Đặt vấn đề
Việt Nam là nước nhiệt đới có những đặc điểm khí hậu, địa lý và địa hình phức tạp ở nhiều vùng khác nhau. Vì vậy nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây rất phong phú và đa dạng. Số đông đồng bào dân tộc ít người sống rải rác ở vùng rừng núi cao, phần lớn đời sống của họ còn phụ thuộc nhiều vào việc khai thác các sản phẩm trong rừng. Chính vì vậy kinh nghiệm sử dụng thực vật được tích luỹ từ bao đời nay là rất phong phú. Việc nghiên cứu các kinh nghiệm quý báu này không những nhằm bảo tồn tri thức bản địa về sử dụng thực vật, mà còn là tiền đề cho nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của con người. Với mục đích trên chúng tôi đã tiến hành điều tra kinh nghiệm sử dụng các nhóm cây có ích, mức độ thu hái và sử dụng một số nhóm cây chính vì mục đích kinh tế dân sinh, đề xuất một số biện pháp liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thực vật trong cộng đồng dân tộc Mường và Dao tiền tại xã Chiềng Yên, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Đối tượng, địa điểm và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng và địa điểm nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các loài thực vật được cộng đồng dân tộc Mường và Dao Tiền sinh sống tại khu vực thu hái và sử dụng phục vụ cho nhu cầu kinh tế và dân sinh.
Địa điểm nghiên cứu: Hai bản Nà Bai và bản Phà Lè thuộc xã Chiềng Yên, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi đã sử dụng các phương pháp sau:
+ Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (RRA) [1]: nhằm tìm hiểu các điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực nghiên cứu.
+ Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng (PRA), gồm:
* Lập danh mục tự do
* Phỏng vấn sâu tại các hộ gia đình theo bảng câu hỏi có sẵn theo phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc.
* Thu mẫu tiêu bản và bổ sung thông tin ngoài thực địa.
* Các phương pháp nghiên cứu thực vật truyền thống.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Với mục đích điều tra kinh nghiệm sử dụng các nhóm cây có ích của cộng đồng dân tộc Mường và Dao Tiền tại xã Chiềng Yên (Mộc Châu, Sơn La) chúng tôi đã chọn bản Nà Bai (bản người Mường) và bản Phà Lè (bản người Dao) làm địa điểm nghiên cứu. Sau đây là những kết quả thu được.
Các nhóm cây có ích tại địa điểm nghiên cứu
Để phục vụ các nhu cầu cho cuộc sống hàng ngày người Mường và Dao Tiền đã thu hái và sử dụng các nhóm cây có ích khác nhau. Sau khi xử lý các thông tin phỏng vấn chúng tôi đã tiến hành lập danh lục các nhóm cây có ích. Nhìn chung kinh nghiệm sử dụng thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng ở cả hai dân tộc khá phong phú. Tổng số loài trong từng nhóm cây được ghi nhận ở bảng 1.
Bảng 1: Các nhóm cây có ích ở bản Nà Bai và Phà Lè
STT | Nhóm cây có ích | Mường | Dao |
Số cây | Số cây |
1 | Cây thuốc | 198 | 165 |
2 | Rau ăn | 34 | 22 |
3 | Cây lấy bột | 8 | 4 |
4 | Cây ăn quả | 17 | 10 |
5 | Cây nhuộm | 7 | 6 |
6 | Cây độc | 13 | 5 |
7 | Cây lấy sợi | 11 | 3 |
8 | Cây đan lát | 10 | 5 |
9 | Cây làm thức ăn cho gia súc | 21 | 5 |
10 | Cây lấy gỗ | 30 | 9 |
11 | Cây làm củi | 38 | 10 |
12 | Cây cho mục đích khác | 10 | 7 |
Nhìn vào bảng 1, chúng ta thấy tri thức của dân tộc Mường và Dao về cây thuốc so với các nhóm cây khác là phong phú nhất. Để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống hàng ngày người dân đã khai thác và sử dụng nhiều nhóm cây có ích khác nhau như cây làm thuốc, cây làm rau ăn, cây ăn quả, cây cho bột, cây lấy gỗ,…
Trong số các nhóm cây tài nguyên thì nhóm cây thuốc luôn là nhóm cây quan trọng và chiếm tỷ phần cao nhất. Bước đầu chúng tôi đã xác định tên khoa học của 198 loài thuộc 160 chi, 74 họ được người Mường thường xuyên sử dụng và 165 loài thuộc 141 chi, 69 họ được người Dao Tiền sử dụng. Sau nhóm cây làm thuốc là nhóm cây rau ăn, cây lấy củi, cây ăn quả, cây lấy gỗ được đồng bào dân tộc Mường và Dao khai thác với số lượng tương đối lớn (bảng 2) [2], [3], [4], [5].
Bảng 2: Bảng thống kê các loài trong các nhóm cây có ích (đã được định tên)
Nhóm cây có ích | Dân tộc Dao Tiền | Dân tộc Mường |
Số họ | Số chi | Số loài | Họ có nhiều loài sử dụng | Số họ | Số chi | Số loài | Họ có nhiều loài sử dụng |
Cây thuốc | 69 | 141 | 165 | Euphorbiaceae: 9 Asteraceae : 8 Zingiberacea : 7 | 74 | 160 | 198 | Rubiaceae:15 Araceae : 8 Asteraceae: 8 Moraceae : 8 Urticaceae : 8 Zingiberaceae: 8 |
Cây rau ăn | 15 | 17 | 22 | Poaceae : 6 | 21 | 28 | 34 | Poaceae : 7 Asteraceae : 4 |
Cây ăn quả | 7 | 9 | 10 | Moraceae : 3 | 13 | 14 | 17 | Rosaceae : 3 |
Cây lấy bột | 2 | 3 | 4 | | 3 | 8 | 10 | |
Cây nhuộm | 4 | 5 | 6 | | 4 | 5 | 6 | |
Cây độc | 6 | 7 | 7 | | 8 | 13 | 14 | |
Cây lấy sợi, đan lát | 3 | 7 | 7 | | 3 | 8 | 12 | |
Qua điều tra chúng tôi thấy nhóm cây thuốc và cây rau ăn được người dân sử dụng nhiều nhất. Nhóm cây lấy sợi và đan lát chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, không có mục đích buôn bán. Hiện nay, các nhóm cây khác được sử dụng ngày càng ít.
Sự đa dạng về bộ phận sử dụng của cây thuốc
Nghiên cứu sâu hơn về nhóm cây làm thuốc, chúng tôi thấy để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng từ xa xưa người Mường và người Dao Tiền đã biết thu hái và có nhiều kinh nghiệm sử dụng các loài cây thuốc khác nhau trong tự nhiên.
Ở đây cây thuốc không những đa dạng về số lượng loài mà bộ phận sử dụng (Bảng 3) và cách sử dụng (Bảng 4) cũng rất khác nhau.
Bảng 3: Các bộ phận của cây được dùng làm thuốc
STT | Bộ phận dùng | Mường | Dao |
Số cây | Số cây |
1 | Cả cây | 17 | 29 |
2 | Thân | 23 | 46 |
3 | Cành lá | 108 | 61 |
4 | Rễ củ | 37 | 22 |
5 | Bộ phận khác | 18 | 8 |
Nhìn vào bảng 3 chúng ta thấy cành lá là bộ phận được người Mường và Dao Tiền sử dụng để chữa bệnh nhiều nhất. Đây là cách thu hái có hiệu quả bảo vệ cây thuốc tốt nhất. Các bộ phận khác được sử dụng ít hơn.
Bảng 4: Các phương thức sử dụng cây thuốc của dân tộc Mường và Dao Tiền
STT | Phương thức sử dụng | Mường | Dao Tiền |
1 | Xông | 55 | 8 |
2 | Uống | 102 | 105 |
3 | Đắp, bó | 29 | 32 |
4 | Tắm, rắc, bôi | 32 | 29 |
Cũng như nhiều dân tộc khác người Mường và Dao Tiền sử dụng phương thức uống nhiều nhất. Đây là cách sử dụng đơn giản lại có hiệu quả.
Phân nhóm cây thuốc theo công dụng điều trị
Để bảo vệ và duy trì sức khoẻ, người dân đã sử dụng cây cỏ để chữa trị các bệnh thường xuyên xuất hiện trong cộng đồng. Sau đây là một số nhóm bệnh chính (Bảng 5).
Bảng 5: Phân nhóm cây thuốc theo công dụng chữa bệnh
STT | Công dụng chữa bệnh | Mường | Dao Tiền |
Số cây | Số cây |
1 | Xương khớp | 41 | 20 |
2 | Ngoài da | 28 | 19 |
3 | Tiêu hoá | 32 | 20 |
4 | Đường hô hấp | 9 | 9 |
5 | Đường tiết niệu | 6 | 16 |
6 | Bổ | 40 | 23 |
7 | Thần kinh | 18 | 6 |
8 | Bệnh trẻ em | 8 | 10 |
9 | Bệnh phụ nữ | 11 | 16 |
10 | Sốt cảm | 15 | 10 |
Trong bảng này ta thấy trong số nhóm cây thuốc được phân chia theo công dụng chữa bệnh, thì số cây thuốc được cộng đồng người Mường dùng để điều trị bệnh gãy xương, đau xương khớp và bồi bổ, tăng cường sức khoẻ chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là nhóm cây thuốc chữa bệnh tiêu hoá, bệnh ngoài da, bệnh thần kinh, cảm cúm và bệnh phụ nữ…
Ở cộng đồng người Dao Tiền nhóm cây thuốc bổ cũng được sử dụng nhiều nhất, sau đó là nhóm cây thuốc chữa bệnh tiêu hoá và gãy xương đau khớp, bệnh ngoài da, bệnh phụ nữ v.v... Đặc biệt người Dao Tiền còn biết dùng cây cỏ để chữa các bệnh nhiễm trùng, bệnh hủi và bệnh nan y. Điều này chứng tỏ tri thức của người Dao Tiền về lĩnh vực này có phần phong phú hơn người Mường.
Qua phân tích số liệu thu được chúng tôi có một số nhận xét sau: Đối với người Mường kinh nghiệm sử dụng nhiều cây thuốc để chữa bệnh chỉ tập trung ở một số ít người trong cộng đồng. Như vậy, sự tác động của cộng đồng người Mường lên nhóm cây thuốc tại đây không lớn. Mặt khác, tri thức này chỉ tồn tại trong một số ít người vì vậy việc bảo tồn các tri thức này cũng rất cần thiết và quan trọng.
Ngược lại ở cộng đồng người Dao Tiền số hộ có kinh nghiệm sử dụng cùng một loại cây thuốc tương đối phong phú và sự tác động của người Dao lên nhóm cây thuốc là tương đối lớn, tri thức này dàn trải đều trong cộng đồng.
Ngoài việc thu hái để chữa bệnh, cây thuốc còn được thu để bán. Ở Nà Bai có 5 loài cây bị thu hái nhiều chiếm 2,4%, đó là các loài Sa nhân (Amomum sp.), Kê huyết đằng (Milletia sp.), Ngải cứu dại (Artemisia sp.), Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis), Dây bách bộ (Stemona tuberose). Ở Phà Lé số loài cây thuốc được thu hái vì mục đích kinh tế chiếm 2,8% gồm Thạch xương bồ (Acorus gramineus), Sâm nam (Milletia speciosa), Khúc khắc (Heterosmilax sp.), Hoàng đằng (Fibraurea sp.), Lan vàng (Dendrobium sp.). Việc thu hái cây thuốc để bán đã làm cho số lượng các loài này bị giảm đáng kể.
Kết luận
Nghiên cứu các nhóm cây có ích của cộng đồng người Mường và người Dao Tiền tại bản Nà Bai, Chiềng Yên, Mộc Châu, Sơn La, chúng tôi đã thu được những kết quả sau:
1. Để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày cộng đồng người Mường đã khai thác và sử dụng 12 nhóm cây tài nguyên: nhóm cây thuốc 198 loài, cây rau ăn 34 loài, cây lấy bột 8 loài, cây ăn quả 17 loài, cây nhuộm 7 loài, cây độc 13 loài, cây lấy sợi 11 loài, cây đan lát 10 loài, cây làm thức ăn cho gia súc 21 loài, cây gỗ 30 loài, cây làm củi 38 loài, cây cho mục đích khác 10 loài.
Người Dao đã khai thác và sử dụng 12 nhóm cây tài nguyên: nhóm cây thuốc 165 loài, cây rau ăn 22 loài, cây lấy bột 4 loài, cây ăn quả 10 loài , cây nhuộm 6 loài, cây độc 5 loài, cây lấy sợi 3 loài, cây đan lát 5 loài, cây làm thức ăn cho gia súc 5 loài, cây gỗ 9 loài, cây làm củi 10 loài, cây cho mục đích khác 7 loài.
2. Hiện nay, mối phụ thuộc dân sinh của cộng đồng dân tộc Dao Tiền và Mường của xã Chiềng Yên vào tài nguyên thực vật trong khu vực cư trú còn khá rõ nét. Số loài cây được sử dụng trong đời sống tương đối lớn. Một số nhu cầu thiết yếu của đời sống chủ yếu dựa vào thu hái các loài cây hoang dã: cây làm thuốc, cây làm rau ăn, cây làm củi.
3. Thu hái và buôn bán lâm sản không còn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu thu nhập kinh tế của cộng đồng nhưng vẫn còn là nguồn thu nhập đáng kể của một số hộ gia đình, điều đó có ảnh hưởng (tuy không lớn) đến đa dạng loài của khu vực.
4. Trước mắt cần kiến nghị với chính quyền địa phương cấm người dân khai thác các đối tượng có nguy cơ bị cạn kiệt, để chúng có thời gian phục hồi và tái sinh. Về lâu dài cần phải có biện pháp phát triển và sử dụng bền vững các loài có giá trị kinh tế.
Tài liệu tham khảo chính
1. Gary J. Martin, 2002. Thực vật dân tộc học. Nxb. Nông Nghiệp.
2. Viện Dược Liệu, 2004. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nxb KH KT.
3. Võ Văn Chi, 1999. Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nxb. Y học.
4. Đỗ Tất Lợi, 2000. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nxb. Y học.
5. National Institute of Materia Medica, 1999. Selected medicinal plants in Vietnam, Vol. 1-2. Science & Technology Publishing House, Hanoi.
Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Thuỷ, Phạm Văn Thính
Trương Anh Thư, Bùi Văn Thanh, Hà Tuấn Anh
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật