Theo Sách Đỏ Việt Nam, 102 loài được quy định thì trong đó đã có 60 loài được bảo tồn bằng hình thức ex situ tại các vườn thực vật, vườn cây thuốc trong nước. Như vậy nguồn tài nguyên cây thuốc của chúng ta đang bị đe dọa, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Trên thực tế chúng ta đã có những biện pháp bảo vệ, nhưng những thông tin về tính đa dạng của nguồn tài nguyên này còn thiếu hoặc chưa chính xác. Các quá trình xẩy ra ở cộng đồng liên quan đến bảo tồn, phát triển và sử dụng cây thuốc một cách bền vững chưa được quan tâm đầy đủ.
Để phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh vật, bảo tồn nguồn gen, bảo tồn những kinh nghiệm phong phú và quý báu của đồng bào dân tộc, bên cạnh đó thì việc kiểm kê, bổ sung và hệ thống hoá nguồn tài nguyên cây thuốc là việc làm cần thiết nhằm sử dụng một cách khoa học và có hiệu quả trong tương lai. Cho nên chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu cây thuốc truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở xã Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An.
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp kế thừa: Kế thừa các nguồn tài liệu về địa hình địa lý ở Uỷ ban nhân dân huyện và các tài liệu liên quan.
- Phương pháp điều tra phỏng vấn nhân dân: Phát phiếu điều tra và tiếp xúc với các thầy thuốc, người dân có kinh nghiệm về thuốc để phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn tập hợp và sắp xếp theo vần abc theo tiếng dân tộc để làm cơ sở thu mẫu.
- Phương pháp thu mẫu và xử lý mẫu vật: Căn cứ trên danh lục đã có tiến hành thu mẫu cùng với các thầy thuốc. Thu hái mẫu: thu hái một cách đầy đủ và đại diện cho các loài theo danh lục đã phỏng vấn. Xử lý và bảo quản mẫu: mẫu vật thu được trên thực địa được xử lý theo phương pháp của Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997.
- Phương pháp xác định tên khoa học và danh lục.
- Phương pháp đánh giá tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc: Các chỉ tiêu được đánh giá dựa trên phương pháp đánh giá của Nguyễn Nghĩa Thìn, Ngô Trực Nhã, Nguyễn Thị Hạnh năm 1999, bao gồm: đa dạng về taxon; đa dạng về dạng sống; đa dạng về môi trường sống; đa dạng các bộ phận sử dụng; đa dạng về các nhóm bệnh chữa trị; đánh giá mức độ nguy cấp: theo Sách Đỏ Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu
1. Thống kê các loài cây thuốc của dân tộc Thái xã Thạch Giám, Tương Dương
Qua quá trình điều tra, đã thu thập những kinh nghiệm hiểu biết của các ông lang bà mế (thầy thuốc) thuộc xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An. Các mẫu cây được người dân sử dụng làm thuốc đã được xử lý, trình bày, xác định tên khoa học và được lưu giữ tại Bảo tàng Sinh vật 19 Lê Thánh Tông Hà Nội (HNU). Chúng tôi thu thập được 231 loài, 192 chi, 88 họ thuộc 4 ngành: ngành Thông đất (Lycopodiophyta), ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta), ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) các họ được sắp xếp theo Brummitt (1992).
2. Đánh giá tính đa dạng về thành phần loài cây thuốc của dân tộc Thái xã Thạch Giám, huyện Tương Dương
2.1. Đa dạng về taxon
Để đánh giá chỉ tiêu này, chúng tôi so sánh với hệ thực vật làm thuốc của cả nước Việt Nam. Bảng 1 cho thấy, tuy với diện tích rất nhỏ nhưng tỉ lệ các bậc taxon của cây thuốc ở xã Thạch Giám so với cả nước là khá cao (chiếm 9,02% so với cả nước). Điều đó nói lên sự đa dạng về số lượng các taxon trong hệ thực vật làm thuốc ở đây là rất cao.
Bảng 1. So sánh hệ cây thuốc của dân tộc Thái Thạch Giám với hệ cây thuốc Việt Nam
Các chỉ tiêu so sánh | Thạch Giám | Việt Nam | Tỷ lệ % |
Diện tích (km2) | 87,1639 | 330.000 | 0,026 |
Số họ | 88 | 272 | 32,35 |
Số chi | 192 | 1525 | 12,59 |
Số loài | 231 | 3870 | 5,97 |
Tổng | 511 | 5667 | 9,02 |
Ghi chú: số loài cây thuốc Việt Nam theo Nguyễn Văn Tập và cộng sự, 2006.
2.2. Sự đa dạng về các dạng cây làm thuốc ở xã Thạch Giám
Từ định hướng khai thác và sử dụng bền vững cần phân tích tính đa dạng về dạng sống của các cây thuốc. Từ bảng 2 và hình 1 cho thấy dạng sống của thực vật làm thuốc ở xã Thạch Giám là rất đa dạng và phong phú. Nhóm cây thân thảo chiếm tỉ lệ cao nhất (31,16%), nhóm cây thân gỗ thứ 2 (27,70%), nhóm cây bụi thứ 3 (23,80%) và cuối cùng là nhóm dây leo (17,31%).


Môi trường sống nương rẫy Môi trường sống trong rừng


Môi trường sống ở đồi Môi trường sống gần nước

Hình 1: Biểu đồ tỷ lệ các nhóm dạng sống của cây thuốc ở Thạch Giám
Dạng sống | Cây thảo | Cây gỗ | Cây bụi | Dây leo |
Số lượng loài | 72 | 64 | 55 | 40 |
Tỷ lệ % | 31,16 | 27,70 | 23,80 | 17,31 |
Bảng 2. Sự đa dạng về dạng sống của các cây thuốc ở Thạch Giám
Môi trường sống | Số loài | Tỷ lệ % so với tổng số loài |
Sống ở núi (rừng sâu, rừng thứ sinh, ven rừng) | 108 | 46,75 |
Sống ở vườn (vườn nhà, nương rẫy, bản làng) | 99 | 42,86 |
Sống ở đồi (đồi núi, trảng cây bụi...) | 45 | 19,48 |
Sống ở gần nước (khe suối, ruộng...) | 34 | 14,72 |
2.3. Sự phân bố của cây thuốc theo môi trường sống ở xã Thạch Giám
Môi trường sống của các loài đã được xác định và thống kê ở bảng 3, theo đó có 4 môi trường sống chính là: rừng, đồi, nương - vườn và ở gần nước.
Bảng 3. Phân bố của các loài cây thuốc theo môi trường sống
Từ kết quả ở bảng 3 cho thấy môi trường sống ở núi có nhiều cây thuốc nhất với 108 loài, chiếm tới 46,75% tổng số. Các loài quí hiếm cần được bảo tồn tập trung chủ yếu ở đây như: Lá khôi (Ardisia silvestris Pit.), Sa nhân (Amomum villosum Lour.)... Số lượng loài cây thuốc đang được khai thác ở trong rừng của người dân địa phương là rất cao. Trong công tác bảo tồn chúng ta cần có biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý có hiệu quả.
2.4. Đa dạng về tần số sử dụng các bộ phận khác nhau
Nghiên cứu các bộ phận sử dụng của cây giúp cho việc sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu và định hướng được những phân tích về thành phần hóa học cũng như khả năng dược tính của nó, đồng thời cũng tránh được nguy hiểm có thể xảy ra. Để thấy rõ tính đa dạng về tần số sử dụng các bộ phận khác nhau để làm thuốc, chúng ta xem bảng 4.

Các bộ phận sử dụng: thân rễ, quả, lá
Bảng 4. Tần số sử dụng các bộ phận làm thuốc của các loài cây
STT | Bộ phận sử dụng | Số loài |
Số lượng | Tỷ lệ % so với tổng số loài |
1 | Lá | 123 | 53,25 |
2 | Rễ (củ) | 101 | 43,72 |
3 | Thân | 74 | 32,03 |
4 | Vỏ | 48 | 20,78 |
5 | Quả | 46 | 19,91 |
6 | Hạt | 40 | 17,32 |
7 | Hoa | 20 | 8,66 |
8 | Nhựa | 7 | 3,03 |
Phân tích bảng 4 cho thấy tính đa dạng và phong phú của tần số sử dụng các bộ phận khác nhau của cây làm thuốc. Trong đó các bộ phận thường dùng nhất là lá cây có 123 loài, chiếm 53,25% tổng số loài.
2.5. Các nhóm bệnh được đồng bào Thái chữa trị bằng thuốc dân tộc
Từ kinh nghiệm y học cổ truyền cho thấy từ một cây có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh và ngược lại có những bệnh phải kết hợp dùng nhiều loại cây mới có hiệu quả tốt. Căn cứ vào tài liệu của Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi... và thực tế các loại bệnh được người Thái ở Thạch Giám chữa trị, chúng tôi tạm thời chia các cây thuốc dân tộc để chữa các bệnh như trong bảng 5.
Bảng 5. Sự đa dạng về các nhóm bệnh chữa trị bằng cây thuốc dân tộc
Hình 2: Biểu đồ phân bố số lượng các loài cây thuốc theo nhóm bệnh
Từ bảng 5 và hình 2 thấy rằng nguồn tài nguyên cây thuốc ở đây rất đa dạng về công dụng, có thể chữa được khoảng 15 nhóm bệnh khác nhau. Số loài cây có thể chữa bệnh đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu thực, lỵ, chướng bụng, ngộ độc thức ăn... là nhiều nhất 55, kế tiếp là nhóm cây chữa bệnh ngoài da như vết thương, nhiễm trùng da, ghẻ lở, mụn nhọt, nấm chiếm 22,08%... Vậy phải chăng là do điều kiện tự nhiên nơi đây như: khí hậu, địa hình, đặc điểm môi trường... mà người dân với cuộc sống rừng núi họ thường gặp những bệnh về tiêu hoá, xương khớp, bong gân, nhiễm trùng... và ít gặp các bệnh như u, bướu, hơn nữa đây là các bệnh khó chữa trị.
2.6. Một số bài thuốc truyền thống của đồng bào Thái xã Thạch Giám huyện Tương Dương
Qua quá trình điều tra bước đầu chúng tôi đã thống kê 39 bài thuốc sử dụng 52 loài cây để chữa trị cho 15 loại bệnh khác nhau. Sau đây giới thiệu một số bài thuốc:
a. Bệnh trĩ
Bài 1: Phi la (Punica granatum L.); Fà nộc (Callicarpa macrophylla Vahl); Pụng pịnh đánh (Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet.); Ổi (Psidium guajava L.). Mỗi thứ lấy một ít lá, giã nát, lấy lá chuối đùm, cột thành gói cho thêm ít nước, vùi tro của than rồi ngồi lên.
b. Chữa ho
Bài 1: Càng khoóng (Millingtonia hortensis L. F.): lấy thân, rễ nấu sôi để nguội uống.
Bài 2: Nga phà (Microtoena insuavis (Hance) Dunn); Chánh (Citrus aurantiifolia (Chritm.) Sw.); Hính (Zingibera officinale Roscoe); Sồm sắng cá (Oxalis corniculata L.). Cả 4 thứ này lấy mỗi thứ một ít sắc uống chữa ho.
Bài 3: Thà lạt tảu (Croton cascarilloides Raeusch.): thân, rễ, nấu uống chữa ho.
c. Mụn nhọt
Bài 1: Háu hốn (Ipomoea nil (L.) Roth): lấy toàn cây vò, rồi bỏ nước vào cho hỗn hợp đó vào ống nứa nướng trên than lửa xông hơi nóng từ ống nứa vào những chỗ bị mụn nhọt.
Bài 2: Lót (Elaegnus conferta Roxb.): rễ, lá, nấu tắm.
Bài 3: Khứa khửn (Solanum indicum L.): lá giã nát lấy lá chuối đùm vùi tro than sau đó bịt vào chỗ mụn nhọt.
2.7. Những cây thuốc quí và nguy cấp cần được bảo vệ
Theo Sách Đỏ Việt Nam - Phần Thực vật (2007), chúng tôi đã thống kê được tổng số có 4 loài cây thuốc, chiếm 1,73% tổng số loài được sử dụng làm thuốc ở đây, trong đó 3 loài cấp VU, 1 loài cấp EN. Đó là những loài quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ chúng (bảng 6).
Bảng 6. Những loài thực vật làm thuốc ở Thạch Giám có tên trong Sách Đỏ Việt Nam
Ghi chú: EN (endangered): nguy cấp (đang bị đe dọa tuyệt chủng); VU (vulnerable): sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng).
Kết luận
1. Thống kê được số cây thuốc đồng bào Thái xã Thạch Giám là 231 loài thuộc 192 chi 88 họ thực vật, chiếm 5,97% tổng số loài thực vật làm thuốc của cả nước.
2. Thực vật làm thuốc ở Thạch Giám rất đa dạng về dạng sống: cây thân thảo có 72 loài, chiếm 31,16%, tiếp đến là cây thân gỗ có 64 loài, chiếm 27,7%, cây bụi có số lượng 55 loài, chiếm 23,8% và ít nhất là dây leo có 40 loài, chiếm 17,31%.
3. Môi trường sống của thực vật làm thuốc chủ yếu là ở núi có 108 loài, chiếm 46,75% và ở gần nước có số lượng loài ít nhất có 34 loài, chiếm 14,72% tổng số loài của khu hệ.
4. Lá, thân và rễ được sử dụng nhiều nhất. Ít nhất là dùng nhựa cây làm thuốc chỉ có 7 loài, chiếm 3,03 % tổng số loài.
5. Có 15 nhóm bệnh khác nhau được chữa trị bằng thuốc dân tộc.
6. Thu thập 39 bài thuốc được đồng bào Thái Thạch Giám chữa trị cho 15 nhóm bệnh khác nhau.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007: Sách Đỏ Việt Nam - phần II - Thực vật. NXB. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
2. Brummitt R. K., 1992: Vascular plant families and genera. Royal botanic garden, Kew, 804 p.
3. Võ Văn Chi, 1996: Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Ninh Viết Giao, 2003: Địa chí huyện Tương Dương. NXB. Khoa học và Xã hội, Hà Nội.
5. Đỗ Tất Lợi, 2003: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Tập và cs., 2006: Kết quả điều tra nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam giai đoạn 2001-2005. Nghiên cứu phát triển dược liệu và đông dược ở Việt Nam. Viện Dược liệu. NXB. KH & KT, Hà Nội.
7. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngô Trực Nhã, 2001: Cây thuốc đồng bào Thái Con Cuông, Nghệ An. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
Lữ Thị Ngân
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Nguyễn Nghĩa Thìn
Đại học KHTN, ĐHQGHN
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)