Thông tin chung
Tên thường gọi: Qua lâu
Tên khác: Thiên hoa phấn, Dưa trời, Dưa núi, Hoa bát, Vương qua, Dây bạc bát, Bát bát trâu, Thau ca, Qua lâu nhân, Thảo ca, Bạt bát
Tên tiếng Anh:
Tên khoa học: Trichosanthes kirilowii Maxim
Tên đồng nghĩa: Trichosanthes quadricirrha Miq
Thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae
Mô tả
Cây thảo leo sống nhiều năm, thân có rãnh, tua cuốn có 2-3 (-5) nhánh. Lá mọc so le; phiến dài 5-14cm, rộng 3-5cm, chia 3-5 thuỳ, dày, dai, mặt trên nhám nhám. Cây có hoa khác chỗ, chùm hoa đực dài 15cm, lá bắc to có răng; hoa rộng 7cm, màu trắng, cánh hoa cao 2,5cm, nhị 3. Hoa cái mọc đơn độc; bầu có cuống, dài 3cm. Quả mọng tròn, to 9-10cm, màu vàng cam; hạt tròn dẹp, dài 11-16mm, rộng 7-12mm, trong có lớp vỏ lụa màu xanh.
Ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9-10.
Qua lâu -Trichosanthes kirilowii, Quả và rễ - vị thuốc Thiên hoa phấn
hình theo itmonline.org
Bộ phận dùng
Quả - Fructus Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu. Vỏ quả hay Qua lâu bì - Pericarpium Trichosanthis. Hạt hay Qua lâu tử - Semen Trichosanthis, và rễ củ hay Thiên hoa phấn - Radix Trichosanthis.
Nơi sống và thu hái
Loài của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trên đất rừng bên khe hay mé đường vùng núi Cao Bằng và cùng mọc trên đất cát hoang ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Cũng được trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thường những cây lấy hạt thì củ nhỏ cho nên muốn lấy củ mập thì phải ngắt bỏ hoa, không cho kết quả để tập trung chất dinh dưỡng ở rễ củ cho củ to và nhiều bột.
Quả thu hái vào tháng 9-10 lấy vỏ quả và hạt phơi khô. Rễ củ thu hái vào mùa đông, đào về rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài, cắt từng đoạn, đem ngâm vào nước sôi trong một tuần lễ, lấy ra phơi khô dùng làm thuốc.
Người ta thu hoạch rễ qua lâu vào mùa đông, tốt nhất là sau khi thu hái quả được ít ngày. Muốn có rễ mập, chọn những cây mà hoa quả bị thui chột. Rễ đào về, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt thành từng đoạn, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc, phơi khô hoặc sấy khô, rồi xông diêm sinh để bảo quản.
Thành phần hóa học
Về mặt hóa học, rễ qua lâu chứa tinh bột và chất nhầy, đặc biệt là chất trichosanthin với hàm lượng 1% có khả năng chống u và HIV, một chất protein là karasurin có tác dụng gây sẩy thai cũng được phân lập.
Hạt chứa khoảng 25% dầu; rễ chứa nhiều tinh bột và 1% saponosid.