Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY TRỒNG

Kỹ thuật trồng hoa Đuôi chồn đỏ

Cập nhật ngày 25/11/2008 lúc 1:04:00 PM. Số lượt đọc: 3993.

Giống hoa cảnh Đuôi chồn đỏ là loại cây thuộc loài riềng tía (Alpinia pupurata), chi riềng, họ gừng có nguồn gốc nhiệt đới được di thực vào miền nam Việt nam nước ta từ lâu. Trung tâm Tài nguyên thực vật đã thu thập đánh giá, tuyển chọn, nhân nhanh và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng, nhân giống để đưa nhanh Đuôi chồn đỏ ra sản xuất. Đuôi chồn đỏ là cây dạng bụi có hoa đẹp và lạ về kiểu dáng, màu sắc hấp dẫn, thời gian nở hoa và cắm lọ bền, hình thức sử dụng đa dạng, được thị trường chấp nhận.

Thời vụ

Đuôi chồn đỏ có thể trồng được từ tháng 2 đến tháng 11 nhưng tốt nhất là từ tháng 3 đến hết thang 9. Nếu trồng muộn hơn phải có biện pháp kỹ thuật chống rét cho cây ở giai đoạn đầu như phủ rơm, giữ đất đủ ẩm, bón phân ka-li.

Mật độ và khoảng cách trồng: Tuỳ mục đích sử dụng và nơi trồng mà Đuôi chồn đỏ được trồng với mật độ rất khác nhau. Nếu trồng thành đám trong các công viên hoặc dọc theo các đại lộ lớn thì nên trồng với mật độ 70 x 50cm hoặc 80cm x 70 cm. Nếu trồng trước sảnh hoặc cổng ra vào thì nên trồng theo hốc. Nếu trồng làm hoa cắt, trồng với mật độ 20000-25000 cây/ha.

Phương pháp bón

Phân bón và phương pháp bón cho 1ha

+ Phân chuồng 25-30 tấn
+ Đạm urê 300 kg
+ Kali sunphát 250 kg
+ Supe photphat 500 kg

Bón lót toàn bộ phân chuồng+ 2/3 lân + 1/3 kali

Bón thúc sau trồng 3 tuần khi cây bắt đầu đẻ thêm thân với lượng: 1/3 đạm urê

Khi cây phất triển mạnh các thân bên (Sau trồng 4 tháng) bón tiếp 1/3 đạm urê+ 1/3 kali

Khi cây phân hoá mầm hoa, bón nốt 1/3 đạm+ 1/3 kali+ 1/3 lân

Sau đó mỗi năm bón thúc thêm 3 lần

Lần 1: Bón phân chuồng vào đầu tháng 2 mỗi gốc 1kg + 50g đạm+ 40g kali

Lần 2: vào tháng 5 với 50g đạm + 40g kali

Lần 3: vào tháng 10 với 50g đạm + 40g kali còn lại

Chăm sóc

Tưới nước

Trước khi trồng phải tưới nước vào hốc để khi trồng rễ cây bám chặt vào đất, sau đó tưới lại. Sau khi trồng liên tục trong 3-4 ngày phải tưới đủ ẩm nhưng nhẹ nhàng để cây đứng thẳng. Sau đó, những khi nắng hạn phải tưới cho cây nhất là vào vụ thu đông.

Sau khi cây đã trưởng thành tuỳ theo từng giai đoạn mà cấp nước một cách hợp lý. Khi cây hình thành nụ và phát hoa phải tưới đủ nước thì bông hoa mới to, màu mới đẹp, bộ lá mới xanh. Thiếu nước lá sẽ vàng, bông ngắn.

Tỉa chồi thân bên cạnh, cắt cành già

Cần tỉa bỏ kịp thời các mầm, nhánh phụ ( Thân mảnh, ngắn) không có khả năng phát hoa và các cành nhánh có hoa đã mất màu hấp dẫn. Cắt sát gốc, chỉ để lại mỗi khóm khoảng 10-15 thân nhánh với 5-10 hoa tuỳ tuổi cây. Thường xuyên tỉa bỏ các lá già, lá bệnh ở dưới gốc. Từ năm thứ 3 nếu gốc quá to cần phải đào bỏ bớt thân củ đã cắt cành hoa.

Phòng trừ sâu bệnh

Vì cây hoa Đuôi chồn đỏ là loại cây bụi, trồng lưu niên nên phòng trừ sâu bệnh chủ yếu là bằng biện pháp thủ công như bắt sâu, tỉa bỏ các nhánh vô hiệu và nhiẽm bệnh. Đuôi chồn đỏ ít sâu bệnh hại, mới phát hiện có loại bệnh nấm gây hiện tượng vàng lá, khô đầu lá. Phòng trừ bệnh nấm phun Dacolin, Score hoặc Tin nồng độ 1% khi thời tiết nóng ẩm, trên lá bắt đầu xuất hiện đốm cháy.

Quy trình kỹ thuật nhân giống hoa Đuôi chồn đỏ

1. Thời vụ nhân giống

Có thể tiến hành nhân giống quanh năm nhưng tốt nhất là vào vụ xuân-hè (từ tháng 3 đến tháng 5) và vụ thu-đông ( từ tháng 9 đến tháng 11 ).

2. Đất vườn ươm

Chọn những chân đất phù sa nơi cao, tơi xốp và chủ động được tưới tiêu. Đất được làm kỹ và trộn đều với phân chuồng hoai với lượng 1 kg phân chuồng cho 1m2 đất

Cần có giàn che khi trời quá nắng nóng.

Nếu giâm vào bầu thì trộn đều đất phù sa với phân chuồng hoai theo tỷ lệ 100kg phân chuồng cho 1m3 đất.

3. Chọn cây chồi để giâm

Cây chồi có chiều cao trong khoảng 6-10 cm, không bị sâu bệnh đều có thể giâm được, nhưng tốt nhất là những chồi cao 6-8cm lúc cây đã có 3 lá. Cây chồi có phần cuối thân phình ra và có mầm rễ là tốt nhất.

4. Cách giâm chồi

Đất sau khi lên luống (hoặc bầu đất) cần tưới đẫm nước trước khi tiến hành giâm chồi (lấy ngón tay trỏ ấn sâu xuống mặt luống khoảng 4 cm mà thấy vẫn ẩm là được).

Giâm cây chồi sao cho đất chỉ lấp kín phần gốc thân và ấn chặt gốc là được. Cây chồi được giâm với khoảng cách: hàng cách hàng 10 cm; cây cách cây 5-7 cm (tính ra mật độ khoảng 120-140 cây/m2). Sau khi giâm xong nên dùng ô doa tưới nhẹ để tạo độ ẩm cần thiết. Thường thì sau khoảng 3-5 ngày cây hồi xanh và bắt đầu hình thành rễ.

5. Bón thúc phân

Nên tiến hành bón thúc bằng phân đạm (50g cho 10m2) cho cây con khi chúng đã bén rễ và ra lá mới.

6. Tưới nước

Đuôi chồn đỏ có khả năng chịu hạn khá tốt, tuy nhiên trong thời kỳ giâm cây con, đất luôn phải đủ ẩm để cây phát triển rễ và thân lá. Do đó hàng ngày nên tưới phun sáng và chiều để đất đủ ẩm.

7. Để đảm bảo cây con có chất lượng tốt cần lưu ý một số điểm sau:

- Trước khi nhổ cây con để trồng ra ruộng 10 ngày không được bón thúc đạm.

- Phải tưới đẫm nước trước khi tiến hành nhổ cây con.

- Để tránh những thiệt hại do trồng nhiều vụ liên tiếp, sau mỗi năm nên xử lý dất bằng hoa chất để phòng trừ các bệnh nấm, vi khuẩn.

- Chăm sóc tốt cây mẹ để có cây chồi khoẻ

- Khi cây chồi có 5 lá là khi cây đã có bộ rễ phát triển, đủ tiêu chuẩn để trồng ra ruộng. 

Qui trình nhân giống in vitro cho giống Đuôi chồn đỏ

1. Lấy mẫu:

Chọn những chồi cây có chiều cao khoảng 2 - 3 cm từ những cây mẹ sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.

2. Khử trùng:

Chồi cây được cắt và đem rửa sạch, sau đó ngâm trong dung dịch HgCL2 0,1%, thời gian 15 phút trong điều kiện nuôi cấy vô trùng.

3. Nhân nhanh chồi:

Những chồi đã sống và không bị nhiễm được đưa vào nhân nhanh trong môi trường cơ bản là MS có bổ sung tổ hợp chất điều tiết sinh trưởng 3ppm BAP + 0,5ppm IAA.

4. Tạo cây hoàn chỉnh:

Cụm chồi được tách ra và cấy vào môi trường MS có bổ sung 0,5 ppm NAA để hình thành rễ tạo cây hoàn chỉnh.

5. Trồng cây ra vườn ươm:

Cây có chiều cao khoảng 3 - 5 cm, số rễ khoảng 4 - 5 cái được đưa ra trồng trong vườn ươm trên giá thể trấu hun hoặc đất phù sa. Sau 1 tháng chuyển ra trồng ngoài đồng ruộng.

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Trung tâm Tài nguyên thực vật

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023