Lượt truy cập thứ 55,043,968 Có 245 người đang truy cập
|
|
Một số kết quả nghiên cứu về cây Hoàng lan (Cananga odorata (Lamk.) Hook. f. & Thomson) trồng ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến TreCập nhật ngày 23/10/2009 lúc 12:18:00 PM. Số lượt đọc: 9388.Loài Hoàng lan (Cananga odorata (Lamk.) Hook.f. & Thomson) thuộc họ Na (Annonaceae) đã được trồng tập trung quy mô sản xuất hàng hóa ở nhiều nước như Philippin, quần đảo Comoros, Réunion, Inđônêxia, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, đảo Madagascar… Loài này được trồng khá nhiều ở chung quanh nhà dân, ở công viên rải rác trên khắp đất nước ta nhưng chỉ để làm cảnh Công trình này nghiên cứu một số điều kiện sinh thái thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Hoàng lan trồng ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, làm cơ sở cho việc đề xuất trồng đại trà để lấy tinh dầu. Phương pháp nghiên cứu 1. Địa điểm nghiên cứu Cây Hoàng lan được trồng ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm thuộc tỉnh Bến Tre. Địa điểm nghiên cứu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 - 27oC; lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.250-1.500mm. Trong năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. 2. Phương pháp nghiên cứu - Thu hái các quả Hoàng lan chín từ những cây trồng ở chung quanh các nhà dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau đó bóc vỏ quả và thu lấy những hạt chắc. Các hạt được phơi ngoài nắng 3 ngày. Gieo ươm hạt Hoàng lan vào tháng 12 năm 2006 trong túi bầu 10 x 15cm, đến khi cây có 8-10 lá đem trồng xen với Chuối (cây cao khoảng 1m) vào tháng 3 năm 2007 theo sơ đồ hình 1. Hình 1: Sơ đồ bố trí thí nghiệm trồng cây Hoàng lan xen với Chuối
|
- Tiến hành ngắt ngọn cây ở vị trí 2m tính từ mặt đất và chặt bỏ Chuối khi cây Hoàng lan cao hơn 2m. Có 3 lô thí nghiệm: lô 1 không tỉa thưa Hoàng lan (mật độ 2 x 2m), lô 2 tỉa thưa để có mật độ 2 x 4m, lô 3 tỉa thưa để có mật độ 4 x 4m. - Mỗi lô thí nghiệm theo dõi 30 cây. Các lô thí nghiệm được bón phân, tưới nước và chăm sóc như nhau. - Đo chiều cao cây và đường kính thân cây (ở vị trí 2 lá đầu tiên). - Sử dụng máy ANNA F11 để đo cường độ ánh sáng ở mỗi lô thí nghiệm. Dùng máy Testo 635 để đo độ ẩm và nhiệt độ không khí. - Các số liệu được xử lý thống kê với phần mềm Excel 2003. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 1. Một số đặc điểm sinh thái ở nơi trồng cây Hoàng lan - Thành phần lí hoá đất: Đất ở nơi trồng Hoàng lan có tỉ lệ sét cao từ 47-49%, tỉ lệ thịt 41-43%, hơi chua ở các tầng 0-80 cm, thành phần dinh dưỡng trung bình. Vào mùa mưa đất ẩm ướt, ở độ sâu 40cm có nước. Vào mùa khô đất tầng 0-20 cm hơi khô, các tầng từ 20-60 cm đất ẩm ướt và ở độ sâu 60 cm có nước (bảng 1). - Ánh sáng: Cường độ ánh sáng ở nơi trồng Hoàng lan xen với Chuối và bị Chuối che bóng chỉ còn từ 5.900-7.400 lux so với nơi không che từ 19.000- 42.000 lux. Bảng 1. Thành phần cơ giới và hóa học của đất trồng cây Hoàng lan Loại đất | Thành phần cơ giới (%) | pH (H2O) | CHC (%) | Dễ tiêu (mg/kg) | Tổng số (%) | Cát | Thịt | Sét | N | P2O5 | K2O | N | P2O5 | K2O | 0-20 cm | 10 | 42 | 48 | 4,9 | 2,40 | 26 | 20 | 226 | 0,136 | 0,092 | 0,923 | 20-40 cm | 11 | 42 | 47 | 4,9 | 1,66 | 22 | 4,9 | 160 | 0,113 | 0,072 | 1,06 | 40-60 cm | 10 | 43 | 47 | 5,3 | 1,64 | 19 | 4,3 | 154 | 0,115 | 0,065 | 1,02 | 60-80 cm | 10 | 41 | 49 | 5,4 | 1,89 | 26 | 9,2 | 130 | 0,117 | 0,061 | 0,988 |
- Nhiệt độ và độ ẩm không khí nơi trồng cây Hoàng lan: Nhiệt độ không khí biến đổi không nhiều. Nhiệt độ dao động từ 26oC đến 28,5oC. Độ ẩm không khí tại các lô thí nghiệm dao động từ 76%-87%. - Sự phát triển hệ rễ của cây Hoàng lan và Chuối: Sống trong điều kiện mực nước ngầm chỉ cách mặt đất từ 50 đến 60cm nên hệ rễ của Hoàng lan không thể phát triển sâu được. Rễ chính của Hoàng lan chỉ dài khoảng 60cm, còn các rễ bên phát triển mạnh, dài đến trên 1m để giúp cây đứng vững trên nền đất, hút nước và muối khoáng. Cây Hoàng lan trồng xen với Chuối thì hệ rễ của Chuối và hệ rễ của Hoàng lan đan xen nhau để cạnh tranh về chất dinh dưỡng. Rõ ràng khi trồng Hoàng lan xen với Chuối thì có sự cạnh tranh giữa 2 loài này về không gian sống, về nguồn dinh dưỡng và về ánh sáng (hình 2).
Hình 2: Hệ rễ của cây Hoàng lan 2. Sự phát triển của Chuối Sau khoảng 8 tháng trồng thì 90% số cây Chuối trổ buồng. Đến khi tiến hành ngắt ngọn Hoàng lan ta có thể thu hoạch các buồng Chuối chín. 3. Sự sinh trưởng của cây Hoàng lan - Tỉ lệ sống của cây Hoàng lan: Cây Hoàng lan trồng ở 3 lô thí nghiệm có tỉ lệ sống 100% qua 2 năm trồng và không bị sâu bệnh. Chỉ có một số cây bị bọ dừa ăn lá non. Sự tăng trưởng đường kính thân cây và chiều cao cây: Một số kết quả về sinh trưởng về đường kính thân cây và chiều cao cây Hoàng lan được trình bày ở bảng 2. Nhận xét: - Sau 1 năm trồng xen với Chuối, các cây Hoàng lan ở 3 lô thí nghiệm đạt chiều cao cây trung bình từ 217,80cm-222,30cm và đường kính thân cây trung bình từ 4,65-4,71cm. Sự sai khác về chiều cao cây và đường kính thân cây trung bình ở 3 lô thí nghiệm là không có ý nghĩa. Lúc này cây Hoàng lan trồng ở 3 lô chưa khép tán, cây có đường kính tán trung bình 0,8-0,9m. - Khi trồng Hoàng lan xen Chuối với mật độ 2m x 2m do Chuối sinh trưởng nhanh nên sau 7-8 tháng trồng, các cây Chuối cao 3-4m, tán lá phát triển đã che nguồn sáng đến cây Hoàng lan (cường độ sáng chỉ còn 5.900-7.400 lux). Cây Hoàng lan sinh trưởng mạnh về chiều cao để vươn lên giành lấy ánh sáng vì thế cây trở nên yếu ớt. - Cây Hoàng lan có đường kính thân trung bình đạt từ 8,99-9,22cm vào tháng 5/2009. Ở lô 1 cây Hoàng lan có đường kính thân cây kém hơn ở lô 2 và lô 3. Đường kính thân cây Hoàng lan ở lô 2 và lô 3 khác nhau không có ý nghĩa. Trồng Hoàng lan mật độ 2 x 2m đã làm cho cây sinh trưởng về đường kính thân kém hơn mật độ 2 x 4m và 4 x 4m nhưng không nhiều bởi vì cây còn nhỏ, chỉ mới khép tán vào tháng 03-2009. Bảng 2. Chiều cao cây (cm) và đường kính thân (cm) cây Hoàng lan Tháng theo dõi | Lô 1 (2m x 2m) | Lô 2 (2m x 4m) | Lô 3 (4m x 4m) | Đường kính thân (cm) | Chiều cao cây (cm) | Đường kính thân (cm) | Chiều cao cây (cm) | Đường kính thân (cm) | Chiều cao cây (cm) | 3 – 2007 | 0,41 ± 0,09 | 9,87 ± 1,35 | 0,37 ± 0,07 | 9,49 ± 1,22 | 0,40 ± 0,08 | 9,56 ± 1,16 | 5 – 2007 | 0,62 ± 0,14 | 16,26 ± 2,35 | 0,58 ± 0,12 | 16,08 ± 2,68 | 0,63 ± 0,13 | 16,30 ± 2,75 | 7 – 2007 | 0,86 ± 0,18 | 44,50 ± 3,57 | 0,91 ± 0,15 | 43,72 ± 3,60 | 0,90 ± 0,16 | 45,64 ± 3,78 | 9 – 2007 | 1,18 ± 0,20 | 65,82 ± 5,80 | 1,30 ± 0,24 | 64,56 ± 5,45 | 1,32 ± 0,22 | 67,24 ± 4,65 | 11- 2007 | 2,54 ± 0,25 | 120,54 ± 6,05 | 2,72 ± 0,26 | 118,80 ± 6,54 | 2,68 ± 0,28 | 117,55 ± 6,38 | 1 – 2008 | 3,86 ± 0,18 | 178,43 ± 7,46 | 4,13 ± 0,31 | 176,26 ± 7,80 | 4,09 ± 0,20 | 179,38 ± 7,37 | 3 – 2008 | 4,65 ± 0,32 | 220,43 ± 10,36 | 4,71 ± 0,34 | 222,30 ± 8,58 | 4,67 ± 0,18 | 217,80 ± 8,90 | 5 – 2008 | 5,41 ± 0,28 | 202,90 ± 1,08 | 5,45 ± 0,37 | 203,63 ± 0,84 | 5,38 ± 0,25 | 203,17 ± 0,90 | 7 – 2008 | 6,25 ± 0,25 | 203,68 ± 1,24 | 6,24 ± 0,32 | 203,92 ± 1,32 | 6,30 ± 0,28 | 203,85 ± 1,26 | 9 – 2008 | 7,16 ± 0,30 | 204,50 ± 1,15 | 7,30 ± 0,40 | 204,25 ± 1,10 | 7,22 ± 0,31 | 204,28 ± 1,24 | 11 - 2008 | 7,72 ± 0,32 | 204,65 ± 1,26 | 7,91 ± 0,36 | 204,27 ± 1,13 | 7,88 ± 0,28 | 204,28 ± 1,32 | 1 - 2009 | 8,35 ± 0,25 | 204,80 ± 1,18 | 8,57 ± 0,28 | 204,50 ± 1,14 | 8,54 ± 0,25 | 204,28 ± 1,25 | 3 – 2009 | 8,66 ± 0,28 | 204,81 ± 1,05 | 8,91 ± 0,35 | 204,52 ± 1,02 | 8,95 ± 0,24 | 204,32 ± 1,10 | 5 - 2009 | 8,99 ± 0,37 | 204,81 ± 1,08 | 9,06 ± 0,42 | 204,52 ± 1,12 | 9,22 ± 0,27 | 204,32 ± 1,12 |
Hình 3: Cây Hoàng lan sau 10 tháng trồng
Hình 4: Cây Hoàng lan sau 2 năm trồng (lô 2m x 2m)
Hình 5: Cây Hoàng lan sau 2 năm trồng (lô 2m x 4m)
Hình 6: Cây Hoàng lan sau 2 năm trồng (lô 4m x 4m)
Hình 7: Hoa Hoàng lan thu hái từ những cây trồng ở huyện Giồng Trôm
4. Khả năng ra hoa của Hoàng lan trồng ở huyện Giồng Trôm Hoàng lan trồng ở huyện Giồng Trôm bắt đầu ra hoa vào tháng 11 năm 2008. Tuy nhiên số hoa có rất ít và chỉ có 30% số cây ra hoa ở cả 3 lô thí nghiệm. Đến tháng 4 năm 2009 cây Hoàng lan ra hoa nhiều hơn và 100% cây ra hoa. Năng suất hoa thu hái được trình bày ở bảng 3. Bảng 3. Lượng hoa trung bình (g/cây) của một cây Hoàng lan Lần thu hái | Lô 2m x 2m | Lô 2m x 4m | Lô 4m x 4m | 18/4/2009 | 12,77 ± 5,51 | 14,17 ± 5,86 | 13,63 ± 6,19 | 25/4/2009 | 32,57 ± 8,78 | 36,87 ± 9,28 | 30,10 ± 7,74 | 3/5/2009 | 17,70 ± 6,76 | 15,83 ± 5,11 | 19,87 ± 6,26 | 10/5/2009 | 4,50 ± 3,85 | 5,07 ± 3,86 | 3,80 ± 3,47 | Tổng cộng | 67,53 ± 11,79 | 71,93 ± 13,45 | 67,40 ± 11,03 |
Nhận xét: Qua 4 đợt thu hái hoa Hoàng lan cho thấy lượng hoa trung bình của một cây từ 67,40g/cây đến 71,93g/cây. Có lẽ ở giai đoạn 2 năm tuổi do cây còn nhỏ, cây mới khép tán (ở lô 2m x 2m) nên mật độ trồng cây ảnh hưởng chưa rõ đến khả năng ra hoa của cây. 5. Về thành phần hóa học của tinh dầu Hoàng lan Kết quả nghiên cứu bước đầu của Phạm Văn Ngọt và cộng sự (2009) về tinh dầu Hoàng lan từ những cây trồng 3 năm tuổi ở huyện Giồng Trôm được trích ly bằng phương pháp chưng cất hơi nước là 0,65ml/100g hoa, với phương pháp trích bằng ether dầu hỏa là 1,27ml/100g hoa và thành phần hóa học chính trong tinh dầu hoa Hoàng lan là benzyl benzoat, benzyl acetate, linalool, geranyl acetate. Kết luận và đề nghị - Sau 1 năm trồng Hoàng lan xen với Chuối ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre từ những cây con có 8-10 lá, các cây Hoàng lan đạt chiều cao trên 2m và 90% cây Chuối có buồng Chuối chín. - Ngắt ngọn ở vị trí 2m và chặt bỏ Chuối, cây Hoàng lan bắt đầu ra hoa lúc 1,5 năm tuổi. Lượng hoa thu được chưa nhiều và chưa ổn định. - Trồng Hoàng lan với mật độ 2m x 2m cây khép tán sau 2 năm trồng và cây sinh trưởng kém hơn các lô trồng được tỉa thưa. - Cần tiếp tục theo dõi sự sinh trưởng và phát triển, nghiên cứu về năng suất, chất lượng tinh dầu và hiệu quả kinh tế của cây Hoàng lan. Tài liệu tham khảo 1. Harley I. Manner, Craig R. Elevitch, 2006: Cananga odorata (ylang-ylang), Species Profiles for Pacific Island Agroforestry, in www.traditionaltree.org, 10 pp. 2. Lã Đình Mỡi, Dương Đức Huyến, 2002: Cây Hoàng lan (Cananga odorata (Lamk.) Hook.f & Thomson). Tài nguyên thực vật Đông Nam Á: 3-9. NXB. Nông nghiệp. 3. Phạm Văn Ngọt, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trần Thụy Kim Hà, 2009: Tạp chí Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM: 95-102. 4. Umi Kalsom Yusuf, V.O. Sinohin, 1999: Cananga odorata (Lamk.) Hook.f & Thomson. In: L.P.A. Oyen and Nguyen Xuan Dung (Editors). Plant Resources of South -East Asia. No 19. Essential-oil plants: 70-77. Backhuys Publishers Leiden. Phạm Văn Ngọt, Quách Văn Toàn Em, Trần Công Danh Đại học sư phạm, ĐHQH TP. HCM (Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam) anhtai.bvn
CÁC BÀI MỚI HƠN:CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
|