Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Nghiên cứu thực trạng thủy sinh vật lạ xâm nhập thủy vực Việt Nam và giải pháp quản lý

Cập nhật ngày 4/3/2009 lúc 10:25:00 PM. Số lượt đọc: 1457.

Việc nhập nội các loài ĐVTS lạ làm cho nhiều loài bản địa trở nên khan hiếm và bị đe doạ tiêu diệt. Nghề nuôi cá truyền thống do năng suất thấp nên đã bị thay thế bởi nghề nuôi cá có công nghệ tiên tiến và năng suất cao hơn. Các ĐVTS lạ ở Việt Nam đã làm suy thoái đa dạng sinh học ở nước. Thực tế đã xuất hiện vài loài gây hại lớn nên cần có biện pháp hạn chế ngăn cấm việc nuôi tiến tới tiêu diệt chúng

Tóm tắt

http://banglapedia.search.com.bd/Images/W_0028A.JPGNghiên cứu cho thấy nước ta hiện có 41 loài động vật thủy sinh (ĐVTS) lạ đang hiện diện ở các thủy vực tự nhiên, phân bố ở hầu khắp các vùng trên cả nước: Vùng núi trung du Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Nam Bộ. Trong số đó gặp phổ biến khoảng 10 loài. Việc nhập nội các loài ĐVTS lạ làm cho nhiều loài bản địa trở nên khan hiếm và bị đe doạ tiêu diệt. Nghề nuôi cá truyền thống do năng suất thấp nên đã bị thay thế bởi nghề nuôi cá có công nghệ tiên tiến và năng suất cao hơn. Các ĐVTS lạ ở Việt Nam đã làm suy thoái đa dạng sinh học ở nước. Thực tế đã xuất hiện vài loài gây hại lớn nên cần có biện pháp hạn chế ngăn cấm việc nuôi tiến tới tiêu diệt chúng. Các loài ĐVTS lạ được xếp vào các danh mục Trắng, Xám, Đen và tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài ngành. Bước đầu nghiên cứu cho biết trong số 41 loài có 9 loài là Trắng, 23 loài là Xám, 9 loài là Đen. Các loài được đánh giá là Đen cần được khảo nghiệm chi tiết để có các biện pháp quản lý thích hợp.

Mở đầu

Công tác nhập nội các loài cây trồng và vật nuôi đã diễn ra ở khắp các nước trên thế giới. Nhờ đó mà các loài cây trồng và vật nuôi tại bất cứ một nước nào, một vùng nào đều là các tập hợp (tập đoàn) vừa là của địa phương vừa là của nước ngoài. Thực tế chứng minh không một Quốc gia nào có đầy đủ các loài có giá trị kinh tế, do vậy việc trao đổi nguyên liệu di truyền giữa các nước là việc làm cần thiết và cấp bách. Nhờ vậy rất nhiều vật nuôi cây trồng đã được các nước nhập nội và trở thành đối tượng có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao sản lượng cây trồng vật nuôi tại các nước nhập khẩu. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu và phân tích kỹ về các hoạt động này cho thấy nhiều loài đã gây nên các tác hại xấu đối với các loài bản địa, đối với đa dạng sinh học ở nước, nghề chăn nuôi, trồng trọt nói chung và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống nói riêng. Năm 1991, Công ước Quốc tế về đa dạng sinh học (CBD) ra đời đã khuyến cáo các nước (trong đó có Việt Nam) cần đánh giá, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài mà trước đây gọi là loài nhập nội (exotic species) [24].

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Bộ Thuỷ sản đã giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thực hiện Đề tài nghiên cứu "Thực trạng động vật thuỷ sinh lạ xâm nhập thuỷ vực Việt Nam và các giải pháp quản lý".

Phương pháp nghiên cứu

1. Khảo sát thực địa nơi đã nhập và sinh sống của các loài động vật thủy sinh lạ.

2. Gửi các phiếu điều tra, phỏng vấn đến các hộ nuôi cá tại 64 tỉnh thành phố thuộc 7 vùng kinh tế nông nghiệp.

3. Tham khảo các hồ sơ cho phép nhập nội của cơ quan quản lý nhà nước, các nghiên cứu trong và ngoài nước.

4. Sắp xếp vào các danh mục Đen, Xám, Trắng theo tiêu chí [11]:

TRẮNG: Là loài ĐVTS được nhập nội đã kiểm tra, khảo nghiệm và đưa ra nuôi ở diện rộng với thời gian tương đối dài nhưng chưa phát hiện chúng có khả năng xâm lấn các loài bản địa, hầu như không có có ảnh hưởng gì, có thể đưa vào nuôi.

XÁM: Là loài ĐVTS lạ được nhập nội nhưng chưa rõ nguy cơ hoặc có ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và với người nuôi, cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro và do đó chưa xác định được là có hại.

ĐEN: Là loài ĐVTS lạ được nhập nội xâm hại các loài bản địa, loài này cần có các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ để huỷ bỏ, tiêu diệt, đồng thời áp dụng biện pháp phòng ngừa là cấm nhập. ( Wittenberg và ctv, Shine và ctv, 2000)

Kết quả nghiên cứu

Hiện trạng các loài ĐVTS lạ ở Việt Nam

Qua điều tra thực tế tại 6 vùng kinh tế nông nghiệp Việt Nam kết hợp với nghiên cứu hồ sơ nhập giống Thủy sản - Bộ Thủy sản các năm trước cho thấy trong khoảng hơn một nửa thế kỷ qua, chúng ta đã nhập nội các loài ĐVTS lạ với các mục đích khác nhau: sản xuất thực phẩm, làm cảnh và các mục đích khác là trên dưới 40 loài. Phân tích các loài có mặt chúng ta được biết:

Trung Quốc: 8 loài; Nhật Bản 1 loài; Châu Âu: 2 loài; Hungary: 1 loài; Mỹ: 7 loài; Cuba: 2 loài; Nepan: 1 loài; Ấn Độ: 3 loài; Malaixia: 2 loài; Indonexia: 1 loài; Châu Phi: 6 loài; Nam Mỹ: 7 loài.

+ Số lượng các loài ĐVTS lạ được nhập nội với mục đích sản xuất thực phẩm: 32 loài; làm cảnh bị "thoát" ra sống ở tự nhiên: 6 loài và 3 loài với mục đích khác.

+ Đại đa số các ĐVTS lạ đã thống kê được thuộc nhóm sống ở thủy vực nước ngọt, có 3 loài thuộc nước biển là: Actêmi; Tôm chân trắng, cá Đù Mỹ.

+ Hầu hết các ĐVTS lạ là cá. Thuộc động vật không xương sống có 4 loài; lưỡng cư 1 loài; bò sát 1 loài và thú 1 loài.

+ Nhà nước đã cấm nuôi 3 loài vì tác hại của chúng đối với môi trường là: Chuột hải ly, Ốc bươu vàng, cá Hổ (Pygocentrus nattereri).

+ Các loài ĐVTS lạ đã nhập nhưng do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do không thích nghi được nay đã không gặp hoặc rất ít gặp được ở Việt Nam là: Cá Tầm Trung Hoa; cá Học; cá Vược Mỹ miệng bé; cá Nheo Âu; cá Chình Âu;

- Sản lượng các loài nuôi là ĐVTS lạ nhập nội đã chiếm một tỷ trọng đáng kể song chưa loài nào được xác định là đối tượng xuất khẩu ổn định. Sản lượng các loài cá nuôi truyền thống gốc địa phương như: cá Chép trắng, cá Mè trắng Việt Nam.... đã bị giảm sút trừ cá Tra, cá Basa.

- Số lượng các loài ĐVTS lạ nhập nội nuôi nhưng không kết quả theo ý muốn của người nhập khẩu còn khá nhiều loài.

- Một số loài ĐVTS lạ nhập nội nuôi làm cảnh bị thoát ra ngoài thuỷ vực tự nhiên, tuy chưa gây tác hại đối với đa dạng sinh học ở nước nhưng cũng có một số loài cần đề phòng.

Tình hình phân bố của các loài ĐVTS lạ ở Việt Nam

* Tiến hành nghiên cứu và điều tra khảo sát thông qua các phiếu điều tra, phỏng vấn các đối tượng nêu trên, kết quả cho thấy các loài ĐVTS lạ được phân bố thể hiện tại biểu đồ 1:

Biểu đồ 1: Phân bố các loài theo 7 vùng kinh tế Nông nghiệp Việt Nam

Ghi chú: Vùng I: Vùng Núi trung du Bắc Bộ; Vùng II: Đồng bằng Bắc bộ; Vùng III: Bắc Trung Bộ; Vùng IV: Nam Trung Bộ; Vùng V: Tây Nguyên; Vùng VI: Đông Nam Bộ; Vùng 7: Đồng Bằng Nam Bộ

Qua biểu đồ 1 cho ta thấy các loài ĐVTS lạ xâm nhập tập trung phần lớn tại vùng đồng bằng Bắc Bộ 34 loài, tiếp đến vùng đồng bằng Nam Bộ 26 loài; vùng núi trung du Bắc Bộ 16 loài; vùng Đông Nam Bộ 16 loài.

Đánh giá tác động của việc nhập nội các loài ĐVTS lạ lên nghề nuôi cá truyền thống

Nghề nuôi cá truyền thống (thực chất là thả cá giống sau một thời gian thì thu hoạch) tuy có từ xưa nhưng năng suất thấp không đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp thực phẩm cho nhân dân. Trong khi đó nghề nuôi cá hiện nay với tiến bộ kỹ thuật về công nghệ như sản xuất giống nhân tạo, thức ăn viên, thuốc trị bệnh, công nghệ xử lí chất lượng nước cho ao hồ nuôi cá… đã cho năng suất cao. Do đó nghề nuôi cá truyền thống dần bị thay thế [1, 9, 10]:. Ví dụ như:

• Loài cá Trôi Việt được thay thế bằng hai loài cá Trôi Rô hu và Mrigan

• Loài cá Mè trắng Trung Quốc thay thế loài cá Mè trắng Việt Nam

• Loài cá Trê phi cho lai rộng rãi với các loài cá Trê địa phương

• Loài cá Chép nhập cho lai rộng rãi với cá Chép trắng địa phương

Nghề nuôi cá truyền thống với các loài nuôi gốc bản địa không nhiều và cho năng suất không cao. Nhưng chúng đều là các loài nuôi có giá trị kinh tế cao và đã được mang đi nhập nội tại nhiều nước trên thế giới. Việc nhập nội các loài ĐVTS lạ làm cho nhiều loài bản địa trở nên khan hiếm và bị đe doạ tiêu diệt.

Chính do tác động tiêu cực của loài động vật thủy sinh lạ đối với các loài bản địa nên cần phải thực hiện 2 biện pháp song song là Bảo tồn "in situ" và "ex situ" các loài nuôi bản địa và kiểm soát chặt chẽ các loài động vật thuỷ sinh lạ đang nuôi ở nước ta hiện nay.

Đánh giá tác động của các loài ĐVTS lạ xâm nhập lên ĐDSH ở nước ta

• Phá huỷ nơi ở của các loài địa phương: Ví dụ cá Trắm cỏ đưa vào nuôi ăn cỏ nước ở các hồ, đầm có cỏ nước ở Châu Âu, Châu Phi

• Phá huỷ chuỗi và lưới thức ăn đã hình thành của quần xã sinh vật ở nước đang sinh sống ở địa phương dù nó là vật dữ ăn thịt hay vật lành ăn thực vật hay tảo.

• Thắng lợi trong cạnh tranh chiếm cứ các nơi ở đang bị biến đổi đối với các loài địa phương (quy luật thông thường). Ví dụ cá Chép ở Madagasca, cá Rô phi ở Srilanka

• Xuất hiện các kí sinh trùng, mầm dịch bệnh mới

• Suy thoái di truyền do lai tạp với loài địa phương.

Nhìn chung: Việc nhập nội các ĐVTS lạ vào nuôi ở Việt Nam đã làm suy thoái ĐDSH ở nước. Thực tế đã xuất hiện vài loài gây hại lớn nên cần có biện pháp hạn chế ngăn cấm việc nuôi tiến tới tiêu diệt chúng.

Khuyến khích thuần hoá nuôi các loài địa phương và quản lí chặt chẽ các loài nhập nuôi tại các cơ sở nuôi. Không nên thả loài nhập nội mà chưa nghiên cứu kỹ đặc tính sinh vật học, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và nghề nuôi trồng truyền thống ra nuôi ở các mặt nước lớn (vực nước tự nhiên).

Sắp xếp các loài vào danh sách: Trắng; Xám; Đen

Kết quả đánh giá sắp xếp được thể hiện tại biểu đồ 2:

Biểu đồ 2: Biểu đồ phân bố các loài sắp xếp theo tiêu chí: Đen; Xám; Trắng

Qua biểu đồ 2 cho ta thấy:

- Số lượng loài thuộc danh mục Trắng là 9 loài chiếm 22,0 % tổng số loài ĐVTS lạ xâm nhập thuỷ vực Việt Nam

- Số lượng loài thuộc danh mục Xám là 23 loài chiếm 56,0 % tổng số loài ĐVTS lạ xâm nhập thuỷ vực Việt Nam

- Số lượng loài thuộc danh mục Đen là 9 loài chiếm 22,0 % tổng số loài ĐVTS lạ xâm nhập thuỷ vực Việt Nam

Các loài được sắp xếp vào danh mục Đen cần được đưa vào kế hoạch khảo nghiệm để đánh giá chi tiết toàn diện để có biện pháp quản lý thích hợp theo yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học ở nước và nghề nuôi thủy sản truyền thống, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự phát tán của chúng ở các thuỷ vực tự nhiên để có kế hoạch phòng ngừa, thậm trí tiêu diệt.

Kết luận và kiến nghị

Kết luận

1. Qua nghiên cứu cho biết trong khoảng hơn một nửa thế kỷ qua, số lượng các loài ĐVTS lạ đang có mặt ở các vực nước tự nhiên là 41 loài, phân bố như sau: Vùng núi trung du Bắc Bộ 16 loài, Đồng bằng Bắc Bộ 34 loài, Bắc Trung Bộ 12 loài, Nam Trung Bộ 13 loài, Tây Nguyên 10 loài, Đông Nam Bộ 16 loài, Đồng Bằng Nam Bộ 26 loài. Trong số đó gặp phổ biến khoảng 10 loài.

2. Kết quả khảo nghiệm 6 đối tượng được chọn, là cơ sở ban đầu để đã đánh giá ảnh hưởng của các đối tượng đó đến đa dạng sinh học và nghề nuôi cá truyền thống địa phương. Qua đó có biện pháp quản lý các đối tượng trên.

3. Nghề nuôi cá truyền thống ở nước ta đã có từ thời xa xưa. Các loài cá nuôi truyền thống không nhiều. Cá Chép là loài cá nuôi đã được tuyển chọn để có các dạng biến dị đặc biệt như cá vẩy kính Tây Bắc, Đông Bắc, cá Chép nhiều màu khác nhau. Các loài khác như Mè trắng, Trôi, Trắm hay Tra, basa..đều chưa có biến dị vì chỉ là đánh bắt ở tự nhiên ở dạng cá bột cá con, rồi mang về ao, hồ nuôi. Nghề nuôi cá truyền thống do năng suất thấp nên đã bị thay thế bởi nghề nuôi cá có công nghệ tiên tiến và năng suất cao hơn.

4. Đã có một số tác hại đối với đa dạng sinh học ở nước của địa phương do việc nhập nội các loài ĐVTS lạ trong thời gian qua. Một số loài trở nên khan hiếm do cạnh tranh thức ăn và nơi ở như cá Mè trắng Việt Nam, cá Trôi Việt, cá Chép Việt...một số bị lai tạp như các loài cá Trê ở địa phương.

5. Dựa trên 8 nguyên tắc để sắp xếp các loài ĐVTS lạ vào các danh mục Trắng; Xám; Đen và tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài ngành. Bước đầu nghiên cứu cho biết trong số 41 loài có 9 loài là Trắng, 23 loài là Xám, 9 loài là Đen. Các loài được đánh giá là Đen cần được khảo nghiệm chi tiết để có các biện pháp quản lý thích hợp.

Kiến nghị

1. Các loài ĐVTS lạ nếu được xếp vào Danh mục ĐEN, cần từng bước loại trừ chúng. Các loài được xếp vào danh mục XÁM cần tiếp tục theo dõi quản lý chúng, không phát triển rộng hơn các vùng hiện chúng đang phân bố.

2. Nhà nước (Các Bộ liên quan nhất là Bộ Thủy sản) cần tăng cường củng cố tổ chức và thể chế trong việc kiểm soát và quản lý các loài ĐVTS lạ ở Việt Nam.

3. Hiện tại Bộ mới quản lý đối tượng nuôi thương phẩm, còn đối tượng nuôi làm cảnh, phục vụ vui chơi giải trí, chưa có sự quản lý. Do vậy đã có dấu hiệu một số loài nuôi làm cảnh gây hại đã phát tán ra ngoài tự nhiên gây hậu quả xấu đến môi trường. Đề nghị Bộ có văn bản quy định việc quản lý loại đối tượng nêu trên.

4. Do khuôn khổ đề tài có hạn nên chưa đề cập tới thực vật thuỷ sinh, các loại tảo du nhập vào Việt Nam. Đề nghị Bộ cho đề tài tiếp tục thực hiện những nội dung còn lại, đồng thời khảo sát sự di nhập các loài ĐVTS từ các vùng sinh thái khác nhau trong toàn quốc để có biện pháp quản lý toàn diện thuỷ sinh vật lạ xâm nhập các thuỷ vực.

Lê Thiết Bình, Nguyễn Việt Cường
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản

Anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024