để gây hại. Về thuốc có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Sevin 43 FW, hoặc Sevin 85S, Para 43 SC, Carmethrin 10EC hoặc 25EC, Punisx 5,5EC hoặc 25EC, Pycythrin 5 EC, Dimenat EC… Trước khi phun, nhớ đọc kĩ hướng dẫn cách sử dụng có in trên vỏ bao bì.

8. Phòng trị rầy bông xoài

Hiện tượng vào đầu mùa khô xoài ra bông thì có rất nhiều con côn trùng nhỏ cỡ bằng 2/3 cái vỏ trấu của hột lúa. Nhìn giống như con ve sầu màu xanh. Khi động thì chúng nhảy lung tung, làm cho bông bị đen, bị rụng rất nhiều, có khi cả chùm bông rất lớn mà chẳng đậu trái nào. Đó là con rầy bông xoài Idioscopus clypialis và I.Nveospasus.

Rầy bông xoài cũng là một đối tượng gây hại rất nguy hiểm cho cây xoài, nếu không phát hiện và có biện pháp diệt trừ kịp thời thì vườn xoài có thể bị gây hại rất nặng. Thực tế cho thấy có những vườn xoài ra bông rất nhiều nhưng chỉ đậu loe ngoe được vài trái, thậm chí không đậu được trái nào cũng là do con rầy này.

Con trưởng thành có hình dạng giống như con ve sầu, nhưng nhỏ hơn (dài khoảng 3-5mm), màu xanh lợt hoặc xanh đậm. Bình thường sống ở lá xoài, nhảy xào xạc khi có động, đến khi xoài có chồi non, có bông thì di chuyển đến hút nhựa của đọt non, mặt dưới lá non và phát hoa.

Rầy cái đẻ trứng rải rác vào bên trong cuống của chồi non, trong gân lá hay cuống của phát hoa. Khoảng một tuần sau trứng nở, ấu trùng bám và chích hút trên cuống hoa chồi non. Làm cho lá non không phát triển được, lá bị cong, rìa mép lá bị khô, hoa bị khô và rụng. Sau khi tượng trái nếu bị hại nặng trái non cũng có thể bị rụng hàng loạt thậm chí không thể đậu trái nào. Chất thải của rầy làm cho nấm phát triển đen trên cuống hoa và trên bề mặt lá, làm cản trở quá trình quang hợp của cây, cây sẽ phát triển kém. Như vậy, ngoài việc chính hút nhựa cây gây hại một cách trực tiếp thì rầy bông gây xoài còn gây hại một cách gián tiếp thông qua bệnh bồ hóng. Rầy thường xuất hiện và gây hại trong mùa khô, vào mùa mưa rầy gây hại không nhiều.

Để phòng trị loài rầy này, có thể tiến hành một số biện pháp sau đây:

Sau mỗi vụ thu hoạch cần vệ sinh vườn tược sạch sẽ, xén tỉa cành lá để vườn xoài luôn thông thoáng, hạn chế sự phát triển của rầy.
Ở những vườn bị rầy thường uyên gây hại hàng năm, mỗi khi cây xoài ra đọt lá non, ra bông hoặc khi thấy mật độ rầy cao có thể phun xịt một trong các loại thuốc như Bassa 50EC; Applaud 10WP hoặc 25SC; Basudin 40EC; Trebon 10EC; Sevin 43 FW; Applaud-Bas 27 BNT… sau khi xịt nếu thấy mật số rầy vẫn còn cao thì có thể xịt tiếp một vài đợt nữa, mỗi đợt cách nhau 5-7 ngày. Tốt nhất là phun ngừa sớm khi xoài vừa ra đọt hoặc lú bông mà thấy có nhiều rầy trú ẩn trong tán lá.

Khi xoài sắp ra đọt non, nếu quan sát thấy có nhiều rầy trưởng thành trú ẩn trong tán lá thì nên xịt thuốc phòng ngừa một lần.

(Nguồn ảnh: tuyen77kcn.googlepages.com)

(theo caycanhvietnam.com)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023