Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TIN TỨC CHUNG - THỜI SỰ

Bèo Lục bình, còn nhiều lợi ích hơn là hại

Cập nhật ngày 10/6/2008 lúc 2:55:00 PM. Số lượt đọc: 11664.

Lục bình là một loài xâm lấn làm hại hệ sinh thái thủy vực, tắc nghẽn dòng chảy nhưng ngoài tác dụng làm bèo nuôi lợn, ít ai biết được rằng đây là một nguồn nguyên liệu tiềm năng cho nghề thủ công mỹ nghệ và là nguyên liệu sinh học tái tạo với rất nhiều ứng dụng phục vụ cuộc sống

Với khả năng sinh sản nhanh, lục bình (tên khoa học là Eichhornia crassipes, thuộc họ Pontenridaceae) được kể tội nhiều hơn kể công: nào là cản trở giao thông thuỷ, làm nghẽn chỗ lấy nước tưới tiêu, làm rối lưới câu khi đánh bắt cá, làm tăng lượng bốc hơi so với bản thân diện tích mặt nước, làm giảm đa dạng sinh học, là nơi chứa đủ loại mầm bệnh...

Làm được gì từ lục bình?

“Nếu không xài lục bình sẽ thành hoạ, biết cách sẽ biến hoạ thành phước”, tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh, cố vấn kỹ thuật Dự án lục bình nói. Giá gas tăng cao, biogas từ lục bình có thể là năng lượng thay thế. Chương trình khí sinh học của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Hà Lan giai đoạn 2001 – 2006 đã được Liên hiệp quốc tặng giải thưởng, lúc đó

Việt Nam có 10.000 hầm ủ biogas. Từ 2007 – 2012, con số này sẽ tăng gấp 10 lần, trong đó có công của “tiến sĩ gas” Đỗ Ngọc Quỳnh.

Lục bình mọc tràn lan nhưng không hề tranh giành đất lúa như cây mía, cây bắp, khoai mì… Với năng suất 400 tấn/ha, lục bình sẽ đáp ứng các yêu cầu sau đây: ép lấy nước ủ để sản xuất gas đun nấu, xác lá và thân làm thức ăn ủ chua cho gia súc nhai lại, rễ dùng làm nấm… hoặc làm chất đốt (bánh than). Ở vùng đất phèn (miền Tây có cả triệu hecta đất nhiễm phèn), lục bình ép lấy nước đưa vào ao để nâng độ pH từ 3,2 lên 4,5, giúp nguồn nước có dưỡng chất, đặc biệt tạo môi trường tốt cho tảo chlorella, một loại thức ăn tốt cho trứng nước – món ngon của cá bột, nhất là cá thác lác và cá bống tượng.

Đó là lý do khiến Đại công quốc Luxemburg chọn lục bình là “nhân vật chính” cho câu chuyện trợ giúp xoá đói giảm nghèo ở Hoà An (Hậu Giang). Người miền Bắc gọi lục bình là bèo. Phận bọt bèo gặp thử thách ngay từ đầu khi tiến sĩ Fr. Panning bắt tay vào dự án, hai chuyên gia nghiên cứu độc lập cho rằng không khả thi. Do đó, tuy “thai nghén” từ năm 2000, phải đến hai năm sau dự án VIE/020 Water Hyacinths mới chính thức ra đời khi lục bình được xem như nguồn năng lượng sinh học.

Tín hiệu tốt từ Hậu Giang

Nhận khoản tài trợ 5 triệu euro trong khuôn khổ chương trình Lux-Development, dự án phải chứng minh được khả năng tạo ra lợi nhuận cho các nông hộ (khoảng 2.340 nông dân ở Hậu Giang vốn là người nghèo do không có đất, thu nhập dưới 300.000đ/tháng) tham gia. Họ được đào tạo ở nông trại nghiên cứu của trường đại học Cần Thơ (trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học Hoà An, Phụng Hiệp, Hậu Giang), được trợ giúp cải thiện thu nhập từ việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Có 90% trong số này sẽ được chọn dựa trên việc sẵn sàng áp dụng công nghệ và 10% được chọn làm cán bộ khuyến nông xã để giúp mở rộng phạm vi ứng dụng khi Hậu Giang xây dựng chiến lược nông nghiệp mới trên cơ sở thử nghiệm và xác lập tiềm năng của những ngành sản xuất được kiểm tra qua dự án.

Tuy dự án đạt được sự đồng thuận với cộng đồng, nhưng tiến sĩ Quỳnh thừa nhận thực tế vẫn còn nhiều khó khăn vì đây là vùng nhiễm phèn nặng, đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề đặt ra cùng một lúc mà không phải tất cả đều cho kết quả tốt nhất. Nông dân nghèo thấy chuyện lấy rễ lục bình làm nấm là xa vời vì họ không đáp ứng được điều kiện vô trùng. “Giá mà có một doanh nghiệp nhảy vào đây thì tuyệt vời”, TS Quỳnh ao ước. Trước đây, nhiều dự án thành công nhưng chỉ giới hạn trong khoảng không gian thu nhỏ cho vài ngàn dân, không có sự kết nối, nhân rộng, không tạo thành chuỗi tác động trong cộng đồng. Khi hết tài trợ, mọi thứ cũng tan rã.

Tạo mối nối với cộng đồng

Đối với TS Quỳnh, lục bình có thể tham gia bài toán chất đốt và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Ông nói: “Khi giá dầu trên thế giới còn 36 USD/thùng thì tầm nhìn của dự án đã thấy trước sự căng thẳng nguồn năng lượng, mong muốn tìm nguồn thay thế. Nay giá mỗi thùng dầu 132 USD càng khẳng định tính chính xác khi chọn lựa dự án”. Trong 5 năm tới, cả nước sẽ có 100.000 hầm ủ biogas, ít nhất 100.000 hộ chủ động thoát gánh nặng chất đốt khi giá gas lên trên 300.000đ/bình. Những nông hộ có gas để xài, đó là hình ảnh mà TS Quỳnh từng ao ước.

Rời trường đại học Stuttgart (CHLB Đức) cùng gia đình trở về nước năm 1985, khơi dậy phong trào năng lượng mới từ biogas,

TS Quỳnh kể: “Mẹ tôi, dù hồi xưa nhà có điền sản, nhưng mùa cấy gặt bà vẫn phải nấu cơm, khệ nệ bưng cái nồi cơm hai ba chục người ăn, mà chỉ nấu bằng rơm thôi. Phải chi tôi có thể làm được gas lúc đó. Cũng hồi ấy, thầy tôi hỏi ở Việt Nam, em chú ý gì tới nông nghiệp? Tôi nói suy nghĩ của mình và thầy tôi đưa ra sự tương phản: Nam phần Việt Nam sử dụng phân hoá học mà nhiều nước tổng hợp nitơ từ khí thiên nhiên, trong khi Đức tổng hợp nitơ từ khí thiên nhiên để làm phân vô cơ nhưng lại sử dụng phân hữu cơ là chủ yếu. Xứ mình quả còn nhiều nghịch lý! Chương trình biogas từng được đẩy mạnh chủ yếu ở miền Bắc, nhưng nguyên liệu lại tập trung nhiều ở phía Nam. Nên nhớ rằng năm 1950, miền Nam đã từng làm biogas”.

Trong thời buổi chất đốt là gánh nặng chi tiêu gia đình, hầm ủ lục bình, trấu trở thành nguồn năng lượng thay thế. Tiến sĩ Quỳnh rất vui khi phát hiện một điểm làm bánh than từ trấu. “Viện AIT bên Thái Lan có cái máy ép bánh than rồi, ngoài Bắc cũng có một cái máy như vậy, giá thấp hơn AIT từ 10 – 20 lần. Nhưng máy để nằm đó vì công suất quá lớn và mau bị mài mòn do “công nghệ” ép cho ra nhiệt (250oC) mới biến trấu thành bánh than”, ông phân tích. Thế là ông nông dân Nguyễn Thành Tâm (*) cung cấp giải pháp: chỉ cần tạo ra nhiệt để ép thành bánh than mà không cần nung chảy silic vì làm theo AIT máy dễ bị mài mòn.

“Không phải mọi việc của khoa học đều đến nơi đến chốn. Cộng đồng cần mình và mình cũng nghiên cứu từ cộng đồng. Cái gì không phù hợp với cộng đồng thì phải sửa”, TS Quỳnh thích thú khi nói về điều này và ông đã sửa thiết kế hầm ủ từ xi măng sang hầm ủ bằng bạt nhựa theo góp ý của nông dân

anhtai.bvn (sưu tầm, theo niengiamnongnghiep.vn)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025