Thông tin chung
Tên thường gọi: Bí ngô
Tên khác: Bí rợ, Bầu rợ, Bí đỏ, bắc qua, phục qua, oa qua...
Tên tiếng Anh:
Tên latinh: Cucurbita maxima Duch ex Lam.
Tên đồng nghĩa:
Thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae
Mô tả
Cây thảo lớn mọc hằng năm, phân nhánh nhiều, bò dài; thân dài 4-5m, có 5 cạnh, có lông cứng, giòn, trắng; tua cuốn chia nhiều nhánh. Lá đơn, mọc so le, dài đến 20cm, có cuống dài; phiến lá hình tim chia 5 thuỳ cạn và tròn, có lông mềm. Cây có hoa cùng gốc, hoa màu vàng nghệ, mùi thơm thơm; tràng hình chuông; nhị 3 có bao phấn dính nhau thành một, khối dài tới 2cm. Quả rất to, hình cầu, dẹp hai bên, lõm ở giữa, có thể nặng tới 50kg; thịt vàng; hạt trắng hay vàng vàng, dẹp, hơi có mép, dài 20-29mm.
Bộ phận dùng
Quả và hạt -Fructus et Semen Cucurbitae Maximae; thường gọi là Duẩn qua.
Nơi sống và thu hái
Cây của miền nhiệt đới châu Mỹ, được trồng nhiều khắp nước ta, cho năng suất cao 100-120 tấn/ha. Trồng bằng hạt vào tháng 5. Ðào hố sâu khoảng 50cm, cách nhau 3m, bón phân lót, phủ đất mịn và có nhiều mùn lên trên. Mỗi hốc bỏ 2-3 hạt. Khi cây có 2-3 lá chính thức thì cắt ngọn. Muốn có quả to, người ta thường chỉ giữ 2 hay 3 quả mỗi gốc và cắt phần ngọn ở trên quả cuối cùng.
Thành phần hoá học
Quả Bí đỏ chứa 88,3-87,2% nước, 1,40-1,33 protid, 0,5-0,43% lipid, 9,0-9,33% chất chiết xuất không có nitrogen, 0,8-0,70% chất màng, 0,8-1,01% tro. Thịt quả tươi chứa 2,81% đường tổng số mà 2,47% là đường giảm, 90,5mg N tổng số mà 38,6 N proteic và 51,9 N hoà tan. Quả chứa caroten và xauthophin còn có sắt, mangan, đồng kẽm, arsenic. Hạt chứa các globulin. Trong 100g protein có glycololle 0,57, alanine 1,92 valin 0,26, leucin 7,32, cystin 0,23, acid aspartic 3,30, acid glutamic 12,35, tyrosin 3,07, phenylalanin 3,32, arginin 14,33, lysin 1,99, histidin 2,63, ammoniac arachilic, acid stearic, acid palmitic, acid olcic, acid linolecic, chất không savon hoá 1%; còn có những hạt phytin. Người ta tách được một carboxylase oxalacetic và pyruvic. Ở Ấn Độ, người ta xác định có saponin, cucurbitin, lutecin. Hạt chứa nhựa có tính diệt giun nhưng không có glucosid.
Tính vị, tác dụng
Theo Đông y, quả bí ngô vị ngọt, tính ôn, có tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu đờm, giảm đau, được dùng để chữa sưng viêm do côn trùng đốt... Ngoài ra, loại quả này cũng được xem là một thực phẩm bổ não, ăn thường xuyên sẽ giúp phòng bệnh viêm màng não. Hạt của quả bí ngô còn được dùng làm thuốc lợi tiểu, tẩy giun. Nghiên cứu cho thấy trong quả bí ngô chứa nhiều vitamin A, B, C, E, D, PP và vitamin T tốt cho da và não bộ, tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Loại quả này còn chứa nhiều chất xơ và đường tự nhiên, không gây béo phì, tốt cho hệ tiêu hóa. Do vậy, bí ngô là loại thực phẩm được ưu tiên hàng đầu nếu muốn giảm cân. Ngoài ra, ăn bí ngô thường xuyên sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các chất: sắt, kẽm giúp đẩy nhanh quá trình tạo máu và các huyết cầu tố, phòng ngừa bệnh thiếu máu và xơ vữa động mạch. Đặc biệt, quả bí ngô rất tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch và huyết áp vì chất peptit có trong bí ngô có tác dụng trung hòa và làm giảm lượng cholesterol, phục hồi các tế bào sản sinh insulin bị tổn thương, từ đó cải thiện lượng insulin trong máu.
Những bài thuốc chữa bệnh từ bí ngô
Chữa bỏng lửa, nước sôi: Dùng ruột bí ngô đắp ngay vào vết bỏng. Hoặc nấu cao bằng thịt bí ngô để dành thoa vào vết bỏng, hoặc thái mỏng phơi khô tán thành bột mịn, khi sử dụng hòa tan chúng với lòng trắng trứng gà hay trứng vịt bôi vào vết bỏng.
Trị bệnh đái tháo đường: Người bị tiểu đường nên dùng bí ngô hàng ngày như các loại rau xanh khác, có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu và thúc đẩy việc tiết ra chất insulin trong cơ. Có thể nướng bí ngô cho khô, nghiền bột. Uống với nước đun sôi để nguội. Mỗi lần 6g, ngày 2-8 lần.
Tẩy giun: Dùng 50g hạt bí ngô tươi hay khô đối với trẻ em (người lớn 300g), giã nhuyễn hoặc xay bằng cối xay thịt, thêm ít nước đun sôi để nguội vắt lấy nước cốt, thêm với nửa chén nước cốt dừa khô (nạo nhỏ, vắt lấy nước cốt). Uống hết một lần vào buổi sáng khi bụng đói, giun sẽ bị say và thải ra ngoài.
Trị mụn nhọt: Cuống bí ngô phơi khô, đốt thành than. Nghiền bột, trộn với dầu mè đắp vào mụn nhọt.
Chữa bệnh tăng huyết áp: Bí ngô rửa sạch, cắt miếng rồi hấp chín với đường phèn. Ngày ăn từ 2 - 3 lần.
Chữa phù thũng, bụng trướng nước, khó đi tiểu: Cuống quả bí ngô, sao vàng đem nghiền bột, khi dùng uống với nước nóng, ngày 3 lần, mỗi lần 1-2g.
Lưu ý: Người khi bị thấp khớp và bệnh sốt rét thì không nên ăn vì ăn sẽ bị đau thêm và vàng da.