Ở rừng đặc dụng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, đã phát hiện và thống kê được 711 loài thực vật thuộc 427 chi và 154 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch là Thông đất (Lycopodiophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Hạt trần ( Gymnospermae) và Hạt kín (Angiospermae). Trong đó, ngành Hạt kín (Angiospermae) chiếm ưu thế với 670 loài, 398 chi và 133 họ; ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) với 28 loài, 19 chi và 15 họ; ngành Hạt trần (Gymnospermae) với 8 loài, 7 chi và 4 họ; cuối cùng ngành Thông đất (Lycopodiophyta) với 5 loài, 3 chi và 2 họ. Trong ngành Hạt kín (Angiospermae) thì lớp Hai lá mầm (Dicotyledoneae) chiếm ưu thế. Tỷ trọng giữa lớp Hai lá mầm (Dicotyledoneae) và Một lá mầm (Monocotyledoneae) lần lượt là 6.2 đối với số loài, 5.86 đối với số chi và 4.78 đối với số họ. Mười họ giàu loài nhất, có 254 loài chiếm 35.98% tổng số loài đã biết ở Yên Tử. Mười chi giàu loài nhất chiếm 2.36% tổng số chi và 22.11% tổng số loài (79 loài) đã biết của khu vực. Ở RĐD Yên Tử có mặt của tất cả các kiểu dạng sống thực vật khác nhau. Trong đó, sự ưu thế thuộc về nhóm cây có chồi trên đất (Ph), chiếm 84,29% tổng số loài đã biết. Về giá trị sử dụng, ở RĐD Yên Tử có 547 loài thực vật có ích được phân thành 12 nhóm công dụng khác nhau, chiếm 76.93% tổng số loài đã biết. Ngoài ra, ở RĐD Yên Tử có 20 loài thực vật nguy cấp được xếp trong Sách Đỏ Việt Nam (1996, phần thực vật) và 6 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam.
Để có cơ sở cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quản lí sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên thực vật, chúng tôi triển khai nghiên cứu sự dạng thực vật tại Rừng đặc dụng này.
Đặt vấn đề
Rừng đặc dụng (RĐD) Di tích Lịch sử cảnh quan môi trường Yên Tử, được xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật tháng 10 năm 1993 với diện tích 2668,5 ha thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây vừa là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, với khu hệ thực vật phong phú đa dạng, có nhiều loài quí hiếm, đặc trưng cho hệ thực vật Đông Bắc, vừa là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, gắn với Côn Sơn - Kiếp Bạc và thành phố du lịch Hạ Long [9].
Để có cơ sở cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quản lí sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên thực vật, chúng tôi triển khai nghiên cứu sự dạng thực vật tại Rừng đặc dụng này.
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng và thời gian nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các loài thực vật bậc cao có mạch phân bố tự nhiên ở Rừng đặc dụng Yên Tử, Quảng Ninh cùng kiến thức bản địa của cộng đồng địa phương trong sử dụng tài nguyên rừng. Thời gian nghiên cứu trong 2 năm 2005 – 2006.
Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp nghiên cứu để thu thập số liệu được triển khai trong đề tài này bao gồm:
- Điều tra thực vật trên tuyến và ô tiêu chuẩn
- Phương pháp nghiên cứu kế thừa tài liệu và phương pháp phỏng vấn nhân dân [6].
- Số liệu thu thập được xử lý theo các tài liệu [2,4,5,8].
- Phân tích đa dạng thực vật được thực hiện theo Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) [7].
Kết qủa nghiên cứu
Đa dạng phân loại hệ thực vật RĐD Yên Tử
Trong khu vực nghiên cứu đã ghi nhận được 711 loài thuộc 427 chi và 154 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Thông đất (Lycopodiophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Hạt trần (Gymnospermae) và Hạt kín (Angiospermae). Trong đó ngành Hạt kín (Angiospermae) là đa dạng nhất với 670 loài (chiếm 94,23% số loài đã biết trong toàn khu vực) thuộc 398 chi và 133 họ; tiếp theo là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có 28 loài (chiếm 3,94% số loài đã biết), 19 chi và 15 họ; ngành Hạt trần (Gymnospermae) có 8 loài (chiếm 1,13% số loài đã biết), 7 chi và 4 họ; cuối cùng là ngành Thông đất (Lycopodiophyta) có 5 loài (chiếm 0,70% tổng số loài đã biết), 3 chi và 2 họ (bảng 1).
Bảng 1. Phân bố của các taxon trong khu hệ thực vật Yên Tử
Ngành thực vật | Loài | Chi | Họ | Số loài | % | Số chi | % | Số họ | % | Thông đất (Lycopodiophyta) | 5 | 0,70 | 3 | 0,70 | 2 | 1,30 | Dương xỉ (Polypodiophyta) | 28 | 3,94 | 19 | 4,45 | 15 | 9,74 | Hạt trần (Gymnospermae) | 8 | 1,13 | 7 | 1,64 | 4 | 2,60 | Hạt kín (Angiospermae) | 670 | 94,23 | 398 | 93,21 | 133 | 86,36 | Tổng số | 711 | 100 | 427 | 100 | 154 | 100 |
|
Qua kết quả thu được ở bảng 1 ta thấy ngành Hạt kín chiếm ưu thế trong 4 ngành. Tuy nhiên, tính chất ưu thế của ngành Hạt kín là khác nhau giữa lớp Hai lá mầm (Dicotyledonae) và Một lá mầm (Monocotyledonae). Ở ngành Hạt kín, thì lớp Hai lá mầm ưu thế hơn về họ, chi và loài; trong đó, lớp Hai lá mầm có số loài là 577 (chiếm 86,12%), số chi là 340 (chiếm 85,43%), số họ 110 (chiếm 82,71%). Tỷ trọng giữa lớp Hai lá mầm và lớp Một lá mầm lần lượt là 6,20 đối với số loài; 5,86 đối với số chi và 4,78 đối với số họ.
Tính đa dạng thực vật của khu hệ còn được thể hiện qua các chỉ số họ, chỉ số chi, chỉ số chi/họ. Các chỉ số trên lần lượt là 4,6; 1,7 và 2,8. Tổng các chỉ số đó là 9,1.
Mười họ đã biết được nhiều loài nhất của khu vực theo thứ thự từ 1 đến 10 là các họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) với 30 chi (chiếm 7,03%), 52 loài (chiếm 7,31%); họ Cúc (Asteraceae) với 16 chi (chiếm 3,75%), 30 loài (chiếm 4,22%); họ Dâu tằm (Moraceae) với 6 chi (chiếm 1,41%), 30 loài (chiếm 4,22%) và các họ Cà phê (Rubiaceae), Long não (Lauraceae), Đậu (Fabaceae), Cỏ (Poaceae), Vang (Caesalpiniaceae), Dẻ (Fagaceae), Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Các họ này chiếm 6,58% tổng số họ, nhưng có tới 126 chi, chiếm 29,79% tổng số chi và 254 loài, chiếm 35,98% tổng số loài đã biết của khu vực. Mười họ này hầu hết cũng là những họ rất đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, chủ yếu là các họ đặc trưng cho hệ thực vật nhiệt đới.
Mười chi đã biết được nhiều loài nhất, chiếm 2,36% tổng số chi của khu hệ, nhưng có tới 79 loài, chiếm 11,11% tổng số loài đã biết của khu vực. Đó là các chi Ficus (Moraceae) với 22 loài (chiếm 3,09%); chi Syzygium (Myrtaceae) với 8 loài (chiếm 1,13%); chi Dioscorea (Dioscoreaceae); chi Blumea (Asteraceae); chi Desmodium (Fabaceae); chi Calamus (Arecaceae); chi Lithocarpus (Fagaceae); chi Cinnamomum và Litsea (Lauraceae); chi Smilax (Smilacaceae). Phần lớn các chi này có từ 6 đến 7 loài.
Phổ dạng sống của các loài đã biết ở RĐD Yên Tử
Khu hệ thực vật Yên Tử có mặt của tất cả các nhóm dạng sống khác nhau, với tỷ lệ và cấu trúc khác nhau. Nhóm cây có chồi trên đất (Ph) có 585 loài, chiếm 82,28% tổng số loài đã biết trong khu vực, chiếm 84,29% về phổ dạng sống. Nhóm cây có chồi sát đất (Ch) là 20 loài, chiếm 2,81% tổng số loài đã biết, chiếm 2,88% về phổ dạng sống. Nhóm cây có chồi nửa ẩn (H) có 15 loài, chiếm 2,11% số loài đã biết trong khu vực, nhưng chiếm 2,16% về phổ dạng sống. Nhóm cây chồi ẩn (Cr) và nhóm cây có chồi một năm (Th) đều có 37 loài, chiếm 5,20% số loài đã biết, nhưng chiếm 5,33% về phổ dạng sống. Phổ dạng sống của các loài thực vật đã biết ở RĐD Yên Tử như sau:
SB = 84,29 Ph + 2,88 Ch + 2,16 H + 5,33 Cr + 5,33 Th
Trong đó nhóm cây có chồi trên đất (Ph) có phổ dạng sống như sau:
Ph = 32,56 MM + 19,74 Mi + 16,28 Na + 1,44 Hp + 13,12 Lp + 1,00 Ep + 0,15 Pp
Trong đó: MM - cây chồi trên lớn và vừa; Mi – cây chồi trên nhỏ; Na – cây chồi trên lùn; Hp – cây chồi trên thân thảo; Lp – cây dây leo; Ep – cây bì sinh; Pp – cây ký sinh.
Những loài cây có ích ở RĐD Yên Tử
Ở khu vực Yên Tử, trong tổng số 711 loài thực vật bậc cao có mạch đã biết, có 547 loài cây có ích, chiếm 76,93% tổng số loài đã biết của khu vực, chúng được phân thành 12 nhóm công dụng khác nhau:
1. Nhóm cây cho thuốc (T) có nhiều loài nhất (300 loài), chiếm 42,19% tổng số loài đã biết của khu vực. Các loài cho thuốc điển hình như: Cẩu tích, Hoàng đằng, Củ bình vôi, Dây đau xương, Ba kích, Dây tiết dê, Trầu tiên, Dạ cẩm, Sâm nam, Dây máu người, Dây bốn cạnh, Hoàng đằng, Địa liền, Gừng gió, Sến mật, Kim giao, Bổ cốt toái, Cao cẳng lá nhỏ, Bổ béo đen, Bổ béo trắng, v.v...
2. Nhóm cây cho gỗ (G) có 169 loài, chiếm 23,77% tổng số loài. Các loài cây gỗ có giá trị trong khu vực như: Lim xanh, Sến mật, Táu mật, Sao hòn gai, Đinh thối, Gụ lau, Vù hương, Lim xẹt, Gội tẻ, Trâm các loại, Sấu, Trám các loại, các loài Sồi Dẻ, Hồng tùng, Kim giao, Thông tre, Thông tre lá ngắn, Re bầu, Nhội, Vạng trứng, Muồng ràng ràng, Xoan nhừ, v.v...
3. Nhóm cây cho tinh dầu (Td) có 42 loài, chiếm 5,91% tổng số loài. Các loài điển hình như: Vù hương, Re hương, Re bầu, Màng tang, Bời lời nhớt, Trầm hương, Hương nhu, Đáng, Bồ đề, Sau sau, Địa liền, Riềng gió, Sa nhân, v.v...
4. Nhóm cây cho dầu béo (D) có 17 loài, chiếm 2,39% tổng số loài, với các loài điển hình như: Trẩu, Nụ, Sở, Bứa, Đại hái, Sảng nhung, Trám trắng, Chò đãi, Mắc niễng, Trám đen, Sến mật.
5. Nhóm cây cho tinh bột (B) có 16 loài chiếm 2,27% tổng số loài, như: Củ từ, Củ mài, Dẻ gai, Cẩu tích, Chay bắc bộ, Dây gắm, Dẻ gai đỏ, Cà ổi, v.v...
6. Nhóm cây cho nhựa (N) có 46 loài chiếm 6,52% tổng số loài, tiêu biểu như: Trám các loại, Sơn ta, Nhựa ruồi, Đa, Si, Sung, Thùng mực, Sữa, Nụ, Sau sau, Mắc niễng, Sến mật.
7. Nhóm cây cho sợi (S) có 47 loài, chiếm 6,61% so với tổng số loài. Điển hình như: Trầm hương, Dướng, Hu đay, Niệt gió, Gai, Mây nước, Mây nếp, Mái, Lau, Thao kén đực, Thao kén cái, Ké hoa đào, Ké hoa vàng, Cánh kiến, Nứa, Ba soi, Bục bạc, Lòng mang, Mé cò ke, v.v...
8. Nhóm cây cho màu nhuộm (M) có 16 loài, chiếm 2,25% so với tổng số loài, điển hình là các loài: Vang, Cây Chàm, Hoàng đằng, Củ nâu, Dành dành, Sau sau, Kí ninh, Hoè, Lim xẹt, Muồng ràng ràng, Nụ, Núc nác, Tô mộc, v.v...
9. Nhóm cây cho rau ăn: có 31 loài, chiếm 4,36% so với tổng số loài với các loài tiêu biểu như: Lộc vừng, Rau sắng, Chân chim, Rau dớn, Lá lốt, v.v...
10. Nhóm cây được dùng làm cảnh và cho bóng mát (C) có 84 loài chiếm 11,81% tổng số loài. Một số loài tiêu biểu như: Thu hải đường, Hoa giấy, Hải đường, Thiên tuế, Mẫu đơn, Mai vàng, Lụi, Đỗ quyên, Đẻn 3 lá, Đẻn 5 lá, Đùng đình, Đề, Đa, Sung, Si, Hoa trứng gà, Tử tiêu, Lim xẹt, Vàng anh, Kim giao, Thông tre, Lộc vừng, Sim, Sấu, Ruối, Nhội, Trúc Yên Tử, v.v...
11. Nhóm cây cho quả ăn được (Q) có 24 loài, chiếm 3,38% so với tổng số loài, như: Trám các loại, Dâu da đất, Sấu, Tai chua, Sim, v.v...
12. Cây cho ta nanh (Tn) có 34 loài, chiếm 4,78% so với tổng số loài, như: Trâm, Sim, Củ nâu, Chẹo, Cà muối, Dướng, Hu đay, Muồng đen, Nhựa ruồi, Sòi trắng, Tô mộc, Xoan nhừ, Vối, Dẻ cau, v.v...
Các loài cây bị đe doạ tiêu diệt
Theo các tài liệu Sách Đỏ Việt Nam, 1996 (phần thực vật) và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính Phủ [1,3], chúng tôi xác định được ở RĐD Yên Tử có 20 loài thực vật bị đe doạ tiêu diệt. Số loài thực vật đó ở RĐD Yên Tử được khái quát theo công thức sau:
Tổng số loài: 20 = 2 E + 9 V + 1 T + 4 R + 4 K
Phân bố và hiện trạng của một số loài thực vật bị đe doạ tiêu diệt ở Yên Tử như sau:
1. Hồng tùng (Dacrydium elatum (Roxb.) Wall. Tên đồng nghĩa Dacrydium pierrei Hickel - họ Podocarpaceae): ở khu vực Yên Tử còn khoảng trên 400 cá thể. Những cây này được trồng từ thời Vua Trần Nhân Tông đến tu hành tại Yên Tử. Hiện nay, chúng có kích thước lớn, đường kính trung bình 80cm, chiều cao trung bình 30m. Hồng tùng phân bố từ độ cao 350m đến 700m quanh các khu vực Đường Tùng, chùa Hoa Yên, chùa Một mái, Thác Vàng, Thác Bạc, Vườn Tùng. Đặc biệt ở quanh khu vực Vườn tùng (Am Hoa, Am thuốc) có khoảng 120 cá thể tập trung trên diện tích chừng 4ha. Ở Yên Tử chưa phát hiện thấy Hồng tùng tái sinh. Hiện nay, có một số cá thể đã bước qua giai đoạn thành thục và đang bị cụt ngọn, rỗng ruột, đổ gãy. Mức độ bị đe doạ: K (SĐVN, 1996). Hiện trạng quốc gia đề xuất qua đánh giá: sắp bị tuyệt chủng A2cd.
2. Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri Foxw.): phân bố ở đai cao trên 700m, số lượng cây gỗ còn rất ít, chủ yếu là cây tái sinh với số lượng ít. Chúng tôi chỉ bắt gặp 2 cây to ở khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Mức độ bị đe doạ: R (SĐVN, 1996). Hiện trạng quốc gia đề xuất qua đánh giá: sắp bị tuyệt chủng A2ac.
3. Sến mật (Madhuca pasquieri (Dubard.) H. J. Lamb.): phân bố rải rác từ chân núi lên đỉnh núi, tới gần khu vực An Kỳ Sinh, từ độ cao từ 50m đến 900m. Hầu hết là những cây tái sinh, cây nhỏ. Cây gỗ lớn còn ít. Mức độ bị đe doạ: K (SĐVN, 1996).
4. Gụ lau (Sindora tonkinensis A.Chev. ex K. et S. Larsen): số lượng còn nhiều, mật độ tái sinh cao, cây gỗ lớn còn nhiều. Chúng phân bố ở đai thấp độ cao dưới 700m, chủ yếu ở sườn dưới và sườn giữa từ 50m đến 400m. Mức độ bị đe doạ: V (SĐVN, 1996) và IIA (NĐ 32/2006/CP).
5. Vù hương (Cinnamomum balansae Lecomte), Trầm hương (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte): phân bố từ độ cao 50m tới 700m, số lượng cá thể của loài còn ít, chủ yếu cây nhỏ, không bắt gặp cây lớn. Mức độ bị đe doạ: R (SĐVN, 1996) và IIA (NĐ 32/2006/CP).
6. Trầu tiên (Asarum glabrum Merr. – Asarum maximum auct.): phân bố ở lớp thảm thực vật dưới tán rừng trúc ở đai cao trên 700m. Hiện nay số lượng cá thể của loài không nhiều, vì hàng năm vào mùa lễ hội vẫn bị khai thác để bán lá tươi và khô cho khách hành hương. Mức độ bị đe doạ: E (SĐVN, 1996).
7. Tô hạp trung hoa (Altingia chinensis (Champ. ex Benth.) Oliv.): phân bố từ chân núi lên độ cao 500m, số lượng cá thể của loài còn nhiều. Những cá thể bắt gặp hầu hết là cây nhỡ. Mức độ bị đe doạ: R (SĐVN, 1996).
8. Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Sm.): số lượng cá thể của loài nhiều, phân bố từ chân núi lên đỉnh núi, từ độ cao 100m đến 900m. Mức độ bị đe doạ: K (SĐVN, 1996).
Một số biện pháp bảo tồn tính đa dạng thực vật ở khu vực nghiên cứu
1. Tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên Yên Tử.
2. Nên bố trí một Trạm kiểm lâm nhân dân gần khu vực Yên Tử để phối kết hợp quản lý bảo vệ tài nguyên rừng trong khu vực.
Kết luận
1. Thực vật ở RĐD Yên Tử đã được ghi nhận với 711 loài thuộc 427 chi và 154 họ thuộc 4 ngành; trong đó, ngành Hạt kín (Angiospermae) chiếm ¬ưu thế với 670 loài thuộc 398 chi và 133 họ; tiếp đến ngành D¬ương xỉ (Polypodiophyta) với 28 loài, 19 chi, 15 họ và ngành Hạt trần (Gymnospermae) với 8 loài, 7 chi, 4 họ.
2. Thực vật ở RĐD Yên Tử có mặt của tất cả các kiểu dạng sống khác nhau. Trong đó sự ưu thế thuộc về nhóm cây có chồi trên đất (Ph), chiếm 84,29% tổng số loài đã biết.
3. Thực vật ở RĐD Yên Tử có 547 loài cây có ích, chiếm 76,93% tổng số loài, có thể được sử dụng vào 13 nhóm công dụng khác nhau.
4. RĐD Yên Tử có 20 loài thực vật bị đe doạ tiêu diệt, được cấp báo trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) và 6 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cần được ưu tiên bảo tồn.
5. Hai biện pháp hữu hiệu được đưa ra nhằm bảo tồn tính đa dạng thực vật ở RĐD Yên Tử.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 1996: Sách Đỏ Việt Nam (phần thực vật). Nxb. Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Võ Văn Chi, 1997: Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nxb. Y học.
3. Chính Phủ Việt Nam, 2006: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.
4. Phạm Hoàng Hộ, 1999-2000: Cây cỏ Việt Nam. Quyển 1-3. Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
5. Phan Kế Lộc, Nguyễn Tiến Hiệp, 1997: Các loài hạt trần của Việt Nam bị đe doạ tiêu diệt và sự có mặt của chúng trong các khu bảo tồn. TC Lâm nghiệp, 1: 18-20.
6. Phùng Văn Phê, 2006: Đánh giá tính đa dạng thực vật ở rừng đặc dụng Yên Tử - Quảng Ninh, Luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ khoa học Lâm nghiệp, trường Đại học Lâm nghiệp.
7. Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997: Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
8. Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2001-2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập I, II, III, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
9. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, 1993: Luận chứng kinh tế kỹ thuật rừng văn hoá, di tích lịch sử cảnh quan môi trường Yên Tử.
ThS. Phùng Văn Phê
Đại học Lâm nghiệp
PGS.TS. Trần Minh Hợi
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
TS.Nguyễn Trung Thành
Đại học Quốc gia Hà Nội
CN. Nguyễn Thị Hân
Trường Phổ thông Trung học Lương Tài, số 2 - Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh