Được sự cho phép của TS. Nguyễn Quốc Trị, Giám đốc VQG Hoàng Liên - đồng tác giả của cuốn sách xuất bản tháng 12 năm 2007, BVN xin trân trọng giới thiệu những nội dung cơ bản của cuốn sách.
Tác giả: Trần Hợp (chủ biên) - Nguyễn Quốc Trị, Đinh Văn Tuyến, Nguyễn Hữu Hạnh.
Lời giới thiệu
Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Vườn Quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai ở một vị trí địa lý độc đáo trong hệ thống các Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Đây là nơi gồm nhiều khối núi cao, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng được mệnh danh là: "Nóc nhà Đông Dương". Do hoàn cảnh núi non hiểm trở, có khí hậu nhiệt đới và ôn đới núi cao, nên Vườn Quốc gia Hoàng Liên trở thành "cái nôi" lưu giữ một hệ động - thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc vào bậc nhất của nước ta.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, khảo cứu và điều tra. Tất cả đều đánh giá cao về giá trị đa dạng sinh học, kể cả nguồn gốc bản địa và di cư. Ở đây phát hiện được nhiều sinh vật đặc hữu, quý hiếm sống trong các thảm thực vật á nhiệt đới và ôn đới núi cao. Các thống kê về thành phần loài động - thực vật ở đây không những có ý nghĩa lớn lao về mặt khoa học, mà còn mang nặng tính thực tiễn, có giá trị kinh tế cao. Nguồn tài nguyên phong phú đó đang được Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý.
Trong nhiều năm qua, kể từ ngày thành lập, toàn thể cán bộ, công nhân viên của vườn đã vượt bao khó khăn, gian khổ, nỗ lực không ngừng để vừa quản lý, bảo tồn, tôn tạo nguồn tài nguyên phong phú do thiên nhiên ban tặng, vừa tiến hành nhiều công trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu về sinh vật rừng, đặc biệt là các loài đặc hữu, tàn di, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, nhằm đánh giá đích thực những giá trị tiềm năng của nguồn tài nguyên sinh vật. Từ đó, đề xuất những giải pháp về bảo tồn và phát triển bền vững tính đa dạng sinh học của rừng. Các thành quả bước đầu này không chỉ có ý nghĩa về khoa học và thực tiễn mà còn làm cơ sở cho việc tạo điều kiện phát triển nhiều nguồn tiềm năng kinh tế khác của tỉnh, đặc biệt trong sự phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái nơi có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành và nhiều dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời.
Trong các công trình mà Vườn Quốc gia dự kiến công bố, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã chọn một đối tượng thực vật hấp dẫn nhất là loài Phong lan - một họ cho hoa đẹp và có nguồn gen quý hiếm nhất của ngành thực vật có hoa. Sau này có điều kiện, các tác giả sẽ lần lượt biên soạn để trình bày các nhóm thực vật quý hiếm và đặc sắc khác trong khuôn khổ của chương trình: "Đa dạng sinh học".
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách "Phong lan Vườn Quốc gia Hoàng Liên" và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của độc giả cho tập thể các tác giả.
Lời nói đầu
Với nhiều đặc điểm về điều kiện tự nhiên, hệ động - thực vật độc đáo, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa đã trở thành một trong những khu vực đầu tiên được ghi trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam theo quyết đinh 194/CT ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đánh giá được tiềm năng và xu hướng phát triển, ngày 12/7/2002 Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa chính thức chuyển hạng thành Vườn Quốc gia Hoàng Liên theo quyết định số 90/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và năm 2003 được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Do đặc điểm vị trí địa lý , địa hình nơi đây có nhiều dãy núi cao trên 1500m, đặc biệt là đỉnh Phan Si Phăng cao nhất Đông Dương (3143m) đã tạo nên một nguồn tài nguyên động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị. Nổi bật hơn cả là các loài trong họ Phong lan (Orchidaceae). Nếu có dịp đến Sa Pa, mọi người đều không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp quyến rũ cũng như tính đa dạng của chúng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho dãy Hoàng Liên. Theo điều tra ban đầu nơi đây có nhiều loài lan đặc hữu của Sa Pa như: Lan Sứa Sa Pa (Anoectochilus chapaensis Gagnep.), Lan Môi dày Sa Pa (Epigenneium chapaense Gagnep.)... Có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam có phân bố tại Sa Pa như: Dendrobium chlorostylum Gagnep., Cryptochilus ctenostachia Wall.; Coelogyne psectrantha Gagnep.... trong đó nhiều loài đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Paphiopedilum dianthum Tang et F.T. Wang.; Paphiopedilum villosum (Lindl.) Stei; Paphiopedilum gratrixianum (Mast.) Guillaum.; Dendrobium longicornu Seidenf....
Hiện nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên mới thu thập mẫu và định danh được 172 loài của họ Phong lan. Chắc chắn đó chưa phải là kết quả cuối cùng. Phong lan Việt Nam, đặc biệt vùng núi cao Hoàng Liên hết sức đa dạng, do đó việc nghiên cứu để giới thiệu thật kỹ và đầy đủ là công việc của nhiều năm nữa. Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và các đồng nghiệp để hoàn chỉnh hơn cho các lần giới thiệu sau.