Thông tin chung

|
Sầu riêng - Durio zibethinus. ảnh theo caycanhvietnam.com |
Tên thường gọi: Sầu riêng
Tên tiếng Anh: Durian
Tên la tinh: Durio zibethinus Murr.
Thuộc họ Gạo - Bombacaceae
Đặc điểm hình thái, sinh thái và sinh học
Cây gỗ lớn 15-20m. Lá đơn, mọc so le, phiến lá dày hình trứng thuôn dài, mặt dưới màu vàng. Chùm hoa to mọc ở thân, nụ hoa tròn. Cánh hoa màu trắng, nhiều nhị, thụ phấn nhờ giơi. Quả nang mở vách to, có gai nhọn. Hạt to, vàng, quanh hạt có áo hạt mềm, màu ngà, có mùi đặc biệt, ăn ngon, vị ngọt bùi.
Cây nở hoa tháng 3-4, có quả tháng 5-9.
Gốc ở quần đảo Malaixia, được trồng để lấy quả.
Đặc điểm cây trồng
Cây sầu riêng mọc rất cao nếu trồng bằng hột, nhưng nếu tháp thì cây mọc thấp hơn, cao không quá 10 m. Hoa mọc từng chùm ở cành chính và ra trái lớn, dài hơn 20 cm và nặng từ 1 đến 4 kg. Trái màu vàng xanh lợt, vỏ đầy gai nhọn và ngắn. Khi trái chín thì vỉ nứt ra năm ngăn, mỗi ngăn hai ba múi có hột lớn hoặc lép, cơm dày ăn béo như mỡ, nhiều xơ dính vào hột. Mùi vị sầu riêng rất khó chịu đối với dân Âu Mỹ, nhưng được dân chúng Đông Nam Á quen ăn ưa chuộng. Một số vườn tiêu ở Campuchia trước đây trồng sầu riêng với khoảng cách rất xa để sau đó biến thành vườn sầu riêng thay cho vườn tiêu.
Sầu riêng ở Việt Nam trước đây trồng nhiều ở Lái Thiêu, nhưng sau chiến tranh đã được phát triển mạnh trên đất đỏ tương đối mưa nhiều từ Di Linh, Bảo Lộc và các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre nhờ thủy cấp gần. Các vùng đất đỏ ở Sông Bé, Đồng Nai cũng thích hợp với sầu riêng, nếu mùa nắng không kéo dài quá ba tháng (mưa ít hơn 60 mm một tháng được kể là tháng nắng). Nếu trồng ở miệt Nha Trang hay Tây Ninh thì nên tưới nước mùa nắng cho sầu riêng mọc tốt. Nhiều giống sầu riêng, nhất là các giống ở vùng biên giới Thái Lan và Malysia, cho trái hột lép, cơm dày, nên du nhập trồng thử ở Việt Nam. Sầu riêng giống khổ qua xanh của Việt Nam, trái nhỏ nhưng sai trái hiện được dân chúng rất thích. Ở Chợ Lách (Bến Tre) hay ở Tiềng Giang có giống sầu riêng hột lép được nhà vườn ưa chuộng.
Sầu riêng thường trồng bằng hột, nhưng tháp giâm cành đều dễ dàng. Điểm đáng lưu ý là hột sầu riêng cũng như hột mít mất sức nảy mầm mau lẹ. Vườn sầu riêng trồng nhiều giống khác nhau để thụ phấn chéo thì sẽ cho nhiều trái hơn. Khoảng cách là 12 m hay 10 m và tỉa dần sau nhiều năm sản xuất, chỉ để lại 50 cây một hecta. Trái để chín trên cây chừng non 4 tháng sau khi nở hoa và thu lượm trái rụng. Dạo vườn ban đêm coi chừng lủng đầu vì trái hay rụng về đêm. Một vườn sầu riêng tốt sản xuất từ 10-18 tấn trái một hecta.
Sầu riêng có thể bị bệnh nứt nẻ thân (canker) từng mảng do nấm Phytophthora sp. gây ra. Một loài bướm Daphnusa có thể ăn trụi lá và có khi còn gặp cả sâu đục thân, đục trái nữa.
Thông tin thị trường
Sầu riêng đã được trữ lạnh bán trái tươi hay múi tươi đựng trong hộp nhựa dẻo trong các siêu thị thực phẩm Á Đông ở Âu Mỹ với giá cao cho dân sành điệu. Ăn quen thì kem sầu riêng khá ngon.
Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất thế giới, nhờ hầu hết các vườn chuyên canh đều trồng các giống lai 3n như: Mon-tong, Chanee, Kradom, Khan Yoa... Các giống này đã lai tạo theo định hướng của nhu cầu xuất khẩu như hạt lép (100%), cơm ráo (có thể tách lấy múi (cơm), trái bảo quản và vận chuyển lâu hư, hương thơm trung bình (khách nước ngoài không thích mùi hương quá mạnh của sầu riêng), màu vàng sáng hấp dẫn. Hiện nay, nhiều đơn vị, cá nhân đã nhập giống sầu riêng Thái Lan về trồng, chọn giống Mon-tong ngon nhất.
Khuynh hướng thâm canh ở Thái Lan là chỉ trồng cây tháp để đảm bảo chất lượng như cây mẹ, mau ăn (sau 3 năm trồng có trái bán), mật độ dầy (khoảng cách 6-7 m, thay vì 10-12 m) để đạt năng suất cao ngay những năm đầu cho trái, sau 15-20 năm lại thay giống mới có nhiều đặc tính ưu việt hơn. Cây sầu riêng ở Thái Lan không chỉ trồng ở vùng đất thịt, đất đỏ basalt mà còn phát triển mạnh ở vùng đất cát xám có đầu tư hệ thống tưới và chăm sóc thâm canh cao. Tỷ lệ phân bón NPK cho sầu riêng thời kỳ cây còn nhỏ là 2-3-1, còn cây đã vào giai đoạn khai thác (cho trái) vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể theo tỷ lệ 2-1-1, ở miền Đông, miền Trung cần tăng kali hơn: 2-1-2 hay 2-1-3, dạng kali sulfat tốt hơn dạng clorur vì phân clorur làm giảm phẩm chất trái, trái sượng. Nếu đất thiếu mùn, cần bón lượng phân hữu cơn cao (30-50 kg/gốc/năm).
Thông tin dược học
Bộ phận dùng: Vỏ quả - Pericarpium Durionis Zibethini.
Sau khi ăn, lấy vỏ quả phơi khô dùng.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính ấm; có tác dụng tiêu thực, liễm hãn, ôn phế chỉ khái. Nếu sao đen, có thể dùng cầm máu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả Sầu riêng là loại quả ngon, bổ và có tác dụng kích thích sinh dục. Hạt có bột, rang nướng hay luộc ăn như hạt mít, hoặc có thể làm mứt kẹo. Vỏ Sầu riêng dùng chữa đầy bụng, khó tiêu hoá và chữa ho lao, cảm sốt. Lá và rễ Sầu riêng dùng chữa cảm sốt, viêm gan vàng da. Liều dùng 30-40g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với lá và rễ cây Ða.