Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Vài nét về thực vật Cổ Loa

Cập nhật ngày 23/6/2008 lúc 2:00:00 AM. Số lượt đọc: 779.

Cổ Loa là một vùng đồng bằng ven sông Hồng được tách dần ra khỏi chế độ ngập định kỳ hàng năm bởi hệ thống đê được đắp và gia cố qua hàng nghìn năm. Mặc dù môi trường sinh sống hạn hẹp nhưng thực vật bậc cao trên cạn của khu vực Cổ Loa khá phong phú, đa dạng, bao gồm những loài của lớp phủ thực vật ven đầm lầy xưa kia còn sót lại và các loài mới phát tán đến

Vài nét về khu vực Cổ Loa

Cổ Loa là một vùng đồng bằng ven sông Hồng được tách dần ra khỏi chế độ ngập định kỳ hàng năm bởi hệ thống đê được đắp và gia cố qua hàng nghìn năm (thời vua Lý Nhân Tông). Địa hình khu vực là một đồng bằng có độ cao khoảng 10 m, xen lẫn các gò, tường thành cao khoảng 14 m và các ao, hồ, bãi lầy. Nơi cao nhất ở Xóm Đông có độ cao 14,9 m. Vào thời kỳ mùa mưa các khu vực trũng thấp bị ngập. Khoảng vài thế kỷ trước, diện tích ngập úng vẫn còn phổ biến ở khu vực.

Địa hình thấp, khí hậu nhiệt đới ẩm thuận lợi cho sự phát triển của các sinh vật vùng đầm lầy và bán ngập nước ngọt. Sự tác động lâu đời và thường xuyên của con người như đắp đê, lập làng, mở xóm, tôn tạo đường xá, du nhập, di thực các giống, loài cây trồng, vật nuôi vào sản xuất đã dần hình thành các khu vực làng xóm, các quần xã cây trồng, tập đoàn vật nuôi ổn định. Các sinh vật tự nhiên chỉ còn sót lại một số loài và số cá thể không lớn trong các diện tích hạn hẹp như đầm lầy, tường thành, bãi hoang và một số loài sống trong các quần xã cây trồng hay làng xóm.

Thông tin về thực vật trên cạn

Thành phần loài

Mặc dù môi trường sinh sống hạn hẹp nhưng thực vật bậc cao trên cạn của khu vực Cổ Loa khá phong phú, đa dạng, bao gồm những loài của lớp phủ thực vật ven đầm lầy xưa kia còn sót lại và các loài mới phát tán đến. Về mặt phân loại học, có 269 loài trong 61 họ, thuộc 4 ngành thực vật. Ngành Thông đất (Lycopodiophyta) có họ Quyển bá (Sellaginellaceae) với loài đại diện là Quyển bá yếu (Sellaginella delicatula); ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta) có họ Cỏ tháp bút (Equisetaceae) với loài Thân đốt trườn (Equisetum ramossimum). Đây là những loài thực vật có cấu tạo giải phẫu đơn giản, sinh sản bằng bào tử, đặc trưng cho giai đoạn phát triển đầu tiên của giới thực vật trên cạn. Chúng còn sống sót lại nhờ các khu vực ẩm ướt, có bóng cây che phủ. Ngành D­ương xỉ (Polypodiophyta) có 8 họ, 19 loài. Chúng tiến hoá hơn các ngành trên về cấu tạo cơ quan sinh dưỡng thân, lá, nhưng sinh sản vẫn bằng bào tử. Chúng cũng là những thực vật tương đối cổ. Trước đây, chúng phổ biến dưới tán rừng ven đầm lầy, nay sống sót lại ở những nơi ẩm, mát. Ngành Hạt kín (Angiospermae) có 51 họ, 248 loài, có số loài chiếm ưu thế trong hệ thực vật hiện tại, gồm những những thực vật có hoa, sinh sản bằng hạt, cấu trúc cơ thể phát triển, có hệ thống dẫn nhựa, mạch thông dẫn nước thích nghi với những điều kiện môi trường không thuận lợi. Ngành thực vật này gồm 2 lớp: lớp Hai lá mầm (Dicotyledones) có 44 họ, 171 loài và lớp Một lá mầm (Monocotyledonnes) có 7 họ, 77 loài.

Phân bố  

Hầu hết các loài là những loài có khu phân bố rộng hay khu phân bố trong vùng Bắc Bộ. Một số loài có nguồn gốc từ các khu rừng ven các đầm lầy cổ xưa, sống sót lại, thích nghi và tiếp tục tồn tại trong một số nơi đất hoang của khu vực. Đại đa số các loài là những loài phát tán mạnh, có biên độ sinh thái rộng. Ngày nay, khu vực cư trú của các loài tự nhiên được giới hạn trong những địa điểm con người ít tác động như các tường thành dưới tán rừng trồng, nơi bãi hoang chăn thả gia súc, ven lối đi, góc vườn, xen lẫn trong hàng rào ở khu dân cư và trên đám ruộng để hoang sau thời kỳ canh tác.

  • Trên tường thành
  • Trong các vạt cỏ ven đường, trên bãi hoang 
  • Trên bờ ruộng, trong ruộng để hoang hoá hay đang trồng màu
  • Trong khu đền thờ, đình, chùa, dân c­ư 

Dạng sống

Thực vật trên cạn ở Cổ Loa đa dạng về dạng sống, thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh có sự phân hoá mùa khô, mùa mưa. Trước đây, khi thảm thực vật tự nhiên chưa bị khai thác mạnh, còn đầy đủ các đại diện của một rừng ven các đầm lầy thì các loài cây gỗ, cây bụi có chồi cao, dây leo lâu năm vươn cao tới tận tán rừng đặc trưng cho môi trường nhiệt đới ẩm chiếm ưu thế trong thảm thực vật. Các loài cỏ có chồi ẩn, nửa ẩn, cây sống một năm chỉ chiếm một phần nhỏ trong cấu trúc loài. Sự khai phá cũng như tôn tạo nơi ở, đất canh tác của con người qua nhiều thế hệ đã làm thay đổi mạnh mẽ môi trường sống. Các vùng đất lầy lội dần bị thu hẹp, thay thế bởi các khu đất cao ráo hay các vàm ruộng cao ngập nước theo mùa. Các loài cây gỗ, cây bụi kích thước lớn bị khai thác qua nhiều thế hệ cư dân. Thay thế chúng là các cây trồng và các cây cỏ có đời sống ngắn, chịu khô hạn từ nhiều nơi xâm nhập đến. Hệ thực vật bị thay đổi cả về số loài và cấu trúc (hay tỷ lệ giữa các nhóm dạng sống). Cấu trúc dạng sống của hệ thực vật ngày nay phản ánh môi trường của một vùng đất phù sa khô hạn định kỳ đã bị thay đổi khác hẳn với thời điểm con nguời chưa đến cư trú. Trong hệ thực vật hiện tại, dạng sống cây gỗ, bụi có kích thước lớn hay các dây leo sống lâu năm có chồi trên đất chỉ chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng số loài (16%). Các cây bụi, cây cỏ có kích thước nhỏ với chồi sát đất cũng chỉ chiếm tỷ lệ tương tự (17%). Các cây chồi nửa ẩn (32%), cây chồi ẩn ( 6%), cây một năm (29%) đặc trưng cho môi trường bất lợi, chiếm ưu thế trong hệ thực vật.

Vật hậu

Ngoại mạo của thảm thực vật thay đổi theo mùa phù hợp với khí hậu có sự phân mùa tương đối rõ của khu vực. Vào đầu xuân (tháng Hai), nhiệt độ, độ ẩm bắt đầu tăng, trời bắt đầu ấm với những đợt mưa phùn, thảm thực vật bắt đầu chu kỳ sinh trưởng. Các loài cỏ đa niên bắt đầu nhú mầm mới. Các hạt giống cỏ nhất niên bắt đầu nảy mầm. Các loài cây gỗ bắt đầu nảy lộc, đâm chồi mới. Sang hè, khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ cao, mưa nhiều cây sinh trưởng mạnh. Các cây gỗ tăng trưởng thân, cành, nhánh. Số lượng lá trên cây tăng tạo nên các tán rậm, kín. Các cây cỏ tăng chiều cao và đẻ nhánh. Sang thu, nhiệt độ vẫn cao, độ ẩm còn lớn cây vẫn tiếp tục sinh trưởng. Nhiều loài cây tích luỹ vật chất mạnh và cho quả chín rộ vào cuối thu (cuối tháng Mười đầu tháng Mười một). Mùa đông bắt đầu bằng những đợt heo may với tiết trời khô se lạnh. Quá trình đồng hoá trong cây giảm dần. Các cây cỏ bắt đầu héo úa, khô tàn phần trên đất. Cây gỗ bắt đầu rụng lá, ngừng sinh trưởng, các chồi bước vào thời kỳ ngủ đông.

Công dụng

Có 213 loài có giá trị sử dụng trong tổng số 269 loài tự nhiên, chiếm 79% số loài. Giá trị sử dụng của các cây có ích thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào trình độ tiến bộ của khoa học và thị hiếu của xã hội. Trong thời cổ sơ, các loài thực vật tự nhiên là nguồn tài nguyên duy nhất cung cấp lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, chất đốt, thuốc chữa bệnh... cho người dân có đời sống phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên. Sự khai thác ngày càng mạnh cũng như việc đưa tập đoàn cây trồng với năng suất cao, thu hoạch tập trung vào sản xuất đã thu hẹp dần khả năng cung cấp của thực vật tự nhiên. Ngày nay, thực vật tự nhiên chỉ giữ vai trò thứ yếu trong việc đảm bảo các nhu cầu cuộc sống đối với người dân trong khu vực. Nhiều loài và cách sử dụng cổ xưa chỉ còn lại trong truyền thuyết, trong sách vở và gắn liền với lịch sử của một giai đoạn phát triển xã hội.

Thông tin về thực vật thủy sinh

Điều kiện tự nhiên của một vùng đồng bằng trũng ẩm, ngập định kỳ ven sông Hồng đã tạo thuận lợi cho các loài sinh vật thuỷ sinh cư trú, sinh trưởng và phát triển. Khi con người chưa tác động, ven các đầm, hồ, trên đất ngập định kỳ có rừng đầm lầy với bộ rễ thở chằng chịt đan xen, các cây Dương xỉ um tùm trên bề mặt đất; nơi ngập sâu hơn có trảng cỏ chịu ngập với các loài Lác, Cói, Sậy...; trong các đầm nước sâu quanh năm có các quần xã thuỷ sinh với các cây sống nổi, sống chìm, các thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy...Công cuộc đắp đê từ đời Lý đã tách dần vùng lầy ra khỏi chế độ ngập lụt của vùng ven sông Hồng. Sự mở mang của nghề trồng lúa nước cũng như việc khai thác các loài có ích đã dần thu hẹp các vùng lầy lội, hạn chế sự phân bố và thay đổi dần cấu trúc loài của thuỷ sinh vật. Hiện tại, diện tích ngập nước không còn nhiều. Thuỷ vực nước chảy chỉ còn sông Hoàng Giang đã bị hẹp lại và bị bồi lấp với tốc độ nước chảy yếu. Thuỷ vực nước tĩnh có các đầm ven sông, những hồ, ao nhỏ rải rác trong khu vực.

Thành phần loài

Thực vật bậc cao thuỷ sinh gồm những cây cỏ chịu ngập ven sông, đầm, ao; các cây sống nổi, sống chìm trong các thuỷ vực. Chúng có khoảng 117 loài trong 37 họ thuộc 2 ngành thực vật: ngành D­ương xỉ (Polypodiophyta) có 5 họ, 9 loài; ngành Hạt kín (Angiospermae) có 32 họ, 108 loài, trong đó lớp Hai lá mầm (Dicotyledones) có 19 họ, 49 loài và lớp Một lá mầm (Monocotyledonnes) có 13 họ, 59 loài.

Phân bố

Hầu hết các thực vật bậc cao sống thuỷ sinh hiện nay đều có nguồn gốc từ trảng cỏ chịu ngập trên các vùng lầy lội ven sông Hồng. Trước đây, chúng phân bố rộng khắp trong cả vùng đất ngập định kỳ hay thường xuyên, trong cả rừng đầm lầy lẫn trong bãi cỏ ngập nước. Ngày nay, diện tích phân bố của chúng chỉ còn ở ven các hồ, đầm ao, ven ruộng lúa, trong ruộng lúa, ao rau muống và trong các thuỷ vực nước ngọt với các độ sâu khác nhau. Các loài cỏ trong họ Hoà thảo, họ Cói của lớp Một lá mầm chiếm phần lớn số loài và số cá thể, tạo nên cấu trúc chính của trảng cỏ.

Dạng sống 

Dạng sống chính của thực vật bậc cao thuỷ sinh là các loài cỏ có chồi nửa ẩn (41,4% số loài), cây một năm (34,5 %), cây chồi ẩn (20,7%). Các loài cỏ có chồi sát đất (2,6%), cây chồi cao (0,8%) chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong quần thể. Vào mùa đông lạnh, các cây cỏ đa niên chết rụi phần trên mặt đất, chồi ẩn trong lá khô, bùn. Các cây cỏ một năm thì tàn lụi hẳn và để lại hạt giống trong bùn hay đất. Vào mùa xuân, hay đầu hè, trời ấm và mặt nước nước mở rộng các cây cỏ mới đâm chồi, nảy mầm bắt đầu một chu kỳ mới.

Vật hậu 

Vào thời kỳ đầu Xuân (tháng Hai), trời bắt đầu ấm, nhiệt độ dần tăng, đất và không khí bắt đầu ẩm khi có những đợt mưa phùn, thảm thực vật bắt đầu chu kỳ sinh trưởng. Các loài cỏ đa niên bắt đầu nhú chồi. Một số loài cỏ một năm bắt đầu nảy mầm. Sang mùa hè (tháng Tư), các thực vật bậc cao thuỷ sinh bắt đầu sinh trưởng rõ nét, khi trời có mưa rào và các thuỷ vực tích nước. Chúng phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn mùa hè, mùa thu khi nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước đều cao. Vào mùa đông (tháng Mười một) nhiệt độ bắt đầu giảm, lượng mưa thấp dần, các cây cỏ giảm sinh trưởng, ra hoa và dần lụi tàn vào cuối đông (tháng Mười hai, tháng Một). Mực nước thuỷ vực cũng dần cạn, diện tích dần thu hẹp vào thời kỳ này, nhiều chỗ khô cạn vào thời kỳ cuối mùa đông.

Công dụng

Thực vật bậc cao sống trong môi trường nước ẩm cũng có nhiều công dụng đối với người dân trong khu vực. Có 89 loài có ích trên tổng số 117 loài, chiếm 76% số loài.

Cây trồng

Là khu vực được khai phá và cư trú lâu đời, tập đoàn cây trồng phong phú về số lượng loài. Có trên 287 loài cây trồng ở địa phương.

Ghi chú: để có thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ ban quản trị website

anhtai.bvn (theo Nguyễn Hữu Tứ, Viện Địa lý - VAST)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025