Tàu đá - Hopea sp.
|
Vườn Quốc gia phong Nha - Kẻ Bàng, nơi được mệnh danh là mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại trên núi đá vôi lớn nhất của Việt Nam, với 93,8 % diện tích rừng che phủ, trong đó rừng nguyên sinh chưa bị tác động, hoặc ít bị tác động là 88,3 % đang chứa đựng nhiều giá trị tiềm ẩn về đa dạng sinh học chưa được khám phá.
Hệ thực vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Với khu hệ thực vật phong phú và đa dạng gồm 2.651 loài thuộc 193 họ, 906 chi của 6 Ngành thực vật khác nhau. Có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế gới (IUCN). Đặc biệt có một chi đặc hữu đơn loài thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) đó là loài Bần giác, còn gọi là Noi có tên khoa học Oligoceras eberhardtii và 1 loài đặc hữu hẹp thuộc ngành hạt trần mới chỉ thấy trên núi đá vôi ở Việt Nam là loài Bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) có quần thể rộng lớn (gần 4.500 ha) và cổ sơ với tuổi nhiều cây trên 500 năm tuổi, được các nhà khoa học đánh giá là độc nhất có tầm quan trọng toàn cầu. Ngoài ra, có một loài Táu đá (Hopea sp.) là loài đặc hữu chỉ có ở Phong Nha - Kẻ Bàng đang được phân loại để công bố loài mới.
Một nét đặc trưng của khu hệ thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng là sự đa dạng về yếu tố địa lý, về dạng sống và đa dạng về các kiểu thảm. Theo khung phân loại các yếu tố địa lý thực vật của Nguyễn Nghĩa Thìn 1999 và Lê Trần Chấn 1999. Thực vật ở Phong Nha – Kẻ Bàng gồm có 18 yếu tố địa lý khác nhau, trong đó yếu tố đặc hữu Đông Dương chiếm nhiều loài nhất với 509 loài và thấp nhất là yếu tố ôn Bắc đới chỉ có 1 loài.
Thảm thực vật rừng Phong Nha - Kẻ Bàng
Dựa theo hệ thống phân loại và vẽ bản đồ các kiểu thảm thực vật ở Châu Á của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO, 1989), thảm thực vật rừng ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chia thành 10 kiểu thảm chủ yếu như: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới chủ yếu cây lá rộng trên núi đá vôi >700m; Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới chủ yếu cây lá rộng trên núi đất >700m; Rừng kín nhiệt đới chủ yếu cây lá kim trên núi đá vôi >700m; Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới chủ yếu cây lá rộng trên núi đất; Rừng thứ sinh nhân tác trên núi đá vôi…
Rừng thứ sinh sau khai thác trên núi đá vôi:
Kiểu phụ thảm thực vật này phân bố chủ yếu ở ven đường 20 và khu vực tiếp cận điểm quần cư phía Bắc. Nó có nguồn gốc trực tiếp từ kiểu thảm thực vật rừng nhiệt đới thường xanh, ẩm trên núi đá vôi sau khi chịu tác động của con người. Với các loài cây tiên phong ưa sáng, mọc nanh có gỗ mềm như Ba soi, Ba bét, Thung, Màng tang, Hu bọ nẹt, Chẩn, Hèo đá...
Quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác trên đất đá vôi:
Kiểu phụ thảm thực vật này chiếm một diện tích trung bình, tập trung ở khu vực trung tâm, phía Đông đường 20 và nằm kề bên điểm quần cư của xã Tân Trạch. Kiểu rừng này phân bố ở các sườn dốc thoải hoặc các gò đống có đỉnh tròn bằng nằm bên khe suối. Những cây còn sót lại đa phần là những cây gỗ tạp như Đa, Trâm, Sảng, Mắn đỉa... có phẩm chát xấu. Các loài cây gỗ nhỏ và cây bụi phổ biến bao gồm: Sòi tía, Cò ke, Hu, Thầu tấu... Mặt đất nhiều chỗ lộ trơn, chặt cứng và có hiện tượng kết vón, khả năng tái sinh tự nhiên rất kém.
Rừng kín thường xanh nhiệt đới ẩm trên núi đất:
Kiểu thảm thực vật này có diện tích rộng lớn trong khu vực (11.038 ha), phân bố tập trung thành 2 khối lớn: một khối ở phía Đông kéo dài từ suối làng Va, ven theo lộ 20 tới tận Rào Thương. Đặc trưng của khu vực này là nền đá mẹ khác nhau về chủng loại. Tại đây rừng cấu trúc chủ yếu bởi các loài cây gỗ thường xanh. Những cây gỗ rừng lá: Dầu ke, Chò nhai, Sâng, Sổ, Bằng lăng chỉ là những cá thể mọc rải rác. Các loài lá rộng được xem là thành phần cấu tạo chính của các tầng rừng.
Do có phần nền là những loại đất tương đối sâu, dày, ẩm nên rừng sinh trưởng tốt, cây gỗ có đường kính trên dưới 100cm chiếm số lượng nhiều.
Khu hệ thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng thực sự phong phú và đa dạng. Được xem như là một "Kho lưu trữ các nguồn gen hoang dại" đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi lớn nhất tại Việt Nam.
(Nguồn: phongnhakebang.vn)