Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TÀI NGUYÊN THỰC VẬT VIỆT NAM

Họ Thầu dầu (euphorbiaceae) ở Việt Nam - nguồn nguyên liệu chứa hoạt chất sinh học phong phú và đầy tiềm năng

Cập nhật ngày 23/10/2009 lúc 10:30:00 AM. Số lượt đọc: 14624.

Trong Hệ thực vật Việt Nam, Thầu dầu (Euphorbiaceae) là một trong số các họ có số loài đa dạng và phong phú nhất. Đây cũng là họ có những loài cây kinh tế, cây thuốc có giá trị ở Việt Nam. Đáng chú ý trong số đó là: Cao su (Hevea braziliensis) - một cây công nghiệp quan trọng, tiếp theo là Sắn (Manihot esculenta) - nguồn nguyên liệu cho tinh bột có giá trị ở các tỉnh trung du, miền núi và Tây Nguyên.

Một số loài là cây cho dầu béo (Thầu dầu - Ricinus communis; Trẩu - Vernicia fordii, V. montana; Lai - Aleurites moluccana; Đen - Cleidiocarpon cavaleriei, C. laurinum; Dầu mè - Jatropha curcas…). Đến nay, đã thống kê được khoảng 75 loài thuộc 30 chi trong họ Thầu dầu được sử dụng làm thuốc trong y học dân tộc ở nhiều địa phương trong cả nước. Một số sản phẩm thuốc như “HEPAMARIN”, “XUVIR”, “TRIVIGA” dùng chữa trị các bệnh về gan; “ABANA” có tác dụng hạ lipid, ức chế tổng hợp cholesterol ở gan… đã được chế biến từ các loài Diệp hạ châu đắng (Phyllanthum amarus), Chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria), Me rừng (Phyllanthus emblica)… Gần đây có “Trà hoà tan MALLOTUS” thực phẩm chức năng dùng hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, đã được chế biến từ loài Ba bét trắng (Mallotus apelta). Những thông tin đã có cho thấy, hầu như tất cả các chi và loài trong họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) đều có khả năng sinh tổng hợp và tích luỹ các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao. Trong đó có nhiều hợp chất thuộc các nhóm triterpenoid, flavonoid, ancaloid, diterpenoid, phorbol diterpen, phorbol ester, benzopyran… có hoạt tính kháng oxy hoá, gây độc tế bào, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm… được chiết xuất từ những loài thuộc các chi Ba bét (Mallotus), Ba đậu (Croton), Me (Phyllanthus), Dầu mè (Jatropha), Đơn tía (Excoecaria)…

Phương pháp nghiên cứu

Thu thập, xử lý, hệ thống các thông tin đã có, đặc biệt là về các đặc điểm sinh học, hoá học và công dụng. Tổ chức các đợt điều tra, nghiên cứu thực địa, thu mẫu một số loài của những chi có nhiều triển vọng để nghiên cứu về các đặc điểm sinh học, phân tích, tách chiết, xác định các hợp chất tự nhiên và thử hoạt tính sinh học. Áp dụng các phương pháp điều tra trong cộng đồng để thu thập tri thức bản địa về việc khai thác, sử dụng các loài thuộc họ Thầu dầu để làm thuốc trong y học dân gian.

Mẫu vật sau khi thu được giám định tên khoa học, xử lý sơ bộ để ổn định hoạt chất, sau đó được chiết bằng MeOH, tạo hợp chất thô. Phân lập các hợp chất bằng sắc ký lớp mỏng (TLC), sắc ký lớp mỏng điều chế, sắc ký cột (CC), sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Xác định cấu trúc một số hợp chất bằng các phương pháp phổ hiện đại (phổ khối lượng - MS, phổ tử ngoại - UV, phổ cộng hưởng từ hạt nhân - NMR, phổ hồng ngoại - IR). Hoạt tính của nhiều hợp chất đã được thử nghiệm in vitro và in vivo.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

1. Sự đa dạng của họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) ở Việt Nam

Trong Hệ thực vật Việt Nam, Thầu dầu (Euphorbiaceae) được coi là họ lớn, giàu loài thứ tư (sau các họ Lan - Orchidaceae, Đậu - Leguminosae, Lúa - Graminae) trong số 305 họ Thực vật bậc cao có mạch. Ở Việt Nam, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) hiện đã biết có 75 chi cùng khoảng trên 450 loài và 16 thứ; trong số đó có 1 chi (Noi – Oligoceras), cùng 131 loài (chiếm 31,58% số loài của cả họ) và 9 thứ (khoảng 56,25%) được coi là đặc hữu. Phần lớn các loài và thứ đặc hữu đều chỉ gặp phân bố rất hạn chế ở một vài địa phương trong cả nước. Sách Đỏ Việt Nam (1996, 2007) đã ghi nhận có 5 loài của họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) thuộc loại quý hiếm và bị đe doạ tuyệt chủng.

Các chi có số loài phong phú và đa dạng nhất trong họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) lần lượt là: Me (Phyllanthus) - 48 loài, Ba đậu (Croton) - 45 loài, Ba bét (Mallotus) - 37 loài, Chòi mòi (Antidesma) - 29 loài; các chi Cỏ sữa (Euphorbia), Bọt ếch (Glochidion) và Mòng lông (Trigonostemon) đều có 26 loài, Rau ngót (Sauropus) - 23 loài. Các chi có trên 10 loài gồm: Bồ cu vẽ (Breynia), Ba soi (Macaranga), Cách hoa (Cleistanthus), Thàu táu (Aporosa), Thổ mật (Bridelia), Da gà (Actephila). Tai tượng (Acalypha) - 8 loài. Tới 30 chi chỉ có 1 loài duy nhất. Những chi còn lại thường gồm 2 - 4 loài. Các chi có số loài được coi là đặc hữu phong phú lần lượt là: Me rừng (Phyllanthus) - 26 loài, Ba đậu (Croton) - 19 loài, Mòng lông (Trigonostemon) - 10 loài, Rau ngót (Sauropus) - 9 loài, Bồ cu vẽ (Breynia) - 8 loài, Cách hoa (Cleistanthus) - 7 loài, Ba bét (Mallotus) - 6 loài, Da gà (Actephila) - 6 loài, Bọt ếch (Glochidion) - 5 loài và Vông đỏ (Alchornea) - 4 loài. Các dạng sống gặp ở họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có thể là cỏ hàng năm, cỏ nhiều năm, bụi, bụi trườn, dây leo, gỗ nhỏ hoặc gỗ lớn. Chúng phân bố khá rộng rãi ở các hệ sinh thái khác nhau từ các vùng ven biển, ruộng vườn, đồng cỏ đến các thảm cây bụi và các loại hình rừng thứ sinh hoặc nguyên sinh trên núi cao.

2. Các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học ở các chi trong họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Hầu như tất cả các loài trong họ Thầu dầu đều có chứa nhựa mủ và chúng thường rất độc. Nhựa mủ từ Cao su (Hevea braziliensis) là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp. Song nói chung, nhựa mủ của nhiều loài lại có thể gây dị ứng, gây ngưng kết hồng cầu, gây độc đối với người và gia súc. Tuy vậy, nhựa mủ của nhiều loài lại là nguồn dược liệu có giá trị do có chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học cao. Hiện nay, những nghiên cứu về mặt hoá học đối với các loài, các chi trong họ Thầu dầu ở Việt Nam tuy còn trong giai đoạn đầu và chưa nhiều, nhưng cũng đã phát hiện thêm hàng loạt các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao, trong đó có nhiều hợp chất mới có giá trị. Đáng chú ý trong số đó là hợp chất malloapelta B từ loài Ba bét (Mallotus apelta) có hoạt tính ức chế mạnh quá trình hoạt hoá yếu tố phiên mã NF-kB, có thể ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư người (ung thư biểu mô KB, ung thư màng tử cung FL, ung thư gan Hep-G2 và ung thư màng tim RD). Các hợp chất tự nhiên ở các loài, các chi thuộc họ Thầu dầu rất phong phú, rất đa dạng. Và dưới đây là những thông tin khái quát ở một số chi:

Chi Me (Phyllanthus): Nhiều hợp chất triterpenoid như: phyllanthol, β-amyrin… (từ P. acidus), lupeol, lupenon (từ P. emblica), friedelan-3-β-ol, friedelin, β-sitosterol, betulinic acid, glochidonol, 21-α-hydroxy-friedelan-4(23)-en-3-one (từ P. reticulatus), β-amyrin, β-sitosterol, tricontanol… (từ P. urinaria). Các hợp chất flavonoid như: quercetin-3-glucosid, rutin (từ P. amarus), quercetin, kaemferol, astragalin (từ P. emblica)… Các hợp chất ancaloid thuộc nhóm quinolizidin như: phyllanthin, securinin, norsecurinin, isobulebialin, epibubbitin (từ P. amarus), allosecurin, phyllantidin, phyllantin, hypophyllantin (từ P. amarus, P. urinaria). Nhiều hợp chất tanin như geraniin, amariin, gallocatechin (từ P. amarus), phyllembin, gallotannin, ellagitannin terchebin, corilagin, chebulagic acid… (từ P. emblica)… Còn gặp các phenolic acid ở nhiều loài khác (P. acidus, P. emblica, P. reticulatus, P. simplex…). Các hợp chất chiết từ các loài Diệp hạ châu đắng (P. amarus), Chó đẻ răng cưa (P. urinaria) có hoạt tính kháng virus, kháng khuẩn, đặc biệt là ức chế hoạt động của virus viêm gan B. Các hợp chất từ quả Me rừng (P. emblica) có tác dụng phòng chống một số dạng ung thư, kìm hãm sự phát triển của virus HIV và chống suy giảm miễn dịch.
Chi Ba đậu (Croton): Trong nhựa mủ của nhiều loài thuộc chi Ba đậu có chứa các hợp chất phorbol diterpen, thường gặp là các nhóm chất 12,13-diester; 12,13,20-triester… Các loài trong chi Ba đậu còn chứa các nhóm chất diterpen, diterpen lacton, furanoides terpen… Các loài trong chi Ba đậu ở nước ta phong phú và có tới trên 42% số loài là đặc hữu. Song đến nay, những nghiên cứu về mặt hoá học còn ít và mới bắt đầu ở một vài loài. Từ loài Khổ sâm (C. tonkinensis) nhiều hợp chất flavonoid, ancaloid, diterpennoid, triterpen acetat… đã được phân lập và nhận dạng. Đặc biệt là đã phân lập được 13 hợp chất ent-kaurane-diterpenoid mới với tên gọi là crotonkin 1-13. Các  thông tin đã có cho biết, dịch chiết từ Khổ sâm (C. tonkinensis) có hoạt tính kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng sốt rét. Những thử nghiệm bước đầu cũng cảnh báo, các chất độc chứa trong hạt, trong nhựa mủ của một số loài thuộc chi Ba đậu (C. tiglium, C. roxburghii…) có thể là một trong những tác nhân làm tăng khả năng tạo thành các khối u.

Chi Ba bét (Malilotus): Từ Ba bét trắng (M. apelta), ngoài các hợp chất đã biết (hennadiol, epifriedelanol, friedelanol, friedelin, taraxeron, epitaraxerol, isopimpinellin, β-caroten, lutein, betulaprenol 10, α-tocopherol, trans-phytol, squalen, ergosterol, stigmasterol, acid octadeca-9, 12, 15-triene-oic, daucosterol, astilbil, quercitrin), những nghiên cứu gần đây đã phân lập và xác định cấu trúc của 7 hợp chất benzopyran mới cùng một triterpen mới 3α-hydroxyhop-22(29)-ene. Đặc biệt là việc phát hiện và xác định hợp chất mới malloapelta B, có tên đầy đủ là 1-(5,7)-dimetoxy-2,2-dimethyl-2H-chromen-8-yl)-but-2’-en-1’-one có hoạt tính ức chế quá trình hoạt hoá yếu tố nhân NF-kB rất cao. Các flavonoid từ loài Cám lợn (M. luchenensis) đã được phân lập và xác định gồm quercetin, kaempferol, juglanin, astilbin, afzelin, astragalin, quercitrin, myricitrin. Ở Bục bục trườn (M. repandus) cũng đã biết có chứa các hợp chất như: bergenin, diterpenic lacton, δ-lacton triterpen, mallorepin, 3-oxo-D:A-friedo-oleanan-27,16α-lacton, 3α-benzoyloxy-D:A-friedo-oleanan-27,16α-lacton và 3β-hydroxy-D:A-friedo-oleanan-27,16α-lacton. Các thông tin đã có cho biết, dịch chiết từ loài Bục bục trườn (M. repandus) có hoạt tính kháng viêm, gây độc tế bào và diệt côn trùng. Dịch chiết từ lá của các loài Cánh kiến (M. philippinensis), Bục nâu (M. mollissimus)… có hoạt tính kháng khuẩn và diệt một số loài ký sinh trùng đường ruột.

Chi Đơn tía (Excoecaria): Nhựa mủ của các loài trong chi Đơn tía là những hỗn hợp phức tạp của các hợp chất diterpen ester, phorbol ester… Nhựa mủ của loài Giá (E. agallocha) là hỗn hợp của các diterpen ester với các acid béo bão hoà tương tự như n-carboxylic acid (C22-C30). Các hợp chất trên có tác dụng kích thích, gây nhức nhối ở da khi tiếp xúc. Từ dịch chiết ở lá và thân của loài Giá (E. agallocha), cũng đã tách và phân lập được các hợp chất phorbol ester 12-deoxyphorbol 13-(3E, 5E-decadienoate) có hoạt tính kháng virus HIV. Đến nay, đã có khoảng trên 20 hợp chất diterpen được tách từ các bộ phận khác nhau của loài Giá (E. agallocha). Trong số đó có nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao, có tác dụng ức chế mạnh đối với Epstein-Barr virus và một số tác nhân gây ung thư. Loài Đơn mặt trời (E. cochinchinensis) cũng là nguồn nguyên liệu chứa các diterpen ester rất phong phú. Đây là loài cây thuốc đã được sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau trong y học dân tộc ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trong khu vực. Từ quả của loài Trao tráo (E. indica) cũng đã tách và nhận dạng được nhiều hợp chất diester diterpen phorbol, các sapatoxin C, sapintoxin B, C, D. Nhựa mủ của loài Trang lim (E. oppositifolia) có chứa các ester của 5β-hydroxyresiniferonol-6α, 7α-epoxid và 5β, 12 β-dihydroxyresiniferonol-6α, 7α-epoxid.

Chi Cỏ sữa  (Euphorbia): Trong y học dân gian, các loài Cỏ sữa lá to (E. hirta), Cỏ sữa lá nhỏ (E. thymifolia) được dùng làm thuốc chữa lỵ trực khuẩn, lỵ amip, tiêu chảy, viêm da, mẩn ngứa… Từ loài Cỏ sữa lá to (E. hirta) đã phân lập và xác định được các triterpen (như: taraxerol, cycloartenol, euphorbol hexacosonat, 12-deoxy-4β-hydroxyphorbol 13-dodecanoat-20 acetat…), các flavonoid (như: quercitrin, xanthorhamnin, cyanidin-3-glucosid…), các sterol (như: campestrol, stigmasterol…), các acid phenolic và tanin (geraniin, euphorbin A,B, terchebin…). Ở các bộ phận trên mặt đất của loài Cỏ sữa lá nhỏ (E. thymifolia) cũng đã xác định được các hợp chất epitataxerol, quercetrin 3β-galactosid, cosmosin…; còn ở rễ lại chứa các hợp chất myricylic, taraxerol, tyrucalol. Nhựa mủ của loài Xương rồng ông (E. antiquorum) có chứa cao su, các diterpenoid loại ingol (như: 3,12-di-O-acetyl-8-O-benzoyl lingol; 3,12-di-O-acetyl-8-O-tigloylingol; 8-O-tigloylingol; 3,12-di-O-acetyl-8-O-tigloylingol; các diterpen (như antiquorin) và các triterpen (như: friedelan-3β-ol, β-taraxerol…); các triterpenoid (như: euphorbol, 3-O-cinnamat, antiquol A,B… và các sitosterol. Loài Xương rồng bà có gai (E. monacantha) chứa các hợp chất isorhamnetin, isoquercitrin, β-sitosterol, opuntiol, narcisin… Ở loài Xương khô (E. tirucalli) lại xác định được các hợp chất: euphorbin A,F; cyclotirucaneol (24β-methyl-9β-19-cycloanost-20-en-3β-ol), cycloeucalenol, -taraxasteryl acetat, euphorginol, cycloart-23-en-3β-25-diol, diterpen tirucalicin; 3,7,12-tri-O-acetyl-8-isovaleryl-ingol, các diterpen ester là dẫn xuất của các alcol ingenol, phorbol, resiniferonol và các triterpen cycloeuphordenol… Những thử nghiệm đã có cho biết, dịch chiết từ loài Xương khô (E. tirucalli) có tác dụng làm tăng sự hoạt hoá các hệ gen tiềm tàng của virus Epstein-Barr (EBV) trong những nguyên bào limpho mang EBV và cả sự biến đổi tế bào limpho người gây bởi EBV. Tại Châu Phi, người ta cho rằng, đất và nước ở xung quanh cây Xương khô cũng gây hiện tượng làm tăng sự hoạt hoá này và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Các chất chứa trong nhựa mủ của Xương khô rất độc và có thể là những tác nhân gây ung thư.

Chi Tai tượng (Acalypha): Phần khí sinh của loài Tai tượng ấn (A. indica) chứa cyanogenic glycosid, acalyphin, 3-cyanopyridon, sterol, hydrocianic acid, glucose-6-phosphatase dedydrogenase và tinh dầu. Các hợp chất chiết từ lá và ngọn của loài Tai tượng ấn (A. indica) và Tai tượng đỏ (A. wilkesiana) đều có hoạt tính kháng virus, kháng nấm, kháng khuẩn và gây độc tế bào… trong thử nghiệm in vitro.

Chi Dầu mè (Jatropha): Trong loài Dầu mè (J. curcas) có chứa các hợp chất steroid và flavonoid. Nhựa mủ của Dầu mè chứa các curcacyclin A-B và triacontanol. Trong dịch chiết từ rễ ở loài Dầu lai tía (J. gossypiifolia) đã tách và xác định được các hợp chất jatrophon, 2α-hydroxyjatrophon, 2β-hydroxyjatrophon và 2β-hydroxy-5,6-isojatrophon. Nhựa mủ của loài Dầu lai tía (J. gossypiifolia) có chứa các cyclo peptid cyclogossin A-B. Còn trong nhựa mủ của loài Đỗ trọng nam (J. multifida) lại chứa 2 cyclo peptid là labaditin và biobollein cùng các ester diterpen 16-hydroxyphorbol, multifidol, multifidon glucosid, multifidin, 2 acylphloroglucinol, proanthocyanidin, (+)-catechin, (-)-epicatechin… Dịch chiết từ rễ ở Dầu lai tía (J. gossypiifolia) có hoạt tính ức chế ung thư trên cơ thể động vật in vivo.

Chi Cách hoa (Cleistanthus): Ở Việt Nam hiện đã biết có 12 loài, trong số đó có khoảng 58% số loài là đặc hữu. Trong lá của loài Cách hoa đông dương (C. indochinensis) có chứa các hợp chất β-sitosterol, friedelanol, lupeol, sequoiaflavon, amentoflavon, ellagic acid, 3-O-methylelagic acid, 4’-O-α-rhamnosid, trans-p-cumaric acid, gallic acid, squalen, hentriacontan, triacontanol, heptadecanoic acid và một dẫn xuất mới của β-sitosterol là β-sitosteryl trans-p-cumarate.

Chi Cẩm tử (Baliospermum): Ở Việt Nam, chi này chỉ có 2 loài và 1 thứ (var.). Rễ của loài Cẩm tử núi (B. montanum) chứa các phorbol ester, trong đó các hợp chất montanin, baliospermin có hoạt tính ức chế một số dòng tế bào ung thư in vitro.

Chi Bọt ếch (Glochidion): Các loài thuộc chi Bọt ếch thường chứa các triterpenoid trong đó có các lupeol như glochidion, glochidonol, glochidiol… Các triterpen glycosid glochidiosid được coi là có hoạt tính kháng một số dòng tế bào ung thư. Các tanin thuỷ phân từ loài Sóc đỏ (G. rubrum) như glochiin M-1, M-2 và C-1 có hoạt tính kháng khuẩn. Dịch chiết thô từ loài Bọt ếch lông (G. eriocarpum) cũng có hoạt tính kháng một số vi khuẩn (Gram âm và dương).

Chi Vông đỏ (Alchornea): Ở Việt Nam, chi Vông đỏ hiện đã biết có khoảng 7 loài và 3 thứ, trong đó có tới 3 loài và 3 thứ là đặc hữu. Các ancaloid alchornein có phổ kháng khuẩn rộng đã tách được từ lá và vỏ thân của các loài Đom đóm (A. rugosa) và A. floribunda. Các loài trong chi Vông đỏ còn chứa các phorbol ester và các flavonoid.

Chi Bồ cu vẽ (Breynia): Nghiên cứu hoá học về các loài trong chi Bồ cu vẽ còn ít. Nhưng trong y học dân gian, một số loài đã được dùng làm thuốc chữa kiết lỵ, kháng viêm và chữa rắn cắn. Dịch chiết từ loài Bồ cu vẽ (B. fruticosa) có hoạt tính kháng khuẩn khá rộng. Dịch chiết từ loài B. coronata có tác dụng kháng virus Epstein-Barr.

Chi Ba soi (Macaranga): Hầu như tất cả các loài trong chi Ba soi đều chứa tanin với thành phần rất phức tạp (thường trên 28 thành phần), trong đó thường gặp là corilagin, furosin, geranin, macaranganin ít có hoạt tính kháng khuẩn. Những thử nghiệm đã có cho biết, dịch chiết chloroform từ loài M. carolinensis có hoạt tính kháng các dòng tế bào ung thư P-388 và 9KB.

Chi Mòng lông (Trigonostemon): Chi Mòng lông trong họ Thầu dầu ở Việt Nam khá đa dạng và có nhiều loài là đặc hữu. Song còn ít được quan tâm nghiên cứu. Dịch chiết từ rễ của loài Tín tranh (T. reidioides) chứa phenanthrenon trigonostenon và rediocid A có hoạt tính diệt côn trùng khá mạnh. Dịch chiết từ loài T. viridissimus được coi là có hoạt tính kháng virus HIV, kháng ung thư.

Chi Mỏ chim (Cleidion): Tuy là chi nhỏ, chỉ có 4 loài, song tới 2 loài là đặc hữu. Trong y học dân gian, người ta dùng vỏ của loài Mỏ chim (C. spiciflorum) làm thuốc chữa dạ dày và dùng lá để gây sảy thai.

Kết luận


1. Trong Hệ thực vật Việt Nam, Thầu dầu (Euphorbiaceae) là một họ lớn, rất đa dạng, có tới 75 chi với khoảng trên 450 loài; trong đó có 1 chi và 131 loài được coi là đặc hữu.

2. Hầu hết các loài và chi trong họ Thầu dầu đều có chứa các hợp chất tự nhiên thuộc các nhóm triterpenoid, ancaloid, diterpenoid, diterpen ester, phorbol diterpen, flavonoid… Rất nhiều hợp chất mới có hoạt tính sinh học cao đã được phân lập và xác định. Đó là những hợp chất có nhiều triển vọng  ứng dụng trong công nghiệp dược.

3. Nghiên cứu các cơ sở khoa học nhằm khai thác phát triển, bảo tồn và sử dụng có hiệu quả nguồn hoạt chất sinh học từ các loài trong họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) ở Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Minh Giang et al., 2003: Journal of Natural Products, 66: 1217-1220.
2. Phan Minh Giang, Phan Tong Son, J. J. Lee and H. Otsuka, 2004: Chemical Pharmaceutical Bulletin, 52(7): 879-882.
3. Phạm Hoàng Hộ, 1992: Cây cỏ Việt Nam, tập 2. NXB. “Mekong” Montréal. 225-365.
4. Châu Văn Minh và cs., 2005: Tuyển tập báo cáo Hội thảo quốc gia - Y học cổ truyền trong điều trị ung thư. 45-65.
5. Chau Van Minh et al., 2008: VAST- Proceedings. Publishing House for Science and Technology. 294-300.
6. Pham Thi Hong Minh et al., 2008: VAST - Proceedings. Publishing House for Science and Technology. 476-484.
7. Lã Đình Mỡi, Ninh Khắc Bản, Trần Huy Thái, Phạm Hoàng Ngọc, 2003: Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong khoa học sự sống. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. 689-691.
8. Lã Đình Mỡi và cs. 2005: Tài nguyên thực vật Việt Nam - Những cây chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học. T.1. NXB. Nông nghiệp. 368 tr.
9. Nguyễn Nghĩa Thìn, 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập II (Nguyễn Tiến Bân - chủ biên). NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. 573-655.
10. Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007: Taxonomy of Euphorbiaceae in Vietnam. Vietnam National University Publishers, Hanoi. 407 pp.
11. Trinh Thi Thanh Van et al., 2008: VAST - Proceedings. Publishing House for Science and Technology. pp. 336-342.

Lã Đình Mỡi, Châu Văn Minh, Đái Duy Ban, Phạm Hoàng Ngọc, Phan Văn Kiệm, Trần Minh Hợi, Trần Huy Thái, Lê Mai Hương, Ninh Khắc Bản, Nguyễn Thị Hiên
Viện KH&CN Việt Nam
Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Kim Thanh
Đại học QGHN

 (Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025