Tháng 7 năm 2008, tập thể các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Vườn Quốc gia (VQG Xuân Sơn) đã hoàn thiện đê tài nghiên cứu về tính đa dạng sinh vật và công tác bảo tồn nguồn gen sinh vât tại VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cuốn sách ra đời là kết quả, sản phẩm của đề tài do viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội đồng Khoa học Tự nhiên - ngành Khoa học sự sống đầu tư về kinh phí.
Được sự đồng ý của PGS. TS. Trần Minh Hợi, phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đồng chủ biên cuốn sách, chủ nhiệm đề tài, sau đây VBN xin trân trọng giới thiệu những nội dung cơ bản của cuốn sách. Sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành tháng 7 năm 2008.
Chủ biên: Trần Minh Hợi - Nguyễn Xuân Đặng.
Tham gia biên soạn: Trần Minh Hợi - Nguyễn Xuân Đặng - Vũ Xuân Phương - Lê Xuân Huệ - Đỗ Hữu Thư.
Các thành viên tham gia đề tài:
Viện ST&TNSV: Trần Minh Hợi, Vũ Xuân Phương, Đỗ Hữu Thư, Nguyễn Xuân Đặng, Lê Xuân Huệ, Trần Huy Thái, Hà Văn Tuế, Dương Đức Huyến, Đặng Ngọc Cần, Lê Đình Thủy, Nguyễn Quang Hưng, Đăng Huy Phương, Nguyễn Trường Sơn, Ngô Xuân Tường, Đặng Đức Khương, Hoàng Vũ Trụ; Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ): Trần Đăng Lâu, Trần Đăng Hùng.
Lời giới thiệu - Tầm quan trọng và tính cấp thiết của cuốn sách
GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh
Vấn đề nghiên cứu Đa dạng sinh học và Bảo tồn nguồn gen sinh vật ở Việt Nam cũng như trên thế giới được bắt đầu từ những công trình phân loại về thực vật, động vật rất sớm, còn những vấn đề nghiên cứu phụ vụ cho công tác bảo tồn chỉ mới bắt đầu từ những năm 80 đến nay. Vấn đề này ngày nay đã trở thành một chiến lược trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đã ra đời để hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức việc đánh giá bảo tồn và phát triển Đa dạng sinh học trên phạm vi toàn thế giới. Hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề Môi trường và Đa dạng sinh học tổ chức tại Rio de Janeiro (Braxin) tháng 6 năm 1992, 150 nước đã ký vào Công ước về Đa dạng sinh học. Tính đến nay đã có 170 quốc gia thành viên của Công ước này. Việt Nam chính thức gia nhập ngày 16 tháng 11 năm 1994; kể từ đó công tác nghiên cứu đa dạng sinh học ở Việt Nam được quan tâm nghiên cứu có trọng tâm hơn.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tính Đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái đặc thù, nghiều giống, loài đặc hữu có giá trị khoa học và kinh tế cao và nhiều nguồn gen quý hiếm, nhưng đang bị suy giảm mạnh do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cho đến nay, công tác điều tra và nghiên cứu các hệ thực vật, động vật ở Việt Nam tuy đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được quan tâm đầy đủ, đặc biệt là việc nghiên cứu và đánh giá tính Đa dạng sinh học cho các Khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn Quốc gia trong cả nước.
Vườn quốc gia Xuân Sơn được thành lập theo quyết định số 49/2002/QĐ-TTg ngày 17/42002 của Thủ tướng Chính phủ, là một trong 30 VQG có trên lãnh thổ Việt Nam, là địa bàn không những có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng mà còn là hành lang giao lưu phát triển kinh tế nối liền vùng Tây Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ. Với diện tích tự nhiên là 22.687 ha bao gồm vùng lõi là 15.048 ha và vùng đệm là 18.639 ha trong đó diện tích rừng núi đá vôi chiếm khoảng 10%, độ che phủ chiếm 60,5%. VQG Xuân Sơn nằm trong dãy núi liên hoàn phía Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, là lá phổi xanh của Phú Thọ, là rừng đầu nguồn của sông Bứa và các chi lưu sông Đà, sông Hồng. VQG Xuân Sơn có nhiều hang động nổi tiếng, là vùng rừng núi có nhiều cảnh quan tự nhiên đa dạng kỳ thú, làm nền tảng cho sự hình thành phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có Đa dạng sinh học.
Đến nay chưa có cuốn sách nào viết về Đa dạng sinh học và Bảo tồn nguồn gen tại VQG Xuân Sơn.
Cuốn sách tập hợp kết quả nghiên cứu của tập thể cán bộ khoa học trong và ngoài Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật.
Việc xuất bản cuốn sách này sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tế, vừa là tài liệu tham khảo giúp ích cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, quản lý và bảo tồn ở các viện nghiên cứu và trường đại học, các cán bộ làm công tác quản lý và bảo tồn.