Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Xây dựng Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam

Cập nhật ngày 31/3/2009 lúc 6:52:00 PM. Số lượt đọc: 4406.

Do khai thác liên lục nhiều năm, cùng với nhiều nguyên nhân tác động khác, nguồn tài nguyên cây thuốc nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, ngay từ năm 1986, vấn đề bảo tồn cây thuốc chính thức được đề ra, trong một chương trình Nhà nước thường xuyên về bảo tồn nguồn gen và giống Động – Thực vật và Vi sinh vật. Trong đó, bảo tồn các loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng là những đối tượng được ưu tiên. Vậy dựa trên cơ sở nào để có thể lập được danh sách các loài cây thuốc cần ưu tiên bảo tồn?

Vài nét về nguồn cây thuốc Việt Nam hiện nay

Thông tin từ tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1985 cho biết, hiện đã có khoảng 20.000 loài (trong số 250.000 loài thực vật bậc cao và bậc thấp đã biết) được trực tiếp sử dụng làm thuốc hoặc có xuất xứ cung cấp các hoạt chất tự nhiên để làm thuốc. Trong đó ở Ấn Độ có trên 6.000 loài, Trung Quốc 5.136 loài.

Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra tương đối có hệ thống của Viện Dược liệu, từ năm 1961 đến nay đã phát hiện và thống kê được 3.948 loài thực vật làm thuốc (bao gồm cả Tảo và Nấm). Trong số đó, có tới trên 90% số loài là những cây thuốc mọc tự nhiên. Chúng cung cấp tới 2/3 trong tổng số 30 – 50.000 tấn dược liệu được sử dụng ở trong nước mỗi năm và xuất khẩu.

Do khai thác thiếu chú ý bảo vệ tái sinh, cùng nạn phá rừng lấy đất canh tác và nhiều nguyên nhân khác, đã làm cho vùng phân bố tự nhiên cũng như toàn bộ nguồn tài nguyên cây thuốc ở nước ta giảm đi nhanh chóng. Hiện có thể khẳng định rằng, hầu hết các loài cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao như: Đảng sâm (Codonopsis javanica Blume), Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflorum (Thunb.) Haraldson), Ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus (L.) Merr.), Vàng đắng (Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr.)… do khai thác quá mức, đã trở nên cạn kiệt. Nghiêm trọng hơn là đối với những cây thuốc vốn vẫn được coi là quí hiếm, như Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamense Ha et Grushv.), Sâm vũ diệp (P. bipinnatifidus Seem.), một số loài Hoàng liên (thuộc chi Coptis, Berberis, Thalictrum), Hoàng tinh (thuộc chi Polygonatum và Disporopsis)… do bị tìm kiếm khai thác gắt gao, nên đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Bởi vậy, bảo tồn nguồn cây thuốc ở Việt Nam hiện nay, trước hết cần ưu tiên đối với những loài thuộc đối tượng kể trên.

Xây dựng Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam

Khung phân hạng của IUCN là cơ sở để đánh giá tình trạng bị đe dọa đối với các loài. Với mục đích khuyến cáo và định hướng cho công tác bảo tồn, từ nhiều năm trước đây, Ủy ban về sự sống sót của các loài (SSC) thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN), đã cố gắng thu thập thông tin để xác lập nên Danh mục, gọi là SÁCH ĐỎ (The IUCN Red Data Book Categories). Trong đó bao gồm các loài Động – Thực vật bị đe dọa tiêu diệt ở quy mô toàn cầu.

Để có cơ sở lựa chọn các loài đưa vào Danh lục Đỏ và Sách Đỏ, ngay từ đầu những năm 70, IUCN đã đưa ra một khung phân hạng, bao gồm các tiêu chuẩn về sự suy giảm và tính hiếm gặp… Tuy nhiên trong quá trình làm công tác bảo tồn, các nhà khoa học đã nhận thấy, tiêu chuẩn của khung phân hạng này còn thiếu tính khách quan. Vì thế, sau nhiều năm nghiên cứu, cuối năm 1994 IUCN đã đưa ra một khung phân hạng mới, khắc phục được các hạn chế trên. Tiêu chuẩn đề ra cho mỗi thứ hạng nay đã được xác định trên cơ sở lượng hóa các dẫn liệu về khu phân bố, kích thước và xu thế biến đổi của quần thể cũng như cả về số lượng cá thể trưởng thành của mỗi loài hay mỗi taxon.

Các thứ hạng trong khung phân hạng 1994 bao gồm:

EX (đã bị tuyệt chủng hoàn toàn)

EW (đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên)

(Th) Bị đe dọa gồm:

CR (cực kỳ nguy cấp)
EN (đang bị nguy cấp)
VU (sắp bị nguy cấp);

(LR) Rủi ro thấp gồm:

CD (bảo tồn phụ thuộc)
NT (sẽ đe dọa)
LC (ít quan trọng)

Đi kèm với các cấp phân hạng này là các dẫn liệu về hiện trạng và xu thế biến đổi của quần thể, phân bố và cá thể, được ký hiệu bằng A -> E, 1 -> 2 và a -> e.

Sơ đồ khung phân hạng của IUCN

Căn cứ vào các tiêu chuẩn trong mỗi thứ hạng, có thể khẳng định rằng, khung phân hạng mới của IUCN, là cơ sở khoa học quan trọng nhất, để xác định các loài và taxon ưu tiên trong công tác bảo tồn.

Xây dựng Danh lục Đỏ cây thuốc phục vụ cho công tác bảo tồn ở Việt Nam

Trước tình hình suy giảm nhanh chóng nguồn cây thuốc tự nhiên ở Việt Nam, từ năm 1984 cho tới nay chúng tôi đã nhiều lần áp dụng khung phân hạng của IUCN để đánh giá tình trạng bị đe dọa đối với một số loài.

Kết quả, đầu năm 2001, một Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam được công bố, với 114 loài cây thuốc, thuộc 68 chi, 47 họ thực vật có mạch bậc cao đã được phân hạng theo khung 1994 của IUCN. Trong đó, thuộc cấp CR có 23 loài; EN: 42 loài; VU: 48 loài và LR: 1 loài do dang phụ thuộc vào nỗ lực bảo tồn. So với một Danh lục Đỏ cây thuốc phân hạng theo khung tiêu chuẩn cũ (Nguyễn Tập, 1997: 125 loài) hay so với Sách Đỏ Việt Nam – Phần thực vật, 1996 (106 loài), số lượng loài trong các công bố trên không hoàn toàn giống nhau. Điều này có thể được lý giải là theo IUCN, số loài trong Danh lục Đỏ hay Sách Đỏ của vùng hay mỗi quốc gia là một đại lượng luôn biến động. Chúng có thể được điều chỉnh về cấp phân hạng hoặc được thêm vào và bớt đi, sau một thời gian nhất định, đã thu thập bổ sung được các loại thông tin, đủ cho phép đánh giá lại.

Đến năm 2006, những dẫn liệu mới đã giúp chúng tôi xem xét lại cấp phân hạng của một số loài và bổ sung thêm vài loài mới vào Danh lục Đỏ năm 2006. Kết quả, Danh lục Đỏ mới hiện có 144 loài cây thuốc, thuộc 58 họ của 5 ngành và nhóm thực vật bậc cao có mạch.

Trong Danh lục Đỏ, mỗi loài cây thuốc được đề cập tóm tắt một số thông tin về: Tên gọi: tên thường gọi thông dụng, tên gọi theo các địa phương/ dân tộc (nếu có), tên khoa học chính thức và tên synonym (nếu có) – năm công bố, họ thực vật; Công dụng làm thuốc chủ yếu (bộ phận dùng); Phân bố: trong nước và thế giới; Tình trạng: nêu tóm tắt cơ sở để phân hạng, thứ hạng đã xếp theo IUCN-1994.

Lưu ý rằng, so với SÁCH ĐỎ, các thông tin trong DANH LỤC ĐỎ thường rất tóm tắt, không đi sâu về các phần mô tả hình thái loài và biện pháp bảo vệ.

Kết luận

Sau nhiều năm điều tra nghiên cứu, bổ sung được nhiều thông tin, hiện đã xác định ở nước ta có 144 loài; thuộc 79 chi của 5 ngành thực vật là những cây thuốc đang bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, để đưa vào DANH LỤC ĐỎ CÂY THUỐC VIỆT NAM. Trong đó có 18 loài thuộc diện đang cực kỳ bị nguy cấp (CR), 42 loài đang bị nguy cấp (EN) và 74 loài sẽ lâm vào tình trạng bị nguy cấp (VU). Với những thông tin đã được đề cập trong mỗi loài, Danh lục Đỏ sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho công tác bảo tồn cây thuốc ở Việt Nam hiện nay.

Tham khảo thêm

1 Nguyễn Tập, 2001. Áp dụng khung phân hạng mới của IUCN (1994) để đánh giá tình trạng bị đe dọa đối với các loài cây thuốc cần bảo tồn ở Việt Nam. Tạp chí Dược liệu, số 2 + 3 (6) tr.42-45 ; Số 4 (6) tr. 97-100.
2 - Nguyễn Tập, 2006. Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam - 2006. Tạp chí Dược liệu, số 3 (11) 97-105.

N.Q.Nga (Viện Dược liệu)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025