|
Rong mơ - ảnh theo khoahocphothong.com |
|
Rong mơ - Hình theo bachkhoatoanthu.gov.vn |
Những loài rong biển thực phẩm nổi tiếng như kombu (Laminaria) của Trung Quốc và wakame (Undaria pinnatifida) của Hàn Quốc đều có giá bán rất cao; đặc biệt giá rong mứt nori (Porphyra) của Nhật Bản hiện là xấp xỉ 20.000 USD/tấn. Ở nước ta, rong mơ tập trung nhiều ở vùng biển miền Trung với năng suất khá cao. Tiềm năng này cần được đầu tư khai thác và phát triển.
Trong điều kiện tự nhiên, các loài rong câu (Gracilaria), rong mơ (Sargassum), rong đông (Hypnea), rong mứt (Porphyra) và rong bún (Enteromorpha) có tốc độ phát triển rất nhanh nơi vùng biển ấm nước ta. Riêng nhóm rong mơ có địa bàn phân bố rộng nhất, tập trung trên vùng bờ biển của Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Năng suất ở các vùng tập trung đó có khi lên đến 7 kg cho mỗi mét vuông mặt nước, bình quân trên dưới 5,5 kg/m2, tạo nên nguồn nguyên liệu bền vững cho các kế hoạch khai thác và chế biến.
Trên thực tế, công nghệ chiết xuất alginat từ rong mơ ở nước ta vẫn chưa phát triển. Vấn đề ở chỗ chúng ta vẫn còn lệ thuộc vào khai thác tự nhiên ở các vùng khác nhau trong các tháng khác nhau; nguyên liệu đầu vào vì thế không ổn định, dẫn đến sản phẩm đầu ra cũng có chất lượng kém hơn so với mặt hàng tương tự của Trung Quốc, nước sản xuất hàng năm trên 10.000 tấn sodium alginat (gần 1/3 sản lượng thế giới) từ hai loài rong trồng Laminaria và Sargassum. Nhu cầu alginat trên thị trường thế giới chưa bao giờ giảm, do mức tiêu thụ ổn định của công nghiệp pha chế thức ăn và thức uống cũng như hàm lượng sử dụng đều đặn trong các dây chuyền sản xuất giấy và vải sợi.
Đặc biệt trong mấy năm gần đây rong mơ được chú ý như nguồn sinh khối khổng lồ, dễ nuôi trồng, mau phát triển và dễ khai thác, khả dĩ làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Hai thành phần chính của rong là fucoidan và acid alginic được chuyển đổi thành nhiên liệu nhờ các enzym. Nhiều nước trong vùng Đông Á và Đông Nam Á đã có kế hoạch triển khai. Đầu tháng 11/2008, một dự án hợp tác được ký giữa Hàn Quốc và Indonesia nhằm trồng rong ở các đảo Maluku, Belitung và Lombok để sản xuất biodiesel theo công nghệ Italia. Nhưng tham vọng hơn cả là dự án của Nhật Bản bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007, sẽ sử dụng tổng cộng 10.000 km2 mặt nước để trồng loài rong mơ Sargassum hondawara nhằm sản xuất mỗi năm 20 triệu mét khối bioethanol, tương đương với 1/3 nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của nước này.
Theo Hoàng Xuân Phương
(khoahocphothong.com,vn)