Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Phát hiện một quần thể thực vật đặc biệt, mới lạ ở Việt Nam

Cập nhật ngày 23/6/2008 lúc 1:58:00 AM. Số lượt đọc: 2398.

Trong chuyến công tác tại Cao Bằng, năm 2006, tại khu Bảo tồn loài Vượn Cao Vít Trùng Khánh, chúng tôi đã phát hiện được một quần thể thực vật khá đặc biệt trên khu vực đá vôi này

Theo luận thuyết sinh thái phát sinh thảm thực vật của Thái Văn Trừng (1999), trên vùng núi đá vôi của Cao Bằng, ở độ cao trên 600m đến 800m so với mặt nước biển, thảm thực vật nguyên sinh thuộc kiểu trái thảm thực vật trên đất phi địa đới. Đó là do tính chất đặc biệt của đá vôi: không giữ được nước, ban ngày hấp thu nhiệt bức xạ lớn trong khi ban đêm tỏa ra rất nhanh làm cho biên độ nhiệt ngày đêm khá cao. Kết hợp với vị trí của khu vực, ở độ cao 600-800m, thảm thực vật ở đây phải thuộc các kiểu thảm ở vành đai á nhiệt đới. Những loài phát sinh ở đó, thuộc yếu tố khu hệ thực vật có các loài đặc trưng như Nghiến (Burretiodendron hsienmu), Trai (Garcinia spp.)… Nhưng do tác động của con người trong quá khứ, hầu hết những cây Nghiến, Trai đều bị chặt hạ, đó là điều kiện cho những loài mọc nhanh như Dâu gia xoan (Allospondias lakhoensis), Dướng (Brousoneratia paperifera)… phát triển thành những loài ưu thế. Tuy nhiên, thực tế ở đây lại khác hẳn. Chỉ ở những độ cao dưới 600m, trên những diện tích hoàn toàn dốc tụ với lớp đất dày thì thảm thực vật mới thể hiện được đúng tính chất trên, đó là đặc điểm thường thấy của thảm thực vật Việt Nam. Còn trên những diện tích đá vôi độ cao trên 600m thì bộ mặt thảm thực vật khác hẳn. Khi những loài ưu thế sinh thái ban đầu không còn nữa thì Mạy puôn (một loài lần đầu tiên biết đến trong hệ thực vật Việt Nam, được định danh là Cephalomappa sinensis  (Chun & F. C. How) Kostermans, synonym là Muricococcum sinense Chun & F. C, thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae, một loài được đánh giá ở cấp VU trong IUCN Red List Categories) là loài ưu thế hoàn toàn. Trước đây, theo Vietnam Forest Trees (cây gỗ rừng Việt Nam) loài này đã được mô tả nhưng cả tên Cephalomappa sinensis và tên Muricococcum sinense không tìm thấy trong Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Trong IUCN, loài này được mô tả là có sinh cảnh bị nguy cấp, gặp ở Cao Bằng, không tìm thấy tái sinh tự nhiên mặc dù cây non và cây mạ mọc khá tốt khi gieo trồng. Trong phát hiện lần này, chúng tôi ghi nhận thảm Mạy puôn phân bố trên diện tích rộng lớn của Khu Bảo tồn, hoàn toàn là tự nhiên, bao gồm những thung lũng, các vách đá. Chỉ có những đỉnh núi trơ trọc, nơi chỉ những loài cây bụi nhỏ hoặc lá kim có thể phát triển được thì Mạy puôn mới không xuất hiện.

Rừng Mạy puôn tự nhiên ở Trùng Khánh

Mạy puôn (Cephalomappa sinensis) mọc trên đá, với các hạt rất nhỏ và khô được phát tán sau mỗi mùa quả (tháng 12 đến tháng 4 năm sau), chúng len lỏi vào các khe, kẽ nứt của bề mặt đá vôi và ngay cả ở bề mặt nứt trên sườn chúng cũng xâm nhập vào. Sang mùa mưa năm sau (từ tháng 4 đến tháng 10), với sự xâm nhập ít ỏi của nước mưa xuống các khe, kẽ nứt đó cùng với sự hội tụ đáng kể lượng hơi ẩm vào ban đêm, một điều kiện tuyệt vời để các hạt của Mạy puôn nảy mầm. Ở nhiều địa điểm khảo sát, cả trên thung lũng và các sườn dốc núi đá vôi của Khu Bảo tồn, chúng tôi bắt gặp những vạt lớn tới hàng trăm m2, Mạy puôn mọc dày như mạ ở các vườn ươm. Ngay cả trên những tảng đá to tới hàng chục m3 với bề mặt gần như nhẵn phẳng nhưng vẫn có một vài cây Mạy puôn mọc vươn lên, ở xung quanh đó là hàng chục chiếc rễ to, sần sùi bám sát mặt đá, len lỏi xuống phía dưới và đi vào các khe, kẽ nứt chằng chịt của nền đá vôi. Trong cấu trúc tầng thứ, Mạy puôn chiếm ưu thế gần như tuyệt đối ở tất cả các tầng. Ở các tầng cây gỗ, Mạy puôn là những cây gỗ lớn, đường kính có khi đến 50cm, cao đến 35m và ở những cây lớn, sự phân cành thường diễn ra ở ngay sát mặt đất. Do đó, đa số những cây có chiều cao trên 20m đều có bộ tán rất phức tạp do các phân thân khác nhau có cấu trúc tán khác nhau nhưng do các phân thân đó mọc rất gần nhau nên các phân tán của chúng phải đan xen vào nhau. Ở tầng dưới tán và tần cây bụi Mạy puôn đôi khi còn dày đặc hơn, đặc biệt là những nơi tầng cây gỗ còn thưa thớt.

Trước đây, sau khi những loài cho gỗ tốt như Nghiến, Trai bị khai thác kiệt quệ, người dân địa phương ở các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê và Phong Nậm thường vào rừng chặt Mạy puôn đốt để làm than hoa hoặc khai thác về làm các vật dụng gia đình, cột chống, cốt-pha… nhưng từ khi khu Bảo tồn Vượn Cao Vít Trùng Khánh được thành lập thì hiện tượng vào rừng khai thác gỗ không còn nữa. Mạy puôn có đặc điểm sinh học đặc biệt, đó là sau một khoảng thời gian nhất định, ước chừng khoảng 15 đến 20 năm, chúng bắt đầu trở nên rỗng ruột và rất dễ bị đổ ngã chỉ với một cơn gió nhẹ hoặc do tác động đỗ ngã của những cây khác gây ra. Vậy phải chăng, theo tiến trình diễn thế sinh thái, rừng nguyên sản với ưu thế của Nghiến, Trai, những loài hiện nay chỉ mọc rải rác và còn khá nhỏ dưới tán của Mạy puôn, sẽ trở lại sau khi rừng Mạy puôn bị suy thoái tự nhiên. Điều đó có lẽ còn rất xa vời bởi hiện tại, Mạy puôn đang có một cơ hội phát triển rất tốt do đó nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là làm thế nào để bảo vệ thật tốt sinh cảnh của khu vực nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tái sinh rừng và bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm là Vượn Cao Vít. Những nghiên cứu trên đây nhằm góp phần nào đó làm phong phú thêm tư liệu về thảm thực vật Việt Nam. Hy vọng rằng trong tương lai, những phát hiện thú vị hơn nữa về rừng Mạy puôn ở Trùng Khánh nói riêng và các thảm thực vật khác nói chung ở Việt Nam sẽ được chia sẻ cùng bạn đọc.

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
    TIN BÀI MỚI NHẤT


    ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

    SÁCH THAM KHẢO

    LIÊN KẾT WEBSITE

     
     
     
     
     
     
     

    TỪ KHÓA

    BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
    (©) Copyright 2007-2024