Giới thiệu
Các đại diện của các khu vực được lựa chọn để so sánh là hệ thực vật thuộc khu vực Đông Bắc Bộ: hệ thực vật Quảng Ninh, hệ thực vật Lạng Sơn; thuộc khu Bắc Trung Bộ: các VQG Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã; thuộc khu vực Nam Trung Bộ: khu BTTN Sông Thanh, Bà Nà - Núi Chúa và các hệ thực vật của vùng Tây Nguyên như VQG Yok Đôn và miền Đông Nam Bộ như VQG Cát Tiên.
Tư liệu và phương pháp nghiên cứu
Tư liệu là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu về hệ thực vật của các vùng khác nhau từ Lạng Sơn đến Cát Tiên và đã được công bố từ 1998 đến 2005 đồng thời cũng cập nhật thông tin để bổ sung vào nguồn tư liệu sẵn có.
Đánh giá mức độ giống nhau giữa các hệ thực vật, dựa vào công thức tính chỉ số giống nhau của Sorensen (Southwood, 1978, ghi theo Anne E. Magurran, 1991), theo công thức này, c là số taxon giống nhau của hai hệ thực vật, còn a và b là tổng số taxon của mỗi hệ thực vật đó, S là chỉ số thân thuộc: . Theo lý thuyết, chỉ số S = 1 tương ứng với hai hệ thực vật có thành phần taxon giống hệ nhau và S = 0 khi hai quần xã đó không có một taxon nào giống nhau, chỉ số tương đồng này tăng từ 0 đến 1 đồng nghĩa với tính tương đồng của hai hệ thực vật tăng lên.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Trên cơ sở các danh lục thực vật của các vùng khác nhau đã được chirính lý và hệ thống hóa theo Brummitt (1992), so sánh sự giống nhau giữa chúng ở các mức độ ho, chi, loài theo chỉ số Sorensen để đánh giá mối quan hệ từng cặp một. Những kết quả thu được sẽ là những dẫn liệu giúp cho việc phân vùng địa lý thực vật trong cả nước.
Quan hệ của Hoàng Liên và các khu hệ thực vật ở Đông Bắc Bộ
Để so sánh hai vùng Đông - Tây của miền Bắc thì hệ thực vật chắc chắn sẽ có những khác biệt nhau, tuy vậy vì có vị trí địa lý khá gần nhau thì vẫn có những điểm chung nhau giữa các hệ thực vật này do đó việc so sánh quan hệ sẽ làm sáng tỏ hai điểm trên. Đại diện cho vùng Đông Bắc Bộ là 2 hệ thực vật Quảng Ninh và Lạng Sơn được chọn để so sánh với hệ thực vật của Hoàng Liên.
Mối quan hệ của hệ thực vật ở VQG Hoàng Liên với hệ thực vật của Lạng Sơn về mức độ loài có chỉ số là 0,13. Như vậy rõ ràng hai hệ thực vật là xa nhau. Nếu xét về mức độ chi thì thấy rằng hai hệ thực vật này cũng không thuộc về một xứ như Safer đã chỉ ra vì chỉ số thân cận cấp độ chi dưới 0,5 (0,43). Ở mức độ họ thì chỉ số thân cận là khá cao, 0,7
Bảng 1. Chỉ số tương đồng loài của hệ thực vật Hoàng Liên với Lạng Sơn
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Lạng Sơn | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 1850 | 261 | 0,13 |
Chi | 774 | 755 | 329 | 0,43 |
Họ | 202 | 165 | 132 | 0,72 |
Hệ thực vật Quảng Ninh là điểm thứ 2 ở Đông Bắc được so sánh với hệ thực vật Hoàng Liên. Chỉ số tương đồng ở cấp độ chi, loài và họ của Quảng Ninh và Hoàng Liên cũng gần tương tự như giữa Hoàng Liên và Lạng Sơn: chỉ số loài là 0,15 và chỉ số chi là 0,44 chứng tỏ rằng hệ thực vật Hoàng Liên có sự tách xa với hệ thực vật Quảng Ninh tương tự như Lạng Sơn.
Bảng 2. Chỉ số tương đồng loài của hệ thực vật Hoàng Liên với Quảng Ninh
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Quảng Ninh | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 1119 | 237 | 0,15 |
Chi | 774 | 807 | 351 | 0,44 |
Họ | 202 | 221 | 161 | 0,76 |
Như vậy các hệ thực vật ở Đông Bắc Bộ có mối quan hệ với Hoàng Liên ở các cấp loài, chi và họ lần lượt là: 0,140; 0,435; 0,740. Qua đó cho thấy Hoàng Liên có mối quan hệ khá xa với hệ thực vật Đông Bắc Bộ và việc tách Hoàng Liên ra khỏi xứ Cổ nhiệt đới, nhập vào xứ Toàn bắc theo Takhtajan (1978) là hợp lý.
Quan hệ của Hoàng Liên và các khu hệ thực vật ở Bắc Trung Bộ
Khu vực Bắc Trung Bộ từ lâu đã được coi là một vùng rất đa dạng về hệ thực vật với đại diện la f hệ thực vật của các VQG như Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng và Bạch Mã. Việc so sánh quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với các hệ thực vật của các VQG này một lần nữa khẳng định tính chất thân thuộc giữa các hệ thực vật với nhau.
Bảng 3. Chỉ số tương đồng loài của hệ thực vật Hoàng Liên với Pù Mát
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Pù Mát | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 2494 | 368 | 0,15 |
Chi | 774 | 931 | 411 | 0,47 |
Họ | 202 | 204 | 164 | 0,87 |
Hệ thực vật của hai VQG là Pù Mát và Hoàng Liên có mối quan hệ không thân cận, điều đó được thể hiện ở chỉ số loài 0,15. Cũng giống như mối quan hệ của Hoàng Liên với Lạng Sơn, ở mối quan hệ này, chỉ số chi và họ cao hơn một chút (0,47 và 0,87, bảng 3). Có thể nói rằng mặc dù mối quan hệ thân cận giữa Hoàng Liên và Pù Mát được thể hiện rõ nhưng có vẻ như Hoàng Liên gần gũi với Pù Mát hơn so Lạng Sơn. Điều đó giải thích chúng nằm trên cùng một hướng núi Tây Bắc - Đông Nam, là phần cuối cùng của dãy Himalaya tiếp giáp với biển Đông hơn là với hệ thực vật vùng Đông Bắc, liên quan với hệ thực vật Đông Nam Trung Hoa.
Cùng với Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng là khu hệ thực vật đại diện cho khu vực Bắc Trung Bộ, hai hệ thực vật Pù Mát và Phong Nha - Kẻ Bàng rất gần gũi và thân thuộc với nhau vì thế mối quan hệ của Phong Nha - Kẻ Bàng với Hoàng Liên cũng tương tự như của Pù Mát với Hoàng Liên. Điều đó được thể hiện ở bảng 3 dưới đây.
Bảng 4. Chỉ số tương đồng loài của hệ thực vật Hoàng Liên với Phong Nha - Kẻ Bàng
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | PN - KB | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 2372 | 350 | 0,16 |
Chi | 774 | 801 | 364 | 0,46 |
Họ | 202 | 174 | 142 | 0,76 |
Tuy nhiên, cũng nằmg trong khu vực Bắc Trung Bộ nhưng Bạch Mã xa hơn so với Phong Nha - Kẻ Bàng và Pù Mát, nó có phần nào tách xa hơn so với hai VQG trên. Vì thế mối quan hệ của Bạch Mã với Hoàng Liên ở mức độ loài và chi cũng giống như của Hoàng Liên với Pù Mát hay Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng ở cấp độ họ thì thấy rằng chỉ số thân thuộc khá thấp. Điều đó nói lên tính đặc biệt của hệ thực vật Bạch Mã, là điều chúng ta cần tìm hiểu thêm (bảng 5).
Bảng 5. Chỉ số tương đồng loài của hệ thực vật Hoàng Liên với Bạch Mã
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Bạch Mã | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 1759 | 270 | 0,14 |
Chi | 774 | 765 | 351 | 0,46 |
Họ | 202 | 192 | 88 | 0,45 |
Như vậy mối quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với các hệ thực vật ở khu vực Bắc Trung Bộ gần tương đồng và có sự giảm dần về phía Nam. Mối quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với hệ thực vật Bắc Trung Bộ được thể hiện ở cấp độ loài với chỉ số 0,15, cấp độ chi với chỉ số 0,46 và chỉ số cấp độ họ là 0,73.
Quan hệ của Hoàng Liên và Nam Trung Bộ
Do sự chia cắt của đèo Hải Vân làm thay đổi khí hậu giữ hai miền Nam - Bắc càng làm cho Bà Nà - Núi Chúa nói riêng và Nam Trường Sơn nói chung càng khác xa với các hệ thực vật của miền Bắc. Mối quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với hệ thực vật Bà Nà - Núi Chúa đã thấp hơn so với các khu hệ thực vật ở Bắc Trường Sơn như Pù Mát, Bạch Mã và Phong Nha - Kẻ Bàng. Các chỉ số đó là 0,1; 0,38; và 0,70.
Bảng 6. Quan hệ của hai hệ thực vật Hoàng Liên và Bà Nà - Núi Chúa
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Bà Nà | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 1030 | 160 | 0,10 |
Chi | 774 | 542 | 249 | 0,38 |
Họ | 202 | 156 | 126 | 0,70 |
Cùng với Bà Nà - Núi Chúa, Sông Thanh là đại diện thứ hai được so sánh. Mối quan hệ của Hoàng Liên với Sông Thanh cũng tương tự như với Bà Nà - Núi Núi Chúa (bảng 7).
Bảng 7. Quan hệ của hai hệ thực vật Hoàng Liên và Sông Thanh
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Sông Thanh | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 865 | 131 | 0,09 |
Chi | 774 | 510 | 243 | 0,38 |
Họ | 202 | 145 | 119 | 0,69 |
Như vậy có thể tổng kết về các chỉ số quan hệ của Hoàng Liên với khu vực Nam Trường Sơn ở cấp độ loài là 0,095, cấp độ chi là 0,38 và cấp độ họ là 0,70. Các chỉ số này thấp hơn so với quan hệ của Hoàng Liên với khu vực Bắc Trường Sơn ở cấp độ chi, loài và tương đồng nhau ở cấp độ họ .
Quan hệ của Hoàng Liên và Tây Nguyên
Tây Nguyên với đại diện là hệ thực vật VQG Yok Đôn, vì có vị trí địa lý rất xa và cũng rất khác biệt về khí hậu so với Hoàng Liên do đó mối quan hệ giữa Hoàng Liên với Yok Đôn nói riêng và Tây Nguyên nói chung là rất thấp. Các chỉ số đó là 0,04 đối với loài, 0,27 đối với chi và 0,55 đối với họ. Chúng quá khác xa nhau có thể do độ vĩ, độ cao, địa hình đã quyết định tính đa dạng của hệ thực vật của 2 khu vực.
Bảng 8. Quan hệ của hai hệ thực vật Hoàng Liên và Yok Đôn
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Yok Đôn | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 766 | 50 | 0,04 |
Chi | 774 | 434 | 163 | 0,27 |
Họ | 202 | 123 | 90 | 0,55 |
Quan hệ của Hoàng Liên và Nam Bộ
Hệ thực vật VQG Cát Tiên là đại diện cho hệ thực vật khu vực miền Nam được làm đối tượng để so sánh với hệ thực vật của Hoàng Liên. Hệ số thân cận giữa chúng là rất thấp, tương tự với hệ thực vật ở Tây Nguyên: ở cấp độ loài là 0,08 trong khi đó hệ số chi đạt 0,35 và ở cấp độ họ thì chỉ số thân cận là 0,64.
Bảng 9. Quan hệ của hai hệ thực vật Hoàng Liên và Cát Tiên
Bậc quan hệ | Hoàng Liên | Cát Tiên | Trùng nhau | Chỉ số S |
Loài | 2024 | 1403 | 141 | 0,08 |
Chi | 774 | 716 | 260 | 0,35 |
Họ | 202 | 174 | 120 | 0,64 |
Kết luận
Qua việc so sánh thành phần các taxon giữa các hệ thực vật chúng ta thấy rằng mối quan hệ của thân thuộc ấy giảm dần theo độ vĩ, hệ thực vật Hoàng Liên quan hệ thân cận với các khu hệ thực vật ở phía Bắc và ngược lại với các hệ thực vật ở phía Nam, đặc biệt là những hệ thực vật ở khu vực đặc biệt như Tây Nguyên và Cát Tiên thì rất thấp.
Mối quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với hệ thực vật Đông Bắc cũng gần tương tự với Bắc Trung Bộ.
Bảng 10. Tổng kết các chỉ số quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với các VQG và KBT khác
Khu vực | Đông Bắc Bộ | Bắc Trường Sơn | Nam Trường Sơn | Tây Nguyên | Nam Bộ |
Bậc quan hệ | Lạng Sơn | Quảng Ninh | Pù Mát | PN-KB | Bạch Mã | Bà Nà | Sông Thanh | Yok Đôn | Cát Tiên |
Loài | 0,13 | 0,15 | 0,15 | 0,16 | 0,14 | 0,10 | 0,09 | 0,04 | 0,08 |
Chi | 0,43 | 0,44 | 0,47 | 0,46 | 0,46 | 0,38 | 0,38 | 0,27 | 0,35 |
Họ | 0,72 | 0,76 | 0,87 | 0,76 | 0,45 | 0,70 | 0,69 | 0,55 | 0,64 |
Qua chỉ số thân thuộc về chi thấy rằng tất các các mối quan hệ của hệ thực vật Hoàng Liên với các hệ thực vật khác đều thấp hơn 0,5 chứng tỏ việc tách hệ thực vật Hoàng Liên khỏi xứ hệ thực vật Cổ nhiệt đới và sát nhập nó vào xứ Toàn bắc như Takhajan (1968) đã chỉ ra là hợp lý.
Tài liệu tham khảo
- Anne E. Magurran, 1991, Ecological Diversity and Its Measurement. Chapman and Hall, London, New York, Tokyo, Melbourne, Madras. Trang 92 - 96.
- Nguyễn Nghĩa Thìn - Mai Văn Phô (chủ biên) và tập thể, 2003. Đa dạng hệ Nấm và thực vật VQG Hoàng Liên. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn - Ngô Tiến Dũng và tập thể, 2005. Đa dạng thực vật VQG Yok Đôn, một hệ sinh thái đặc biệt ở Tây Nguyên. (sách đang hoàn thiện bản thảo).
- Nguyễn Nghĩa Thìn - Nguyễn Thanh Nhàn, 2004. Đa dạng thực vật VQG Pù Mát. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn - Nguyễn Thị Thời, 1998. Đa dạng thực vật có mạch vùng núi cao Sa Pa - Phan Si Pan. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn và tập thể, 2003. Đề tài nghiên cứu cơ bản, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, “Nghiên cứu đa dạng sinh vật ở KBTTN Bà Nà, thành phố Đà Nẵng”, đề tài nhánh: “Nghiên cứu tính đa dạng thực vật KBTTN Bà Nà”. Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn và tập thể, 2003. Báo cáo tổng kết công trình nghiên cứu khoa học cơ bản Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đề tài “Điều tra, đánh giá tính đa dạng sinh vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha”. Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn và tập thể, 2003. Báo cáo tổng kết công trình nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước, đề tài “Điều tra, đánh giá tính đa dạng sinh vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn”. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.