Thông tin chung
 Phi lao - Casuarina equisetifolia - Cành mang quả, ảnh theo biologie.uni-regensburg.de
|
Tên thường gọi: Phi lao
Tên khác: Thông, Dương
Tên tiếng Anh: casuarina
Tên khoa học:
Casuarina equisetifolia J.R et G. Forst.
Thuộc họ Phi lao - Casuarinaceae
Mô tả
Cây gỗ lớn. Rễ có nốt như các cây họ Ðậu. Cành chia đốt, mỗi mấu mang một vòng cành nhỏ. Lá mọc vòng thành một bẹ ngắn, mang 6-20 vẩy màu nâu. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa được xếp thành hàng chồng chất lên nhau. Hoa cái bao bọc trong hai lá bắc, giảm thành một bầu 2 ô, chỉ còn lại một ô phát triển với 1-2 noãn. Quả thóc có cành bào tử 2 lá bắc rắn lại thành như một cái đấu.
Hoa ra vào mùa hạ.
Công dụng làm thuốc
Ở Ấn Ðộ, người ta dùng vỏ trị ỉa chảy và lỵ; nước sắc lá dùng trị đau bụng.
Ở Inđônêxia, người ta lại dùng vỏ chữa đau dạ dày, ruột, lỵ, ỉa chảy; lại dùng điều kinh, chữa bệnh khi thai nghén, bệnh tê phù và nhức đầu.
Ở Trung Quốc, người ta thường dùng vỏ thân và lá với những tác dụng như đã nêu; lá được dùng trị sán khí.
Ở nước ta, lá Phi lao được dùng xông chữa bệnh tổ đỉa và bệnh ngoài da, còn quả Phi lao được dùng để chữa chàm bìu dái.
Đơn thuốc chữa chàm bìu dái: Quả Phi lao khô 300g, Tóc rối 20g, kẽm oxýt 10g, dầu Lạc hay dầu Dừa 50ml. Quả Phi lao và Tóc rối, đem đốt tồn tính, rồi nghiền nhỏ thành bột than mịn rồi trộn với kẽm oxýt, sau đó đổ từ từ dầu Lạc, đánh thành thuốc mỡ. Dùng bôi hàng ngày, từ 8-15 ngày, có thể đến 20 ngày đối với bệnh trung bình và cấp tính, với bệnh mạn tính thì ít kết quả hơn.
Công dụng khác
Gỗ dùng làm cột điện, gỗ trụ mỏ, nguyên liệu giấy, đóng một số đố mộc thông thường, cành ngọn dùng làm chất đốt nhất là vùng nông thôn ven biển.
Phi lao là loài cây có giá trị cao trong việc trồng rừng phòng hộ chống cát bay ven biển, cải tạo đất, mọc tốt trên vùng cát có nguy cơ hoang mạc, sa mạc hóa, (cho đến nay vẫn chưa có loài cây nào thay thế được. Ðể chặn đứng hiểm họa cát di động ở vùng cực kỳ nóng hạn Tuy Phong-Bình Thuận, đúc kết từ một công trình nghiên cứu từ năm 1986, giáo sư Lâm Công Ðịnh (Viện Kinh tế sinh thái Tp.Hồ chí Minh) đã đề xuất chìa khoá giải quyết với quy trình gồm 10 biện pháp kỹ thuật liên hoàn trong đó loài cây phi lao là một trong các biện pháp kỹ thuật đầy tính sáng tạo này.

Phi lao trong nghệ thuật bonsai, ảnh theo artofbonsai.org
Phân bổ tự nhiên
Phi lao có xuất xứ từ Australia, được du nhập và gây trồng rộng rãi dọc các các vùng đồng bằng và các tỉnh duyên hải miền Trung nước ta, đặc biệt phi lao là loài cây có giá trị tuyệt vời trong việc phòng hộ chống cát bay, xâm thực ven biển, hạn chế hoang mạc hóa, thể hiện từ công trình chống cát Nam Quảng Bình nổi tiếng vào những năm cuối thập niên 50 cho đến công trình trồng rừng chống cát di động tại Tuy Phong-Bình Thuận cách 30 năm sau cùng do giáo sư Lâm Công Ðịnh chủ trì thực hiện và tổng kết.
Đặc tính sinh thái
Là loài ưa sáng, phi lao có thể gây trồng ở nơi có lượng mưa từ 1.500-2.000 mm/năm, nhiệt độ trung bình tháng lạnh l5 độ C, tháng nóng nhất 26-29 độ C, thích hợp nhất với đất cát ven biển. Ðặc biệt trong điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, lượng mưa chỉ đạt khoảng trên dưới 500mm/năm, nhiệt độ không khí trên 30 độ C, phi lao cũng có thể chịu đựng để vượt qua được.

Phi lao trồng thành rừng chắn cát, chắn sóng trên bờ biển, bãi tắm đẹp hơn dưới hàng dương, ảnh theo killerplants.com
Kỹ thuật tạo cây con và trồng rừng
Quả chai vỏ thường có màu vàng nhạt hoặc một phần quả có màu cánh dán, mắt quả to mẩy, nhân hạt chắc, cứng , một số mắt quả nứt để hạt tung ra ngoài. Nếu được bảo quản lạnh, hạt phi lao có thể cất trữ được 1-2 năm.
Trước khi gieo, ngâm hạt trong nước ẩm 45 độ C và để nguội dần sau l0-12h, vớt ra cho vào túi vải ủ trong bao tải, mỗi ngày rửa lại 1 lần trong nước ầm 30-40 độ C, khi hạt nút nanh đem gieo ra luống. Sau 8-10 ngày khi cây mạ cao 2-3cm thì nhổ cấy vào túi bầu 15x20cm hay 12x20cm với ruột bầu có tỉ lệ đất cát trẽn 50%. Tưới thường xuyên trong 3 tháng đầu mỗi ngày tưới 1 lần, 4-5lít/m2, 15 ngày làm cỏ phá váng 1 lần, tưới NPK pha loãng 1 %.
Cây xuất vườn phải đạt 7-8 tháng tuổi, có chiều cao l - l,20m, đường kính cổ rễ > 1cm.
Ngoài phương pháp tạo cây từ hạt, có thể tạo cây con bằng cành (dân gian thường gọi là lá) theo phương thức nhân vô tính, đặc biệt áp dụng đối với các giống phi lao chịu hạn Trung quốc dòng 601 ,701 mà Trạm giống cáy trồng Hàm Minh thuộc Trung tâm giống cây trồng Bình Thuận đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua.
Trong trồng rùng phòng hộ,phi lao có thể trồng theo mật độ từ 2.500-3.300 cây/ ha (2x2m hoặc 2 x l.5m) tùy theo kỹ thuật thiết kế cụ thể.
Nguồn: home.hotronongnghiep.com và Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh