Mở đầu
Tây Nguyên nói chung và Yok Đôn nói riêng luôn được coi là vùng đất đặc biệt trên bản đồ đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật của Việt Nam. Thảm thực vật luôn đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hệ sinh thái, và vì vậy, đối với Yok Đôn, việc đánh giá thảm thực vật có vai trò rất quan trọng, giúp ta hiểu biết kĩ hơn về hệ sinh thái này, từ đó giúp các nhà quản lý đề ra được những kế hoạch đúng đắn hơn, hợp lý hơn trong công tác bảo tồn.
Việc xác định và đánh giá các kiểu thảm thực vật ở dựa trên việc quan trắc, đo đếm và thiết lập ô tiêu chuẩn. Áp dụng hệ thống phân loại mà Thái Văn Trừng đã xây dựng nên trong "Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam" để làm cơ sở cho việc xác định các kiểu thảm thực vật trên địa bàn nghiên cứu.
Tổng số 111 ô tiêu chuẩn (gồm 39 ô thiết lập năm 2004 và 74 ô kế thừa) đã được tổng hợp làm cơ sở cho việc mô tả các kiểu thảm thực vật Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Hệ thống phân loại thảm thực vật VQG Yok Đôn
Trảng cỏ khô nhiệt đới:
Trảng cỏ cao dạng lúa với sự ưu thế của Le cỏ (Vietnamosasa pusila) hoặc Cỏ tranh (Imperata cylindrica)
Trảng cỏ thấp dạng lúa ưu thế bởi các loài họ Cói (Cyperaceae), họ Lúa (Poaceae) trên đất chậm thoát nước vào mùa mưa
Mô tả các kiểu thảm và các ưu hợp thực vật Yok Đôn
Kiểu rừng kín thường xanh mưa hơi ẩm nhiệt đới
Rừng kín thường xanh mưa hơi ẩm nhiệt đới phân bố chủ yếu ở khu vực núi Đôn độ cao trên 400 m so với mặt nước biển và một vài nơi khác trên biên giới Việt Nam - Campuchia.
Điểm khác biệt của kiểu rừng này so với các kiểu thảm thực vật khác ở Yok Đôn là rừng luôn xanh, ở đó có sự ưu thế của Kiền kiền (Hopea siamensis), cấu trúc gồm 3 tầng cây gỗ, tầng cây bụi, tầng thảm tươi và thực vật ngoại tầng như sau:
Tầng ưu thế sinh thái ưu thế bởi hai loài kể trên và một số loài cây gỗ lớn khác như Giền trắng (Xylopia pierrei), Gụ mật (Sindora siamensis), Thị rừng (Diospyros sp.), Trâm (Syzygium sp.)… Cây gỗ tầng ưu thế sinh thái đạt độ cao 15 đến 25 m.
Tầng dưới tán, ngoài một số cây gỗ của các tầng trên, thành phần có nhiều loài thường xanh khác, phổ biến như: Nhọc (Polyalthia sp.), Trường (Paranephelium spirei), Kháo (Machilus sp.)… và đặc biệt là Trâm và Thị rừng. Chiều cao của tầng này khoảng 10 - 15 m.
Tầng cây bụi gồm một số cây non của các tầng cây gỗ và có ít các loài khác thuộc về các họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), Cà phê (Rubiaceae), Cau (Arecaceae), Thanh thất (Simaroubaceae), Xoan (Meliaceae)…
Tầng thảm tươi gồm chủ yếu các loài Dương xỉ và nhiều loài thân thảo Hai lá mầm như Tiêu (Piper spp.), cùng với các loài thuộc họ Gừng - Zingiberaceae, họ Lan (Orchidaceae, gồm các loài địa lan)… độ che phủ rất thấp (khoảng 10 - 20%).
Thực vật ngoại tầng có nhiều cây bì sinh thuộc họ Lan (Orchidaceae), Dương xỉ; các loài dây leo, đặc biệt là dây leo thân gỗ rất phổ biến, đại diện là các loài thuộc họ Trinh nữ (Mimosaceae) như Bàm bàm (Entada glandulosa), Sóng rắn nhiều lá (Albizia myriophylla) họ Vang (Caesalpiniaceae) như Móng bò (Bauhinia sp.) và Dây gắm (Gnetum montanum)…
Kiểu rừng kín nửa rụng lá khô nhiệt đới
Điều dễ phân biệt kiểu rừng này là sự ưu thế của Bằng lăng (Lagerstroemia calyculata), chúng có mặt ở cả tầng vượt tán và tầng ưu thế sinh thái. Một dấu hiệu rõ ràng nữa để nhận ra kiểu rừng này đó là sự có mặt của Le đen (Oxytenanthera nigrociliata), chúng thường phân bố trên các sườn dốc, trên đất dốc có độ bào mòn cao gần khe suối. Do các đặc điểm đó, các loài phân bố ở đây thường có rễ bạnh như Bằng lăng, có bộ rễ bám sâu vào đất và tái sinh bằng thân rễ như Le đen. Tỷ lệ cây rụng lá hàng năm chiếm từ 25 đến 75% tổng số cá thể. Vào mùa khô, các cây tầng trên thường rụng lá nhưng tầng dưới tán vẫn còn màu xanh vì còn có tre gai và nhiều loài thường xanh như Cò ke (Grewia tomentosa), Lòng mang (Pterospermum sp.), Nhọc (Polyalthia sp.), Sến (Madhuca pierrei), Đẻn ba lá (Vitex trifolia)… Rừng kín nửa rụng lá khô nhiệt đới ở VQG Yok Đôn thương phân bố ở độ cao trên 300 m so với mặt nước biển, trên các sườn núi, gần với rừng kín thường xanh hay cạnh những con suối khô có nước chảy vào mùa mưa.
Cấu trúc tầng thứ như sau:
Tầng ưu thế sinh thái: các loài ưu thế ngoài Bằng lăng còn có Căm xe (Xylia xylocarpa), Chiêu liêu đen (Terminalia alata), Thung (Tetrameles nudiflora) hay Chiêu liêu nghệ (Terminalia nigrovenulosa), Gụ mật (Sindora siamensis), Trắc đen (Dalbergia nigrescens), Quao (Stereospermum spp.)… chiều cao khoảng 12 đến 20 m.
Tầng dưới tán gồm một số cây non của các cây tầng trên và nhiều loài thường xanh khác như Tre gai (Bambusa arundinacea), Cò ke (Grewia tomentosa), Lòng mang (Pterospermum sp.), Nhọc (Polyalthia sp.), Sến (Madhuca pierrei), Đẻn ba lá (Vitex trifolia)… chiều cao khoảng 5 đến 10 m.
Tầng cây bụi và thảm tươi không nhiều, các loài thường gặp là các loài trong các họ Cà phê (Rubiaceae), họ Ô rô (Acanthaceae), họ Tiêu (Piperaceae), họ Gừng (Zingiberaceae), họ Hoàng tinh (Marantaceae) và họ Lúa (Poaceae).
Trong cấu trúc này Bằng lăng (Lagerstroemia calyculata) chiếm vai trò rất quan trọng trong cấu trúc tổ thành, về độ quan trọng chúng chiếm tới 30% (92,26/300), tiếp theo đó đến Căm xe (Xylia xylocarpa, hơn 10%)…
Kiểu rừng thưa cây lá rộng, rụng lá, khô nhiệt đới
Các quần xã này rất đặc trưng, độc đáo và bao trùm hầu hết diện tích của vườn quốc gia, chiếm từ 70-80% diện tích toàn vườn, trên nền địa hình khá bằng phẳng và trên các đồi thấp, có độ cao trung bình từ 150-200m so với mặt nước biển, ở điều kiện lập địa chủ yếu là đất Feralit phát triển trên đá Bazan thái hoá hay trên đất xám bạc màu, khả năng giữ nước kém. Phần lớn đất có tính chất vật lý không thuận lợi: nghèo dinh dưỡng, mùa khô lớp đất trở nên khô cứng.
Các họ thực vật chủ yếu trong kiểu rừng này không nhiều và trước tiên phải kể đến họ Dầu (Dipterocarpaceae), ngoài ra còn có sự xuất hiện của các họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Mã Tiền (Loganiaceae)... trong nhiều trường hợp, cây họ Dầu chiếm ưu thế, lập thành các ưu hợp thì rừng thưa cây lá rộng, rụng lá, khô nhiệt đới có thể được gọi là rừng thưa cây họ Dầu hơi khô nhiệt đới (rừng Khộp).
Đặc điểm cơ bản nhất của kiểu rừng này là rừng thưa, cây lá rộng, rụng lá và cấu trúc đơn giản về tầng thứ, nghèo về thành phần loài, mật độ cây thấp.
Tầng ưu thế sinh thái: gồm chủ yếu là các loài họ Dầu (Dipterocarpaceae), đôi khi là Chiêu liêu (Terminalia spp.), Bằng lăng (Lagerstroemia spp.), Căm xe (Xylia xylocarpa), Giáng hương trái to (Pterocarpus macrocarpus) hay một vài đại diện khác như Gạo lông len (Bombax insignis), Mã tiền cam (Strychnos nux-blanda)…
Tầng cây bụi và thảm tươi rất phát triển trong mùa mưa. Nó được tạo ra không chỉ bởi các loài cỏ, cây bụi mà còn bởi sự tái sinh chồi rất mãnh liệt của các loài cây gỗ mỗi khi mùa mưa đến. Thành phần các loài cỏ khá phong phú nhưng phổ biến nhất là Le lá cỏ (Vietnamosasa pusilla) và Cỏ lá tre (Panicum sarmentosum). Về thành phần cây bụi, cây gỗ nhỏ cùng với một số loài thân thảo cũng khá phức tạp song đáng chú ý hơn cả là loài Tuế gân chìm (Cycas immersa), Le đen (Oxytenanthera nigrociliata), Địa liền (Kaempferiaspp.), Nghệ (Curcuma spp.), Lan cầu gấm (Brachycorythis galeandra), Thập tử hác-măng (Decaschistia harmandii) Bụp (Hibiscus spp.) và Sổ đất (Dillenia hookerii). Tuy nhiên, đến mùa khô, do tầng đất xám bạc màu không giữ được nước, tầng cây gỗ thưa thớt rụng lá hàng loạt nên cây bụi và thảm tươi bị rụi tàn hết, chúng chỉ còn thân ngầm dưới đất sẽ tái sinh vào mùa mưa năm sau.
Có nhiều các ưu hợp khác nhau đại diện cho kiểu rừng thưa cây lá rộng, rụng lá, khô nhiệt đới (rừng Khộp), tuy nhiên hầu hết chúng chỉ khác nhau về thành phần và cấu trúc của tầng cây gỗ (thường cũng chỉ có một đến hai tầng và khá thưa), tầng cây bụi và thảm tươi hầu như giống nhau ở các ưu hợp khác nhau.
Quần hợp tre
Tre gai (Bambusa arundinacea) phân bố khá phổ biến trên địa bàn toàn vườn, chúng phân bố hầu hết là theo các con suối, con sông và thường tạo thành bụi dày đặc, nối tiếp nhau thành các dải rừng, mỗi bụi đường kính có thể lên đến 4-6 m gồm hàng trăm cá thể. Đặc biệt là nơi chuyên giao của kiểu rừng kín nửa rụng lá khô nhiệt đới với kiểu rừng thưa cây lá rộng rụng lá khô nhiệt đới. Cây gỗ phổ biến mọc xen vào trong các trảng tre gai là Bằng lăng (Lagerstroemia spp.).
Le đen (Oxytenanthera nigrociliata) cũng tương tự như Tre gai, chúng phân bố trên diện rộng của vườn, tại những nơi bị ngập nước ít nhiều vào mùa mưa, thường có các cây gỗ mọc xen vào là Chiêu liêu đen (Terminalia alata), Gáo vàng (Adina cordifolia), Bằng lăng (Lagerstroemia spp.). Trảng le đen thường bị rụi tàn vào cuối mùa khô và xanh tươi trở lại vào mùa mưa năm sau.Trên nền rừng của các kiểu trảng tre nứa, thảm tươi có độ che phủ thấp (khoảng 10%), chỉ có một số ít các loài phân bố, đó là các loài Địa liền (Kaempferia spp.), các loài nghệ (Curcuma spp.) và các loài thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) khác như (Globa spp.), họ Lan (Orchidaceae) như Lan cầu gấm (Brachycorythis galeandra), họ Thiên lý (Asclepiadaceae) như Dây giang (Aganonerion polymorphum)…
Kiểu trảng bụi khô nhiệt đới
Trảng bụi lá rộng hơi khô nhiệt đới có cây gỗ họ Dầu (Dipterocarpaceae): Đây là kiểu trảng có cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) trên đất xương xẩu và nông cạn, trảng này phân bố rải rác trong vườn với sự ưu thế của các loài cây bụi thuộc các họ Cà phê (Rubiaceae), Cỏ roi ngựa (Verbenaceae), Thầu dầu (Euphorbiaceae)… các loài này thường có thân cành khẳng khiu, vỏ dày để chống lại sự khô hạn như Randia, Gmelina phillippinensiao, Sauropus sp., Bridelia sp. Grewia spp., Trema tomentosa... Ngoài ra còn có nhiều loài khác khá đặc trưng như Tuế chìm (Cycas immersa), Tràng quả (Desmodium spp.), Sổ đất (Dillenia hookerii), Bụp vang (Albemoschus moschatus)… Thêm vào đó, các loài cây gỗ họ Dầu (Dipterocarpaceae) phân bố rải rác. Những cây gỗ thường gặp: Cẩm liên - Shorea siamensis, Cà chít - Shorea obtusa đạt chiều cao khoảng trên dưới 10 m, hầu như không thấy có mặt các cây thuộc chi Dầu (Dipterocarpus) xuất hiện trong kiểu trảng này. Đôi khi cũng có mặt trong kiểu trảng này là những cây gỗ thuộc họ Bàng - Combretaceae, các loài Chiêu liêu (Terminalia spp.) nhưng chúng cũng chỉ là những cây gỗ nhỏ mà thôi.
Kiểu trảng cỏ khô nhiệt đới
Kiểu trảng cỏ dạng lúa cao khô nhiệt đới với đại diện ưu thế nhất thuộc về họ Lúa - Poaceae là le cỏ (Vietnamosasa pusilla) hoặc Cỏ tranh (Imperata cylindrica) hay Cỏ lá tre (Panicum sarmentosum) và các loài họ Cói (Cyperaceae). Chúng phân bố xen lẫn giữa các kiểu rừng khác nhau: rừng khộp (rừng thưa cây lá rộng rụng lá khô nhiệt đới), rừng bán thường xanh (rừng kín nửa rụng lá khô nhiệt đới) và ven biên giới của rừng thường xanh mưa hơi ẩm nhiệt đới. Trảng cỏ có diện tích lớn chủ yếu do phát nương làm rẫy nhiều năm để lại và do lửa rừng càn quét hàng năm. Phân bố thường ở các bìa rừng, thậm chí là những chỗ chuyển giao giữa các kiểu rừng khác nhau. Trảng cỏ dạng lúa cao khô nhiệt đới bắt đầu lụi tàn vào mùa khô, chúng bị chết hoàn toàn vào vào cuối mùa khô. Tất cả các loài này đều có dạng sống là thân rễ ngầm nên vào mùa mưa năm sau, không khí ẩm hơn, mưa rơi xuống thì chúng sẽ mọc lên, xanh tươi trở lại.
Kiểu trảng cỏ dạng lúa thấp xuất hiện ở những vùng đất không thoát nước vào mùa mưa, ở đó các đại diện của họ Cói - Cyperaceae chiếm ưu thế như Cyperus spp., Carex spp., Fimbristylis spp. cùng với các thành viên khác của họ Lúa - Poaceae. Ngoài ra còn có thể thấy một số đại diện của Amaranthaceae, Zingiberaceae…
Kết luận
Thảm thực vật ở VQG Yok Đôn, bằng việc thiết lập các ô tiêu chuẩn ở các rừng cây gỗ và quan trắc ở các kiểu thảm khác, tổng kết lại, các kiểu thảm thực vật ở đây gồm: