Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CỎ LÀM THUỐC

Hoàng bá và tác dụng bổ thận, mạnh xương tủy

Cập nhật ngày 14/12/2008 lúc 2:34:00 PM. Số lượt đọc: 6495.

Hoàng bá còn gọi hoàng nghiệt, xuyên hoàng bá, chân xuyên bá. Tên khoa học: Phelloden dron amurense rupr. Bộ phận dùng: vỏ cây. Theo Đông y hoàng bá tính đắng lạnh, không độc. Công dụng: thanh nhiệt, táo thấp, tả hỏa giải độc

Thông thin chung

Tên thường gọi: Hoàng bá
Tên khác:Hoàng nghiệt, Xuyên hoàng bá, Chân xuyên bá.
Tên tiếng Anh: Huang bai/ Huang bo
Tên khoa học: Phellodendron amurense Rupr.
Thuộc họ Cam - Rutaceae.

Mô tả

Cây gỗ cao 10-25m hay hơn, phân cành nhiều. Vỏ thân dày, sần sùi, màu nâu xam xám ở mặt ngoài, màu vàng tươi ở mặt trong. Lá kép lông chim lẻ, gồm 5-13 lá chét hình trứng thuôn hay hình bầu dục, dài 5-12cm, rộng 3-4,5cm, màu lục sẫm ở mặt trên, màu lục nhạt và có lông mềm ở mặt dưới. Hoa đơn tính, màu vàng lục, mọc thành chuỳ ở đầu cành và ở ngọn thân. Quả hình cầu khi chín màu tím đen, có 2-5 hạt.

http://www.itmonline.org/image/erm1.jpg
Hoàng bá - Phellodendron amurense, ảnh theo itmonline.org

Ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 9-10. 

Bộ phận dùng

Vỏ thân hoặc vỏ cành - Cortex Phellodendri, thường gọi là Hoàng bá.

Nơi sống và thu hái và chế biến

Cây của vùng Đông Bắc Á Châu, được trồng nhiều ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ta di thực vào trồng từ cuối những năm 1960 ở Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ), Vĩnh Phú (Tam Đảo) và Lâm Đồng (Đà Lạt). Cây ưa khí hậu mát vùng núi cao từ 1300m trở lên. Thường rụng lá về mùa đông. Thu hoạch vỏ thân vào tháng 3-6. Cạo bỏ lớp vỏ bần, phơi khô, hoặc sấy khô. Khi dùng, rửa sạch, ủ mềm, thái mỏng, phơi khô, tẩm rượu sao vàng hoặc sao cháy.

Cách chế: Lý Thời Trân nói: Hoàng bá tính lạnh mà trầm, dùng sống thì giáng thực hỏa, dùng chín thì không hại vị, chế rượu thì trị bệnh ở trên, chế muối trị bệnh ở dưới, chế mật thì trị bệnh ở giữa. Lãn Ông dặn: cho vào thuốc thang nên tẩm mật nướng vàng; làm thuốc đưa vào kinh thận nên tẩm kỹ với muối và rượu, còn làm thuốc đắp cam lở loét thì phơi khô mà dùng, không qua lửa. Chủ dùng: làm tan thấp nhiệt ở hạ tiêu, tả long hỏa phục ở âm, trừ nóng trong xương, bổ thận, mạnh âm, trị 5 tạng, tràng vị thấp nhiệt, hoàng đãng, trĩ, tiết tả, lỵ, tả tướng hỏa có thừa, cứu thận thủy không đủ, bàng quang nhiệt kết, con gái khí hư, âm môn lở loét; mũi đỏ, hầu tắc, ung nhọt sau lưng, con trai ngọc hành lở loét lấy bột hoàng bá mà đồ; má lưỡi lở sưng thì tẩm mật nướng, nghiền nhỏ mà đắp.

Thành phần hóa học

Vỏ thân chứa 1,6% berberin; còn có các alcaloid khác là palmatin, magnoflorin, jatrorrhizin, phellodendrin, menispermin, candicin. Ngoài ra còn có các chất đắng obakunon, obakulacton, và các chất khác: b-sitosterol và campesterol.

Tính vị, tác dụng:

Vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, giải độc. Có tác dụng kháng sinh ức chế các vi khuẩn staphyllococ, lỵ, tả.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hoàng bá được dùng chữa kiết lỵ, ỉa chảy, hoàng đản do viêm ống mật, viêm đường tiết niệu, đái đục, âm hư phát sốt, nóng trong xương, ra mồ hôi trộm, di tinh, khí hư, ung nhọt, viêm tấy, chân sưng đau, đau mắt, viêm tai. Còn dùng làm thuốc bổ đắng, chữa tiêu hoá kém và làm thuốc giun. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc berberin chiết xuất tinh khiết. Dùng ngoài để rửa mắt, đắp mụn nhọt, vết thương.

Đơn thuốc:

Tăng cường tiêu hoá, trị hoàng đản do viêm đường mật: Hoàng bá 14g, Chi tử 14g, Cam thảo 6g, các vị sắc uống.

Trẻ em nhiệt, tả (ỉa toé ra nước hoặc ỉa phân hoa cà, hoa cải, phân dính bột lẫn máu hoặc có sốt, khát) tiểu tiện đỏ, sẻn: Hoàng bá cạo lớp vỏ trong, tán nhỏ, cho uống với nước cơm, mỗi lần 2-3g, ngày uống 4-5 lần.

Viêm gan cấp tính, phát sốt, bụng trướng, đau vùng gan, đại tiện táo bón, tiểu tiện đỏ và sẻn: Hoàng bá 16g, Mộc thông, Chi tử, Chỉ xác, Đại hoàng (hay Chút chít), Nọc sởi, mỗi vị 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang).

Lở miệng, loét lưỡi: Hoàng bá cắt nhỏ, ngậm, có thể nuốt nước hoặc nhổ đi.

Trị họng tự nhiên sưng đau ăn uống không được: dùng hoàng bá nghiền nhỏ hòa rượu đắp chỗ đau.

Trị nôn ra máu: hoàng bá tẩm mật nướng khô, nghiền nhỏ, uống một lần 4g, với nước sắc mạch môn đông. Chưa khỏi thì uống tiếp tăng lượng dần: 6g, hoặc 8g...

Trị nhọt mọc ở lưng hoặc ở vú đỏ đau: dùng hoàng bá nghiền nhỏ hòa lòng trắng trứng gà đắp nơi đau.

Trị trẻ em bị nhiệt tả: hoàng bá bỏ vỏ thô, sấy nghiền nhỏ mỗi lần uống 4g, với nước cháo loãng, uống ấm.

Trị có thai đi lỵ ra màu trắng (bạch lỵ) đi nhiều lần: hoàng bá 100g-150g (dùng rễ) tẩm mật sao cháy đen nghiền bột viên như hạt ngô mỗi lần uống 30-50 viên với nước cơm, lúc bụng đói, ngày 3 lần.

Di tinh, đái đục: Hoàng bá sao 640g, Vỏ hến nung 640g, tán nhỏ mỗi lần uống 1 thìa, ngày 2 lần.

Trị mộng tinh và xích bạch trọc: hoàng bá sao 600g, cáp phấn bột 600g, luyện với mật ong viên thành hoàn như hạt đậu xanh, mỗi lần uống 100 viên lúc đói với rượu. Trong đó hoàng bá đắng mà giáng hỏa, cáp phấn mặn mà bổ thận.

Trị nhiệt tích sinh mộng di, tâm hoảng hốt, cách mô nóng: bột hoàng bá 40g, phiến não 4g, luyện mật ong viên như hạt ngô mỗi lần uống 15 viên với nước sắc mạch môn.

Trị trẻ em nhiệt, lưỡi sưng như lưỡi đôi (trùng thiệt): dùng bột hoàng bá ngâm với nước trúc lịch rồi nhỏ trên lưỡi.

Trị ăn phải thịt nhiễm độc: uống bột hoàng bá 1 thìa canh, chưa khỏi uống tiếp.

Trị cam mũi: hoàng bá 80g, ngâm nước lạnh 1 đêm, rồi giã hoàng bá lấy nước đun uống ấm.

Trị hỏa độc nhiễm vào người, mình, hai đùi và thân lở loét: dùng bột hoàng bá thấm vào chỗ lở loét.

Trị phế nuy, mất tiếng, hầu họng tắc, khạc ra máu, tiện bí: hoàng bá sao rượu 80g, tri mẫu tẩm rượu sao 80g, nhục quế 4g, nghiền nhỏ hòa nước sôi, viên như hạt ngô, mỗi lần uống 50 viên lúc đói với nước ấm.

Trị thấp nhiệt, cân mềm, gối sưng, gân xương đau nhức: hoàng bá sao 100g, thương truật sao bỏ vỏ 100g, tán bột. Mỗi lần uống 1 thìa canh với nước nấu gừng. Ngày uống 2 lần sáng tối.

Ghi chú: Ta thường dùng vỏ cây Núc nác với tên Nam Hoàng bá dùng chữa các bệnh dị ứng.

Nguồn tư liệu:
Báo sức khỏe và đời sống - suckhoedoisong.com
Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh - Irc-hueuni.edu.vn

Anhtai (tổng hợp)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024