Cơ sở dẫn liệu
Về hành chính, Hà Nam là một tỉnh mới được tách ra từ Nam Hà. Dưới góc độ địa lý tự nhiên, Hà Nam là một tỉnh nằm trong đồng bằng sông Hồng. Theo sự phân chia địa động vật thì Hà Nam nằm trong vùng phân bố tự nhiên đồng bằng Bắc Bộ.
Các nghiên cứu về thủy sinh vật các thủy vực của riêng tỉnh Hà Nam chưa có nhiều (Chỉ có một đợt khảo sát sơ bộ tại vùng Kim Bảng vào năm 1992, 1993). Tuy nhiên, cũng đã có một số nghiên cứu về thủy sinh vật ở các tỉnh Hà Nam Ninh và Nam Hà cũ nhưng tập trung chủ yếu Nam Định và Ninh Bình. Bởi vậy, trong phạm vi báo cáo này, chủ yếu chỉ đề cập tới một số nét tổng quát về thủy sinh học nước ngọt của khu vực đồng bằng Bắc Bộ mà tỉnh Hà Nam nằm trong đó.
Các loại hình thủy vực phổ biến
Là tỉnh nằm trong cảnh quan đồng bằng, có một diện tích nhỏ là đồi núi đất và karst thấp. Về hình thái, các thủy vực của Hà Nam có thể phân biệt thành hai dạng chủ yếu:
Thủy vực có ranh giới kín (xác định): các loại hình phổ biến như hồ, ao - đầm nước ngọt, ruộng lúa nước, đầm lầy than bùn (đầm lầy Ba Sao).
Thủy vực có ranh giới hở (không xác định): sông, suối, kênh mương.
Tuy nhiên, mỗi một dạng thủy vực về hình thái học kể trên có thể phân chia thành các cấp khác nhau tùy thuộc vào kích thước (diện tích với thủy vực nước đứng), lưu lượng (dung tích với thủy vực nước đứng). Về tính chất nước, căn cứ vào độ muối thì Hà Nam chỉ có thủy vực nước ngọt. Trong khu vực này, đáng lưu ý có sông Hồng và sông Đáy (một sông lớn thuộc hệ thống sông Hồng chảy qua). Mặt khác, cũng lưu ý có một số sông nhánh nhỏ chảy qua vùng núi karst nơi tiếp giáp với một số tỉnh như Hà Tây, Hòa Bình và Ninh Bình. Mỗi loại hình thủy vực trên có một tập hợp các nhóm thủy sinh vật đặc trưng của mình.
Nét đặc trưng chung về đa dạng thủy sinh vật
Do có những đặc tính về điều kiện địa hình tương đối bằng phẳng và các hệ sinh thái thủy vực nằm trong cảnh quan đồng bằng Bắc Bộ nên đặc tính cơ bản của hệ thủy sinh vật ở Hà Nam là mang sắc thái nhiệt đới. Theo thống kê, vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 260 loài động vật không xương sống nước ngọt, có sự phong phú thành phần loài trùng bánh xe (Rotatoria), giáp xác sống nổi (Copepoda, Cladocera), giun ít tơ (Oligochaeta) sống ở đáy bùn, tôm-cua (Crustacea-Macrura, Brachyura), các nhóm trai ốc (Mollusca) nhỏ, vỏ mỏng thích hợp với chế độ nước tĩnh, nông.
Đáng chú ý là ở đây gần khu vực đồng bằng thấp ven biển nên có các loài nước mặn, nước lợ di nhập vào. Mặt khác trong vùng đồng bằng lại rất ít các loài ấu trùng phù du, cua Potamidae, các loài trai ốc vỏ dày. Thành phần loài đặc hữu không cao.
Thành phần loài giáp xác sống nổi đặc trưng ở các thủy vực vùng đồng bằng có thể kể các loài Copepoda- Calanoida phổ biến như: Mongolodiaptomus birulai, Tropodiaptomus oryzanus, Allodiaptomus pectinidaetylus, Neodiaptomus yangtsekiangensis, Vietodiaptomus hatinhensis, Eodiaptomus draconisignivomi, Schmackenia bulbosa, S. gordioides, Sinocalanus laevidactylus, S. mystrophorus. Trong thành phần động vật đáy, có các loài giáp xác nhỏ nhóm Amphipoda (Corophium minutum, Grandidierella vietnamica, Kamaka palmata), Tanaidacea (Apseudes vietanmensis), Isopoda (Cyathura truncata), các loài cua Somanniathelphusa siensis, tôm Macrobrachium nipponense, Caridina tonkinensis, Palaemonetes tonkinensis, Exopalaemonmani. Trong nhóm trai ốc, các thủy vực đồng bằng Bắc Bộ thường gặp các loài ốc vỏ mỏng, ốc nhỏ Assiminea, Bithyniidae, Sinotaia aeruginosa, Angulyagra polyzonata, Cristaria bialata, Pletholophus discoideus, P. swinhoei, Sinanodonta jourdyi, S. lucida, Lamprotula leai, Oxynaia micheloti. Đồng bằng Bắc Bộ có thành phần giun ít tơ phong phú và loài giun nhiều tơ nước ngọt Namalycastis longicirris. Cũng cần ghi nhận nhiều loài ấu trùng phù du có ở các suối, sông giáp núi. Anagenesia sp hiện nay chỉ thấy ở hạ lưu sông Hồng. Cũng như các động vật ngoài cá, trong thành phần loài cá vùng đồng bằng cũng thấy cả một số loài cá nước mặn, nước lợ di cư vào trong mùa sinh sản như cá mòi, cá cháy.
Phân bố thủy sinh vật các thủy vực
Các thủy vực vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, Hà Nam nói riêng được đặc trưng bởi phần hạ lưu các sông lớn, các sông đào, kênh rạch, đầm ao, ruộng lúa nước. Nhìn tổng quát, chế độ nước tĩnh hay nước chảy chậm, độ trong thấp, nền đáy mềm bùn, cát là những đặc điểm cơ bản của các thủy vực vùng đồng bằng. Nền thổ nhưỡng của vùng đồng bằng là đất phù sa giàu dinh dưỡng. Các thủy vực còn luôn nhận được nguồn chất hữu cơ của các vùng dân cư thải tới có khi quá lớn gây hiện tượng ô nhiễm. Mặt khác, vùng đồng bằng Bắc Việt Nam là vùng đất trẻ, nhất là vùng tam giác châu hiện đại, còn đang tiếp tục hình thành, có quan hệ mật thiết với biển. Những đặc điểm trên đây có liên quan chặt chẽ tới đặc điểm cấu trúc quần xã cũng như thành phần loài, tập hợp loài thủy sinh vật vùng đồng bằng.
Trong các sông vùng đồng bằng, các loài tảo nhiệt đới phát triển mạnh như: Oscillatoria perornata, O. pricnceps var. pseudolimosa, Phormidium mucosum, Lyngbya aestuarii var. tenuis, Cymbella japonica, Achnanthes crenulata, Nizschia obtusa var. constricta, Epithema cistula,… không có các loài tảo ôn đới như Ulothrix cũng như các loài phát triển. Nhìn chung, thành phần loài và cả số lượng tảo vùng đồng bằng cũng đều nhiều hơn vùng núi.
Trong các hồ ao vùng đồng bằng, các loài tảo nhiệt đới càng phát triển phong phú, nhất là các nhóm loài Microcystis, Anabaena, Merismopedia, Coelosphaerium, Scenedesmus, Pediastrum, Ankistrodesmus, Cryptomonas, Gloeocapsa,…Thống kê sơ bộ, nhóm tảo lục (Clorophyta) có 113 loài, vi khuẩn lam (Cyanobacteria) có 32 loài phát triển mạnh nhất, tảo Silic, tảo giáp, tảo mắt kém phát triển hơn. Trong các ao vùng đồng bằng, thành phần loài tảo không khác ở hồ, do điều kiện tương tự giữa ao và hồ nhỏ. Thành phần loài tảo ở ao có thể thay đổi theo mùa hoặc theo chế độ bón phân ở các ao nuôi cá hoặc theo độ pH của nước ao.
Thành phần loài tảo ở ruộng lúa nước vùng đồng bằng chủ yếu là tảo lam, các loài nhiệt đới và cận nhiệt đới, các chi Anabaena, Nostoc, Aulosira, Gloeotrichia, Aphanothece, Spirogyra, Mougeotia, Surirella, Gomphonema.
Khác với vùng núi, thành phần cá nước ngọt vùng đồng bằng ít mang tính chất đặc trưng hơn, khác với nhiều loài có phân bố rộng, các loài cá nuôi và một số loài các di cư từ biển vào theo mùa vụ sinh sản. Theo dẫn liệu của Mai Đình Yên (1996), khu hệ cá sông Hồng có 71 loài trong đó có 24 loài cá có giá trị kinh tế. Khả năng khai thác hàng năm khoảng 1.200 tấn. Ở các thủy vực trong vùng châu thổ sông Hồng thường thấy các loài: Coilia grayi (họ cá Cơm Engraulidae), Altigena lemassoni, Megalobrama terminali, Hemiculter leucisculus, Elopichthys bambusa, Onychostoma gelarchi, Squaliobarbus curriculuss, Cirrhina molitorella, Puntius fasciolatus, Clenopharyngodon idellus, Luciobrama macrocephalus, Culter erythropterus, Toxobramis houdemeri, Rasbora lineatus, Cyprinus carpio, Carasinus auratus, Hypothalmichthys harmandi (họ cá Chép Cyprinidae), Misgusnus anguillicaudatus (Cobitidae), Clarias fuscus (họ cá Trê Claridae), Parasilurus asotus (Siluridae), Cranoglanis sinensis (Cranoglanidae), Fluta alba (họ lươn Flutidae), Channa striatus, C.maculatus (họ cá Quả Channidae), Anabas testudineus, Macropodus opercularis (họ cá rô Anabantidae). Ngoài ra còn thấy một số loài cá di cư từ biển, phổ biến là cá Mòi cờ (Clupanodon thrissa), cá Cháy (Hilsa reeveri)… Thành phần loài cá ở ruộng lúa nước, chủ yếu là một số loại cá nuôi như cá chép và một số loài sống được ở môi trường nước nông dễ biến đổi.
Đặc trưng phân bố động vật không xương sống nước ngọt vùng đồng bằng có sự phong phú các nhóm giáp xác chân chèo Copepoda - Calanoida, Cladocera, Rotatoria trong động vật nổi, và các nhóm Oligochaeta, Polychaeta, Amphipoda, Tanaidacea, tôm Palaemonidae, ốc Viviparidae, Bithyniidae, Pilidae, Assimineidae, trai Unionidae (Cristania, Sinohyriopsis, Sinanodonta) trong động vật đáy. Nhưng đồng thời các thủy vực đồng bằng lại nghèo hơn hẳn so với vùng núi về các nhóm ấu trùng Ephemeroptera, Trichoptera, Plecoptera, cua Potamidae, ốc Thiaridae, trai vỏ dày Amblemidae, Margaritiferidae cũng như không thấy có các nhóm sông suối nước chảy vùng núi (Lithoglyphopsis, Cremnoconchus, Pachydrobia).
Thành phần loài động vật không xương sống đặc trưng cho các thủy vực vùng đồng bằng có thể thấy trong động vật nổi: Mongolodiaptomus birulai, Tropodipatomus oryzanus, Neodiaptomus yantsekiangensis, Heliodiaptomus falxus, Allodiaptomus pectinidactylus, Eodiaptomus draconis ignivomi (Calanoida), Schmackenia bulbosa, S. gordioides, Sinocalanus laevidactylus, Cyclestheria hislopi (Phyllopoda Conchostraca), Corophium minutum, Grandidierella vietnamica, Kamaka palmata, Eohaustorius tandeensis (Amphipoda), Apseudes vietnamensis (Ianaidacea), Cyathura truncata (Isopoda), các loài tôm cua Macrobrachium nipponense, Exopalaemon mani, Palaemonetes tonkinensis, Somanniathelphusa sinensis, loài ấu trùng phù du Povilla corporaali, loài giun nhiều tơ Namalycastis longicirus, các loài trai ốc Sinanodonta jourdyi, Cristaria bialata, Pletholophus discoideus, P. swinhoei, Corbieula bocourti, Sinohyriopsis cumingii, Angulyagra polyzonata, các loài ốc Assminea.
Một số kết quả nghiên cứu cụ thể
Ruộng lúa
Là loại hình thủy vực khá đặc biệt, mực nước biến đổi theo mùa vụ trồng lúa, nước nông, nền đáy mềm, đất thịt. Số lượng sinh vật nổi và sinh vật đáy ruộng lúa phụ thuộc chủ yếu vào mực nước cho nên diễn biến số lượng thủy sinh vật mang tính mùa vụ khá rõ rệt. Dẫn liệu về phân bố số lượng động vật nổi ruộng trũng vùng đồng bằng thấp Nam Hà trong thời gian 1963 - 1964 của Đặng Ngọc Thanh và Phạm Văn Miên (1980), Phạm Văn Miên (1971) cho thấy mật độ động vật nổi khá cao, dao động trong khoảng 70.000 - 100.000 con/m2. Số lượng trung bình năm trong khoảng 42.000 - 43.000 con/m3. Về biến động số lượng sinh vật nổi tại ruộng lúa, thấy có sự dao động khá lớn trong năm. Thời kỳ đông-xuân (thời kỳ nước lớn) là thời kỳ có mật độ động vật nổi cao nhất, thời kỳ cấy lúa từ tháng II đến tháng V có mật độ thấp nhất. Trong thành phần số lượng, các nhóm Copepoda và Rotatoria chiếm ưu thế.
Cũng tại vùng ruộng trũng này, sinh vật lượng động vật đáy đạt trung bình 130 - 151 con/m2, với sinh khối 5,05 - 5,1 g/m2, trong đó trai ốc chiếm tới 64 - 89% khối lượng. Qua đó cho thấy động vật đáy thường cao trong vụ Xuân (tháng IV), giảm đi trong vụ Hè (tháng VI - VII) và Đông (tháng XII) (Phạm Văn Miên và Đặng Ngọc Thanh, 1971). Rất đáng chú ý là trong thành phần, động vật đáy có nguồn gốc từ biển di nhập vào chiếm một tỷ lệ đáng kể, chiếm 24 - 89% (trung bình 60%). Trong thành phần số lượng, giáp xác Crustacea (chủ yếu là Amphipoda) chiếm ưu thế (62,3% số lượng).
Một số kết quả điều tra thủy sinh vật trong các thủy vực của huyện Kim Bảng
Huyện Kim Bảng có các loại hình thủy vực cơ bản như sông Đáy, các sông nhánh nhỏ chảy qua động karst, đầm-ao, đầm lầy than bùn.
Các kết quả phân tích vật mẫu thu được tại Kim Bảng tháng 11/1992 mới xác định được 24 loài thực vật nổi thuộc 5 ngành tảo (tảo silíc, tảo lục, vi khuẩn lam, tảo vàng ánh và tảo mắt); 21 taxon động vật nổi thuộc các nhóm giáp xác chân chèo, râu ngành, trùng bánh xe và ấu trùng côn trùng ở nước; 7 loài thân mềm và giáp xác đáy; và 11 loài cá (trong đó 4 loài cá nuôi). Số lượng loài các nhóm thủy sinh vật đã xác định như trên là rất thấp so với thực tế có.
Số lượng sinh vật nổi khác nhau giữa các loại hình thủy vực. Mật độ thực vật nổi nhìn chung nổi, dao động từ trên dưới 1.000 đến trên 6.000 tb/l; mật độ động vật nổi dao động từ trên dưới 20 đến trên 20.000 con/m3. Các thủy vực dạng sông chảy trong động tối có số lượng sinh vật nổi thấp hơn rõ rệt so với sông lộ thiên. Thủy vực nước đứng như đầm-ao có số lượng sinh vật nổi cao hơn thủy vực nước chảy. Các nhóm động vật thân mềm, giáp xác đáy phân bố chủ yếu ở các vùng ven bờ.
Từ những nét cơ bản kể trên thấy một số vấn đề còn tồn tại như sau:
Cảnh quan đồng bằng có sự đa dạng thủy sinh vật khá lớn. Tài nguyên thủy sinh vật thường được khai thác sử dụng trước hết là thực phẩm quen thuộc của nhân dân. Tuy vậy, chưa có nhiều dẫn liệu nghiên cứu cơ bản, tổng hợp về khu hệ và nguồn lợi thủy sinh vật các thủy vực ở đây. Các kết quả nghiên cứu đầy đủ sẽ là cơ sở để khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển bảo tồn nguồn tài nguyên thủy sinh vật của tỉnh.
Tài liệu tham khảo chính
Hồ Thanh Hải và nnk., 1993, Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về đặc điểm môi trường nước và thủy sinh vật các thủy vực ở huyện Kim Bảng (Nam Hà). Tài liệu Viện STTNSV.
Đặng Ngọc Thanh, Hồ Thanh Hải, Dương Đức Tiến, Mai Đình Yên, 2002. Thủy sinh học các thủy vực nước ngọt nội địa Việt Nam. Nhà xuất bản KHKT.
Mai Đình Yên, 1996. Khu hệ cá nước ngọt Việt Nam. Trong Nguồn lợi thủy sản Việt Nam. Nhà xuất bản Nông Nghiệp: 174-201.
Ho Thanh Hai
IEBR - VAST