Không chỉ nỗ lực để đưa chúng trở lại với tự nhiên, các nhà khoa học còn tìm hướng ra cho hai loài cây này...
Cây giữ phù sa cho đầm lầy
Vài năm trước, có một loại cỏ mọc tự nhiên trong các vùng đầm lầy mà nông dân phải mất khá nhiều công sức mới dọn sạch. Thế nhưng gần đây loài cỏ này lại được nhiều hộ nông dân nuôi tôm ở huyện Đông Hải, Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu... đem trồng lại.
Lý giải về sự thay đổi này, ông Đặng Văn Huy, nông dân nuôi tôm ở ấp 2, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, cho biết ông nhận thấy khi trồng cỏ năn tượng với khoảng 30% diện tích đìa tôm thì tôm lớn nhanh và ít chết, kể cả khi trời hạn có nắng to kéo dài.
Cỏ năn tượng (Scirpus littoralis Schrab.) còn có tên gọi khác là hến biển, thuộc họ lác, tên khoa học là Scirpus liTSralis Schrad. Chúng mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển.
Cỏ năn tượng - Scirpus littoralis Schrab. - hình theo ctu.edu.vn)
TS Dương Văn Ni, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An - ĐH Cần Thơ, cho biết: "Trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, hến biển là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, hến biển giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra".
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu do TS Ni đứng đầu đã vận dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, dùng hến biển, một loại cây có sẵn trong hệ sinh thái đầm lầy ven biển, để khai thác. Hến biển có thể sống với mật độ rất dày, từ 800-1.000 cây trên 1m2, hệ thống rễ chằng chịt của cây chính là nơi lọc mặn và giữ đất rất tốt. Trong quá trình hến biển phát triển, các chồi non của cây cũng là nguồn thức ăn của cua, tôm, cá... Đến cuối mùa nắng, khi cây lụi dần và chết đi, thân cây lại cung cấp cho môi trường nguồn chất hữu cơ quan trọng.
|
Nhóm nghiên cứu còn giúp nông dân làm kinh tế với loài cỏ hến biển. Trong ảnh: những sản phẩm được đan bằng cỏ hến biển |
Cây giữ xanh cho vùng đất khô cằn
Trong quá trình tìm hiểu những cây có công dụng làm thuốc trị bệnh, TS Lê Võ Định Tường, Phân viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên TP.HCM, đã tình cờ phát hiện cây diesel (Jatropha curcas) - tên thường gọi là Ngô đồng, Cọc rào, Dầu gai (xem bài Cây dầu gai - nguồn năng lượng tương lai) - loài cây rất thích hợp cho việc cải tạo và phủ xanh những vùng đất hoang hóa.
"Cây này có đặc tính chịu hạn rất cao khi trồng trên các vùng đất khô cằn, cây giúp tăng độ ẩm cho môi trường, độ mùn và khả năng dự trữ nước cho đất" - TS Tường cho biết.
Cây diesel thuộc họ thầu dầu, có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, tên khoa học là Jatropha carcus L. Ở VN, cây diesel có mặt từ rất sớm, mọc nhiều ở những vùng núi, chủ yếu được người dân trồng để làm hàng rào nên còn có tên dân gian là cây cọc rào.
Một vài năm trở lại đây, người dân một số địa phương còn biết cách lấy quả của cây để ép lấy dầu diesel sinh học nên cây có tên là cây... diesel. "Các kết quả thử nghiệm cho thấy cứ 1ha cây diesel sẽ cho 1.000-3.000 lít dầu diesel sinh học. Dầu diesel ép ra từ quả của cây có thể dùng thẳng cho các động cơ diesel mà máy vẫn hoạt động tốt" - TS Tường nói.
Không chỉ có quả cho ra dầu, nhóm nghiên cứu còn phát hiện các bộ phận còn lại của cây như thân, ngọn, lá, vỏ, rễ, nhựa... đều có thể dùng để làm thuốc trị bệnh: cầm máu, nhuận tràng (nhựa cây); trĩ phù, rắn cắn (rễ cây); trị bệnh sốt rét (lá cây), bạch cầu.
Cây diesel - Cọc rào - Jatropha curcas, ảnh theo JatrophaCurcasPlantations.com
Nhóm nghiên cứu đã nuôi hom giống những loại có thể cho năng suất cao để trồng thử nghiệm cây này ở khu hoang mạc Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình và xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). Cây lớn nhanh và sau một năm đã có thể cho quả. TS Tường cho biết cây có thể sống từ 50-60 năm, từ năm thứ năm trở đi cây sẽ ra quả với năng suất cao.
Tin vui của nhóm nghiên cứu vừa nhận được trong tháng sáu này là UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lai Châu, Sở Khoa học - công nghệ Sơn La đã có công văn chính thức đề nghị nhóm hợp tác trồng thử nghiệm cây diesel tại các vùng đất hoang hóa thuộc tỉnh này. TS Tường ấp ủ: ở VN chúng ta hoàn toàn có thể trồng cây diesel này ở qui mô công nghiệp để vừa phủ xanh những vùng đồi khô hạn vừa sản xuất dầu diesel sinh học.