Trong thực tế, nguồn cây thuốc trong KBTTN Takóu đã trở nên khan hiếm do bị khai thác với số lượng lớn, liên tục và thiếu kiểm soát, không chú ý đến bảo vệ tái sinh tự nhiên. Tình trạng này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, khi nhu cầu chữa bệnh bằng dược liệu tự nhiên ngày càng gia tăng.
Nghiên cứu kiến thức bản địa về sử dụng cây thuốc tại KBTTN Takóu không chỉ góp phần bảo tồn kiến thức bản địa về cây thuốc mà còn giúp đem lại các thông tin cần thiết cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc tại địa phương.
Mục đích của bài báo này là trình bày về thành phần cây thuốc được cộng đồng địa phương thu hái để sử dụng tại chỗ và mua bán, đôi khi trồng tại vườn nhà, mà chúng tôi đã thu thập trong thời gian gần đây. Các thông tin về cách thức sử dụng, tình hình khai thác cây thuốc và nhu cầu sử dụng cây thuốc sẽ được giới thiệu trong công trình khác.
Phương pháp nghiên cứu
Thông tin về cây thuốc do cộng đồng địa phương thu hái cho mục đích sử dụng tại chỗ và mua bán được thu thập thông qua các công cụ đánh giá nhanh có sự tham gia PRA (Participatory Rapid Appraisal), gồm phỏng vấn bán định hướng và phỏng vấn định hướng. Đối tượng phỏng vấn gồm 20 thầy thuốc cổ truyền và khoảng 30 đối tượng khác - là những người có kiến thức trong việc sử dụng cây thuốc như: người hái thuốc, người bán thuốc, các cửa hàng Đông y, phòng chẩn trị y học cổ truyền và người dân.
Việc thu thập tiêu bản cây thuốc được tiến hành theo phương pháp điều tra theo tuyến với người cung cấp thông tin quan trọng là người hái thuốc và thầy thuốc địa phương (Martin, 2002). Các tuyến khảo sát được thiết kế dựa trên những kinh nghiệm của người cung cấp thông tin. Đó là những tuyến đường có thể thu thập nhiều loài cây thuốc và đại diện cho nhiều kiểu địa hình và kiểu thảm thực vật khác nhau trong khu bảo tồn. Các tuyến khảo sát còn được thiết kế quanh thôn làng, trên đồng ruộng, nương rẫy để thu thập những cây thuốc được người dân lấy từ KBTTN Takóu về trồng tại gia đình.
Tiêu bản thu thập gồm lá, cơ quan sinh sản (hoa, quả, hạt). Khi có thể, thu thêm các bộ phận được sử dụng làm thuốc (hạt, củ, vỏ, rễ, thân, dây...) để làm mẫu dược liệu. Trong quá trình thu mẫu, sử dụng máy định vị GPS đánh dấu tọa độ điểm thu mẫu. Mẫu vật được xử lý sơ bộ trên thực địa, sau đó được xử lý hoàn thiện và giữ tại Bảo tàng thực vật (VNM) của Viện Sinh học nhiệt đới.
Định danh mẫu vật bằng phương pháp so sánh hình thái dựa trên các tài liệu thông dụng: Phạm Hoàng Hộ (2000), Đỗ Tất Lợi (2005), Pételot (1952-1954), Võ Văn Chi (1997 và đối chiếu với các tiêu bản trong Bảo tàng Thực vật VNM. Các chuyến khảo sát thực địa được tiến hành từ tháng 08 năm 2008 đến tháng 05 năm 2009, với tổng cộng 65 ngày thực địa.
Kết quả nghiên cứu
Qua quá trình điều tra và ghi nhận những kinh nghiệm, hiểu biết của các thầy thuốc, người dân địa phương ở 15 thôn, thuộc 05 xã và 01 thị trấn nằm trong vùng đệm Khu BTTN Takóu, thống kê được 187 tên cây thuốc theo tên địa phương và khảo sát thực địa thu 179 kí hiệu mẫu thực vật. Kết quả định danh mẫu vật cho thấy chúng gồm 163 taxa, đã xác định chúng thuộc 66 họ thực vật, định danh được 133 taxa đến loài (trong đó có 05 loài khuyết thực vật và 127 loài thực vật có hạt), có 25 taxa xác định đến chi, 4 taxa xác định đến họ nhưng chưa đến chi, 1 taxa chưa xác định được thuộc họ nào. Trong số tiêu bản thu thập có 03 loài du nhập từ nơi khác, gồm: Đậu Săng Cajanus cajan (L.) Mills, Thuốc cứu Artemisia vulgaris L. và Thương lục Phytolacca americana L.. Như vậy, đã xác định được 160 loài cây bản địa thuộc KBTTN Takóu được người dân thu hái và sử dụng làm thuốc, phân bố các taxa này trong các ngành thực vật được trình bày ở bảng 1 và trong các họ được trình bày ở Phụ lục.
Bảng 1. Số lượng taxa bản địa ở KBTTN Takóu được thu hái và sử dụng làm thuốc
Ngành/lớp | Số họ | Số chi | Số loài |
Ngành Thông đất - Lycopodiophyta | 1 | 1 | 1 |
Ngành Dương xỉ - Polypodiophyta | 5 | ≥4 | 5 |
Ngành Dây gắm - Gnetophyta | 1 | 1 | 1 |
Ngành Ngọc lan - Magnoliophyta | | | |
Lớp Ngọc lan - Magnoliopsida | ≥48 | ≥111 | ≥130 |
Lớp Hành - Liliopsida | 11 | 18 | 23 |
Tổng số | ≥66 | ≥135 | ≥160 |
Các họ thực vật có nhiều loài có giá trị dược liệu được người dân thu hái, sử dụng và mua bán được trình bày trong bảng 2, trong đó các họ có trên 05 loài gồm: họ Đậu (Fabaceae) chiếm nhiều nhất (16 loài hay 10%), họ Cà phê (Rubiaceae) xếp thứ hai (10 loài), còn lại là các họ Cúc (Asteraceae), Gừng (Zingiberaceae), Thầu dầu (Euphorbiaceae) và Bông (Malvaceae)...
Bảng 2. Những họ thực vật có nhiều loài có giá trị làm thuốc dựa trên kiến thức bản địa
STT | Tên cây thuốc | Tên khoa học | Số loài | % |
01 | Fabaceae | Họ Đậu | 16 | 10% |
02 | Rubiaceae | Họ Cà phê | 10 | 6% |
03 | Asteraceae | Họ Cúc | 8 | 5% |
04 | Euphorbiaceae | Họ Thầu dầu | 6 | 4% |
05 | Zingiberaceae | Họ Gừng | 6 | 4% |
06 | Malvaceae | Họ Bông | 6 | 4% |
07 | Menispermaceae | Họ Tiết dê | 5 | 3% |
08 | Scrophulariaceae | Họ Hoa mõm chó | 5 | 3% |
Trong tổng số 133 loài ghi nhận được, có 10 loài được ghi trong Danh lục Đỏ Việt Nam (2007) hoặc Danh lục các loài bị nguy cấp của IUCN (2007) (xem bảng 3), trong đó 08 loài đã được cấp báo trong Sách Đỏ Việt Nam (2007): 04 loài thuộc nhóm Nguy cấp - EN (Endangered), 04 loài thuộc nhóm Sẽ nguy cấp - VU (Vulnerable); 02 loài được đưa vào Danh lục các loài bị nguy cấp của IUCN (2007). Ngoài ra, có 06 loài có tên trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006): 02 loài EN và 04 loài VU.
Bảng 3. Một số loài cây thuốc quan trọng trong bảo tồn
Tên khoa học | Tên cây thuốc | Phân hạng theo |
IUCN Red List (2007) | Danh lục Đỏ Việt Nam (2007) | Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006) |
Caesalpinia sappan L. | Tô mộc | LR/lc | | |
Curculigo orchioides Gaertn. | Sâm thượng | | EN | VU |
Drynaria bonii Christ. | Ráng bay | | VU | VU |
Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J.Smith | Cốt toái bổ | | EN | EN |
Nepenthes thorelii Lecomte | Nắp ấm | DD | | |
Nervilia fordii (Hance) Schlechter | Cây một lá | | EN | EN |
Raphistemma hooperianum (Bl.) DC. | Trâm hùng | | EN | |
Selaginella tamariscina (Beauv.) Spring | Quyển bá trường sinh | | VU | VU |
Stemona cochinchinensis Gagnep. | Bách bộ | | VU | |
Stemona pierrei Gagnep. | Bách bộ | | VU | VU |
Kết luận
Đã xác định có ít nhất 163 loài thuộc 66 họ thực vật có mạch được người dân thu hái và sử dụng làm thuốc tại các xã vùng đệm ở KBTTN Takóu. Năm họ có thành phần loài nhiều nhất là họ Đậu (16 loài), họ Cà phê (10 loài), họ Cúc (8 loài), họ Gừng (6 loài) và họ Thầu dầu (6 loài).
Trong đó, có tám loài cây thuốc quí hiếm được ghi trong Danh lục Đỏ Việt Nam (2007), gồm Curculigo orchioides, Drynaria fortune, Nervilia fordii, Raphistemma hooperianum thuộc nhóm nguy cấp (EN), Drynaria bonii, Selaginella tamariscina, Stemona cochinchinensis, Stemona pierrei thuộc nhóm sẽ nguy cấp (VU) và hai loài được ghi trong Danh lục các loài bị nguy cấp của IUCN (2007), gồm Caesalpinia sappan thuộc nhóm ít nguy cấp (LR) và Nepenthes thorelii thuộc nhóm thiếu dẫn liệu (DD). Đây là những loài cần có sự quan tâm đặc biệt trong nghiên cứu và trong công tác bảo tồn tại KBTTN Takóu.
Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc tại địa phương, nhất là các loài nói trên. Ngoài ra, cần thúc đẩy các biện pháp gây trồng và phát triển nguồn dược liệu trong người dân, nhằm giảm áp lực khai thác từ tự nhiên và tạo thêm nguồn thu nhập thay thế cho các hộ sống bằng nghề khai thác cây thuốc.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007: Sách Đỏ Việt Nam, Phần Thực vật. NXB. KH & KT, Hà Nội.
2. Võ Văn Chi, 1997: Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Hà Nội.
3. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam, 3 quyển. NXB. Trẻ.
4. IUCN, 2007: IUCN Red List of Threatened Species.
5. Đỗ Tất Lợi, 2005: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Hà Nội.
6. Martin G. J., 2002: Thực vật dân tộc học, Sách hướng dẫn phương pháp (Bản dịch). NXB. Nông nghiệp.
7. Pételot A., 1952-1954: Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam.
8. Nguyễn Tập, 2007: Cẩm nang cây thuốc cần bảo vệ ở Việt Nam. Mạng lưới lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, Hà Nội.
9. Lưu Hồng Trường, 2000: Kỷ yếu Hội nghị Khoa học, Công nghệ và Môi trường miền Đông Nam Bộ lần thứ VI: 169-171.
10. Lưu Hồng Trường, Lý Ngọc Sâm, Nguyễn Vinh Hiển, 2007: Thực vật hữu ích chọn lọc từ núi Takóu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Takóu. 47 trang. NXB. Tổng hợp Tp. HCM.
Phụ lục: Số lượng các taxa thực vật làm thuốc trong các họ thực vật theo kiến thức bản địa ở KBTTN Takóu
STT | Họ (Latin) | Họ (tiếng Việt) | Số loài |
1 | Acanthaceae | Ô rô | 2 |
2 | Amaranthaceae | Rau dền | 4 |
3 | Ancistrocladaceae | Trung quân | 2 |
4 | Annonaceae | Na | 3 |
5 | Apocynaceae | Trúc đào | 3 |
6 | Araceae | Ráy | 2 |
7 | Araliaceae | Ngũ gia bì | 2 |
8 | Asclepiadaceae | Thiên lý | 3 |
9 | Asparagaceae | Thiên môn | 1 |
10 | Asteraceae | Cúc | 8 |
11 | Balanophoraceae | Dó đất | 1 |
12 | Bignoniaceae | Chùm ớt | 1 |
13 | Blechnaceae | Guột rạng | 1 |
14 | Bombacaceae | Gạo | 1 |
15 | Boraginaceae | Vòi voi | 1 |
16 | Capparaceae | Bạch hoa | 4 |
17 | Caryophyllaceae | Cẩm chướng | 1 |
18 | Clusiaceae | Bứa | 1 |
19 | Convolvulaceae | Bìm | 3 |
20 | Cucurbitaceae | Bầu bí | 1 |
21 | Cyperaceae | Cói | 2 |
22 | Dennstaedtiaceae | Áo cốc | 1 |
23 | Dilleniaceae | Sổ | 1 |
24 | Dioscoreaceae | Củ nâu | 1 |
25 | Dracaenaceae | Huyết giác | 2 |
26 | Euphorbiaceae | Thầu dầu | 6 |
27 | Fabaceae | Đậu | 16 |
28 | Gesneriaceae | Tai voi | 1 |
29 | Gnetaceae | Dây gấm | 1 |
30 | Hypoxidaceae | Hạ trâm | 1 |
31 | Icacinaceae | Thụ đào | 1 |
32 | Lamiaceae | Bạc hà | 1 |
33 | Lauraceae | Long não | 1 |
34 | Leeaceae | Gối hạc | 1 |
35 | Loganiaceae | Mã tiền | 1 |
36 | Loranthaceae | Chùm gửi | 3 |
37 | Malvaceae | Bông | 6 |
38 | Melastomataceae | Mua | 3 |
39 | Meliaceae | Xoan | 2 |
40 | Menispermaceae | Tiết dê | 5 |
41 | Moraceae | Dâu tằm | 3 |
42 | Myrtaceae | Sim | 2 |
43 | Nepenthaceae | Nắp ấm | 1 |
44 | Olacaceae | Dương đầu | 1 |
45 | Opiliaceae | Sơn cam | 1 |
46 | Orchidaceae | Lan | 3 |
47 | Passifloraceae | Lạc tiên | 1 |
48 | Phytolaccaceae | Thương lục | 1 |
49 | Poaceae | Hòa bản | 1 |
50 | Polygonaceae | Rau răm | 1 |
51 | Polypodiaceae | Ráng | 2 |
52 | Rhamnaceae | Táo | 1 |
53 | Rhizophoraceae | Đước | 1 |
54 | Rubiaceae | Cà phê | 10 |
55 | Rutaceae | Cam | 3 |
56 | Sapindaceae | Bồ hòn | 1 |
57 | Schizaeaceae | Ráng ngón | 1 |
58 | Scrophulariaceae | Hoa mõm chó | 5 |
59 | Selaginellaceae | Quyển bá | 1 |
60 | Simaroubaceae | Thanh thất | 2 |
61 | Smilacaceae | Kim cang | 2 |
62 | Stemonaceae | Bách bộ | 2 |
63 | Verbenaceae | Cỏ roi ngựa | 4 |
64 | Viscaceae | Ghi | 1 |
65 | Vitaceae | Nho | 4 |
66 | Zingiberaceae | Gừng | 6 |
Trương Anh Thơ, Đinh Hoàng Dũng, Vũ Ngọc Long, Lưu Hồng Trường
Viện Sinh học nhiệt đới
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)