Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TIN TỨC CHUNG - THỜI SỰ

Thi nhau trồng lúa thơm: Hãy cảnh giác bệnh đạo ôn

Cập nhật ngày 14/12/2008 lúc 3:01:00 PM. Số lượt đọc: 429.

Để không bị thua lỗ, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang chạy đua tìm kiếm giống lúa thơm, giống có chất lượng gạo ngon để gieo trồng trong vụ đông xuân này. Nhiều người còn tìm mọi cách lùng mua cho bằng được các giống lúa thơm như Jasmine 85, Khaodak Mali... Như vậy, vụ đông xuân này diện tích gieo trồng các giống lúa thơm sẽ tăng rất nhiều. Có một điều cần nói là: các giống lúa thơm tuy cho gạo ngon, nhưng hầu hết lại là giống dễ nhiễm những sâu bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh đạo ôn.

Theo Trung tâm bảo vệ thực vật (BVTV) phía nam, vụ đông xuân (ĐX) 2007 - 2008 vừa qua, ở các tỉnh Nam bộ, diện tích nhiễm đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông đã tăng so với vụ ĐX trước đó hàng chục ngàn ha. Trung tâm cũng cảnh báo: vụ ĐX năm nay, bệnh vẫn có thể phát sinh, phát triển mạnh, gây hại trên lá vào cuối tháng 12/2008 đến 1/2009, và trên cổ bông vào cuối vụ. Đặc biệt, những ngày có thời tiết lạnh, sương mù nhiều, trời âm u ít nắng... phù hợp cho bệnh phát triển.

Để chủ động hạn chế tác hại của bệnh, bà con cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp ngay từ đầu vụ. Cụ thể là:

- Không nên vì quá thiếu giống mà lấy cả lúa thịt, lúa ở những ruộng đã bị bệnh đạo ôn trong vụ hè thu, thu đông vừa thu hoạch để làm giống cho vụ ĐX.

- Lép lửng là những hạt mang rất nhiều nấm bệnh, trong đó có nấm gây bệnh đạo ôn (Pyricularia oryzae). Vì vậy cần loại bỏ chúng trước khi ngâm ủ bằng cách cho hạt giống vào dung dịch nước muối có tỷ trọng 1,13 để hạt lép lửng nổi lên trên rồi vớt bỏ (muốn có dung dịch nước muối đúng tỷ trọng thì pha theo tỷ lệ: cứ 1,5 kg muối hòa tan trong 10 lít nước sạch, sau đó thả quả trứng gà mới đẻ vào, nếu trứng nổi lập lờ là được, nếu trứng chìm xuống dưới thì phải thêm muối cho đến khi đạt yêu cầu). Cứ một thể tích hạt giống cần có 3 thể tích nước muối đã pha. Làm cách này còn loại bỏ được cả những hạt mang mầm bệnh von, bệnh lem lép hạt và hạt cỏ dại lẫn trong lúa giống. Sau khi loại bỏ hạt lép lửng, vớt lúa đãi sạch nước muối rồi tiếp tục ngâm giống trong nước nóng 54 độ C trong 10 phút, sau đó đem ngâm ủ bình thường.

- Không nên bón quá nhiều phân đạm. Ở những vùng vừa bị ngập lũ thì tùy theo tình hình thực tế lượng phù sa do lũ cung cấp nhiều hay ít mà gia giảm lượng phân bón cho phù hợp. Tuyệt đối không bón đạm tập trung vào trước thời kỳ cuối đẻ nhánh, làm đòng và trước sau trổ, vì đây là hai thời kỳ cây lúa dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Cần bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu đã có kinh nghiệm thì nên “nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây” để bón sao cho phù hợp. Nếu chưa có kinh nghiệm thì nên bón theo bảng so màu lá lúa. Nguyên tắc chung là tạo cho cây lúa chắc khỏe, tuyệt đối không để cây lúa quá tốt lốp. Khi bệnh chớm xuất hiện mà thời tiết lại đang phù hợp cho bệnh thì phải ngưng bón đạm và không được để cho ruộng bị khô nước.

- Phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, đặc biệt là những ruộng tốt lốp, những ruộng đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh làm đòng và trước sau trổ. Khi thấy bệnh chớm xuất hiện mà thời tiết lại phù hợp thì phải phun xịt thuốc kịp thời. Có thể dùng một trong các loại thuốc như: Fuji-One 40EC hoặc 40WP; Vikita 50ND; Fuan 40EC; Beam 75WP; Rabcide 30WP; Kasai 21,2WP; New Hinosan 30 EC... Ở giai đoạn sắp trổ đến trổ lẹt xẹt, nếu thấy thời tiết thuận lợi cho bệnh thì phun một đợt thuốc ngừa bệnh tấn công trên cổ bông, bông và hạt lúa, và phun tiếp lần hai sau đó khoảng 10 - 15 ngày. Đợt phun này còn có tác dụng hạn chế lem lép hạt. Nhớ là phải phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để không ảnh hưởng đến sự thụ phấn của bông lúa.

Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đặc biệt là phải đủ lượng nước như khuyến cáo của nhà sản xuất để nước thuốc được trải đều trên toàn bộ diện tích và cây lúa. Không pha thêm những loại phân bón lá có tỷ lệ đạm cao phun xịt cùng với thuốc. Để thuốc bám dính tốt, không phun xịt khi lá lúa còn ướt do mưa hoặc sương.

Ở những vùng thường xuyên bị bệnh gây hại nặng, áp lực của bệnh cao, mà khả năng hiểu biết về cách phòng trị bệnh của bà con mình còn hạn chế thì không nên chạy theo phong trào trồng lúa thơm, chỉ nên trồng những giống tuy chất lượng gạo thấp một chút nhưng có khả năng kháng được với đạo ôn. Thực tế cho thấy, trong thị trường lúa gạo vẫn cần có một tỷ lệ nhất định những loại gạo có chất lượng không cao. Nếu ai cũng gieo trồng lúa thơm sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu, lúc đó gạo ngon sẽ rơi vào tình trạng “cung vượt cầu” có thể sẽ bị ế ẩm như gạo IR 50404 vừa qua. Đấy là chưa kể việc làm này còn gây áp lực cho sâu bệnh gây hại nhiều hơn.

theo KS. Nguyễn Danh Vàn
(khoahocphothong.com)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024