Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Côpia thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chứa đựng nguồn tài nguyên cây thuốc khá phong phú. Tuy nhiên, cho đến nay những nghiên cứu vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi một khối lượng đáng kể các cây thuốc quý như: Đẳng sâm, Hà thủ ô đỏ, Ba kích, Khúc khắc, Dây máu gà, Củ bình vôi… đang hàng ngày bị khai thác bừa bãi. Nếu kéo dài tình trạng khai thác này, nguồn tài nguyên cây thuốc sẽ có nguy cơ bị cạn kiệt.
Chính vì vậy, điều tra, nghiên cứu về thực trạng và tiềm năng, làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc tại khu vực là hết sức cần thiết. Thực hiện được điều này cũng chính là bảo tồn được tính đa dạng sinh học, giảm sức ép lên rừng, mở ra hướng nghiên cứu tiếp, nhằm gây trồng phát triển, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Phương pháp nghiên cứu
1. Điều tra theo tuyến
Lập 4 tuyến để điều tra trong 4 đợt: tháng 3, tháng 7, tháng 10 năm 2007 và tháng 1/2008. Tuyến điều tra đại diện cho các dạng địa hình, trạng thái rừng. Trên tuyến điều tra ghi lại những loài cây về đặc điểm hình thái, dạng sống, phân bố, tình hình sinh trưởng, lấy mẫu tiêu bản.
Ngoài ra, chúng tôi điều tra bổ sung theo những sinh cảnh ven suối, ven nương rẫy, vườn nhà. Đi theo một số thầy thuốc trong quá trình khai thác của họ để thu thập thêm thông tin.
2. Phương pháp phỏng vấn linh hoạt
Mục đích là để thu thập thêm thông tin về các loài cây thuốc được sử dụng, kinh nghiệm sử dụng, hiện trạng gây trồng... Đối tượng là các gia đình sống trong khu vực nghiên cứu, có nhiều kinh nghiệm trong khai thác, sử dụng và trồng các loài cây thuốc, đặc biệt là những người làm nghề thuốc truyền thống.
3. Phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân
Tổ chức họp dân (50 người gồm thầy thuốc, đại diện các dân tộc sống tại các địa phương trong khu bảo tồn), hướng dẫn, gợi ý để họ nói mong muốn và đánh giá của mình thông qua việc cho điểm loài cây theo các tiêu chí: đa tác dụng, có giá trị kinh tế cao, mức độ quý hiếm, khả năng gây trồng, nhanh cho khai thác. Điểm số cho mỗi tiêu chí từ 1-10. Những loài cây có số điểm cao nhất, được sự chấp nhận của người dân sẽ được chọn để định hướng bảo tồn, phát triển gây trồng trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu
1. Thành phần loài
Kết quả điều tra đã ghi nhận được 125 loài thuộc 116 chi, 66 họ và 4 ngành thực vật bậc cao có mạch (bảng 1). Trong đó có một số loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Nghị định số 32 đang được quan tâm bảo tồn như: Lan một lá, Thạch hộc, Đẳng sâm, Hà thủ ô, Bình vôi.
Bảng 1. Thành phần loài cây thuốc tại Khu BTTN Côpia
Ngành | Họ | Chi | Loài |
Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
Thông đất - Lycopodiophyta | 1 | 1,52 | 1 | 0,89 | 2 | 1,6 |
Dương xỉ - Polypodiophyta | 1 | 1,52 | 1 | 0,89 | 1 | 0,8 |
Thông - Pinophyta | 1 | 1,52 | 1 | 0,89 | 1 | 0,8 |
Ngọc lan - Magnoliophyta | 63 | 95,44 | 113 | 97,33 | 121 | 96,8 |
Tổng | 66 | 100,00 | 116 | 100,00 | 125 | 100,00 |
Tổng số loài của 11 họ giàu loài nhất là 56 loài (bảng 2).
Bảng 2. Những họ thực vật giàu loài tại Khu BTTN Côpia
Tên Họ | Số loài | Tỷ lệ (%) so với tổng số loài |
Tên khoa học | Tên Việt Nam |
Asteraceae | Cúc | 10 | 8,0 |
Euphorbiaceae | Thầu dầu | 7 | 5,6 |
Rubiaceae | Cà phê | 7 | 5,6 |
Amaranthaceae | Dền | 5 | 4,0 |
Moraceae | Dâu tằm | 5 | 4,0 |
Poaceae | Hòa thảo | 5 | 4,0 |
Zingiberaceae | Gừng | 4 | 3,2 |
Caesalpiniaceae | Vang | 4 | 3,2 |
Rutaceae | Cam | 3 | 2,4 |
Rosaceae | Hoa hồng | 3 | 2,4 |
Apocynaceae | Trúc đào | 3 | 2,4 |
Tổng | | 56 | 44,8 |
Theo số liệu điều tra của Trường Đại học Lâm nghiệp (2002) thì Khu BTTN có 693 loài thực vật bậc cao có mạch. Như vậy, tỷ lệ cây làm thuốc trong khu vực này chiếm 18,04% tổng số loài đã được thống kê.
Ngoài đa dạng về thành phần loài, các họ cây thuốc cũng rất đa dạng. Để đánh giá chỉ tiêu này, chúng tôi sử dụng công thức của Tolmachop (1974) về tỷ lệ % của 10 họ có số loài lớn nhất. Nếu tổng số loài trong 10 họ (Kí hiệu P%) chiếm < 50% tổng số loài thu được thì ở khu vực đó được coi là đa dạng về họ. P% càng nhỏ thì tính đa dạng càng cao. Theo số liệu trình bày trong bảng 2, ngoài 8 họ có số loài lớn nhất lại, có 3 họ có số loài bằng nhau nên chúng tôi sử dụng 11 họ của 125 loài để đánh giá. Họ có số loài nhiều nhất gồm: họ Cúc (10 loài), Thầu dầu (7 loài), Cà phê (7 loài), Hoà thảo, Gừng, Cam, Hoa hồng... Tổng số loài của 11 họ là 56 loài. Kết quả tính toán cho thấy P = 44,8%.
Như vậy, với 11 họ nhưng P% < 50%, nên có thể kết luận rằng tại Khu BTTN Côpia không chỉ đa dạng về số loài mà còn rất đa dạng về họ cây thuốc.
2. Độ đa dạng về dạng sống
Theo các nhà nghiên cứu thì thực vật Việt Nam được phân thành 16 dạng sống. Chúng tôi đã phân loại các loài cây thuốc đã thu thập được theo các nhóm dạng sống này. Kết quả trình bày ở bảng 3. Số liệu bảng 3 cho thấy: Các loài cây thuốc trong khu vực nghiên cứu thuộc 11/16 dạng sống. Trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là cây cỏ đứng - 24,26% (Sa nhân, Mía dò, Lan một lá, Ý dĩ, Lông cu li, Gừng gió..), cây bụi - 22,28% (Ngưu tất, Cối xay, Mò, Đơn nem...). Đây là 2 nhóm cây dễ thu hái nên bị khai thác mạnh. Tuy nhiên số lượng vẫn còn tương đối nhiều. Vì vậy, có thể tìm ra một số loài có giá trị để phát triển, mang lại thu nhập cho người dân.
Tiếp đến là cây gỗ nhỏ - 17,82%; dây leo thân cỏ - 11,37% và dây leo thân gỗ - 10,39%. Những nhóm cây này có nhiều loài quý hiếm như Đẳng sâm, Hà thủ ô, Khúc khắc, Gắm, Kê huyết đằng, Củ bình vôi... với số lượng còn lại rất ít, chỉ gặp ở những khu vực xa xôi, hiểm trở. Đây là những đối tượng cần có biện pháp bảo vệ kịp thời nhằm bảo tồn nguồn gen cây thuốc tại địa phương.
Một số dạng còn lại chiếm tỷ lệ rất ít như nhóm cây phụ sinh, thủy sinh, cây dạng cau dừa.
Bảng 3. Dạng sống của các loài cây thuốc trong Khu BTTN Côpia
Dạng sống | Số loài | Tỷ lệ (%) |
COD - Cỏ đứng | 30 | 24,0 |
BUI - Cây bụi | 28 | 22,4 |
GON - Gỗ nhỏ | 22 | 17,6 |
COL - Dây leo thân cỏ | 14 | 11,2 |
DLG - Dây leo thân gỗ | 13 | 10,4 |
GOL - Gỗ lớn | 8 | 6,4 |
GOT - Gỗ trung bình | 6 | 4,8 |
BTR - Bụi trườn | 1 | 0,8 |
CPS - Cây phụ sinh | 1 | 0,8 |
CTS - Cây thủy sinh | 1 | 0,8 |
CAU - Thân cau, dừa | 1 | 0,8 |
Tổng | 125 | 100,00 |
3. Đặc điểm phân bố
3.1. Phân bố theo đai cao
Kết quả điều tra về phân bố cây thuốc theo đai cao được trình bày trong bảng 4.
Ở độ cao 700 – 1000m có 94 loài (chiếm 75,2%), các loài phổ biến như Hà thủ ô đỏ, Khúc khắc, Chuối rừng, Lông cu ly, Thiên niên kiện, Sơn tra, Lan... Ở độ cao < 700m có 73 loài (chiếm 58,4%), chủ yếu là các loài dạng cây cỏ đứng, cây gỗ nhỏ và cây bụi. Ngoài ra, ở độ cao này số lượng cá thể các loài còn tương đối nhiều, nhưng chúng chủ yếu là những cây thuốc phổ biến, giá trị kinh tế không cao: Thầu dầu, Cỏ lào, Đại bi, Mâm xôi...), có ít cây thuốc quý: Đẳng sâm, Mía dò, Hà thủ ô.
Ở độ cao > 1000m, chỉ có 50 loài (chiếm 40,0%). Tuy số lượng ít, nhưng lại chủ yếu là cây thuốc quý với số lượng không nhiều như: Lan một lá, Củ bình vôi, Ba kích, Khúc khắc, Dây gắm, Kê huyết đằng, Dứa dại....
Bảng 4. Phân bố cây thuốc theo đai cao trong Khu BTTN Côpia
Độ cao (m) | Số loài | % | Loài thường gặp |
< 700 | 73 | 58,4 | Mã đề, Ngưu tất, Câu đằng, Đại bi, Cỏ xước, Hà thủ ô, Đáng chân chim, Đơn nem, Mò hoa đỏ, Mò hoa trắng, Mía dò, Đẳng sâm... |
700 – 1000 | 94 | 75,2 | Sa nhân, Hà thủ ô đỏ, Khúc khắc, Chuối rừng, Lông cu ly, Thiên niên kiện, Sơn tra, Lan, Móc câu đằng... |
> 1000 | 50 | 40,0 | Sa nhân, Hà thủ ô, Kê huyết đằng, Ba kích, Co hành lìn, Dứa rừng, Gắm... |
3.2. Phân bố theo trạng thái rừng
Trên đất không có rừng (IA , IC ) khá nghèo nàn về thành phần loài. Đa số là các loài ưa sáng, chịu được đất khô cằn và ít có giá trị như Cỏ may, Cỏ tranh, Đơn buốt, Mâm xôi. Trong Khu BTTN diện tích trạng thái này chiếm tỷ lệ không nhỏ và cháy rừng thường diễn ra hàng năm.
Trạng thái IIA , IIB có số lượng loài nói chung cũng như số loài có giá trị tăng lên đáng kể so với trạng thái IA, IC. Đặc biệt là trạng thái IIB có số loài đến 44,0%. Một số loài như Sâm đại hành, Cối xay, Câu đằng, Đẳng sâm, Thảo quyết minh... là những loài chịu bóng ít, dễ sống và có giá trị. Đây là những loài có thể mở rộng gây trồng.
Bảng 5. Phân bố loài cây thuốc theo trạng thái rừng và một số sinh cảnh trong Khu BTTN Côpia
Trạng thái rừng, sinh cảnh | Số loài | Tỷ lệ (%) | Một số loài phổ biến |
IA | 8 | 6, | Cỏ tranh, Cỏ may, Đơn buốt, Mâm xôi, Mào gà, Đại bi, Đơn nem |
IC | 14 | 11,2 | Hoắc quang, Chẹo, Sim, Mua, Dây hoa dẻ, Tàu bay, Xương gà |
IIA | 28 | 22,4 | Đại bi, Mã đề, Thảo quyết minh, Vông nem, Mò trắng, đỏ |
IIB | 55 | 44,0 | Trám trắng, Lông cu li, Hà thủ ô, Câu đằng, Vang, Đẳng sâm |
IIIA | 102 | 81,6 | Đẳng sâm, Ba kích, Chuối rừng, Khúc khắc, Bình vôi, Gắm |
IIIB | 24 | 19,2 | Kê huyết đằng, Sa nhân, Lan một lá, Thiên niên kiện, Khoai nưa |
Ven suối, ao, ruộng | 7 | 5,6 | Cỏ nước, Rau má, Bò khai, Rau sam, Khoai nưa |
Vườn nhà, ven rẫy | 19 | 15,2 | Núc nác, Cà gai, Rẻ quạt, Hoa hiên, Ý dĩ, Củ gấu, Náng, Mơ lông |
Trạng thái IIIA có tỷ lệ cao nhất với 81,6%. Trong đó, trạng thái rừng thứ sinh sau khai thác chọn bị tre nứa, dây leo xâm lấn có các loài như Lông cu li, Bình vôi, Gắm. Đến rừng đã bắt đầu phục hồi có các loài Sa nhân, Nghệ đen... và rừng ở giai đoạn tốt hơn có Dứa dại, Chuối rừng, Bình vôi, Khúc khắc... Những loài này hiện bị khai thác gần như cạn kiệt, số lượng còn lại rất ít.
Tại trạng thái IIIB, là trạng thái rừng còn khá tốt, độ tàn che lớn trên 0,7; độ ẩm cao, gặp ít loài hơn so với các trạng thái trên do diện tích gặp trên tuyến ít. Ở đây phân bố phần lớn là các loài có giá trị kinh tế cũng như giá trị bảo tồn cao. Chúng là cây chịu bóng, ưa ẩm như Thiên niên kiện, Khoai nưa, Sa nhân, Lan, Kê huyết đằng, Hà thủ ô. Cần có những biện pháp để hạn chế tình trạng khai thác quá mức đang diễn ra tại đây.
Ngoài các tuyến theo trạng thái rừng, chúng tôi điều tra bổ sung một số tuyến theo sinh cảnh. Ở ven khe, suối, ao, ruộng. Trên các tuyến này đã gặp một số loài thân thảo quen thuộc như Cỏ nước, Rau má, Rau sam... ngoài giá trị làm thuốc, những loài này còn là cây rau phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân.
4. Công dụng
Có nhiều cây chỉ có một tác dụng. Trong quá trình sử dụng người dân không chỉ dùng đơn lẻ một loài mà thường kết hợp với một vài loài cây khác để tăng hiệu quả chữa bệnh hoặc sử dụng để thay thế cho nhau nếu loài kia không có. Trong sử dụng, người dân thường căn cứ vào tác dụng của các bộ phận và hàm lượng chất để bốc thuốc cho phù hợp.
- Dựa vào đặc điểm của trạng thái cây thuốc khi sử dụng, người dân địa phương chia thành 3 dạng như sau:
+ Dạng cây dùng tươi: Chủ yếu là cây thân thảo, hoặc những cây chỉ dùng lá, thân non. Những cây dùng tươi thường để đắp, bôi ngoài da, xông hơi, đun nước tắm, nước uống hoặc ăn như rau. Có thể kể đến như: Lá náng, Đơn nem, Nhội, Bò khai, Mơ, Xương gà…
+ Dạng cây dùng khô: Thuốc lấy về có thể chặt nhỏ phơi khô hoặc sao khô ở các mức độ khác nhau. Loại này thường để sắc uống, ngâm rượu, tán nhỏ thành bột. Thuộc nhóm này có Hà thủ ô đỏ (sắc, ngâm rượu), Kê huyết đằng (ngâm rượu), Khúc khắc (sắc, ngâm rượu uống), Dứa rừng, Hạt chuối rừng phơi khô đun uống thay nước hàng ngày... Việc phơi khô các loài thuốc cũng phải có kinh nghiệm, một số loài có thể phơi ngoài nắng, nhưng có loài chỉ phơi trong bóng râm, đặc biệt là các loài chứa tinh dầu (Củ bình vôi, Gừng, Khúc khắc...) để tránh bị mất tinh dầu làm giảm phẩm chất thuốc.
+ Dạng cây vừa dùng khô, vừa dùng tươi: Hạt sa nhân, Đẳng sâm, Bò khai, Mía dò, Núc nác.
- Dựa vào công dụng của cây thuốc, kết quả phỏng vấn của người dân trong việc sử dụng, có thể phân cây thuốc theo các nhóm tác dụng như sau (bảng 6).
Số liệu bảng 6 cho thấy, cây thuốc trong khu vực khá đa dạng về công dụng. Ngoài 13 nhóm đã thống kê còn có một số loài dùng để chữa rắn cắn (Đơn buốt), chữa đau mắt (Cải cúc), một số loài cây cho thuốc độc như Lá ngón, Lá xoan, Hạt gấc, Chẹo tía...
Trong các nhóm nêu trên, nhóm cây dùng để chữa các bệnh về đường tiêu hóa (đầy bụng, chống ngộ độc...) là nhiều nhất. Người dân địa phương rất có kinh nghiệm trong chế biến món ăn tươi sống hoặc tái với những loại lá ăn kèm, những gia vị vừa giúp ngon miệng, vừa có tác dụng giúp cho tiêu hóa. Ngoài ra, bài thuốc chữa bệnh về xương khớp (bó gẫy xương, đau cột sống) cũng rất tốt, được nhiều người dân vùng khác đến để chữa trị.
Một nhóm khác có tiềm năng phát triển đó là nhóm cây thuốc tắm cho bà mẹ và trẻ em mới sinh. Đa số phụ nữ người dân tộc sử dụng nước đun của một số cây thuốc để tắm sau khi sinh đẻ giúp nhanh phục hồi sức khỏe, không phải kiêng khem lâu, nhiều sữa; trẻ em sơ sinh nhanh cứng cáp, chống ra mồ hôi trộm, ít bị bệnh ngoài da... Các thầy thuốc cho biết, đa số các bài thuốc tắm đều có chung thành phần lá cây, nhưng tùy vào thể trạng của bà mẹ (khỏe hay yếu, sinh dễ hay khó, mất máu nhiều hay ít, có bệnh khác không) mà thêm bớt một số vị cho phù hợp.
Hiện nay, những cây thuốc bản địa được sử dụng làm rau ăn cũng đang được quan tâm. Có một số loài ưa chuộng có khả năng gây trồng và phát triển tốt như Bò khai, Đáng chân chim, Núc nác, Chuối rừng, Lan một lá...
Bảng 6. Nhóm cây thuốc theo công dụng
5. Đánh giá và lựa chọn loài cây thuốc cần bảo tồn và phát triển
Bằng phương pháp đánh giá cho điểm theo ý kiến người dân, chúng tôi đã chọn được 5 loài có triển vọng nhất, đó là: Hà thủ ô, Đẳng sâm, Bò khai, Khúc khắc, Lông cu li. Tuy nhiên, kinh nghiệm gây trồng của người dân về các loài cây này hầu như không có. Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn để phổ biến kỹ thuật gây trồng cho người dân.
Ngoài ra, còn có một số loài cũng cần phải bảo tồn như Kê huyết đằng, Ba kích, Hà thủ ô, Đẳng sâm, Bình vôi...
Kết luận
Số lượng cây thuốc trong Khu BTTN Côpia khá đa dạng về thành phần loài. Đã thống kê 125 loài thuộc 66 họ, 116 chi theo 11 nhóm dạng sống.
Số lượng loài cây thuốc phân bố nhiều nhất ở đai từ 700 - 1000m (94 loài), tiếp đến là đai < 700m (có 73 loài) và đai ít nhất là ở > 1000m có 50 loài. Có 6 trạng thái rừng và 2 sinh cảnh đã gặp cây thuốc, trong đó trạng thái IIIA và IIB có số lượng nhiều nhất.
Người dân trong Khu BTTN Côpia có kiến thức bản địa độc đáo trong sử dụng cây thuốc. Đặc biệt là trong việc chữa trị một số bệnh như xương, lá tắm cho bà mẹ mới sinh, cây thuốc làm rau ăn.
Theo đánh giá, lựa chọn của người dân, có 5 loài: Hà thủ ô (Streptocaulon griffithii), Đẳng sâm (Codonopsis javanica), Bò khai (Erythropalum scandens), Khúc khắc (Smilax glabra), Lông cu li (Cibotium barometz) có triển vọng gây trồng và phát triển.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007: Sách Đỏ Việt Nam, Phần II - Thực vật. NXB. Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2000: Tên cây rừng Việt Nam. NXB. Nông nghiệp.
3. Võ Văn Chi, 2007: Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam. NXB. Giáo dục.
4. Triệu Văn Hùng (chủ biên), 2007: Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam. NXB. Bản đồ.
5. Đỗ Tất Lợi, 2006: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. Y học.
6. Nguyễn Tập, 2007: Cẩm nang cây thuốc cần bảo vệ ở Việt Nam. Mạng lưới Lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam.
7. Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần, Bùi Xuân Chương, 2000: Cây thuốc bài thuốc và biệt dược. NXB. Y học.
Đinh Thị Hoa
Đại học Tây Bắc
Trần Minh Hợi
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)