Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen thực vật ở vườn quốc gia Bạch Mã

Cập nhật ngày 19/3/2009 lúc 1:32:00 PM. Số lượt đọc: 1890.

Vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM) có một vị trí địa lý tương đối đặc biệt. Là phần cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc, trung tâm của dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất ở Việt nam nối từ biển đến biên giới Việt - Lào, nơi có hệ sinh thái và hệ động thực vật rất phong phú, mang tính đặc trưng hiếm có giao thoa giữa hai miền bắc nam.

Vườn có diện tích là 22.030 ha, nhiệm vụ chính là bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm và hệ sinh thái đặc biệt quan trọng bằng các giải pháp tổng hợp là thực thi pháp luật; tổ chức các chương trình phát triển cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm xoá đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm; tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn; tổ chức nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu thực nghiệm phục vụ các mục tiêu bảo tồn...

Từ những công trình nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước, trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến kết quả bước đầu nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen thực vật tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Các nhóm loài có nguy cơ bị đe doạ ở Bạch Mã

Trong chương trình hành động đa dạng sinh học ở Việt Nam, Bạch Mã là một trong 6 khu vực để bảo tồn đa dạng thực vật. Ngoài ra Bạch Mã là 1 trong 7 khu vực tập trung các loài quý hiếm đang có nguy cơ bị đe doạ (Mackinnon 1991, 1994), Qua nhiều kết quả điều tra nghiên cứu tài nguyên đa dạng sinh học được tiến hành từ 1993 - 2005 đã xác định được ở VQGBM có 2147 loài thực vật trong đó gồm 3 ngành nấm với 332 loài; 1 ngành rêu với 87 loài; 4 ngành thực vật khuyết hạt gồm 180 loài; và 2 ngành thực vật có hạt gồm 1.548 loài; về động vật có 1.493 loài, 917 giống, 240 họ, 51 bộ, thuộc 6 lớp.

Và gân đây nhất, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu các nhóm loài thực vật có nguy cơ suy thoái ở Vườn quốc gia Bạch Mã cũng như đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững. Kết quả đạt được như sau: Thực vật của VQGBM có 125 loài nguy cấp chiếm 7,58% tổng số loài, bao gồm 91 chi (chiếm 12,08% số chi), 49 họ (chiếm 25,52% số họ) và 4 ngành, trong đó ưu thế thuộc ngành Hạt kín chiếm 90,4%. Các loài nguy cấp tập trung ở các hộ Phong lan (Orchidaceae) 23 loài, họ Dầu (Dipterocarpaceae) 10 loài, họ Mua (Melastomataceae) 9 loài và họ Tiết dê (Menispermaceae) 7 loài và ở các chi Dipterocarpus - 3 loài, Dalbergia - 3 loài, Medinilla - 3 loài, Stephania - 4 loài, Bulbophyllum - 3 loài, Cymbidium - 3 loài, Dendrobium - 5 loài. Hiện nay toàn Vườn có 64 loài nguy cấp ở phạm vi Việt Nam chiếm 3,88% số loài của Vườn được đưa vào trong sách Đỏ - Phần thực vật (1996) bao gồm 3 loài đang nguy cấp (E), 17 loài sẽ nguy cấp (V), 22 loài hiếm (R), 11 loài bị đe doạ (T) và 11 loài không biết chính xác (K). Trong đó ngành Hạt kín có 52 loài chiếm 81,25% của tổng số. Chiếm đa số là các loài thuộc lớp hai lá mầm: 38 loài chiếm 59,4% số loài bị đe doạ. Có 3 họ có số loài có nguy cơ suy thoái cao là: họ Phong lan (Orchidaceae) với 17 loài; họ Dầu (Dipterocarpaceae) có 4 loài; họ Kim Giao (Podocarpaceae) cũng có 4 loài. Lân đầu chúng tôi đã bổ sung 23 loài nguy cấp ở phạm vi toàn cầu chiếm 1,4% tổng số loài của Vườn có tên trong Danh mục thực vật bị đe doạ của IUCN (2000). Bao gồm 6 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 8 loài nguy cấp (E), 5 loài sắp nguy cấp (VU), 1 loài ít nguy cấp nhưng sắp bị đe doạ (LC/nt), 3 loài thiếu dữ liệu (DD). Có 23 loài được bảo vệ theo pháp luật của Việt nam chiếm 1,39% số loài của Vườn (Nghị định số 48/2002/NĐ - CP) bao gồm 6 loài thuộc nhóm IA, 17 loài thuộc nhóm IIA. Đặc biệt có 26 loài nguy cấp ở phạm vi buôn bán toàn cầu chiếm 1,67% số loài của Vườn được ghi nhận trong các Phụ lục của Công ước CITES (2001). Kết quả phỏng vấn điều tra người dân địa phương và những người có liên quan khác bước đầu đã cho phép chúng tôi xác định ở khu vực nghiên cứu có 54 loài nguy cấp trong  phạm vi của VQGBM chiếm 3,28% số loài của Vườn. Bao gồm 43 chi, 28 họ, 3 ngành. Trong đó ngành Hạt kín chiếm tỷ lệ lớn nhất 88,89%, tiếp đến ngành Hạt trần chiếm tỷ lệ 9,26% và cuối cùng là ngành Dương xỉ 1,85%. Các họ có nhiều loài: họ Phong Lan (Orchidaceae) 9 loài, họ Dầu (Dipterocarpacea) 5 loài, họ Trúc đào (Apocynaceae) 4 loài. Có 3 loài được đánh giá tuyệt chủng (EX) chiếm 5,56%, 17 loài đang bị nguy cấp (E) chiếm 31,48%, 16 loài sắp bị nguy cấp (V) ciếm 29,63%, có 13 loài hiếm (R) chiếm 24,07%, có 5 loài bị đe doạ (T) chiếm 9,2%. Trong đó bổ sung thêm 13 loài lần đầu tiên được xem là nguy cấp ở Bạch Mã cần có biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên do thời gian hạn chế nên chưa nghiên cứu đầy đủ, cần phải có những công trình tiếp tục để làm rõ thêm tình hình bảo tồn của chúng.

Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên (những đặc điểm nổi bật về tài nguyên thiên nhiên) được xác định: vùng có nhiều loài bị đe doạ ở mức độ trong nước và thế giới; một vùng được công nhận là cái nôi của vùng với nhiều loài đặc hữu, cả ở trong nước và thế giới. Là vùng phân chia hai miền về mặt địa lý sinh học và khác nhau về độ cao, thêm vào đó lại có một số lượng lớn về các loài trên một diện tích hẹp.

Một yếu tố quan trọng trong sự duy trì và phục hồi dải rừng xanh còn lại cuối cùng ở Việt Nam được nối liền với núi non của Lào để duy trì quần thể thú lớn ở miền Trung Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen thực vật tại VQG Bạch Mã

Từ những dẫn liệu do kết quả điều tra đa dạng sinh học ở VQGBM, việc nghiên cứu bảo tồn nguồn gen là một hướng nghiên cứu quan trọng nhằm đánh giá tiềm năng và đề xuất các giải pháp bảo tồn tại chỗ (in-situ convervation), bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ conservation) hoặc bảo tồn trang trại (on-farm conservation) đối với các loài đang có nguy cơ đe doạ ở Vườn quốc gia Bạch Mã.

Từ năm 1999 đến nay, trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen VQGBM đã nghiên cứu thành công, bảo tồn được một số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như: Hoàng đàn giả (Dacrydyum elatum (Roxb) Wallich ex Hooker) là đối tượng quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam ở cấp bảo vệ K, phân bố trên các đỉnh núi cao của Bạch Mã từ 700 m trở lên, đặc biệt tập trung nhiều ở tiểu khu 231. Vườn quốc gia Bạch Mã đã có chương trình khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này (in-situ) và đã trồng rừng thử nghiệm thành công 0,5 ha ở tiểu khu 231 đối với những cây đã nhân giống bằng hom. Chương trình đang còn tiếp tục nghiên cứu bảo tồn theo hai hướng in-situ và ex-situ ở vùng lõi và vườn cây sưu tập tại VQGBM. Cây Hồi hoa nhỏ (Illicium parvifolium Merr) là loài nằm trong sách đỏ Việt Nam thuộc dạng nguy cấp R, phân bố ở độ cao 600m trở lên, đặc biệt tập trung nhiều ở tiêu khu 231, là loài có giá trị trong sản xuất tinh dầu hồi, đã có chương trình khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt những khu vực có sự phân bố của loài này theo hướng bảo tồn in-situ ở vùng lõi VQGBM. Cây Re hương (Cinnamomum parthenoxylum (Jack) Meissn) là loài cây trước đây bị khai thác rất nhiều để lấy tinh dầu xá xị, nên hiện nay số lượng còn lại rất ít. Đặc biệt, vấn đề tái sinh của Re hương rất kém, số lượng ngày càng giảm nên vấn đề nghiên cứu bảo tồn loài này là rất cần thiết. Chúng tôi đã xác định được vùng phân bố của loài này ở các tiểu khu 231, 207, lập ô định vị, khoanh  nuôi bảo tồn in-situ loài này. Đã nhân giông thành công bằng hom và trồng thử nghiệm tại vườn sưu tập. Đề tài đang tiếp tục nghiên cứu bảo tồn theo hai hướng ex-situ, in-situ tại vùng lõi và bảo tồn on-farm ở vùng đệm VQGBM. Cây Chò đen (Parashorea stellata Kurs) là cây gỗ quý bị người dân khai thác nhiều và có nguy cơ bị tuyệt chủng, được đưa vào sách đỏ Việt Nam với mức độ nguy cấp bậc E, vì vậy việc nghiên cứu bảo tồn loài này là rất cần thiết. Chúng tôi đã tiến hành điều tra phân bố và đã xác định được các vùng phân bố tại các khu: 210, 229, 208, 290; đã tiến hành lập ô định vị để theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển; thu hái hạt và gieo ươm thành công. Chương trình đang còn tiếp tục nghiên cứu bảo tồn loài này và theo hai hướng ex-situ và in-situ tại vùng lõi ở VQGBM. Cây Kim giao lá nhỏ (Nageia fleuryi de Laub) là loài thuộc ngành hạt trần, cây gỗ quý, dáng đẹp nên bị nhân dân khai thác nhiều để làm gỗ dân dụng và mỹ nghệ, hiện nay còn lại rất ít và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, được xếp vào cấp đỏ V trong Sách Đỏ Việt Nam. Chúng tôi đã tiến hành điều tra nghiên cứu xác định được vùng phân bố nằm ở các tiểu khu 370, 372, 284, 385 và thu hái hạt để gieo ươm thành công. Đề tài đang tiếp tục nghiên cứu bảo tồn loài này theo hai hướng ex-situ và in-situ tại VQGBM.

Cây Chóc máu hay còn gọi là Chóp mao (Salacia chinensis L.) là loài cây thuốc quý được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Chóc Tương được nghiên cứu vào đầu năm 2005 và đã thu được một số kết quả khả quan là đã xác định được vùng phân bố, nhân giống bằng hom và bằng hột thành công. Đề tài đang tiếp tục nghiên cứu bảo tồn loài này theo ba hướng in-situ, ex-situ và on-farm tại vùng lõi và vùng đệm VQGBM.

Kiến nghị

Từ những kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau: Cần tăng cường đầu tư cho chương trình bảo tồn tại chỗ (in-situ) và chuyển chỗ (ex-situ) ở các vườn quốc gia và các khu bảo tồn; có chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác bảo tồn chuyên sâu hơn để có khả năng giám sát đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng; ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp các vườn sưu tập thực vật có đủ dung lượng cá thể của các loài đang có nguy cơ bị đe doạ hoặc bị tuyệt chủng để đảm bảo công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, đồng thời tạo cảnh quan du lịch góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn các loài này đối với cộng đồng. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế thống nhất quản lý vùng đệm, xây dựng một số mô hình vườn rừng, trồng cây phân tán đến từng hộ gia đình theo hướng bảo tồn nông trại (on-farm) một số loài cây quý hiếm bị đe doạ có giá trị cao. Song song đó tăng cường hợp tác và phối hợp nghiên cứu bảo tồn nguồn gen đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xác định mục tiêu bảo tồn loài, nhóm loài trong chương trình kế hoạch quản lý VQGBM vào thời gian tới.

Huỳnh Văn Kéo - Ngô Viết Nhơn
Vườn Quốc gia Bạch Mã - Thừa Thiên Huế

Anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024