Có ý kiến cho rằng, nhiều loài hoa thơm cỏ lạ đã góp phần tạo nên cảnh sắc thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” của Hương Sơn. Tuy nhiên sự hiểu biết về chúng lại còn chưa thật đầy đủ.
Các công trình nghiên cứu
Vì vậy, vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu hệ thực vật Hương Sơn đã được quan tâm, trong đó, trước hết phải kể đến công trình “Hương Sơn- cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên sinh vật” do cố GS-TSKH Nguyễn Tiến Bân và các đồng nghiệp thực hiện. Đây là công trình đầu tiên công bố, hệ thực vật Hương Sơn có 550 loài, 190 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch là Khuyết lá thông (Psilotophyta), Cỏ tháp bút (Equisetophyta), Thông đất (Lycotodiothyta), Dương xỉ (Pteridiophyta), Hạt trần (Gymnospermae) và Hạt kín (Angiospermae). Như vậy, ở Hương Sơn có đại diện của tất cả 6 ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam. Đáng chú ý là sự hiện diện của ngành Khuyết lá thông, một ngành thực vật cổ nhất trong số các ngành thực vật bậc cao ở nước ta, chỉ duy nhất có một họ, một chi và một loài với số cá thể rất ít.
Suối Yến, ảnh theo donatouris.com
Những năm gần đây, hệ thực vật Hương Sơn tiếp tục được nghiên cứu thông qua một số công trình như: “Quy hoạch phát triển khu di tích du lịch thắng cảnh Hương Sơn” của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, báo cáo “Đánh giá tác động môi trường đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo va phát huy giá trị quần thể di tích danh thắng Hương Sơn”, báo cáo “Thuyết minh tổng hợp quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn đến năm 2020” của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (2005).
Một công trình tuy thực hiện từ năm 2003 của trường Đại học Lâm nghiệp: “Báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên đề rừng đặc dụng Hương Sơn – Mỹ Đức - Hà Tây” nhưng có thể xem là đã thu thập được đầy đủ hơn về hệ thực vật Hương Sơn, trong đó công bố đã thống kê được 655 loài thuộc 430 chi, 149 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Tuy nhiên, nhũng số liệu này chưa phải đã phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của hệ thực vật Hương Sơn. Nhận xét này dựa trên cơ sở kết quả khảo sát thực địa của đoàn cán bộ nghiên cứu Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thời gian gần đây.
Như đã nêu ở trên, Hương Sơn không chỉ là vùng núi đá vôi, mà còn có sông, suối, đồng ruộng, làng mạc… Chính sự đa dạng về sinh cảnh, hiểu rộng hơn là sự đa dạng về các hệ sinh thái đã tạo cho Hương Sơn một hệ thực vật vừa có số lượng loài lớn, vừa rất phong phú về dạng sống, đặc biệt còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm, có trong Sách đỏ Việt Nam hoặc nghị định 32/CP của Chính Phủ.
Kết quả cuộc điều tra mới
Theo kết quả điều tra mà chúng tôi mới thu được trong đợt khảo sát vào tháng 10-2007, hệ thực vật Hương Sơn hiện đã biết có 823 loài thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Nếu so sánh với hệ thực vật Việt Nam, có 10.340 loài (kể cả 733 loài nhập nội và chỉ gặp trong trồng trọt) thì số loài của hệ thực vật Hương Sơn chiếm 7,8% tổng số loài của hệ thực vật Việt Nam.Tỷ trọng này thể hiện một phần tính đa dạng sinh học của hệ thực vật Hương Sơn.
Sự đa dạng của hệ thực vật Hương Sơn còn được thể hiện qua 8 hệ sinh thái: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi; hệ sinh thái rừng trên núi đất; hệ sinh thái trảng cây bụi, tre nứa; hệ sinh thái trảng cỏ; hệ sinh thái thủy sinh; hệ sinh thái nông nghiệp; hệ sinh thái khu dân cư và hệ sinh thái rừng trồng, cây ăn quả lâu năm. Sự khác biệt về diều kiện sống ở các hệ sinh thái đã là tác nhân làm phong phú thêm không chỉ về số lượng loài mà cả về dạng sống. Nếu hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, các loài cây thân gỗ chiếm ưu thế thì ở hệ sinh thái thủy sinh, cây thân thảo lại chiếm ưu thế. Phù hợp với điều kiện canh tác theo mùa vụ, cây có đời sống ngắn (một năm) chiếm ưu thế trong hệ sinh thái nông nghiệp. Các hệ sinh thái đã trở thành hàng rào tự nhiên, giới hạn các loài có biên độ sinh thái hẹp. Sự phân bố của các loài theo hệ sinh thái một mặt chịu sự chi phối của đặc tính sinh thái, mặt khác còn phụ thuộc vào khả năng thích nghi của mỗi loài, nói cách khác, đây chính là sự chọn lọc của tự nhiên. Điều này lý giải vì sao hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, mặc dù điều kiện sống rất khắc nghiệt: luôn luôn khô và rất ít chất dinh dưỡng, nhưng lại là hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt hiện đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm.
Chúng tôi đã phát hiện được 7 loài thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam phân bố ở hệ sinh thái núi đá vôi, đó là Sưa (Dalbergia tonkinensis Prain), Rau sắng (Melientha suavis Pierre), Nghiến (Burretiodendron tonkinense (A. Chev.)(Kóterm.), Thổ phục linh (Smilax glabra Wall. ex Roxb.), Bình vôi (Stephania cambodiana Gagnep.), Kim tuyến (Anoecotochilus setaceus Blume), Cốt toái bổ (Drynaria bonii Christ.) Một loài tuy không có trong Sách đỏ, nhưng lại có trong nghị định 32/CP của Chính phủ thuộc nhóm I là nhóm nghiêm cấm khai thác và sử dụng, đó là Lan một lá (Nervilia fordii (Hance) Schlechter.). Trong 7 loài quý hiếm có trong Sách đỏ, nghiến là loài đầu tiên ghi nhận có ở Hương Sơn. Như vậy, chỉ riêng hệ sinh thái núi đá vôi Hương Sơn, số loài quý hiếm đã chiếm 2% tổng số loài quý hiếm của hệ thực vật Việt Nam.
Với phạm vi không gian hơn 5.000ha, khu di tích Hương Sơn đã phát hiện được 823 loài thực vật thuộc 6 ngành bậc cao có mạch trong đó có 7 loài trong Sách đỏ và một loài trong nghị định 32/CP của Chính phủ. Hoàn toàn có thể khẳng định khu di tích Hương Sơn có tính đa dạng sinh học cao, mặt khác đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm. Đây là món quà quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái tặng cho nhân dân Hương Sơn. Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, bảo vệ rừng Hương Sơn, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, cũng là góp phần bảo vệ một danh thắng nổi tiếng của cả nước.
Lê Trần Chấn, Nguyễn Hữu Tứ, Vũ Anh Tài
Viện Địa lý, Viện KH&CN Việt Nam