Các loài trong chi Lãnh công (Fissistigma) là nguồn nguyên liệu để tách chiết các alkaloid có hoạt tính sinh học cao có khả năng diệt khuẩn, chống ung thư... Ở Việt Nam mới chỉ có một số công trình nghiên cứu về mặt hóa học ở chi này. Hầu hết các loài thuộc chi Lãnh công (Fissistigma) đều có chứa tinh dầu hoặc hương thơm, song hàm lượng và thành phần học của tinh dầu ở mỗi loài thường khác nhau.
Nghiên cứu về thành phần hóa học tinh dầu ở trên thế giới và Việt Nam chỉ có một số ít công trình. Từ cây Fissistigma shangtzeense, Fu. F. và cộng sự đã phân lập được 40 hợp chất từ hoa, thành phần chính là linalol (37,8%) và a-terpineol (12,1%). Trần Đình Thắng và Nguyễn Xuân Dũng, 2007 đã nghiên cứu một số loài trong chi Fissistigma ở Việt Nam, xác định các thành phần chính từ cây F. bracteatum là myrcene (83,01%), F. oldhamii là (E)-b-ocimene (10,15%) và a-pinene (6,21%), F. rubigirosa là myrcene (8,80%), d-cadinene (13,36%), (E)-b-ocimene (21,40%), F. polyalthoides là camphene (4,84%), a-phellandrene (8,28%), o-cymene (7,7%), b-phellandrene (14,19%) và (E)-b-ocimene (43,40%).
Trong chương trình nghiên cứu của chúng tôi về mặt hoá học, nhằm phục vụ cho việc tìm kiếm các loại tinh dầu và các hoạt chất mới; góp phần cho công tác điều tra cơ bản nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng Bắc Trường Sơn, định hướng cho việc sử dụng nguồn tài nguyên này. Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.) là kết quả nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi về chi này.
Phương pháp nghiên cứu
Cành của cây Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.) được thu hái ở Hà Tĩnh vào tháng 5 năm 2007. Tiêu bản của loài này đã lưu giữ ở Trường Đại học Vinh.
Cành tươi (3kg) được cắt nhỏ và chưng cất bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước trong thời gian 3 giờ ở áp suất thường theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam. Hàm lượng tinh dầu lá là 0,1% (tính theo nguyên liệu tươi). Hoà tan 1,5 mg tinh dầu đã được làm khô bằng natrisunfat khan trong 1ml metanol tinh khiết sắc ký hoặc loại dùng cho phân tích phổ.
Sắc ký khí (GC): Được thực hiện trên máy Agilent Technologies HP 6890N Plus gắn vào detectơ FID của hãng Agilent Technologies, Mỹ. Cột sắc ký HP-5MS với chiều dài 30m, đường kính trong (ID) = 0,25mm, lớp phim mỏng 0,25mm đã được sử dụng. Điều kiện phân tích như công bố trong các bài báo trước đây của chúng tôi. Khí mang H2. Nhiệt độ buồng bơm mẫu (kĩ thuật chương trình nhiệt độ-PTV) 250oC. Nhiệt độ detectơ 260oC. Chương trình nhiệt độ buồng điều nhiệt: 60oC (2 min), tăng 4oC/min cho đến 220oC, dừng ở nhiệt độ này trong 10 min.
Sắc ký khí-khối phổ (GC/MS): Việc phân tích định tính được thực hiện trên hệ thống thiết bị sắc ký khí và phổ ký liên hợp GC/MS của hãng Agilent Technologies HP 6890N. Agilent Technologies HP 6890N/ HP 5973 MSD được lắp với cột tách mao quản và vận hành sắc ký như ở trên với He làm khí mang.
Việc xác nhận các cấu tử được thực hiện bằng cách so sánh các dữ kiện phổ MS của chúng với phổ chuẩn đã được công bố có trong thư viện Willey/Chemstation HP. Trong một số trường hợp được kiểm tra bằng các chất trong tinh dầu đã biết hoặc chất chuẩn.
Kết quả nghiên cứu
1. Mô tả và phân bố của cây Bổ béo trắng
Dây leo thân gỗ, dài 10-20m. Cành non có lông tơ màu vàng. Lá hình bầu dục thuôn, cỡ (13)16-25(30) x (5)7-10(16)cm, chóp lá gần tròn (có gai ngắn ở đỉnh), gốc lá tròn hoặc gần hình tim, mặt dưới nhiều lông tơ; gân bên khoảng 8-22 đôi, song song và tận mép; cuống lá dài 1-1,2cm. Hoa hợp thành xim bó, gần như ở đỉnh cành hoặc ngoài nách lá. Nụ hoa hình trứng thuôn. Cánh hoa ngoài hình mác dài 2,5-3,5cm rộng chừng 6mm; cánh hoa trong hẹp hơn, cỡ 1,7-2 x 0,3cm. Nhị dài cỡ 1,5mm. Lá noãn khoảng 10-15, dài chừng 4mm; bầu có lông rậm. Noãn 10-16. Phân quả hình trứng hoặc thuôn, 4-5 x 2,5-3,5cm, vỏ quả dày (4-5mm), rất sần sùi và có lông màu vàng.
Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa tháng 3-7, mang quả tháng 11-3 (năm sau). Mọc rải rác ở rừng nguyên sinh, nơi ẩm, gần khe suối, vùng núi đất, ở độ cao 500-1000m.
Phân bố: Lào Cai (Sapa), Sơn La (Mộc Châu: Chiềng Vè), Hòa Bình (Đà Bắc, Cao Sơn, chân Núi Biều), Nghệ An (Quỳnh Lưu), Hà Tĩnh (Thạch Hà), Thừa Thiên Huế (A Minh, A Lưới, Bạch Mã), Đà Nẵng (Đèo Hải Vân), Kon Tum (Đác Glây: Mường Hoong, Kon Plông: Măng Cành), Đắk Lắk (Đắk Mil: Đức Minh; Đắk Nông: Đạo Nghĩa), Lâm Đồng (Dran et Ka Nam, Di Linh), Đồng Nai (Biên Hòa, Bảo Chánh), còn có ở Lào, Campuchia.
2. Thành phần hóa học của tinh dầu cành cây Bổ béo trắng
Hàm lượng tinh dầu từ cành cây Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.) là 0,1% (theo nguyên liệu tươi). Tinh dầu là chất lỏng có mùi thơm đặc biệt.
Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu cành cây Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.) ở Hà Tĩnh bằng phương pháp sắc ký khí (GC) và sắc ký khí khối phổ (GC/MS). Kết quả phân tích được trình bày ở bảng 1.
Số liệu thu được ở bảng 1 cho thấy, hơn 50 hợp chất được tách ra từ tinh dầu, trong đó 35 hợp chất được xác định, chiếm đến 95,3% của tổng hàm lượng tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là g-terpinen (22,0). Các cấu tử khác ít hơn là β-phellandren (7,3%), bicyclogermacren (7,2%), (Z)-b-ocimen (6,4%), a-terpinen (6,0%), β-caryophyllen (6,0%), β-elemen (6,0%), p-cymen (5,9%), (E)-b-ocimen (4,8%), a-humulen (3,6%), eudesma-4 (14),11-dien (3,2%), d-3-caren (2,3%), germacren D (2,3%), myrcen (2,2%), β-selinen (1,8%), a-phellandren (1,6%), germacren A (1,6%). Các chất còn lại phần lớn có hàm lượng từ 0,1% đến 0,9%.
Bảng 1. Thành phần hoá học của tinh dầu cành cây Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.)
STT | Hợp chất | KI | % FID |
1 | a-thujen | 929 | 0,2 |
2 | a-pinen | 939 | 1,3 |
3 | Sabinen | 976 | vết |
4 | β-pinen | 980 | 0,9 |
5 | Myrcen | 990 | 2,2 |
6 | a-phellandren | 1006 | 1,6 |
7 | d-3-caren | 1013 | 2,3 |
8 | a-terpinen | 1016 | 6,0 |
9 | p-cymen | 1026 | 5,9 |
10 | β-phellandren | 1030 | 7,3 |
11 | (Z)-b-ocimen | 1043 | 6,4 |
12 | (E)-b-ocimen | 1052 | 4,8 |
13 | g-terpinen | 1061 | 22,0 |
14 | a-terpinolen | 1090 | 0,3 |
15 | linalool | 1100 | vết |
16 | Alloocimen | 1144 | 0,2 |
17 | a-cubeben | 1376 | vết |
18 | a-copaen | 1391 | 0,3 |
19 | β-elemen | 1391 | 6,0 |
20 | (Z)-a-bergamoten | 1428 | vết |
21 | β-caryophyllen | 1419 | 6,0 |
22 | a-guaien | 1440 | vết |
23 | Aromadendren | 1445 | vết |
24 | a-humulen | 1454 | 3,6 |
25 | germacrene D | 1486 | 2,3 |
26 | β-selinen | 1490 | 1,8 |
27 | bicyclogermacren | 1499 | 7,2 |
28 | germacrene A | 1509 | 1,6 |
29 | selina-3,7(11) dien | 1547 | vết |
30 | d-cadinen | 1525 | 0,2 |
31 | Spathulenol | 1576 | 0,3 |
32 | Caryophyllene oxit | 1581 | 0,7 |
33 | Viridiflorol | 1592 | 0,2 |
34 | t-muurolol | 1641 | vết |
35 | benzyl benzoat | 1763 | 0,5 |
Ghi chú: KI: Chỉ số Kovats; vết <0,1%.
Kết luận
Hàm lượng tinh dầu trong cành cây Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.) ở Hà Tĩnh là 0,1% (theo nguyên liệu tươi).
35 hợp chất trong tinh dầu từ cành cây Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii (Pierre ex Fin. & Gagnep.) Merr.) ở Hà Tĩnh đã được xác định, chiếm đến 95,3% của tổng hàm lượng tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là g-terpinen (22,0), β-phellandren (7,3%), bicyclogermacren (7,2%), (Z)-b-ocimen (6,4%), a-terpinen (6,0%), β-caryophyllen (6,0%), β-elemen (6,0%), p-cymen (5,9%).
Tài liệu tham khảo
1. Adams R. P., 2001: Identification of Essential Oil Components by Gas Chromatography/ Quadrupole Mass Spectrometry. Allured Publishing Corp., Carol Stream, IL
2. Nguyễn Tiến Bân, 2000: Thực vật chí Việt Nam - Họ Na (Annonaceae). NXB. KH & KT, Hà Nội.
3. Chen Y., D. Q. Yu, 1996: Planta Medica, 62(6): 512-514.
4. Dược điển Việt Nam, 1997: NXB. Y học, Hà Nội.
5. Đỗ Ngọc Đài, Trần Đình Thắng, Nguyễn Xuân Dũng, 2008: Tạp chí Sinh học, 30(4): 52-56.
6. Fu F., Z. Zhang, Y. Shi, 1988: Yunnan Zhi Wu Yan Jiu, 10: 105-108.
7. Joulain D., W. A. Koenig, 1998: The Atlas of Spectral Data of Sesquiterpene Hydrocarbons. E. B. Verlag, Hamburg.
8. Heller S. R., G. W. A. Milne, 1978, 1980, 1983: EPA/NIH Mass Spectral Data Base. U.S. Government Printing Office. Washington D. C.
9. Kan W. S., 1979: In Pharmaceutical Botany. National Research Institute of Chinese Medicine: Taiwan, p. 268.
10. Lien T. P. et al., 2000: Phytochemistry, 53(8): 991-995.
11. Lã Đình Mỡi, Dương Đức Huyến, Nguyễn Tiến Bân, 2004: Chi Lãnh công (Fissistigma Griff.). Tài nguyên thực vật Đông Nam Á, Tập 6: 11-18. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
12. Porzel A. et al., 2000: Tetrahedron, 56(6): 865-872.
13. SFDA, 2007: In Chinese Herbal Medicine; Shanghai Science and Technology. Publishing Co. Shanghai, Vol. 3, pp. 1594-1595.
14. Stenhagen E., S. Abrahamsson, F. W. McLafferty, 1974: Registry of Mass Spectral Data. Wiley, New York.
15. Swigar A. A., R. M. Siverstein, 1981: Monoterpenens. Aldrich, Milwaukee.
16. Thang T. D., H. V. Luu, N. X. Dung, 2004: J. Essent. Oil Bearing Plants, 7(1): 43-48.
17. Trần Đình Thắng, Nguyễn Xuân Dũng, 2007: Progress in the study of some Fissistigma species from Vietnam, in book Edit by: Dr. Leopold Jirovetz, Dr. Nguyen Xuan Dung and Dr. V.K. Varshney. Aromatic Plants from Asia their Chemistry and Application in Food and Therapy. Har Krishan Bhalla & Sons, Dehradun, India.
Đỗ Ngọc Đài, Trần Đình Thắng
Đại học Vinh
Trần Minh Hợi
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam
Nguyễn Xuân Dũng
ĐHQGHN
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)